Diễn từ nhận giải Việt Nam học - Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VIII
Trước hết, tôi xin ngỏ lời cảm ơn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh đã gửi đến cho tôi một danh dự rất lớn. Tôi rất hân hạnh.
Theo tôi, Phan Châu Trinh là người Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi rất thông minh. Phan Châu Trinh có khả năng nhìn xa trông rộng và tiên đoán về tương lai. Thời ấy, cũng có một người nổi tiếng tên là Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu có ý kiến rất khác. Cả hai đều là người yêu nước. Nhưng mà trong khi Phan Bội Châu đi nơi này nơi kia tìm tòi con đường độc lập cho đất nước, Phan Châu Trinh đã nhìn vào tương lai và biết rằng vấn đề đất nước không thể giản dị như thế.
Sau đây tôi xin nói bốn khía cạnh về quan điểm của Phan Châu Trinh mà tôi đánh giá rất cao. Thứ nhứt, Phan Châu Trinh rất quý trọng giáo dục. Nhưng theo ông, giáo dục ở đây không phải là giáo dục theo một chương trình chính thức của một hệ tư tưởng lỗi thời; ông muốn mở đường để cho sinh viên có khả năng phát triển kiến thức và đồng thời biết tự do suy nghĩ về tương lai. Phan Châu Trinh biết rằng đời sống luôn thay đổi nên sinh viên phải có cơ hội phát triển ý kiến thích hợp với đương thời. Cho nên, theo Phan Châu Trinh, giáo dục phải chuẩn bị sinh viên đi vào con đường tương lai, chứ không phải con đường quá khứ.
Thứ hai, theo Phan Châu Trinh thì đất nước phải cải cách để kịp thời. Cải cách đất nước không phải là giản dị, vì chắc chắn sẽ có người nôn nóng, không chịu chờ đợi hoặc sẽ không chấp nhận con đường mới. Nhưng sự kiện lịch sử đã cho ta biết rằng chính người thiếu kiên nhẫn đã gây ra rất nhiều sự khổ đau cho nhân loại.
Thứ ba, Phan Châu Trinh đề nghị chủ nghĩa dân chủ để cải tiến mức sinh hoạt của người dân. Theo ông, để phát triển khả năng của người dân thì phải cho họ tham gia vào các hoạt động công cộng.
Thứ tư, có lẽ đây là điều quan trọng nhứt: Phan Châu Trinh không đồng ý với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Theo ông, con đường bạo lực là con đường đau khổ vô ích của nhân loại. Trong bài thơ “Chí Thành Thông Thánh,” Phan Châu Trinh đã viết: “Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.” Phan Châu Trinh tin tưởng rằng sự bạo lực không thể giải quyết được vấn đề nào, thậm chí chỉ làm cho người dân đau khổ mà thôi. Ông rất đồng cảm với sự đau khổ của người dân trong thời kỳ chiến tranh. Phan Châu Trinh đã thấu hiểu rằng chiến tranh không đem lại vinh quang, mà sự kiên nhẫn về việc cải cách, giáo dục, dân chủ--chính điều đó mới là con đường anh hùng thật sự.
Nếu bỏ được bạo lực thì phải tìm con đường giải hòa. Muốn giải hòa thì phải có cuộc đối thoại giữa những người cầm quyền và những người bị cai trị. Tuy nhiên, người cầm quyền thì lại không thích đối thoại, mà chỉ thích làm độc thoại thôi. Hoàn cảnh Phan Châu Trinh cũng giống như hoàn cảnh của nhiều người Việt hiện nay, và cũng hơi giống kinh nghiệm của tôi.
Tôi không phải là người Việt. Khi tôi còn là sinh viên tôi không quan tâm đến Việt Nam hoặc Châu Á. Nhưng tôi phải đi lính và đã sang Việt Nam trong thời cuộc chiến tranh. Kinh nghiệm ấy đã thay đổi cuộc sống của tôi, đã làm cho tôi mong muốn để hiểu biết về người Việt Nam và đất nước Việt. Nếu muốn hiểu biết thì phải có đối thoại của hai bên, thế cho nên tôi rất cảm ơn những người Việt mà đã giúp tôi trong nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Những người Việt này có cả người Việt trong nước lẫn người Việt ở nước ngoài. Họ làm cho tôi thấy sự giao tiếp và cảm thông giữa hai người Việt rất là quan trọng. Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam sẽ dựa vào những cuộc đối thoại như thế này.
Rất tiếc là Phan Châu Trinh không có dịp phát triển cuộc đối thoại với người cai trị thuộc địa thế cho nên chiến tranh đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi thấy nếu người Việt trong nước và ngoài nước bắt đầu nhìn nhau với sự đồng cảm để tiến đến cuộc đối thoại thì lợi ích đất nước sẽ to biết bao.
Tôi thành thật cảm ơn các anh chị em bạn hữu cho tôi dịp này để nói lên về Phan Châu Trinh, một người quan trọng trong lịch sử Việt Nam, cũng như trong lịch sử thế giới. Tôi tin rằng nhờ ông mà Việt Nam đã có những tư tưởng tiến bộ ngày nay.
Xin cảm ơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn