Để ta là mình

04:00 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Hai, 2019

Mình. Một từ tiếng Việt thân mật ai cũng hiểu. Nhưng để xuyên thấm cái từ này, đi cho hết cái từ này thì hết hồn chứ chẳng chơi đâu.


.

Mình. Một từ ẩn mật của tiếng Việt. Nó chạm vào chiều sâu của cuộc sống, đi xuyên qua cái bên ngoài (cơ thể) đến cái bên trong (tâm), đi từ chủ thể ta đến đối tượng mình, vì ta cũng có thể xưng là mình: mình yêu mình lắm, mình ơi!

Mình. Vừa chỉ hình vừa chỉ bóng như hai câu thơ nổi tiếng:

Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai.

Hãy để chữ mình tự bộc lộ cái hồn sâu xa của nó trong các ngữ cảnh khác nhau, như cái xuân sắc hiện ra trong gió lạnh. Như câu ca dao:

Chim thúy nó biểu chim huỳnh
Biểu to biểu nhỏ biểu mình thương nhau.

“Mình thương nhau” là mình không còn một mình. Cái khoảnh khắc đó sẽ đưa đến trong mình có một “mình” khác và trong cái mình khác ấy cũng ẩn chứa cái mình này. Đó là cái mình này thở vào cái mình kia, thở vào nhau, thấm vào nhau, sống trong nhau nên không cần phân đôi thành hai ngôi đại từ nữa. Chỉ “mình” là đủ, như xưa kia trong thần thoại Hy Lạp, một mình người có đủ cho đôi giới tính.

Chỉ khi thật sự đơn độc khổ đau thì ta mới giống như nàng Kiều. Tam Hợp đạo cô nói về Kiều, về cái một mình kinh khiếp đọa đày:

Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết, một mình mình hay
Làm cho sống đọa thác đày...

Mỗi lần Kiều khởi lên một niệm thương, là nàng bị tổn thương vì nỗi oan theo đuổi mình, nỗi oan bạc mệnh phải đem “mình” ra bán để cứu chuộc những “mình” khác trên cái cây đời sống: Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.

Cái mình ở đây, trong thơ ca, mang cảm thức huyền thoại, một cảm thức rất hiền minh. Bởi vì, thường là thơ và huyền thoại vẫn hiền minh hơn triết học.

Chính là huyền thoại đã sinh ra thơ ca. Để cảm nhận đời sống, để nâng đời sống lên, để nối đời sống, bằng sợi chỉ thiêng, với vĩnh cửu.

Không cần đập mảnh gương xưa nào để tìm ra cái bóng một người đẹp như nàng. Cứ nhìn xuống dòng sông, suối khe, ao hồ. Nhìn xuống nước. Nước của đời sống. Nước của tình yêu. Nước của những ước mơ con người, những khổ đau người in bóng và tan bóng.

Huyền thoại Hy Lạp thì có cái bóng của chàng Narcissus. Vô cùng tuấn tú, chàng trở nên kiêu ngạo và lạnh lùng. Chàng dửng dưng trước mọi tình yêu dành cho chàng, từ cả hai phái. Cả nữ thần Echo (Tiếng Vang) cũng theo đuổi chàng mọi nơi trong rừng hồ. Bực mình chàng lên tiếng:

- Ai đó, ai đang theo tôi?

Vì Echo đã mất tiếng nói đầy đủ bình thường, chỉ còn âm vang nên cô chỉ có thể đáp:

- Theo tôi, theo tôi...

Điều đó càng làm Narcissus khó chịu hơn, càng không thể chịu đựng tình yêu của người khác. Tìm đến một cái hồ, chàng cúi mình uống nước.

Nữ thần Trừng Phạt, nghe lời cầu nguyện của một kẻ si mê Narcissus, quyết định ra tay. Narcissus sẽ phải cảm nhận thế nào là thống khổ của tình yêu.

Nhìn thấy dưới nước một bóng người tuyệt đẹp, Narcissus rùng mình và lòng rúng động. Yêu ngay cái bóng ấy, tỏ tình với nó, muốn đưa môi hôn nó và tất nhiên nó cũng làm như vậy, với chàng. Cuối cùng chàng cũng nhận ra đó là mình. Tình yêu đó là mình. Nhưng đó là thứ “mình” không thể nhân lên và không thể giảm trừ. Chỉ có thế!

Cách đây gần hai nghìn năm, nhà thơ Ovid ở La Mã đã cho Narcissus thốt lên những lời ai oán mà tôi thử chuyển ý như sau:

Ta yêu mình mất rồi
Ta đày đọa mình thôi -
Mình yêu hay được yêu
Cùng ai tỏ tình thế?
Cái mà mình ái luyến
Cũng chỉ là mình thôi!
Cái mà mình muốn đến
Là nơi mình đến rồi
Tại sao ta không thể
Tự mình tách khỏi tôi!
Lời yêu mới nguyện trên môi
Xin cho mình được xa người mình yêu!

Tại sao lại phải xin được tách khỏi, xa ra? Vì phải là hai mới có thể có lúc hợp nhất. Mình tự yêu mình là một tình yêu lạc lối. Nhà thơ K.Gibran nói trên bàn thờ tình yêu, hai ngọn nến cùng cháy, nhưng phải tách ra, không thể cháy lẫn vào nhau. Chính là thế!

Yêu là yêu người. Yêu ai đó ngoài bản thân. Không phải là chính bản thân. Con đường tự sướng, đưa đến bi kịch Narcissus, con đường bó hẹp bản thân.

Yêu là mở rộng bản thân. Là bản thân nối kết những bản thân, là mình nối kết với những mình khác.
Thế mà, mình vẫn là mình, thực sự là mình, không chạy theo những cái bóng, không chấp vào những cái bóng.

Mình ơi, đừng quên khuấy điều đó.

Cái đầu vẫn ở trên vai mình, đừng quên khuấy điều đó!

Nhà thơ Trúc Lâm Đại Sĩ (Trần Nhân Tông) trong một bài phú chữ Nôm nổi tiếng nhắc ta đừng chạy theo bóng mà quên mình, hãy ở giữa bụi trần mà tìm thấy đạo của niềm vui (Cư Trần Lạc Đạo Phú):

Khuấy đầu chấp bóng,
ắt kham cười

Diễn Nhã Đạt Đa.

Chàng Diễn Nhã ngày xưa (trong Kinh Lăng Nghiêm) một hôm soi gương không thấy đầu mình có lẽ vì gương đã bị xoay mặt đi. Hoảng hốt, anh bỏ chạy mà kêu gào mình đã mất đầu rồi. Chỉ vì tin cái bóng trong gương hàng ngày mới là thật.

Chàng chỉ chấp cái bóng đó mà quên khuấy cái đầu thật trên vai mình, không tin vào cái chân thật trong lòng mình.
Cái chân thật đó dù có thể bị che mờ hay quên khuấy nó vẫn ở đó chứ đâu? Ở đâu?
Ở đó. Ngay trong sâu thẳm trái tim mỗi người. Trái tim mình.

Ở đó. Con đường của niềm vui.
Ở đó. Mình là mình. Mình là thế giới.

Nội dung liên quan

  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Ta là chính mình?! Ta trong cảnh giới nào?

    12/01/2018Nguyên Tất ThịnhTa khác biệt không phải vì Ta nhất định phải tìm cho mình một kiểu không giống gì, là duy nhất ! Không phải vậy! Mặc dù nếu Ta không phải là Ta thì Ta không biết nên như thế nào đâu - nhưng phải tìm thấy đường lối của chính Mình trong Môi trường chung - đó mới là ý nghĩa chính!
  • Vài suy nghĩ về cái Tôi trong thơ từ cách nhìn Phật Giáo

    16/11/2017Nguyễn Điệp HoaTưởng rằng có cái TÔI tuyệt đối, cái tôi đích thực, đó là một trong những ảo tưởng lớn nhất của loài người. Nhưng xem ra, căn bệnh này ở những người làm nghệ thuật và các nhà thơ còn nặng hơn nhiều so với những người khác...
  • Gồng mình với “cái tôi”, vì trống rỗng và bất tài?

    11/06/2017Nhà phê bình Nguyễn HòaNgười ta khó có thể phân biệt giữa bạt ngàn các nghệ sĩ được quảng bá và tự quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng thì đâu đích thực là “ngôi sao” tài năng, và đâu chỉ là “ngôi sao băng” lóe ngang qua “bầu trời nghệ thuật” rồi tắt ngóm?
  • Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo

    10/04/2017Họa sỹ Phan Cẩm ThượngCái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
  • Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?

    17/01/2017TS Chu Văn SơnTrong giai đoạn có tính bước ngoặt để sáng tạo nên thành tựu mới cho văn chương như hiện nay, các khái niệm “cách tân”, “cái mới”… đã được nhiều tác giả đặt ra và thảo luận để đi tìm sự thống nhất (dù tương đối).
  • Egoism = Chủ Nghĩa Cái Tôi

    25/11/2016Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác "cái tôi" nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
  • “Tôi mệt mỏi khi là chính mình”

    25/10/2013Linh HanyiSau cuộc nói chuyện nghiêm túc này, tôi nhận ra Haruki Murakami là người rất tập trung và luôn sẵn sàng. Ông nói chuyện trôi chảy, nhưng thường có đoạn ngừng giữa các ý, để có sự suy nghĩ kỹ lưỡng hơn dành cho một câu trả lời đúng nhất có thể...
  • Với piano tôi hoàn toàn là chính mình

    27/02/2007Nguyễn Thị Minh Châu thực hiệnTôi vẫn bướng bỉnh như xưa và chắc sẽ không bao giờ thay đổi một điều: không gì đánh đổi được tự do cá nhân. Với tôi chẳng gì bằng được làm theo ý mình, sống theo cách của mình, ai nói gì cũng kệ! Tôi bây giờ đằm tính hơn, nhìn đời điềm tĩnh hơn, biết giữ cân bằng giữa cảm tính và lý tính. Đấy là nét thay đổi không chỉ trong đời thường mà cả trong cách chơi đàn...
  • xem toàn bộ