Hãy cứ thử làm dân!
Dân là gốc của nước. Lấy dân làm gốc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ" và do vậy, "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Ông còn giải thích rõ: dân chủ nghĩa là dân là chủvà dân làm chủ. và “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".
Đảng ta tồn tại, phát triển, giành được nhiều thành công là một phần lớn nhờ kiên trì quan điểm cơ bản đó.
Nhưng, lâu nay, trong thực tiễn cuộc sống, có nhiều lúc nhiều nơi, tư tưởng nền tảng đó đã không được gìn giữ và phát huy; Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, nhất là những kẻ nắm quyền lực, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc này của Đảng. Vô cùng nhiều trường hợp, những kẻ này – các ông quan cách mạng, cấu kết với các “ông chủ” mới lên đã bất chấp nguyên tắc pháp lý và đạo lý, tàn phá tài nguyên quốc gia, vi phạm quyền dân chủ của người dân, bốc lột và làm điêu đứng cuộc sống vốn đã khó khăn của người dân. Khoảng cách giữa quan và dân ngày càng xa, càng cách biệt, thậm chí là khắc nghiệt hơn mặc dù vẫn biết quan hệ cá - nước đã như xa vời lắm rồi. Không ai khác chính họ đã làm cho dân xa Đảng, giảm niềm tin với Đảng.
Thiếu tiền thì các quan tìm cách moi tiền của dân kể cả theo kiểu móc túi, thậm chí là chấn lột. Dân không sử dụng BOT cũng phải trả tiền, không chấn lột là gì?Phí bảo vệ môi trường dự tới 8000 đồng/lít, VAT dự lên đến 12% …, không móc túi là gì? Điện tăng giá mà các quan vẫn kêu lỗ mặc dù chi tiêu cả núi tiền không rõ vào đâu. Rồi bao nhiêu khoản các quan tiêu và phá lên đến cả triệu tỷ đồng thì không móc túi với chấn lột là gì? 12 vụ đại án tham nhũng mà Tổng Bí thư đang chỉ đạo xử lý kiên quyết thực chất là 12 vụ ăn cướp của dân, của nước. Nhưng chưa hết, có những cái thiêng liêng, thuộc về dân, dân phải đổ xương, đổ máu ra để giữ từ ngàn đời nay, đó là tài nguyên của đất nước, các quan cũng cướp và phá, và bán không chừa bất cứ thứ gì. Đất nước nông nghiệp mà Dân thiếu đất làm ruộng; Rừng tàn đến kiệt quệ để cho lũ quét cuốn trôi cả làng, cả bản. Ngư dân không có chỗ neo thuyền, đến nỗi đi tắm biển cũng phải nộp tiền!? Rõ ràng, các nhóm lợi ích đang nhảy múa trên sự đau khổ và yếm thế của người dân. Chỉ một vụ án công ty VN Pharma và những hình ảnh bệnh nhân chen chúc trong các bệnh viện ung bướu cũng đã quá đủ để vẽ lên diện mạo của các quan và kiếp nạn của người dân. Các vụ xả lũ thủy điện, thủy lợi Hô Hố, A Vương cũng là dẫn chứng không hề kém thuyết phục về bài học vì dân hay vì ai của các quan. Các quan có tin không, một bữa tiệc của các “đầy tớ” có thể đủ nuôi sống một gia đình “ông chủ” trong cả năm trời. Và khi các ông/bà dư tiền cho con du học, mua biệt thư ở nước ngoài thì vẫn còn nhiều, rất nhiều trẻ em đói và thất học. Có những đứa trẻ đã chết đói trên đường từ trường về, thưa các quan!
Chừng đó vẫn chưa hết vì chưa nói đến hình ảnh quan và dân ở cửa quan. Chưa bao giờ các quan lại quan liêu và hách dịch trắng trợn như ngày nay. Câu chuyện cải cách hành chính ngày nào cũng được vang lên nhưng hành vẫn là…chính. Cuộc sống của người dân vẫn đang bị chăng lưới với 1800 loại phí, lệ phí và vô vàn mánh khóe bòn rút của các nhóm lợi ích.
Cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là câu chuyện lạ. Nó nhan nhản khắp nơi; là kiếp nạn của đất nước, của nhân dân.
Hình ảnh quen thuộc của một bác nông dân người miền Trung chân chất
.
Ở ngoài đường, ngoài chợ đối với những kẻ chấn lột, móc túi… người dân hoàn toàn có quyền và có thể chỉ tay day mặt được. Nhưng đối với các quan chấn lột và móc túi thì người dân vô cùng ít có cơ hội để được thực hiện cái quyền đương nhiên đó. Là dân, nhưng đừng có tưởng được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra như Bác và Đảng nói mà dễ. Khó. Lắm lúc uất nghẹn mà cũng không hé được nên lời. Bao nhiêu vụ án oan đều là dân chịu chứ có quan nào phải chịu như dân. Nếu có, chỉ là “oan” ngược. Tội nặng thành tội nhẹ, có tội thành không tội. Quan cướp, quan phá trăm, ngàn tỷ chỉ có vài năm tù, dân chỉ vì cái bánh mỳ, làm hỏng cái mép bàn cũng phải chịu kiếp tù đày.
Chuyện quan thời nay kể không xiết. Chỉ một câu của bà thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, của ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cấp dưới của bà ta, rằng tăng thuế VAT lên 12% và của ông nghị Kiên nói BOT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo là đủ để biết - hiểu về các quan nghĩ về dân thế nào.
Vẫn chưa hết. Ăn trên ngồi trốc nhưng có việc gì không nên không phải các quan lại đổ tội cho dân. “Dư luận đồng tình”, “Nhân dân đồng tình”, “Tập thể đồng tình”, “Đúng quy trình”… là những xảo ngữ mà các quan dùng nhiều nhất để thoái thác trách nhiệm, để đổ tội cho dân. Chẳng hiểu con số 90% dân đồng tình với ý tưởng cấm xe máy ở Hà Nội là từ đâu chạy tới?!
Các quan cứ bảo các việc làm của mình không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân. Vâng, nếu vậy, các quan hãy cứ thử làm dân đi!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015