Để biết là mình chưa biết

08:42 CH @ Thứ Năm - 26 Tháng Mười Hai, 2019

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phan Đình Diệu là người mà trong giới khoa học không mấy ai không biết đến bởi những công trình toán học của ông đã cống hiến cho xã hội. Thế nhưng ông lại cảm thấy lúng túng khi đọc sách. Ông nói: Tôi thường gặp tình huống khi đọc một cuốn sách, đọc từ đầu đến cuối tưởng rằng mình đã hiểu cả, nhưng rồi lần sau đọc lại mới phát hiện ra mình đã hiểu sai cả. Và điều đó không phải chỉ diễn ra một lần. Kinh nghiệm đó lặp đi lặp lại với sách này rồi với sách khác dạy cho tôi một ý thức cảnh giác với những gì mình tưởng là đã hiểu:

Để trở thành một người hiểu biết, ông phân ra hai cấp độ là: hiểubiết.

Ngay từ nhỏ, Phan Đình Diệu đã tâm đắc với câu nói của Khổng Tử trong sách Luận ngữ. Việc chi mình biết, nhận là biết, việc chi mình không biết nhận là không biết, ấy là biết.

Phan Đình Diệu kể rằng, lớn lên càng được học nhiều càng thấy thực hiện câu nói trên không phải là dễ. Khi còn nhỏ cắp sách tới trường, thầy nói cho cái gì biết cái đó. Nhưng khi một mình đối diện với sách, thì giữa biển tri thức mênh mông, xác định đâu đúng, đâu sai không phải lúc nào cũng làm được.

Trong hai cách học tập, một là có thầy, hai là tự học với sách, cách nào cũng quan trọng, cũng cần thiết, nhưng nghe người khác nói, nhiều khi không “trúng” điều mình đang cần biết, nhất là nghe theo kiểu đại trà, nghe "qua loa". Bởi vậy theo Giáo sư Phan Đình Diệu tự học mới thực sự là học.

Trong tự học, thì tự học qua đọc sách, là bước thứ nhất, bước trang bị lý luận cơ bản. Nhưng như ông đã nói, đọc sách nhiều khi tưởng mình đã hiểu mà thực sự chưa hiểu gì cả?

Vậy “hiểu” là gì?

Giáo sư Phan Đình Diệulý giải: Hiểu là phải nắm bắt được cái cốt lõi, bản chất của một tri thức, phải nắm bắt được cái hạt nhân "chân lý" chứa đựng trong tri thức, thậm chí trong vẻ đẹp của tri thức?

Mà thế nào là cốt lõi, là bản chất, là hạt nhân của tri thức? Ngày nay, nhận thức của con người ngày càng động chạm đến nhiều vấn đề phức tạp. Cuộc sống luôn đặt ra các câu hỏi về mọi vấn đề mà tuỳ trình độ của con người trong từng thời đại, có những câu trả lời khác nhau, có thể không tuyệt đối đúng, nhưng phù hợp với nhận thức thời đại của mình. Với các nhận thức "tương đối đúng" như thế, con người vẫn có thể dùng nó để ứng xử thích hợp với yêu cầu cuộc sống của mình.

Bởi vậy, mục tiêu của đọc sách, theo Giáo sư Phan Đình Diệu , chủ yếu không phải chỉ để tìm xem cái nào đúng, cái nào sai, mà là phải tìm kiếm cách giải quyết vấn đề của người đi trước để có thể từ đó, có cách ứng xử của mình thích hợp với hoàn cảnh thực tại.

Trong việc tìm kiếm "bản chất của tri thức", Giáo sư Phan Đình Diệu có kinh nghiệm là phải tìm ở "đằng sau cái vỏ ngôn ngữ", thậm chí ở "ánh chớp của tư tưởng". Ông nói: “Khi đọc một quyển sách, thoạt đầu ta tiếp xúc với câu chữ, với ngôn ngữ rồi với các lập luận từ câu này sang câu khác. Ta nghĩ rằng ta đã hiểu là vì các câu chữ rõ ràng, lập luận hợp lôgic... Nhưng lần sau ta nhận ra ta đã hiểu sai là vì bản chất của tri thức thường nằm đằng sau, ẩn bên trong cái vỏ hình thức của những ngôn ngữ và lập luận đó. Còn vẻ đẹp của tri thức thì hoạ hoằn lắm ta mới phát hiện được qua hình bóng của những ánh chớp tư tưởng đã từng xuất hiện ở những giây phút thần kỳ nào đó của sự sáng tạo, mà chỉ những cảm thụ đặc biệt nào đó mới phát hiện ra được.”

Theo Phan Đình Diệu , để tìm kiếm cách giải quyết vấn đề, người đọc sách phải lội ngược dòng quá trình sáng tạo của người viết sách. Ông nói: Đọc sách mà muốn hiểu được sâu sắc một tri thức thì thường phải tìm lại được quá trình sáng tạo nên tri thức đó, mà ta nhớ rằng, cách trình bày một tài liệu (khoa học) thường đòi hỏi tuân theo một lôgic diễn dịch (hình thức) gần như theo con đường ngược lại với lôgic của quá trình sáng tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đình Diệutrên cơ sở toán học chứng minh rằng, có những vấn đề toán học có nhiều cách giải khác nhau. Để có thể tìm ra một kết luận khả dĩ có thể cho là hợp lý nhất thì khi đọc sách, ngoài chuyện động não cá nhân, còn cần đến sự trao đổi để biết cái mình chưa biết.

Biết cái mình chưa biết là điều kiện để ta có thể tiến bộ không ngừng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để biết là mình không biết...

    13/05/2018Phan Đình DiệuChưa bao giờ việc học được toàn xã hội chúng ta quan tâm như mấy năm vừa qua. Ta đã bàn nhiều về những điều mà xã hội phải lo cho người học, nhưng còn bản thân người học phải lo thế nào cho việc học của chính mình thì có lẽ còn ít được bàn tới. Trong một đời người thì việc học ở nhà trường có thầy có lớp nhiều lắm cũng khoảng mươi, mười lăm năm, còn ngoài ra để học suốt đời thì chủ yếu là tự học.
  • Việc học & việc đời

    05/09/2016Bùi Trọng LiễuDĩ nhiên, cần có học để có thể vào đời đó là một sự hiển nhiên, như tôi có dịp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong đó có đề cập đến mục tiêu của việc học như sau: Mục tiêu thứ nhất là tạo lập một cơ sở tri thức văn hoá cho con người và xã hội...
  • Một nền học của ta và cho ta

    07/05/2007GS. Phan Đình DiệuNền học mới mà ta chủ trương xây dựng, phải là một nền giáo dục có nội dung tiên tiến, hiện đại và truyền thống. Hiện đại là nói đến tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại, đã và đang có những bước tiến vượt bậc và có tác động to lớn đến sự chuyển biến của kinh tế và xã hội loài người hiện nay; còn truyền thống phải chăng là những cái hay, cái đẹp trong nền học của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay, đã góp phần tạo nên cái cốt cách tinh thần của dân tộc ta trong quá khứ và vẫn còn cần thiết cho cuộc sống hôm nay?
  • Nhìn và Thấy

    08/02/2006Phan Đình DiệuĐời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó...
  • Tri thức là gì?

    06/07/2005Phan Đình Diệu, Đại học Quốc gia Hà NộiThế giới đang chuyển biến tới một nền “kinh tế tri thức”, một “xã hội tri thức”, và với xu thế toàn cầu hoá hiện nay, điều đó cũng tác động rất lớn đến các nước đang phát triển như nước ta với không khi ít các cơ hội và đầy rẫy những thách thức. Nhưng, tri thức là gì? làm sao để có được sự giàu có tri thức tạo cơ sở cho một nền kinh tế và xã hội tri thức giàu có trong tương lai?...