"Hịch tướng sĩ" thế kỷ 21 *)

09:29 SA @ Thứ Bảy - 29 Tháng Chín, 2018

Nghe đọc thơ:

.

Ta cùng các ngươi

Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.


Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Scôtlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.

Thật khác nào:
Đem cổ tích mà biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!


Minh họa: Tượng Trần Hưng Đạo ở Nam Định

.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ nhỉnh hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm phong bì tiền thưởng.

Thật là so với:
Thời Tam Quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê” (usd)
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sư
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô? (nano)
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.

Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu vang tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị khắp đồng hoang.

Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm?
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ?

Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!


Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.

Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.

.

Nay ta bảo thật các ngươi:

Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;

Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chắc cả trung đoàn
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu cũng dăm đại đội

Được thế thì:
Kiếm giải “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn Để Tiếng thơm.
Chẳng những Tên Tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.

Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Cho nên mới thảo hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!


*) Bài thơ có tên gốc là "Hịch khoa học công nghệ" của PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Phạm Xuân Cầu viết năm 2010

Với cách mượn lời văn của người xưa, trong nội dung bài Hịch, tác giả đã nêu ra rất nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh việc phát triển khoa học công nghệ trong nước, từ đó so sánh với các quốc gia khu vực và thế giới.

Một vấn đề cũng được tác giả nhắc nhiều trong bài và thu hút sự chú ý, đó là việc, nước ta có quá nhiều các giáo sư, tiến sĩ về khoa học, nhưng để kể tên những người được thế giới công nhận như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu là rất ít.

Trong khi những người không có bằng cấp như “Thần đèn” hay “Hai lúa” có thể dời những công trình lớn hoặc chế tạo máy bay thì rất nhiều bóng dáng giáo sư hay tiến sĩ lại không thấy đâu.

Bên cạnh việc nêu rõ vấn đề yếu kém trong khoa học cộng nghệ của nước ta, bài Hịch của tác cũng đề cập đến vấn đề chạy chức quyền, sự tha hóa trong một bộ phận lãnh đạo, bệnh thành tích…

Ở phần cuối, tác giả Phạm Xuân Cần cũng đặt ra mong muốn, hy vọng mỗi người dân hãy quan tâm nhiều hơn đến việc học hành, nghiên cứu khoa học… để từ đó đất nước sẽ “hóa hổ, hóa rồng”, "trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng"...

Có như vậy thì những thứ như giải thưởng Nobel, Fields… sẽ chẳng còn khó và không còn là điều xa lạ đối với Việt Nam.

Bạn đọc cho rằng "Hy vọng sau bài hịch tinh thần dân tộc sẽ lại bùng lên người người đều cố gắng, đất nước ta ngày càng phát triển giống như khi xưa sau Hịch tướng sĩ quân Nguyên Mông đã bị ta đánh tan tành".

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hịch... nhà báo

    21/06/2015Vũ Ba LanChúng ta cùng sinh ra giữa thời báo chí còn bao cấp! Lớn lên gặp buổi báo chí hội nhập thị trường! Ngó thấy một số ít phóng viên tiêu cực đi lại rong chơi ngoài đường, cố tình uốn cong ngòi bút để đòi tiền vàng, đem uy danh nhà báo bắt nạt cơ sở đòi hối lộ. Lại cậy thế phóng viên, giả hiệu khen chê để thu vét tiền vàng...
  • Hãy dựng tượng Đức Thánh Trần tại Trường Sa và Hoàng Sa!

    21/11/2017Nguyễn Tất ThịnhHãy làm pho tượng Đức Thánh Trần Vĩ Đại ! Đặt ở chính giữa Biển Đông, nơi chúng ta đã tuyên bố chủ quyền về biển đảo !
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Tại sao hai triều đại Lý Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

    22/08/2014Hà Thủy NguyênThời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực...
  • Trần Nhân Tông và bài học tư tưởng giải phóng nội lực

    07/05/2014Văn QuânTìm hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Trần Nhân Tông, trong số những bài học lớn về tư tưởng của Người, cũng là của thời nhà Trần vinh quang - nổi bật và sâu xa nhất chính là bài học về khai phóng nội lực, mà vì nó - Người đã đánh đổi tất cả để dấn thân tìm phương giáo hóa và vượt thoát cộng đồng...
  • Tinh thần bất khuất của người Việt Nam

    25/04/2014Vũ HạnhNhưng cái giá trị lớn nhất của người Việt-Nam là cái ý chí tự cường bất khuất của họ. Suốt trong quá trình lịch sử chưa có một dân tộc nào chiến đấu gian nan như thế, bền bỉ, dẻo dai như thế...
  • Kế sách cứu nước – xây dựng nội lực đất nước hùng cường thế kỷ XXI

    23/01/2013TS. Sử học Nguyễn NhãTôi vốn là nhà sử học nghiên cứu lịch sử Việt Nam với cách nhìn ngàn năm trước hướng về ngàn năm sau, nhận thấy rằng hiện nay không còn là nguy cơ xâm lược mà thật sự đã xảy ra xâm lược lãnh thổ ở Biển Đông và xâm lược phá nát kinh tế văn hóa xã hội Việt một cách thâm sâu chưa từng có...
  • Lòng yêu nước

    20/06/2011TS. Phạm Gia MinhLòng yêu nước vốn rất sâu sắc và mãnh liệt xét trên 2 bình diện xã hội gồm giai tầng lãnh đạo( người nắm quyền cai trị) và người dân ( kẻ bị trị) đã có lúc bị mai một và chỉ còn như cái bóng khi dân bị bóc lột, hà hiếp còn vua , quan chỉ chăm chăm cướp đoạt, làm giàu, hưởng lạc và chia bè kéo cánh...
  • xem toàn bộ