Ngày Quốc giỗ
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Xin nói, không phải đất nước nào cũng có một ngày giỗ Tổ như vậy! Người Việt mình theo một cái đạo rất đẹp: đạo thờ cúng ông bà. Và trên cả ông bà, là thờ cúng tổ tiên. Đi đến tận ngọn nguồn, chính là ngày Quốc giỗ.
.
Trong ngày này, người Việt Nam dù đang ở đâu đều hướng lòng mình về Đất Tổ Vua Hùng, dâng một nén tâm hương nhớ lại hành trình dằng dặc của ông cha mình "đi tìm hình của nước". Tính từ thời vua Lê Thánh Tông, ngày giỗ Tổ đã trở thành quốc lễ tới nay cũng hơn 600 năm rồi. Nghĩa là ngày mùng mười tháng ba âm lịch ăn sâu vào tâm thức người Việt đã trải qua hơn 6 thế kỷ. Bao nhiêu là dâu bể, bao cuộc chiến tranh, bao cuộc kháng chiến trường kỳ để giữ lấy một ngày cả dân tộc cùng hướng về phía Đền Hùng. Ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ngay tại Sài Gòn và nhiều tỉnh ở miền Nam vẫn âm thầm khói hương những đền thờ Quốc Tổ, vẫn có ngày mùng mười tháng ba cho những ai đi ngược về xuôi nhưng không quên mình là người Việt. Chính vì có một ngày Quốc giỗ, có một nơi khởi nguồn như thế mà nước Việt Nam, người Việt Nam đã thống nhất từ máu huyết, từ tâm linh, từ vô thức.
Trong ngày Quốc giỗ này, tôi vừa được tin ngay tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), người ta vừa phát hiện một văn bản cổ quý giá liên quan đến việc chính quyền nhà Nguyễn thời vua Minh Mạng cử người dân đảo Lý Sơn đi ra Hoàng Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo này. Những người lính, những dân binh Lý Sơn cách đây mấy thế kỷ khi xuống những con thuyền nhỏ vượt muôn trùng sóng gió trực chỉ quần đảo Hoàng Sa, họ đã mang trong lòng ngọn lửa được nhen nhóm lên từ Đất Tổ. Họ không chỉ mang lệnh vua mà còn mang mệnh lệnh tối cao từ một quốc gia thống nhất và có chủ quyền. Bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu cho chủ quyền quốc gia đó, để mỗi người Việt Nam có thể thanh thản thắp nén hương tưởng niệm hướng về quê cha đất tổ trong một ngày mà cả nước chung một điều tâm nguyện: làm sao cho nước Việt phú cường "sánh vai với các cường quốc năm châu" như chính tâm nguyện của Bác Hồ.
Trải qua bao thử thách, lắm thăng trầm, người Việt ngày càng ý thức về một sức mạnh tinh thần được truyền qua nhiều thế hệ. Tự hào về những công tích cha ông đã làm được, và tự biết mình phải sống thế nào để không hổ thẹn với cha ông, để góp phần làm rạng ngời lý tưởng độc lập tự do đã có ngay từ thuở "các vua Hùng dựng nước", đó phải là tâm nguyện của những thế hệ người Việt đang sống hôm nay. Không tự phụ cho là mình nhất, nhưng phải biết giữ lòng kiêu hãnh, như ông cha từng dạy "đói cho sạch, rách cho thơm". Vươn lên một đời sống vật chất ngày càng cao, nhưng không bao giờ bỏ quên sự tu dưỡng tinh thần. Trước khi thành một người Việt giàu có, phải là một người Việt lương thiện. Tất cả điều đó đều đến từ những lời răn dạy của cha ông. Hướng lòng mình, dọn mình trước bàn thờ Quốc Tổ chính là để cho "lòng ta trong sáng hơn", vô tư hơn, chứ không phải vụ lợi hơn. Và xin nhớ, từ trên cao, các vua Hùng của chúng ta, tổ tiên của chúng ta đang nhìn rõ chúng ta, nhất là trong ngày mùng mười tháng ba này.
“Các Vua Hùng dựng nước, bác cháu ta giữ nước”
(Đào Ngọc Đệ, Nhà báo & Công luận)
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn luôn tâm niệm cội nguồn dân tộc. Người thường nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, giữ gìn giang sơn gấm vóc, phấn đấu đưa nước ta sánh ngang với các cường quốc năm châu!
Ngày 18/2/1946, hơn 5 tháng sau ngày đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tổ tiên. Ngày 18/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Lời Bác dạy không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân. Ngày nay, càng suy ngẫm lời Bác, chúng ta càng thấm thía tâm huyết của Người đối với đất nước và dân tộc, càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của vị lãnh tụ thiên tài!
Bác Hồ khẳng định và tôn vinh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”. “Công dựng nước” của các Vua Hùng thật là to lớn! Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta luôn luôn phải đấu tranh chống những tên giặc ngoại xâm vô cùng hung hãn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, và có tinh thần độc lập, tự chủ. Vì thế, dân ta đã làm nên biết bao chiến công oai hùng, dựng nên đất nước, khẳng định chủ quyền và bồi đắp bản sắc dân tộc.
Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử vẻ vang ấy, và truyền nối cho muôn đời con cháu đến hôm nay và cả mai sau. Vậy nên, tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam ta, thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc một cách chính đáng, đồng thời để tăng thêm sức mạnh cho chúng ta, phấn đấu đưa đất nước tiến tới văn minh và giàu mạnh.
Mỗi tấc đất này đều phải đổi bằng núi xương, sông máu và mồ hôi của các thế hệ người Việt Nam ta. Bởi vậy, “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Đấy là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng. Đấy là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu. Với Bác Hồ, “giữ nước” trước hết là quyết tâm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất và chủ quyền của đất nước. Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Bác từng nói: “… Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Bác khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với Bác, “giữ nước” là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Bởi nhân dân là gốc của đất nước. Đấy chính là “kế sâu dễ bền gốc” mà ông cha ta truyền lại.
Ngày nay, thực hiện lời dạy giữ nước của Bác thì cùng với việc cảnh giác, đề phòng giặc ngoại xâm, kiên quyết đánh trả và chiến thắng mọi kẻ địch đồng thời còn phải ra sức đấu tranh với “giặc nội xâm” là những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đang gây ra quốc nạn tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng. Đâu phải chỉ trong chiến tranh mới đặt ra yêu cầu “giữ nước”- mà đấy còn là nhiệm vụ cấp thiết và cực kỳ hệ trọng ngay trong xây dựng hòa bình!
… Thế hệ của Bố có quyền tự hào vì những gì mình đã làm, phải làm và được làm để đem lại vinh quang cho dân tộc. Còn chúng con, chúng con đã làm gì? Chúng con đã làm được gì cho Tổ quốc này đẹp hơn?... (Tiểu thuyết "Biển xanh màu lá")
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015