Đi tìm nguồn gốc trống đồng Đông Sơn - Một cuộc phiêu lưu vào quá khứ

11:16 SA @ Thứ Bảy - 06 Tháng Năm, 2017

Xem thêm:

Đi tìm sự thật của quá khứ là một việc khó, giải mã các bí ẩn của cổ sử (trước khi có các ghi chép sử sách chính thống) lại còn khó hơn. Tôi vẫn hình dung những người đi tìm sự thật trong quá khứ ấy giống như những người phiêu lưu vào nơi tăm tối nhất đã bị chôn vùi bởi lớp bụi thời gian rồi đưa chúng ra ánh sáng bằng sự hiểu biết và mạo hiểm của bản thân mình. Người không mạo hiểm thì không thể tìm ra báu vật, cũng như không thể đặt lại các vấn đề quá khứ mà có thể khiến chúng ta phải lật ngược các niềm tin của mình để kiểm tra. Tạ Đức là một người nghiên cứu như vậy.

.

Giờ đây, người ta có thể gọi những người đi tìm sự thật của quá khứ bằng rất nhiều cái tên khác nhau, tùy theo thời thế, tùy theo loại chuyên môn: nhà sử học, nhà khảo cổ, nhà dân tộc học, nhà nhân học…v…v… Người ta, bằng sở học của mình, tranh luận với nhau về quá khứ, ai cũng cho rằng sự thật mình đào xới được mới là điều đúng duy nhất. Bởi thế, lời khen tiếng chê về một mảnh của quá khứ được tái hiện luôn luôn ồn ào, đôi khi ồn ào tới mức vùi dập mảnh quá khứ vừa được tái hiện ấy. “Nguồn gốc người Việt người Mường” đã từng bị rơi vào tình cảnh ấy vào năm 2013. Chỉ bởi vì dám mạo hiểm đánh thức những gì đã được chôn sâu trong bí ẩn của quá khứ, Tạ Đức đã bị công kích, bị phủ nhận, bị cấm chương trình giới thiệu sách tại L’espace và cấm tái bản cuốn sách tại Việt Nam.

Thế nhưng, không dừng lại ở đấy, nhà nghiên cứu Tạ Đức, vào đầu năm 2017, lại một lần nữa tái hiện một mảnh quá khứ khác với cái nhìn cận cảnh hơn: “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”. Nếu “Nguồn gốc người Việt người Mường” là một cuộc đào xới ở diện rộng cả về diện tích địa lý, về sự đa dạng các chủng tộc, kho sử liệu phong phú đến từ nhiều nguồn… thì “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” là một cuộc dò tìm dấu vết của cổ vật mà thông qua cuộc dò tìm ấy, ta thấy hiện lên phần nào mảnh quá khứ về đời sống thẩm mỹ và tín ngưỡng, về những cuộc di dân diễn ra trên mảnh đất Việt này.

Cuốn sách có 33 chương, chia thành hai phần chính. Phần thứ nhất có cùng tên với sách: “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”. Qua phần này, độc giả có thể cùng tác giả khảo sát tổng quan về trống đồng: từ cách đánh trống, các giả thuyết về nguồn gốc trống đồng trước và sau năm 75, các nguyên mẫu trống Đông Sơn, nguồn gốc của Thục Phán và Cao Lỗ… Đến phần thứ hai, tác giả thống kê các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn và bằng việc giải mã các biểu tượng này cũng như quá trình ảnh hưởng của các biểu tượng ấy đến các vùng cư dân, ông cho chúng ta thấy đời sống tín ngưỡng và các nét văn hóa của người Việt cổ còn lưu lại đến nay ở các dân tộc ít người và cả tín ngưỡng của người Việt hiện đại. Bởi thế, cuốn sách thực sự thú vị, dù cho có nhiều điểm không khỏi khiến chúng ta hoài nghi ví dụ như sự liên hệ giữa Dịt Dàng và Thục Phán, hay những lập luận về mối liên hệ giữa Thánh Gióng và trống đồng, về Cổ Loa có thực sự ở Đông Anh (Hà Nội)… Nhưng đọc về một quá khứ không được ghi chép lại bởi chính người thời ấy, buộc phải tin vào sự liên hệ giữa những gì rời rạc còn lưu lại, ta sao có thể không hoài nghi cho được. Kẻ nào mong muốn đọc một cuốn sách nghiên cứu về quá khứ với độ xác thực 100% thì kẻ ấy không hiểu gì về lịch sử hoặc là một kẻ ngông cuồng muốn áp đặt chân lý lên người khác.

Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã đề cập đến trống đồng Đông Sơn – một biểu tượng dường như đã trở nên quen thuộc với văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là mẫu trống đồng cổ xưa nhất và được đánh giá là đẹp nhất trong toàn bộ một khu vực rộng lớn có tục đúc trống đồng kéo dài từ phía Nam Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á. Nhờ đọc sách của Tạ Đức, ta có thể thấy đánh giá của các học giả phương Tây về trống đồng đúc ở miền Bắc Việt Nam mà đại diện là trống đồng Đông Sơn là những tạo tác cổ nhất và đẹp nhất. Các học giả Franz Herger (1902), Victor Goloubew (1932), Heine Geldern (1932) đều đồng ý với quan điểm này. Nguồn gốc của trống đồng đến từ đâu, đến nay vẫn còn có nhiều tranh cãi, đặc biệt tranh cãi sôi nổi từ sau năm 1975 do các vấn đề về chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cuộc tranh cãi này dù mang nhiều màu sắc chính trị, thế nhưng lại cung cấp cho chúng ta cái nhìn đa chiều hơn về nguồn gốc trống đồng Đông Sơn nhờ vào các cuộc khai quật các di chỉ cổ, sự lục lọi các thư tịch tưởng như đã bị bỏ quên. “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” đã khảo sát gần như toàn bộ các tư liệu từ thời người Âu đi nghiên cứu các nước thuộc địa, cho đến các tư liệu thu lượm được trong cuộc tranh cãi về nguồn gốc trống đồng sau năm 1975, và kết hợp với những tư liệu khảo cứu của các học giả độc lập có duyên nợ với trống đồng. Tạ Đức cho rằng, người đầu tiên cho đúc trống đồng Đông Sơn là Thục Phán, người lo việc đúc trống đồng và sau trở thành thần trống đồng của Lạc Việt là Cao Lỗ. Chúng ta được biết rằng kinh đô dưới thời Thục Phán chính là Cổ Loa (dù cho đến nay, Cổ Loa có thực sự ở Đông Anh hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.)

Cùng với trống đồng, Thục Phán An Dương Vương cũng là nhân vật gây ra nhiều tranh cãi nhất trong giới sử học về nguồn gốc của ông. Do các tư liệu của người Việt không còn lưu lại dấu vết của nguồn gốc trống đồng như sử thi Mường lại nhắc đến vấn đề này khá rõ ràng trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, đặc biệt là bản sử thi ở Hòa Bình có một khúc có tên “Đẻ khâu”. Tạ Đức cho biết, khúc “Đẻ khâu” này được “cất lên trong tiếng trống đồng tại đám ma của những quý tộc Mường cấp cao có trống đống”. Tạ Đức đã tóm tắt lại bản dịch của Trương Sĩ Hùng – Bùi Thiện (1995), bỏ qua những câu lặp đi lặp lại và tối nghĩa như sau:

Vua Dịt Dàng thấy một vật “đen đen giống cái bồ”, “có hoa giống cái sọt”, có “hình hoa hình lá”, “hình con nhái hóng gió”, nhưng không biết là vật gì. Vua hỏi Bố Mo thì Bố Mo cho biết đó là “trống Lạc mình đồng”. Vua Dịt Dàng giàu có nguyền thế nhưng lại chưa có trống đồng bèn sai người xuống vua nước mượn trống đồng về. Vua sai thợ lấy trống đó làm mẫu đúc nhưng không được. Vua phải cho đi đón thợ từ nơi khác về vẫn không xong. Cuối cùng, thợ phải niệm chú vào củ gừng, nhai vào mồm rồi phun vào nước đồng mới đúc được trống tốt. Vua Dịt Dàng vui mừng, cho chọn trống tốt cất vào kho, còn lại đem đi chợ bán cho “kẻ sang người cả”.

Tạ Đức đã lý giải rằng Dịt Dàng là cách gọi vua Mường, và theo lời truyền khẩu được nhắc lại bởi Quách Điều – một quan lang Mường ở Hòa Bình, ông khẳng định vị Dịt Dàng cho đúc trống đồng ấy chính là Thục Phán, vị vua có nguồn gốc Thục. Sau khi vùng Ba Thục bị tiêu diệt, các quý tộc nước Thục di cư nhiều nơi, trở thành người Di (nước Dạ Lang), người Lạc Việt, người Tây Âu (hay còn gọi là Âu Việt). Cái tên Âu Lạc là một cuộc sát nhập giữa Tây Âu và Lạc Việt. Cũng trong cuốn sách này, Tạ Đức đã chứng minh nguồn gốc Thục của trống đồng Đông Sơn khi so sánh hoa văn trên trống đồng với hoa văn trên đĩa vàng Kim Sa – “vương biểu” của triều đại Khai Minh vào thời lập quốc năm 666 TCN.

Khi đọc đến đây, chúng ta không nên vội vã kết luận rằng Tạ Đức cho rằng nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn là ở Trung Quốc. Đưa ra nhận định ấy là một suy đoán mang tính chất buộc tội dựa trên các định kiến lịch sử. Thứ nhất, ta cần nhận thức được rằng ở thời của Thục Phán, chưa có phân định nước Việt Nam và nước Trung Quốc mà chỉ là các bộ tộc chiếm cứ các dải đất. Trải qua biến thiên, từ thiên tai đến địch họa, người dân của các bộ tộc di cư đi nhiều nơi và mang theo văn hóa của họ. Sẽ có những hướng di dân từ Bắc xuống Nam, cũng sẽ có hướng di dân từ Nam lên Bắc, đó là lẽ thường tình trong lịch sử nhân loại. Quan điểm cho rằng người dân của một quốc gia mãi mãi định cư ở một vùng đất là một quan điểm sai lầm. Nước Thục xưa kia bị xâm chiếm, phải di dân, trở thành một bộ phận của Bách Việt, và một phần trong số đó lại di cư đến miền Bắc Việt Nam hiện nay. Thiết nghĩ, vấn đề này không liên quan đến phân chia biên giới giữa các quốc gia và những mâu thuẫn chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hơn nữa, việc Thục Phán (một hậu duệ của nước Thục ra lệnh đúc trống đồng) không có nghĩa rằng trống được đúc ở đất Thục, mà sử sách ghi chép rất rõ về quốc gia Âu Lạc xưa vốn nằm ở miền Bắc Việt Nam.

Do vấn đề phức tạp của các cuộc di dân, các biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn cũng rất đa dạng. Ở phần 2 của cuốn sách, Tạ Đức khảo sát một loạt các biểu tượng trên trống đồng bao gồm: biểu tượng mặt trời (liên quan đến tục thời mặt trời nguyên thủy của nhiều bộ tộc), biểu tượng chim (so sánh với các văn hóa Lương Chử, Thục, Văn Lang, Ngô-Việt, Tạng Hán), biểu tượng rùa (so sánh với các khu thành ở vùng Dương Tử, mộ ở Mân Nam, nhà Mường, Thái Đen), biểu tượng hươu (so sánh với vật tổ ở Đại Văn Khẩu, hoa văn trên đồ đồng nước Sở, văn hóa Mường…), biểu tượng cá sấu (so sánh với trống Đại Văn Khẩu, tục xăm mình Ngô – Việt, tục thờ cá sấu ở Chiết Giang, tín ngưỡng vật tổ ở Papua New Guinea), biểu tượng rái cá (văn hóa Hồng Sơn), biểu tượng ếch (văn hóa nước Xích Qủy, vật tổ người Choang, người Katu và người Bana), biểu tượng nhà (so sánh với kho lúa nước Xích Qủy, nhà đất Ngưỡng Thiều…), biểu tượng thuyền (so sánh với nhà mộ và quan tài Ư Việt, nhà của người Lê…), biểu tượng trâu bò (so sánh với biểu tượng trong văn hóa Điền, văn hóa Xích Qủy, Ư Việt, Mông, Tày Thái…), biểu tượng khỉ (so sánh với vật tổ của người Tạng, tượng ở văn hóa Điền, Sở và Thục), biểu tượng hồ (so sánh với văn hóa Lương Chử, Xích Qủy, Thục, Ba, Sở, Lô Lô…). Những điểm tương đồng rất thú vị được chỉ ra giữa văn hóa của các bộ tộc khiến cho ta lờ mờ cảm nhận có sự di dân rất phức tạp ở khu vực kéo dài từ Tứ Xuyên, lưu vực sông Dương Tử xuống tới tận bán đảo Đông Dương và các vùng đảo thuộc Đông Nam Á, và dường như mảnh đất nhỏ miền Bắc Việt Nam lại nằm ở ngay giữa những cuộc di dân chằng chịt đó và được lưu dấu trên hoa văn trống đồng Đông Sơn.

Khi đọc một cuốn sách cố gắng tái hiện một quá khứ nào đó, ai cũng thấy có điểm không thỏa mãn bởi từ rất nhiều mảnh vụn của sự thật nằm vương vãi trong văn hóa và sử liệu mà người viết phải vất vả nhặt nhạnh và ghép từng mảnh vụn ấy, khó tránh khỏi sự không hoàn hảo. Thiết nghĩ, đó là chuyện thường. Nhưng đọc một cuốn sách với lượng dữ liệu khổng lồ, đa dạng, được phân loại và sắp xếp rành mạch cũng là một điều thú vị. Không viết theo lối kể chuyện hay sử dụng các lý thuyết nghiên cứu để xử lý dữ liệu vốn đã quen thuộc, Tạ Đức trong cuốn “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”, chọn cách thống kê, phân loại, sắp xếp dữ liệu và lập luận trên nền tảng các dữ liệu ấy. Và cho dù còn có thiếu sót trong luận điểm và dẫn chứng như biết bao người ghi chép về quá khứ khác, cuốn sách vẫn có thể cho ta thấy rằng Tạ Đức đã thực hiện một cuộc phiêu lưu mạo hiểm với sự chuẩn bị kỹ càng.

Tên sách: Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn
Tác giả: Tạ Đức
Số trang: 668

Đăng ký mua theo mobile: 0903. 205. 306 hoặc
.
Nguồn:Book hunter
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam

    06/02/2016Nguyễn Văn TuấnHỏi một người Việt bình thường về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, câu trả lời mà người ta thường nghe là tổ tiên của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc. Ngay cả người có kiến thức rộng, có quan tâm đến dân tộc và văn hóa Việt cũng có những ý kiến tương tự. Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương; và Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, cũng từng cho rằng người Việt có nguồn gốc hoặc từ Trung Quốc hay từ Tây Tạng...
  • Nguồn gốc và truyền thuyết tết Đoan Ngọ

    09/06/2016Huỳnh Chương HưngTết Đoan Ngọ (Đoan Ngọ tiết 端午节) là tiết nhật truyền thống cổ xưa ở Trung Quốc, bắt đầu từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, đến nay đã có hơn 2000 năm lịch sử. Có rất nhiều nguồn gốc và truyền thuyết tết Đoan Ngọ. Dưới đây sẽ giới thiệu 4 thuyết...
  • Ai là chủ nhân của trống đồng và phương pháp sử học của Tạ Đức

    05/05/2017Nguyễn Phúc AnhTạ Đức trong quyển sách “Nguồn gốc và sự phát triển của Trống Đồng Đông Sơn” cho rằng: người cho đúc và ban phát Trống Đồng Đông Sơn là An Dương Vương, vua nước Âu Lạc (207-179 TCN); còn người lo việc đúc trống và sau trở thành thần Trống Đồng của người Lạc Việt là Cao Lỗ, vị tướng phụ trách bộ Công của nước Âu Lạc...
  • Trao đổi với ông Hà Văn Thùy về “Nguồn gốc người Việt-người Mường”

    16/04/2017Tạ ĐứcHôm qua, có người hỏi tôi, Hà Văn Thùy đã viết 3 bài về cuốn sách của Tạ Đức, đăng trên mấy trang mạng liền, sao Tạ Đức không có một bài đáp lại?
    Tôi trả lời: có 3 lý do...
  • 12 luận điểm chính trong một cuốn sách mới về trống đồng Đông Sơn

    05/04/2017Tạ ĐứcNguồn gốc của trống đồng Đông Sơn vẫn là một điều bí ẩn, và với các học giả trên thế giới, từng là một vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi . Cuốn sách mới của tôi: Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài nhằm khám phá bí ẩn đó...
  • Cách tiếp cận các công trình nghiên cứu Nguồn gốc dân tộc

    16/04/2015Việt Nhân & Lê An ViViệc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết...
  • Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba

    20/02/2015Hồ Trung TúTruy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp...
  • Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc

    31/07/2014Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc...
  • Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức

    10/07/2014Trần Trọng DươngCuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách...
  • xem toàn bộ