Ai là chủ nhân của trống đồng và phương pháp sử học của Tạ Đức
Tạ Đức trong quyển sách “Nguồn gốc và sự phát triển của Trống Đồng Đông Sơn” cho rằng: người cho đúc và ban phát Trống Đồng Đông Sơn là An Dương Vương, vua nước Âu Lạc (207-179 TCN); còn người lo việc đúc trống và sau trở thành thần Trống Đồng của người Lạc Việt là Cao Lỗ, vị tướng phụ trách bộ Công của nước Âu Lạc...
Tạ Đức đã tìm cách chứng minh giả thuyết của ông bằng 667 trang sách. Nhưng do quyển sách không tuân thủ những nguyên tắc logic thông thường của một văn bản khoa học nên những nỗ lực của Tạ Đức gặp nhiều khó khăn và nội dung không có sức thuyết phục.
Về mặt phương pháp nghiên cứu, Tạ Đức không có nhiều thay đổi sau nhiều năm.
Hiếm thấy một nhà nghiên cứu nào thành tâm tin tưởng và sử dụng tất cả những gì ông có thể đọc được trên internet như Tạ Đức. Ông đã biến những thông tin vô thưởng vô phạt và thậm chí hoang đường nhất mà ông tìm được từ nguồn Google, Baidu thành một phần của lịch sử Việt Nam. Việc sử dụng tùy tiện không cần kiểm chứng này giúp ông có được những kết luận giật mình như về sự tồn tại của Trống Đồng Ư Việt, mà An Dương Vương mô phỏng theo kiểu dáng Trống Đồng này để đúc Trống Đồng Đông Sơn!
Khi Tạ Đức bắt đầu viết về một vấn đề gì, ông bắt đầu bằng cách liệt kê tất cả những giả thuyết từng tồn tại mà ông tìm được ở bất kỳ đâu, kể cả truyền miệng. Điều này gợi "cảm giác" những gì ông viết được dựa trên việc khảo cứu hết sức "cẩn trọng" và "kĩ lưỡng". Nhưng ngay sau đó, ông sẽ đưa ngay "giả thuyết" của mình mà không cần chứng minh, và thậm chí, cũng không cần bình luận gì những giả thuyết đã tồn tại trước đó.
Cách làm việc bán lẫn cả trứng tốt lẫn trứng ung này hết sức nguy hiểm trong thực hành nghiên cứu hiện nay.
Nhờ cách làm này, Tạ Đức đã đưa đến những kết luận kiểu: "trống cối là biểu tượng của Bà Tổ tồn tại trước khi có Trống Đồng, và các vua Hùng đã ban phát trống cối cho các Lạc hầu, Lạc tướng" hay "Thánh Gióng là thần Trống Đồng nước Xích Quỷ".
Quyển sách của Tạ Đức là một sự kết hợp hổ lốn của tất cả thông tin cóp nhặt từ các nguồn được liên kết lại với nhau bằng một trí tưởng tượng thuần túy. Ông liên kết những thông tin ông tìm được từ huyền thoại, hiện vật khảo cổ, thông tin về dân tộc chí, thư tịch, ngôn ngữ học, đến thông tin không kiểm chứng trên internet, và các giả thuyết của những nhà nghiên cứu khác mà không theo bất cứ nguyên tắc nào. Nhờ vậy, ông có những kết luận không giống ai như: vua Dịt Dàng trong truyền thuyết của Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường là Việt Vương, và Việt Vương chính là An Dương Vương. Sử thi nói vua Dịt Dàng đúc Trống Đồng. Kết luận, An Dương Vương chính là ông tổ của Trống Đồng Đông Sơn.
Và vì thế, đương nhiên, Cao Lỗ, theo truyền thuyết, là tùy tướng của An Dương Vương, phải là phụ trách việc đúc Trống Đồng. Khi kết hợp với nhiều cứ liệu huyền thoại khác, Tạ Đức có thể khẳng định luôn rằng Cao Lỗ là thần Trống Đồng, thần Rồng, thần bảo vệ dân tộc Việt.
Cách làm của Tạ Đức có thể bị hiểu nhầm là phương pháp nghiên cứu liên ngành. Chúng tôi cho rằng đây là những liên kết thông tin không theo một phương pháp nào cả. Không nhà nghiên cứu sử học, văn hóa học, ngôn ngữ học, nhân loại học, hay dân tộc học nghiêm túc nào có can đảm viết và nghiên cứu như Tạ Đức.
Cách thức để đọc Tạ Đức, theo tôi, hết sức đơn giản. Chỉ cần lần lại tư liệu mà ông trích dẫn để kiểm chứng. Điều này hết sức dễ dàng vì hầu hết tư liệu đều cóp nhặt từ nguồn internet. Ví dụ khi phân tích tài liệu "Lịch sử về lịch sử của người Di" của Harrell Stevan được Tạ Đức dẫn ra ở trang 203, chúng tôi nhận thấy ông đã lạm dụng và bẻ cong tư liệu mà Harrell trích dẫn để biến người Lô Lô thành người Lạc Việt như thế nào.
Chúng tôi cho rằng bạn đọc cần hết sức tỉnh táo và cẩn trọng trong việc đọc quyển sách này của Tạ Đức.
Tranh luận cùng Admin Thư viện Nhân học và nghĩ về điểm sách trên Internet
(Hà Thủy Nguyên, Book Hunter)
Đầu năm 2017, Book Hunter đã giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” của Tạ Đức. Cuốn sách nhận được nhiều sự quan tâm của các độc giả. Mặc dù không phải hoàn toàn đồng tình với các luận điểm của tác giả, nhưng Book Hunter vẫn giới thiệu cuốn sách này bởi nhận thấy sự kỳ công của tác giả khi thực hiện một cuộc chuyên khảo này với nhiều tư liệu chính thống và phi chính thống. Cách làm này của Tạ Đức có phần đi ngược lại thói quen của giới học giả Việt Nam. Tạ Đức đã cẩn trọng trong vấn đề này, ông gọi tập sách của ông là “chuyên khảo”, có nghĩa là một hình thức tìm hiểu vấn đề bằng cách so sánh, đối chiếu. Điều này lý giải tại sao ông phải sử dụng cả nguồn tư liệu chính thống và phi chính thống. Việc này xét ra cũng không khác gì với chuyện khảo sát cả các tư liệu ở thư tịch và các nguồn dân gian giống như các nhà nghiên cứu trước đây vẫn hay làm (Làm sao có thể kiểm chứng được các nguồn dân gian?). Thế nhưng, cuốn sách vẫn phải chịu không ít sóng gió dư luận, trong đó phải kể đến Liam Kelly và mới đây nhất là Nguyễn Phúc Anh, admin của Thư viện Nhân học.
Lược thuật cuộc tranh luận
Trên facebook cá nhân của mình, Nguyễn Phúc Anh đã viết một bài mạt sát Tạ Đức và cuốn sách của ông. Lập luận Nguyễn Phúc Anh đưa ra vẫn là nguồn tư liệu không chính thống. Đây là một số lập luận của Phúc Anh:
“Hiếm thấy một nhà nghiên cứu nào thành tâm tin tưởng và sử dụng tất cả những gì ông có thể đọc được trên internet như Tạ Đức. Ông đã biến những thông tin vô thưởng vô phạt và thậm chí hoang đường nhất mà ông tìm được từ nguồn Google, Baidu thành một phần của lịch sử Việt Nam. Việc sử dụng tùy tiện không cần kiểm chứng này giúp ông có được những kết luận giật mình như về sự tồn tại của Trống Đồng Ư Việt, mà An Dương Vương mô phỏng theo kiểu dáng Trống Đồng này để đúc Trống Đồng Đông Sơn!”
Và:
“Cách làm việc bán lẫn cả trứng tốt lẫn trứng ung này hết sức nguy hiểm trong thực hành nghiên cứu hiện nay.”
Và:
“Quyển sách của Tạ Đức là một sự kết hợp hổ lốn của tất cả thông tin cóp nhặt từ các nguồn được liên kết lại với nhau bằng một trí tưởng tượng thuần túy. Ông liên kết những thông tin ông tìm được từ huyền thoại, hiện vật khảo cổ, thông tin về dân tộc chí, thư tịch, ngôn ngữ học, đến thông tin không kiểm chứng trên internet, và các giả thuyết của những nhà nghiên cứu khác mà không theo bất cứ nguyên tắc nào.”
Rồi đi đến kết luận:
“Chúng tôi cho rằng bạn đọc cần hết sức tỉnh táo và cẩn trọng trong việc đọc quyển sách này của Tạ Đức.”
Để rồi sau đó mục đích chủ yếu là quảng bá cho Thư viện Nhân học:
.
Sau khi đọc bài viết, tôi đã liên tiếp đưa ra yêu cầu Phúc Anh viết một bài phê phán cuốn sách cho xứng tầm với một trí thức trẻ, với vai trò là admin của Thư viện Nhân học, nhưng sau một loạt lời dọa nạt hạ bệ danh tiếng của Tạ Đức thì Phúc Anh vẫn cố từ chối không viết một bài phê phán thật sự nghiêm túc. Thậm chí khi ông Tạ Đức có lời mời Phúc Anh viết bài gửi cho Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ông sẽ sẵn sàng trả lời trên tạp chí, thế nhưng Phúc Anh vẫn tiếp tục từ chối. Thay vì đó, kêu gọi bạn bè scan toàn bộ cuốn sách cùng với lời bình điểm của cá nhân. Lời bình điểm này thực ra chỉ là vài chữ nguệch ngoạc, không có chứng lý rõ ràng, không có lập luận phân tích, không thể lấy đó làm cơ sở để hạ bệ cuốn sách. Tôi không rõ đây là lối làm học thuật kiểu gì, vì tôi chưa thực sự được biết đến lối học thuật này.
Tôi không tranh luận về nội dung cuốn sách, tôi chỉ yêu cầu Phúc Anh hãy viết một bài phê phán có dẫn chứng, có lập luận một cách nghiêm túc và bài bản phù hợp với vị thế cộng đồng và bằng cấp của anh ta, chứ không phải chỉ là một cái post vô trách nhiệm trên facebook. Thế nhưng, Phúc Anh vẫn tiếp tục các lời lẽ mạt sát Tạ Đức thay vì chịu khó viết bài. Lúc đầu, cuộc tranh luận diễn ra trên fanpage Book Hunter ở một post suy ngẫm về công việc phê bình. Sau đó, cuộc tranh luận được chuyển sang facebook cá nhân của Phúc Anh.
Một lúc sau, tôi cũng chán cuộc tranh luận vì nó không đi đến đâu, và cũng muốn quay trở lại công việc của mình. Tôi cho rằng mình sẽ chỉ thực sự phản biện một văn bản có lập luận và dẫn chứng rõ ràng, thay vì cãi vã qua lại trên một post facebook không đủ tính học thuật mà chỉ là những lý lẽ mang đầy thiên kiến. Thế nhưng, ngay sau đó, Nguyễn Phúc Anh lại sang một post trên tường nhà tôi, nói rằng tôi đã xóa các comment của anh ta trên Book Hunter trong khi những comment ấy vẫn còn hiện diện. Chỉ một phút sau khi vu khống tôi xóa comment (giống như anh ta thường làm), anh ta đã block facebook của tôi, không cho tôi cơ hội được có tiếng nói phản biện lại những lý lẽ của anh ta thêm nữa. Trước hành vi vu khống và block này, tôi có hơi cảm thấy kinh ngạc, vì cuộc tranh luận chưa đi đến mức phải block nick tôi như thế, tôi cũng chưa có lời lẽ nào xúc phạm đến anh ta. Điều này không khỏi khiến tôi phải suy nghĩ về động cơ của anh ta trong toàn bộ sự việc này.
Nguyễn Phúc Anh vu khống Hà Thủy Nguyên xóa các comment của anh ta
Bằng chứng cho thấy những comment của Phúc Anh không hề bị xóa trên Book Hunter
Các bạn có thể vào link facebook này để thấy toàn bộ cuộc tranh luận này không hề bị xóa: https://www.facebook.com/HuntersBookstore/posts/1086813221423429
Và vào link này để thấy cách thức Nguyễn Phúc Anh vu khống tôi xóa comment:
https://www.facebook.com/ha.thuynguyen.5/posts/1613861951976072?pnref=story
Hoài nghi về độ uy tín của Nguyễn Phúc Anh trong điểm sách
Những bài điểm sách của Nguyễn Phúc Anh trên facebook cá nhân của anh nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, và đều có link dẫn về Thư viện Nhân học với lời mời gọi mua Subcribe của Thư viện. Tôi không nghi ngờ chất lượng của Thư viện bởi những cuốn sách đó thật sự có uy tín, điều tôi hoài nghi chính là chất lượng các bài điểm sách của Nguyễn Phúc Anh.
Những bài điểm sách và cả những bài hạ bệ một số học giả Việt Nam của Nguyễn Phúc Anh không dựa trên lập luận và dẫn chứng mà luôn đưa ra các kết luận mang cái nhìn chủ quan. Muốn hạ bệ cũng được, muốn quảng bá sách cũng được, nhưng phải dựa trên các nguyên tắc căn bản của học thuật – lĩnh vực mà anh ta đang hoạt động, đó là cần có đầy đủ dẫn chứng và lập luận. Nếu anh ta là một nhà báo viết điểm sách ăn tiền, tôi sẽ không nói đến làm gì, nhưng một trí thức trẻ, đại diện cho một cộng đồng học thuật online lại điểm sách theo lối phỏng đoán ấy thì thật là đáng thất vọng. Cách “bình điểm” của Phúc Anh ở trên, cùng với lối viết phi khoa học để hạ bệ Tạ Đức là minh chứng cho việc anh ta đang cổ vũ một lối điểm sách thiếu tính học thuật.
Nhân dịp nói chuyện về trống đồng Đông Sơn, tôi xin lấy ra làm dẫn chứng cho sự vô trách nhiệm trong viết điểm sách của Nguyễn Phúc Anh. Cách đây không lâu, Phúc Anh đã có một bài viết điểm cuốn sách “Những Cội nguồn của Việt Nam thời cổ đại” của Nam C. Kim. Khi điểm cuốn sách này, Phúc Anh đã có cách nhận định như sau:
“Từ đó, ông bác bỏ giả thuyết của nhiều nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam (như Hà Văn Tấn) cho rằng ở khu vực Cổ Loa đã từng tồn tại một vương quốc hùng mạnh với một quy mô dân số lớn, với phân tầng xã hội, có nhà nước tập quyền.
Ông cho rằng thành Cổ Loa là một đô thị cổ thuộc loại sớm nhất ở vùng Đông Nam Á, nhưng hết sức nhỏ bé. Đô thị cổ này KHÔNG THỂ LÀ KINH ĐÔ của một NHÀ NƯỚC THỰC THỤ. Những nghiên cứu khác được ông dẫn ra trong tác phẩm của mình đồng thuận rằng KHÔNG CÓ MỘT HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC THỰC THỤ nào đã tồn tại ở đồng bằng Sông Hồng từ thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên trở về trước.”
Ảnh chụp bài viết của Nguyễn Phúc Anh:
Trên thực tế, những điều Phúc Anh tóm tắt từ sách của Nam C.Kim không liên quan đến những gì mà Phúc Anh nhận định. Một tờ rơi của Oxford University Press đã viết như thế này về cuốn sách:
“Trong tác phẩm xuất sắc này, Nam Kim mô tả cách thức những khai quật của ông đã nhận diện một thủ đô được thành lập bởi tầng lớp thượng lưu quý tộc, thịnh vượng nhờ môi trường sống trù phú, và sau cùng đối mặt với tham vọng bá quyền của nhà Hán ra sao. Vốn chỉ là câu truyện về các vị vua huyền thoại, giờ đây chúng ta đã có một giả thiết tiền sử mới và có thuyết phục được củng cố bởi kết quả của một công trình thực địa khảo cổ tuyệt vời.” —CharlesHigham, University of Otago
Nguồn gốc Việt Nam cổ đại (The Origins of Ancient Vietnam) khám phá nguồn gốc của nền văn minh Đồng bằng song Hồng và cách thức các nghiên cứu liên quan có thể cung cấp thông tin để giúp chúng ta hiểu về các xã hội cổ đại, nói chung, và các nền tảng của văn hoá Việt Nam, nói riêng. Từ lâu đã được tin là cái nôi của văn minh Việt Nam, khu vực này đã được nhắc tới bởi các cây bút người Việt Nam và người Trung Quốc hàng thế kỷ qua, nhiều người đã ghi chép lại những truyền thuyết và câu chuyện đầy màu sắc về tiền sử của khu vực này. Một trong số những câu chuyện tồn tại lâu đời nhất đó là câu chuyện về vương quốc Âu Lạc với thủ đô Cổ Loa. Được thành lập vào thế kỷ 3 trước công nguyên, theo truyền thuyết kể lại, bức tường thành của pháo đài này vẫn còn hiện diện cho tới ngày nay. Tuy nhiên, hiện đang có những tranh cãi về nguồn gốc của khu vực này, tính xác thực của những câu chuyện đầy tính văn chương, và mối liên hệ giữa quá khứ tiền sử với xã hội Việt Nam sau đó. Việc sát nhập do nhà Hán thực hiện, kết hợp với những ghi chép rắc rối được tìm thấy trong sử ký Trung Hoa, đã làm cho mọi việc rối tung lên.
Các thập niên gần đây, hoạt động khảo cổ tại khu vực này đã cung cấp những cách nhìn mới về việc xem xét những vấn đề này. Những cổ vật được tìm thấy tiết lộ quỹ đạo thay đổi văn hoá suốt thời kỳ tiền sử ngay tại chỗ, kết thúc bằng sự xuất hiện của một xã hội phức tạp về mặt chính trị. Cụ thể, dữ liệu mới chỉ ra rằng thành Cổ Loa được xây bởi một nhà nước cổ đại, trước khi có sự xuất hiện của nhà Hán tại đây. Trong Nguồn gốc Việt Nam cổ đại, Nam Kim tổng hợp các bằng chứng khảo cổ cho sự phát triển trọng đại này, đặt Cổ Loa vào một trật tự toàn cầu, rộng hơn cùng với các nền văn mình, nhà nước và thành thị trỗi dậy.
Link tờ rơi: http://seasia.wisc.edu/wp-content/uploads/2015/11/Kim_AncientVietnam-flyer.pdf
Còn đây là đoạn Nam C.Kim viết:
“Tường thành Cổ Loa vẫn sừng sững như một bằng chứng lặng lẽ cho quyền lực của một xã hội phân tầng tồn tại trong các thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên của châu thổ sông Hồng. Với việc xây dựng thành lũy này trong thế kỷ III BC, những người sáng lập chính thể này đã sở hữu quyền lực chính trị tập trung theo một trật tự chưa từng thấy trong vùng. Với quy mô xây dựng đồ sộ, Cổ Loa là một mẫu hình đặc biệt mang tính lịch sử và địa phương về đô thị hóa và quyền lực chính trị ra đời trong những thế kỷ trước khi các chính thể đô thị hóa được ghi chép về mặt lịch sử mang tính kinh điển của Đông Nam Á.
Cổ Loa vì vậy cho thấy những biểu hiện bên ngoài của một xã hội cấp nhà nước sớm, một xã hội mà được ghi dấu bởi sự lâu bền của quyền lực tập trung và kiểm soát về chính trị, một kết cấu chính trị xã hội đa thế hệ tiềm ẩn các xung đột và chiến tranh. Việc xây dựng kiến trúc hoành tráng của trung tâm đô thị có lẽ đòi hỏi một mức độ nào đó việc sử dụng lao động khổ sai (ép buộc) cũng như chứng tỏ sức mạnh của cải vật chất mà người nắm quyền lực sở hữu. Nói chung, việc xây dựng của một địa điểm đô thị cho thấy một cơ cấu chính trị phân tầng mà những người cầm quyền phải có được một lực lượng quân sự để giành được và duy trì trật tự của nó”.
Link một ấn bản của Tạp chí Khảo cổ học có đoạn trích trên: http://khaocohoc.gov.vn/tap-chi-khao-co-hoc-so-4-2016
Các bạn có thể đọc toàn bộ nghiên cứu này của Nam C.Kim trên Academia: https://www.academia.edu/30576294/NH%C3%80_N%C6%AF%E1%BB%9AC_S%E1%BB%9AM_%E1%BB%9E_B%E1%BA%AEC_VI%E1%BB%86T_NAM_2016_Kh%E1%BA%A3o_C%E1%BB%95_H%E1%BB%8Dc_
Do tôi chưa thực sự đọc cuốn sách của Nam C.Kim, nên buộc phải truy tìm các nguồn khác để đối chiếu với cách điểm sách của Phúc Anh. Sau đó, tôi tìm được một độc giả cũng cho rằng Phúc Anh không hề đọc kỹ lưỡng cuốn sách khi điểm:
Một điểm nguy hiểm hơn đó là quan niệm của Phúc Anh trong lối điểm sách. Thay vì điểm sách một cách chính xác với nội dung sách thì anh ta lại cho rằng mình là người viết “điểm sách dùng uy tín của mình để đọc quyển sách”. Quan niệm này có thể hiểu nôm na là: “Tôi nổi tiếng, tôi điểm sách quyển nào thì chuẩn quyển đó”. Cách làm này thực sự hiệu quả với một xã hội thiếu thông tin, phải dựa vào các nhân vật của công chúng để dẫn dắt. Tôi cho rằng cách làm này nên lui vào dĩ vãng, thay vào đó là một lối điểm sách nghiêm túc, bài bản, có hệ tiêu chuẩn rõ ràng và đòi hỏi người điểm sách phải thực sự đọc sách.
Dưới đây là đoạn comment Phúc Anh đưa ra quân điểm”điểm sách dùng uy tín của mình để đọc quyển sách”:
Tôi bỏ trường đại học, không có bằng cấp cao như Nguyễn Phúc Anh, tôi không có đủ “uy tín” cần thiết của một xã hội trọng khoa bảng như Việt Nam. Vì thế, tôi chọn cho mình lối điểm sách bằng việc thực sự đọc một cuốn sách, tóm lược và phân tích các chi tiết bên trong nó. Và nếu tôi muốn chê một cuốn sách nào, tôi phải thực sự có đầy đủ bằng chứng về việc nó đã tệ hại như thế nào. Tôi cho rằng, dù mình có đủ “uy tín” hay không, lối điểm sách ấy cũng khiến tôi không phải bịa đặt hay chém gió để phục vụ một động cơ nào đó. Đây là con đường Book Hunter đã chọn trong suốt 5 năm hoạt động vừa qua.
Vài suy nghĩ về điểm sách học thuật trên Internet
Bàn về học thuật là một chuyện khó. Người bàn rất dễ bị rơi vào ngụy biện và các bẫy cảm xúc dẫn đến cái nhìn thiên kiến. Bàn về sách học thuật trên Internet, đặc biệt là trên facebook lại càng khó, bởi sau khi tranh luận bất phân thắng bại, người ta chỉ có thể phủi sạch rồi kết luận rằng “đây chỉ là một post (hoặc một comment) trên facebook”. Các bạn có thấy vấn đề gì trong thái độ tranh luận Online của chúng ta hay không?
Chúng ta đưa ra các nhận định của mình Online một cách dễ dãi mà không cân nhắc đến hậu quả của nó. Ở trường hợp của Nguyễn Phúc Anh, anh ta viết các bài điểm sách dễ dãi trên facebook, thậm chí là sai nội dung sách. Những bài này được củng cố uy tín bởi bằng cấp của anh ta cùng với thương hiệu một học giả trẻ mà bấy lâu nay anh ta đã tạo dựng. Độc giả đọc bài của anh ta với niềm tin rằng anh ta là một học giả trẻ, những dẫn dắt trong việc chọn sách của anh ta hẳn là đúng đắn, lối viết của anh ta hẳn là chuẩn học thuật, cho dù nó được viết trên facebook. Nhất là khi dưới mỗi post anh ta đều dán link Thư viện Nhân học, cho thấy một cơ sở dữ liệu khổng lồ là nền tảng cho tri thức của anh ta, thì mức độ lòng tin của độc giả lại càng cao. Và khi một người có uy tín đưa ra một nhận định sai, có phải rằng cả một nhóm người tin tưởng anh ta sẽ đi sai đường chăng? Những tranh luận của anh ta lại càng làm dày thêm sự vô trách nhiệm trong các phát ngôn online mà độc giả kỳ vọng rằng chúng phải hàm chứa tính học thuật trong đó.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại cách chúng ta phát ngôn trên facebook, nhất là những phát ngôn liên quan đến học thuật hoặc điểm sách. Cho dù chúng ta đang phát ngôn trong cộng đồng học thuật hay là phát ngôn với một cộng đồng đông đảo bao gồm cả người có chuyên môn cũng như không có chuyên môn, ta đều cần phải có trách nhiệm với mọi lý lẽ của mình. Trách nhiệm này đơn giản là chỉ rõ cho độc giả thấy, đâu là phát ngôn mang tính chủ quan của ta và đâu là những thông tin khách quan, để độc giả có quyền lựa chọn đặt niềm tin cho mình; và quan trọng là mọi lý lẽ đưa ra phải dựa trên dẫn chứng chứ không phải quy kết chủ quan dựa trên định kiến. Không có cuốn sách nào dậy tôi làm thế cả, đó chỉ đơn giản là một đề xuất tôi cho thói quen phát ngôn online mà thôi. Thực hiện hay không là tùy bạn!
Ý kiến của Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân về tiêu chuẩn của điểm sách
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015