Tình em như sông dài...
Những bản tình ca trên chiến tuyến dường như chưa khi nào cũ, càng nghe càng nhớ. "Tình em" của cố nhạc sĩ Huy Du đã chạm vào nỗi niềm của hàng triệu lứa đôi thời lửa đạn khiến tôi nhớ tới "Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thối bùng ngọn lửa lớn" của Bussy Rebutin.
Ít ai tin rằng, bài thơ gửi tặng người vợ nơi hậu phương ghi vội trong cuốn sổ tay của anh bộ đội Ngọc Sơn lại trở thành ca khúc có sức sống mãnh liệt cho tới ngày nay. Hạnh phúc vẻn vẹn 5 ngày bên người vợ mới cưới, ông nhận lệnh bí mật quay trở về Nam chiến đấu và bắt buộc cắt đứt liên lạc với quê nhà vì nguyên tắc chiến trường.
Cuối thu năm 1962, sau khi được phép thư từ với miền Bắc, ông bất ngờ nhận được lời nhắn gửi của người vợ phương xa với những dòng dặn dò, thề hẹn: " Anh hãy làm tốt mọi nhiệm vụ trên chiến trường. Chỉ mong sao anh đừng ngã xuống nơi tiền phương. Nếu anh hi sinh, em không biết sẽ phải sống như thế nào. Em sẽ chung thủy chờ anh cho đến ngày toàn thắng.. ."
Bài thơ Tình emra đời trong những ngày hành quân trên chiến trường Gia Lai với niềm cảm xúc vừa xót xa vừa thương nhớ vừa hạnh phúc của anh lính giải phóng quân với người vợ trẻ quê nhà. Mỗi câu chữ đong đầy niềm yêu ấy bắt gặp tâm hồn đồng cảm của nhạc sĩ Huy Du để rồi chúng ta có Tình emđã gần 50 tuổi và còn nguyên vẹn cảm xúc như ngày đầu.
" Cuối năm 1962, mình đọc bài thơ Tình em của một chiến sĩ giải phóng. Có lẽ vì cùng cảnh ngộ, đồng tâm trạng, nên mình nhanh chóng phổ nhạc, giữ nguyên bài thơ, không sửa chữa và cũng không thêm thắt một từ nào... Thơ và nhạc hoà quyện vào nhau đằm thắm, thiết tha, ngân vang nỗi niềm yêu thương thuỷ chung, trong sáng của thế hệ trẻ Việt Nam ra trong chiến tranh...", nhạc sĩ Huy Du chia sẻ.
Ngay trên chiến trường mịt mù khói lửa, cả mảnh đất miền Nam nóng bỏng vì bom đạn, một bài thơ xinh xắn, thiết tha đã ra đời, theo chân người lính đi qua bao mặt trận, hiện diện trên trang báo Văn nghệ rất đỗi tình cờ và trở thành một trong những bản tình ca nổi tiếng thời chống Mỹ.
Anh hãy vững bước hành quân... Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam
Có nghe Tình em bao nhiêu lần cũng không cảm thấy lời ca này là cũ, là lỗi thời. Nhẹ nhàng và da diết, khi tiếng ca cất lên, ta biết, tình yêu này sẽ ở lại và còn mãi. Bắt đầu bằng một quy luật của tự nhiên và nghịch lý của tình yêu, rằng chiếc lá xa cành, lá sẽ héo vàng và rời cây đi xa:
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
...Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Ngay khi lời ca vang lên, ta thấy thời gian như chậm lại và không gian như lặng đi. Giọng hát mượt mà, thiết tha kéo lòng người cuốn theo từng câu chữ đầy cảm xúc. Lớn lên trong thời bình, nhưng nghe những ca từ đầu tiên của bài hát, ta vẫn cảm nhận được sự biệt ly, xa cách của hàng triệu triệu lứa đôi thời chiến. Hạnh phúc đôi khi chưa kịp tròn đầy đã phải tạm rời xa, gác nỗi niềm riêng vì sự nghiệp nước nhà.
Nhưng càng xa càng nhớ, càng ly biệt càng thuỷ chung... Ấy cũng là nguyên cớ vì sao lá đổi màu khi rời cành mà khi em xa anh, cuộc đời vẫn đầy hi vọng. Sự diệu kỳ ấy là tình yêu. Tình yêu trong xa cách, nỗi nhớ trong đợi chờ..., là niềm tin, là sự sống bền lâu:
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Lá héo khô vì xa cây, lá không còn nhựa sống. Anh và em lại khác. Dẫu chiến tranh có đằng đẵng, thời gian có vô vọng thì Tình yêu vẫn chảy trong huyết quản, khiến trái tim ấm áp, lòng vững vàng chống trọi với tháng năm.
Ra trận nhưng chưa khi nào người lính đơn độc. Mỗi dải đất anh đi đều có bóng dáng người vợ phương xa dõi bước. Đã có lúc, bài thơ tưởng chừng như dang dở ở " Tình yêu là sự sống...".Cuộc chiến khốc liệt không cho phép người lính giải phóng quân sa đà vào những giây phút "nghệ sĩ" hay cảm xúc riêng tư. Cuốn sổ nhỏ ghi vội những dòng đầu cứ nằm sâu trong hành trang người lính, theo anh đi khắp chiến trường:
Anh anh đi xa bao núi
Tình yêu như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng
Anh anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫy
Anh anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Anh đi bao tháng ngày
Tình em như sông dài
Đường hành quân dọc những cánh rừng Gia Lai - Kon Tum, biết bao nhiêu nương rẫy, biết bao nhiêu cỏ hoa nở khắp ven đường, biết bao nhiêu con suối róc rách ngày đêm... Thiên nhiên quấn quýt, trò chuyện cùng anh như tình yêu của em theo anh ra trận, như người vợ hiền âu yếm cùng anh hành quân trên đường dài.
Bởi tình em sẽ thủy chung theo anh dài năm tháng... Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam
Lời thơ cứ thế trào dâng, tự nhiên và chân thành như những dòng nhật ký nơi chiến trường xa. Giai điệu thiết tha và sâu lắng. Giọng ca nhẹ nhàng và ấm áp. Tình em cứ thế với thời gian. Không khổ đau, không nước mắt, tình yêu đôi lứa hoà chung tình yêu đất nước, cái riêng trong cái chung, thành ra Tình em trở thành ngọn lửa sưởi ấm lòng người lính giữa đạn lửa, giữa ranh giới sự sống và cái chết.
Lối ví von bình dị nhưng gần gũi và chân thành. " Tình em như cỏ hoa/ Tình em như khe suối/Tình em như sông dài". Cỏ hoa ấy, khe suối ấy, con sông ấy khiến chặng đường hành quân như dịu bớt mệt mỏi, cuộc chiến như dịu bớt đau thương. Phía sau anh là quê nhà tin yêu, là người vợ hiền, thuỷ chung chờ đợi.
Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa
Tình anh đối với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn.
(Nói cùng Anh - Xuân Quỳnh)
Bài hát Tình em ra đời ngay trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Âm thanh hoà quyện với lời thơ khiến Tình em như một bản nhạc do cuộc sống sinh ra, như sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên, như tiền tuyến với hậu phương, như Anh và Em.
Gần 50 năm trôi qua, chiến tranh trở thành quá khứ, nhạc sĩ của bài hát đã đi xa, nhà thơ nay tóc đã bạc nhiều, nhưng bản thân Tình em vẫn hiện diện trong lòng mỗi người Việt Nam cho dù ở thế hệ nào cùng những cảm xúc dịu dàng, ấm áp, nhắc nhở về sự thuỷ chung, chân thành trong tình yêu đôi lứa và tình yêu cuộc sống.
Không gian sẽ nhỏ lại, thời gian sẽ vô nghĩa nếu như tình yêu ấy xuất phát từ hai trái tim chân thành, biết hi sinh, biết chờ đợi và hi vọng bởi " Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thối bùng ngọn lửa lớn".
Tình em
(Huy Du)Khi chiếc lá xa cành , lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóngAnh anh đi bao núi
Tình yêu như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng
Anh anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫyAnh anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Anh đi bao tháng ngày
Tình em như sông dàiKhi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi !
Tình yêu là sự sốngNên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng
Nên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá