Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là Nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa và tâm lý - y học- giáo dục, giải thưởng Nhà nước Việt Nam và Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị cho Việt Nam.
- Ông sinh ngày 5/2/1913 tại một gia đình khoa bảng (thân phụ là cụ Nguyễn Khắc Niêmđỗ Hoàng Giáp năm 1907, từng làmquan nhiều nơi, với nhiều chức vụ như Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám,Tuần vũ Khánh Hòa, Phủ doãn Thừa Thiên, Quan Tổng đốc Thanh Hoá...), quê ở xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. - Ông học tiểu học tại Hà Tĩnh và Huế, trung học tại Trường Collège Vinh, một trường có tiếng nhiều học sinh giỏi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh)... Sau khi chuyển vào Huế học và đỗ Thành chung. - Năm 1931, ông ra Hà Nội học lớp tú tài trường Bưởi. Năm 1934, ông đỗ xuất sắc ba bằng tú tài ở Trường Bưởi. - Năm 1934-1937 ông thi đậu vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. - Năm 1937, ông được sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris. - Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ 2 bằng: nhi khoa và các bệnh nhiệt đới nhưng do Thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông không thể trở về và tham gia hoạt động phong trào Việt kiều. Trong thời gian này, ông mắc bệnh lao và phải điều trị dài hạn trong trại an dưỡng Saint Hilaire du Touvet, tỉnh Grenoble, một bệnh viện dành cho trí thức và sinh viên Pháp. Sau 6 tháng điều trị, bệnh có đỡ, ông xin ra viện tiếp tục hoạt động. Nhưng vì ăn uống kham khổ và làm việc quá sức, bệnh tái phát. - Năm 1943-1948: Ông lại vào bênh viện, phải lên bàn mổ 7 lần, cắt bỏ 8 xương sườn, toàn bộ phổi phải và 1/3 phổi trái, tưởng không thể thoát chết. Nhưng nhờ nghị lực cao, dần dần lấy lại sức, vừa nằm điều trị, vừa đọc sạc triết học Đông - Tây, tìm ra phương pháp dưỡng sinh hợp với thể bệnh của bản thân để tự cứu chữa, đồng thời tham gia các hoạt động ủng hộ kháng chiến ở Việt Nam. - Tại Pháp, ông nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại Đông Dương. Ông là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Năm 1949, ông Gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt trong chi bộ bênh viện. Ông tích cực vận động trí thức trong bênh viện ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Ông thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân đăng trên các tạp chí vào báo nổi tiếng tại Pari “Tư tưởng” (La Pensée), “Tinh thần” (Esprit) Châu Âu (Europe), “Phê bình mới” (La nouvelle critique), “Tập san Cộng sản” (Cahiers du communisme), “Người quan sát” (L’Observateur), “Nước Pháp mới” (France nouvelle), “Thế giới ngoại giao” (Le monde diplomatique) dưới nhiều bút danh: Nguyễn Nghệ, Nguyễn Kiên ... Ông cũng hoàn thành tập sách Le Sud Vietnam depuis Đien Bien Phu. - Năm 1950: Ông ra viện, hoạt động Việt kiều tại Grenoble. - Năm 1952-1963: Ông lên Paris thay Giáo sư Phạm Huy Thông (bị trục xuất về nước) làm Tổng thư ký kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội liên hiệp Việt kiều tại Pháp. - Năm 1963, ông bị trục xuất về nước do các hoạt động chống chiến tranh. - Năm 1964-1984: Ông là ủy viên Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, sáng lập và chủ biên tạp chí đối ngoại “Nghiên cứu Việt Nam” bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies) và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới). Ông dịch tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Pháp. Ông đề xuất thiết kế, giới thiệu Tuyển tập Văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XX (bằng tiếng Pháp). Ông viết bằng tiếng Pháp cuốn: Việt Nam, một thiên lịch sử. Ngoài ra còn viết nhiều sách báo giới thiệu đất nước, con người, văn hóa truyền thống Việt Nam. - Năm 1984: ông nghỉ hưu và được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. - Năm 1989, ông sáng lập và làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tâm lí và Bệnh lý trẻ em (Trung tâm N-T), xuất bản tờ “Thông tin khoa học tâm lí” và nhiều tác phẩm về Tâm lý học, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh. - Năm 1992, ông nhận giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp dành cho người nước ngoài đã sử dụng tích cực và có hiệu quả tiếng Pháp. Với tấm lòng yêu trẻ thiết tha, ông đã cống hiến phần lớn khoản tiền thưởng 400 000 francs (tương đương 80.000 USD) trong giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp tặng ông cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm N-T). Ông soạn kịch bản và cộng tác với Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương sản xuất một số phim giới thiệu đất nước (Đất Tổ nghìn xưa, Vịnh Hạ long, Đất Tây Sơn) và về tâm lý giáo dục trẻ em. - Ông đồng thời là nhà trí thức yêu nước nồng nàn, có nhiều tư tưởng tiến bộ và gửi các kiến nghị về chính trị, văn hóa và giáo dục đối với chính phủ. (Di cảo chưa công bố) - Năm 1997, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất - Từ tháng 7-1996 ông bị ốm nặng, cầm cự bằng phương pháp dưỡng sinh và qua đời ngày 10-5-1997 tại Hà Nội. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội dành cho những danh nhân có công đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. - Ngày 1-9-2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử".
Tác phẩm đã xuất bản
Truyện Kiều (dịch sang tiếng Pháp) Lịch sử Việt Nam Kinh nghiệm Việt Nam Miền Nam Việt Nam sau Điện Biên Phủ Tuyển tập văn học Việt Nam Việt Nam, Patrie retrouvée Từ điển tâm lí Từ vựng tâm lí Từ điển xã hội học Nỗi khổ của con em Tâm lí gia đình Tâm lí tiểu học Từ sinh lí đến dưỡng sinh Tâm lí trẻ em Tâm lí đại cương Tâm bệnh lí trẻ em Bàn về đạo Nho Tìm lại Tổ Quốc Việt Nam một thiên lịch sử Tự truyện Tâm tình đất nước Việt Nam - Tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam Ước mơ và Hoài niệm. Tâm lý học và đời sống/ Đặng Phương Kiệt, Nguyễn Khắc Viện.- H.: Khoa học xã hội, 1994.- 309tr
Nói về tác giả
Tưởng nhớ Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, NXB Thuận Hóa, 1997
Kiến thức bách khoa phong phú, từng trải Ðông Tây, tác phẩm uyên thâm đồ sộ, ở Pháp quốc kiên trì tranh đấu, tấm lòng với nước tận trung, vòng danh lợi coi khinh, lương tâm toả sáng.
Tài năng đa dạng hiếm hoi, tinh thông kim cổ, tư duy sắc sảo tuyệt vời, về Việt Nam bền bỉ dựng xây, ngòi bút vì dân cương trực, thói quan liêu căm ghét, nhân cách ngát hương. (Đôi câu đối của Đặng Minh Phương)
Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Khắc Viện tuân thủ trung thực và trung thành một Đạo Sống rất đẹp, vốn là cái truyền thống muôn đời của trí thức Việt Nam: Yêu nước, lo dân. (Hoàng Như Mai)
Ðãi ông một bữa cơm nghèo Trải giường ông nghỉ, lòng nhiều xót thương Lưng già ít thịt nhiều xương Sáu, năm vết mổ sẹo còn đầy vai Con đường dân chủ công khai Ông như lão tướng một đời xông pha Bọn quan liêu - lũ gian tà Kính ông ngoài mặt, bỉ dè sau lưng Núi sông được mấy anh hùng Thế gian được mấy cõi lòng trinh trung! (Nhà báo Lê Phú Hải)
Ở ông, sự cọ xát của những nền văn hóa Đông Tây không hề làm sứt xước mà ngược lại tô chuốt cho bản tính Việt Nam: một tính cách nhất quán nhưng lại mềm dẻo trong tư duy và có khả năng luôn tự điều chỉnh. (Đỗ Lai Thúy)
Không chỉ trong suy nghĩ mà toàn bộ con người ông là một cầu nối giữa phương Tây và phương Đông. (Gunter Giesenfeld)
Là một người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, mọi người có thể biết và nghĩ về ông một cách khác nhau. Đó là người cha đẻ của bộ mô dưỡng sinh Việt Nam, nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị, nhà tuyên truyền đối ngoại, nhà văn, nhà làm phim khoa học, học giả đáng kính của thế giới thứ ba. (Vĩnh Xương)
Nhiều người gọi ông là bác sĩ vì ông tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Y khoa năm 1941. Viện Hàn Lâm khoa học Pháp trong một vài bản ghi chức danh ông là nhà thơ, nhà sử học vì dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp với cả tâm hồn thi sĩ, vì ông viết nhiều bài về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Một số người gọi ông là nhà báo vì ông viết nhiều bài giàu chất triết lý đăng trên nhiều báo trong và ngoài nước. Ở một số cơ quan y tế, giáo dục, người ta gọi ông là nhà Tâm lý học vì ông sáng lập và lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em. Nhà sử học Đào Duy Anh sau khi đọc một loạt bài nghiên cứ của ông gọi ông là học giả. Một số Việt Kiều hiểu thấu đời ông gọi ông là sĩ phu hiện đại. Ai cũng có lý, tôi xin gọi ông bằng cái chức danh: Nhà Văn hóa. (Trường Giang)
Nguyễn Khắc Viện còn là học giả, nhà văn, nhà báo với nhiều cuốn sách và bài viết vừa đậm đà phong cách văn học, vừa mang tính chính luận sâu sắc và bản sắc dân tộc. Trong vốn trước tác đa dạng và phong phú đó của Nguyễn Khắc Viện, nhiều tác phẩm đã được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đó là những đóng góp có giá trị vào nền văn hóa, xứng đáng được lưu giữ lâu dài... (Nguyễn Thị Bình)
Nguyễn Khắc Viện và ý chí ngoan cường chiến đấu vì tự do dân chủ
Ông đã viết “Thất trảm sớ” gửi Quốc hội với 8 kiến nghị đổi mới:
1. Ðường lối đề ra tiến lên sản xuất lớn XHCN, nhưng phải điều chỉnh lại để sản xuất nhỏ cũng có vị trí nhất định. 2. Phải mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi, trước hết là với các nước anh em đã có quan hệ lâu năm. Việc làm ăn với Liên Xô nên đàng hoàng, thân tình, cởi mở hơn, không để cho tinh thần chống chủ nghĩa xét lại khống chế một cách nặng nề. 3. Ở các cấp có 2 bộ máy mà bộ máy Ðảng đứng trên bộ máy Nhà nước thì bộ máy Nhà nước không thể có hiệu lực, không thể nào phát triển kinh tế, văn hoá được. 4. Thưởng phạt phải nghiêm minh. 5. Báo chí chỉ thông tin một chiều nên không phản ánh được dư luận của nhân dân. Chế độ kiểm duyệt quá sát sao, không cho đăng ý kiến của quần chúng nên đã dẫn đến những sai lầm. 6. Ðáng nhẽ khoa học xã hội phải đi trước một bước nhưng vì phải đợi chủ trương đường lối để minh hoạ nên chẳng đóng góp được gì xứng đáng. 7. Ðại hội lần thứ 2 của Ðảng (1951) đã xác định đường lối cơ sở Ðảng ta dựa trên căn bản chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Ðông. Cần nghiên cứu lại tác hại của tư tưỏng Mao Trạch Ðông để xoá bỏ tàn tích của nó.
Trong bản kiến nghị có một câu rất hay khi nói về quyền bình đẳng trước pháp luật: “Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo lễ”.
Trong một bài viết nhan đề: “Then chốt: cải tổ bộ máy” ông vạch rõ các nhược điểm chính:
“Hai nhược điểm cơ bản (của bộ máy Ðảng-Nhà nước) là: 1) Thiếu nhạy bén trước yêu cầu của nhân dân, của tình hình mới của thời đại”, 2) Cơ cấu tổ chức ngăn cản những tiến bộ của kinh tế xã hội. Bộ máy Ðảng-Nhà nước thiếu nhạy bén do cách làm ăn thiếu dân chủ, thiếu khoa học.”
Ông đã có những nhận xét rất xác đáng: “…Việt Nam có truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết với nhau, tức là có những thể chế bảo đảm quyền của cộng đồng đứng trước bộ máy nhà nước, bộ máy tôn giáo. Nhưng khái niệm và thể chế để bảo đảm quyền của con người, quyền của công dân thì chưa có… dân chủ là một khái niệm mới thì chúng ta buộc phải nhập từ phương Tây. Việc gì phải che giấu chuyện này… Nhân dân ta có nhiều truyền thống tốt đẹp, như kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, sống có tình có nghĩa, nhưng truyền thống dân chủ thì chưa có. Con chỉ biết phục tùng cha, dân phục tùng vua quan, cá nhân phục tùng đoàn thể, vợ phục tùng chồng, trò phục tùng thầy; phục tùng trong hành động, trong cả suy nghĩ. Bề trên vừa là chỉ huy, vừa là thầy, là thánh, chân lý phát ra từ cấp trên. Không thể làm khác ý đồ của trên”.
Ông bác bỏ luận điệu xảo trá, hù doạ rằng dân chủ sẽ đưa đến loạn lạc: “Ý kiến tôi cũng như nhiều anh em khác mong mỏi có dân chủ hoá. Ai cũng muốn có ổn định, chứ không phải muốn cho xáo trộn loạn lạc lên đâu. Nói như vậy chỉ là sự vu khống. Chính vì muốn tránh bùng nổ, mà tôi muốn nhịp độ dân chủ hoá phải nhanh hơn, nếu không, bề ngoài cứ tưởng là ổn định, nhưng tình trạng mất dân chủ gây nên phản ứng như những đợt sóng ngầm, đến lúc nào đó không tránh khỏi bùng nổ. Kinh nghiệm Liên Xô và Ðông Âu rất đáng cho ta suy ngẫm”.
Ông kỳ vọng: “Một sự im lặng đáng sợ đang trùm lên cả xã hội: ít ai chủ động đưa ra một sáng kiến, người thì chạy vạy cho cuộc sống hết hơi, hết ngày, người thì chán nản bi quan, ngay cả phẫn nộ cũng không còn sức. Ðất nước ta hiện nay đang cần những con người chủ động, có óc sáng tạo để cải tổ mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Làm sao khuấy lên được sự hào hùng, tin tưởng, phẫn nộ.”
Ông rất nhạy bén với từng thay đổi của đất nước: “Vụ đổi tiền tháng 9 năm 1985 quả là một tai hoạ ập đến với nhân dân ta. Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây, bao giờ tai hoạ cũng có mặt hay của nó. Lần đầu tiên, ở nước ta, mọi người đều thấy lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm sai lầm nghiêm trọng. Trước đó một số người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu suy nghĩ như vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là từ nay ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người”.
Ông hô hào: “Ðừng ngồi yên chỉ biết than phiền, kêu ca. Ðừng ngồi mong chờ ở “ông” khác. Trên dưới đều có người tiến bộ, có người bảo thủ, dưới có quậy, trên mới thay đổi… Từ bỏ chủ nghĩa xã hội nhà nước, từ trên áp đặt xuống, ta sẽ xây dựng một chủ nghĩa xã hội trong đó Ðảng lãnh đạo, lãnh đạo chứ không ôm lấy mà làm mọi việc. Ðảng với nhân dân cùng suy nghĩ, có trao đi đổi lại, chứ không phải Ðảng phán ra, nhân dân cúi đầu vâng theo”.
Ông kêu gọi hành động: “Trước kia chúng ta đã dựng nên một cuộc cách mạng dân tộc, nhân dân, quốc tế rộng lớn chống đế quốc ngoại xâm. Chúng ta đã tiến hành mấy cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều mặt. Để chống lại tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng nên một mặt trận dân tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng hơn; tiến hành một cuộc kháng chiến mới lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hoá giàu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt với báo chí, tivi, sách vở, phim ảnh. Thành lập đủ các thứ hội đoàn, đình công, biểu tình… không bỏ sót ngóc ngách nào, trong nước, ngoài nước, đứng ở bất cứ vị trí nào cũng có thể tham gia… Chúng ta sẽ làm cho những tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần quốc tế, tình nghĩa giữa người và người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật hiện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến tư bản man rợ thành tư bản văn minh. Hãy cùng nhau bước vào cuộc kháng chiến mới”.
Ông kêu gọi bằng thơ ca:
" Có những người đã thức dậy Lúc gà chưa gáy Biết bao nhiêu còn ngái ngủ Gáy lên đi, gà ơi ! Cho đời rộn lên, người người tỉnh thức … Cho con người đứng thẳng lên … Không cúi đầu trước quyền lực…"
Ông vạch ra lộ trình cho xã hội:
“Quá trình dân chủ hoá thể hiện qua mấy khâu:
• Ðầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người có quyền làm công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã quy định. • Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận. • Các cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm ‘cây cảnh’ nữa. • Những cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào do bất kỳ từ đâu.”
Hỏi ông có tin vào hiệu năng đấu tranh của lực lượng dân chủ, ông trả lời: “Theo tôi, nếu mọi người tiếp tục đấu tranh thì có 80% công cuộc đổi mới sẽ thành công, nhưng cũng còn 20% bất trắc, chủ yếu do sức chống đối của những người được hưởng đặc quyền đặc lợi mà bộ máy cũ mang lại cho họ”.