Đắng

10:39 SA @ Thứ Tư - 22 Tháng Sáu, 2022

Viết vài suy nghĩ nảy ra khi đọc bài Tuổi Trẻ “Tiền thì ảo lừa đảo là thật” (Link bài báo: https://tuoitre.vn/tien-thi-ao-lua-dao-la-that-20220613170801268.htm ).

Đọc gợi nên những suy nghĩ lan man… thấy đăng đắng trong lòng.

Dù những suy nghĩ ấy lan man có lẽ chả liên quan bài báo lắm.

1.
Tác giả bài viết nêu 3 chức năng của tiền chính xác nhưng lại giật tít gọi Cryptocurrencies (tiền kỹ thuật số mã hoá - tiền KTS) là “tiền” dù là “ảo”… xong lại bảo nó không phải là tiền?!! 

Tác giả nói rằng tiền KTS “là một loại tài sản chứ không phải tiền đúng nghĩa” cũng đúng. Nhưng ngay cả tiền xịn như USD hay Dollar Zimbabwe, với nhiều nơi chúng là tiền nhưng ở nơi khác lại chỉ có chức năng chính là tài sản?!! Thế thì sao?

Các vấn đề tiêu cực của tiền KTS tác giả nêu ra không sai. Trích dẫn lời bà Christine Lagarde Chủ tịch ECB đồng thời từng là MD của IMF cũng đúng nhưng chưa hết những gì bà này đã nói.

Một nửa của sự thật không như nửa cái bánh mỳ.

Đọc bài báo thông điệp chính là gì: Tiền KST là tiền ảo? Là lừa đảo? Sụp đổ hết? Tiền KTS đã chết? Nó không có tương lai?

Tôi cho rằng tất cả các loại tiền KTS hiện nay (trừ các loại DC/CB như một loại Stable Coin) không có nội hàm kinh tế như bài viết cách đây 5 năm của tôi. Nó chỉ là công cụ đầu cơ, sưu tầm.

Tiền KTS chỉ có giá trị nếu ứng dụng đúng nơi đúng cách và đúng lúc. Bản thân DC/CB là ứng dụng tiền KTS không hề tồi vào lúc này dù ứng dụng chỉ 1/2 Blockchain.

Không nội hàm kinh tế thì không thể tính toán dự báo nên tôi không đầu tư và không khuyên ai đầu tư hay không đầu tư… vào những loại coins. Thừa tiền sưu tập hay cho mục đích khác đầu tư thì không nói.

Không có nội hàm kinh tế nên giá của nó mới chao đảo dữ dội, nhất là khi người ta dùng nó như một tài sản đầu cơ. Thú thật đọc phần đánh giá nguyên nhân với những từ ngữ đao to búa lớn về mâu thuẫn hai giá trị hay lý thuyết hậu hiện đại tôi không hiểu gì cả. Chắc vì tôi dốt quá.

Lúc này tôi không cổ suý cho tiền KTS, vẫn nguyên quan điểm không nên đầu tư vào nó như đã nói. Chỉ mong một cái nhìn đa chiều vì nó có thể có tương lai.

Đọc bài báo có cảm giác vuốt đuôi khi việc đã rồi và đạp lên kẻ đã ngã. Mà phàm mày đã ngã thì mày khốn nạn toàn tập, từng tế bào cơ thể mày là cặn bã xã hội và mày không phải là người, mày là con thú đáng bị tiêu diệt.

Đắng 1 là vì thế.

2. 
Niềm tin trong Blockchain được bảo đảm bằng công nghệ sổ cái phân tán: dân chủ, có giám sát cộng đồng chứ không là niềm tin mù quáng. Đâu có chuyện “công nghệ nền vận hành các đồng tiền mã hóa là blockchain lại loại bỏ niềm tin” như bài viết! Tin cứ tin, kiểm cứ kiểm. Niềm tin thế mới bền vững. Tôi đánh giá triết lý dân chủ và cơ sở niềm tin của Blockchain rất cao, dù cho đến nay Blockchain ứng dụng chưa nhiều, chủ yếu là tiền mã hoá và gần đây NFT… nhưng không có nghĩa mãi về sau vẫn thế.

Và phải hiểu rõ ràng: Blockchain và tiền mã hoá kỹ thuật số là khác nhau.

Bài báo có câu:
“Thế không lẽ nó cứ tăng giá mãi, dựa vào đâu để giá trị nó tăng lên?”

Đúng là GIÁ TRỊ không thể tăng mãi. Nhưng GIÁ (quy ra tiền fiat) thì có thể.

Giá có thể tăng đơn giản bởi tiền fiat mất giá. In tiền fiat ào ạt thì fiat phải mất giá thôi. Nếu không thì sinh ra Lạm phát làm gì?

Nội hàm tiền tệ và giá trị nội tại khác nhau xa. 

Vì thế bài báo bảo “Tiền mã hóa không hề mang một giá trị nội tại nào, nó chỉ có giá đó là do thiên hạ nói vậy, bỏ cái niềm tin này đi thì nó là đồ bỏ đi” nghe không có nội hàm kinh tế.

Cái gì mà chả thế? Tiền nào mà không thế?

Và niềm tin cũng là giá trị. Dân chủ, minh bạch, công khai của Blockchain cũng là giá trị. Vấn để là chúng ta có cần niềm tin, dân chủ, minh bạch trong tiền tệ không thôi.

Để chứng minh tiền KTS không có giá trị bài báo viết “bởi bản chất một đồng tiền mã hóa là các dòng mã code trên máy tính”. Ơ… tiền fiat chuyển khoản cũng là một dãy số trên máy tính. Tiền mặt fiat cũng chỉ là tờ giấy. Đổi tiền phát giấy lại hoàn giấy mèo lại hoàn mèo ngay.

Người ta tin fiat nên mới giữ fiat làm phương tiện cất giữ giá trị và vì nhà nước “bảo kê” chỉ cho phép dùng fiat cho thanh toán nên phải dùng fiat để thanh toán. Hãy chỉ cho tôi mấy quốc gia cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán ở nước mình nào?

Để “bảo kê” cho “niềm tin” với fiat money các quốc gia dùng hệ thống trừng phạt hà khắc nhất để tiêu diệt những người có thể phá mất niềm tin ấy.

Bởi tiền là quyền lực nhà nước.

Đúng là tiền KTS hiện đang lộn xộn thiếu nội hàm, phát triển chưa tới và còn nhiều việc phải làm nếu muốn tiền KTS trở thành tiền tệ thực sự và đáp ứng kỳ vọng những người tiên phong làm ra nó. Để như vậy sẽ kèm theo chuyển giao hay chia sẻ quyền lực trên diện rộng. Quá trình ấy chắc sẽ rất cam go đầy mồ hôi, nước mắt và máu. Như mọi hành trình loài người hướng tới tự do và dân chủ từ trước tới nay.

Đọc bài này càng cảm thấy rất rõ như thế.

Đó là cái đắng thứ 2.

3.

Có các nhà đầu tư bỏ tiền vào tiền KTS bị thua lỗ nếu Marked To Market hôm nay không? Có!

Trong số họ có những người tham ô tài sản chung đi đầu tư như “Lớp phó Sơn La” không? Có!

Có những người ngây thơ bị lôi kéo chạy theo lợi nhuận nóng mất tiền không? Có!

Còn nhiều cái có lắm!

Ơ mà… chuyện ấy diễn ra đâu chỉ với tiền KTS? Đầu tư vào đâu mà chả có người mất sạch, tham ô, khuynh gia bại sản. Đâu phải mỗi tiền KTS mới thế!

Nếu muốn tốt thì hãy học đầu tư thông minh, chống tham ô và chớ ngây thơ tin vào lợi nhuận nóng vô lý.

Lúc nào chả có những “cơ hội” thu nhập cao kiểu nước hoa Thanh Hương! HTX tín dụng! Chim cút! Chó Nhật! Lan đột biến! Cổ phiếu! Trái phiếu! Bất động sản!… kéo dân lao vào như thiêu thân. Bất chấp.

Và cứ mỗi khi đàn thiêu thân bị cháy là lập tức nhiều giọng nói bắt đầu cất lên: Có bọn lừa đảo khốn nạn chó chết và có những con người nghèo khổ là nạn nhân bị lừa. Đám đông thua lỗ nhất loạt phải là nạn nhân, không nhận nạn nhân không được. Không ít trường hợp là băng rôn biểu ngữ biểu tình nơi công cộng.

Lý do thì nhiều.

Có trường hợp bảo bị lừa vì “Hợp đồng in sẵn lại nhiều chữ, chữ bé quá đọc không hết, không kỹ… chủ quan nên ký”.

Hay vì “Tin công ty ấy, nhà tư vấn ấy, đối tác ấy, nghe bạn bè ấy… toàn những người uy tín”.
Hay vì “Tôi cứ tưởng rằng thì là mà…”.

Toàn cảm xúc!

Và một số đơn vị truyền thông, một số “chuyên gia” vào cuộc đẩy câu chuyện lên cao trào hơn dựa trên cảm xúc và tư duy “hậu quả theo cảm xúc”.

Cảm xúc là có thật, đáng được quan tâm. 
Nhưng không đủ.

Có một thứ không cho cảm xúc xem vào nhưng ai cũng nói vể nó đầy cảm xúc: Rủi ro. Rủi ro là một phần tất yếu của đầu tư: “High Risk - High Return”.

Rủi ro không có cảm xúc.

Quản lý rủi ro cũng đừng bằng cảm xúc. Quản lý rủi ro phải bằng kiến thức. Không hiểu, không kiến thức thì đừng bỏ tiền vào. Bởi bỏ vào mất tiền không biết tại sao, trừ khi lãi thì hiển nhiên là do mình thiên tài!

Tôi biết rất nhiều nhà đầu tư, nhiều người cũng chạy theo trend đầu tư, không ít người thua lỗ, thậm chí lỗ rất nặng. Nhưng họ không khóc lóc. Họ tiếp tục tìm trải nghiệm,

Tôi là một trong số họ: đã theo, đã ngu, đã dốt, đã dại khờ, đã tin, đã tưởng và tất nhiên đã mất mát. Chả phải thiên tài khỉ gì.

Trong khi đọc báo thấy hay đôi khi gặp người cứ lỗ là kêu khóc đổ lỗi lung tung, trừ bản thân mình ra.

Trẻ con buồn chán thì khóc vì chúng sống thuần bằng cảm xúc. Lớn đừng khóc.

Là người lớn đã ký vào hợp đồng là phải chịu trách nhiệm. Mắt mờ chữ bé thì thuê người đọc, không hiểu thì thuê luật sư, luật sư cũng không đọc được thì đừng ký… Ký vào thì tự chịu: bút sa gà chết. Có ai dí súng vào đầu bắt ký đâu. Đừng khóc.

Là người lớn tin người khác mà lỡ tin sai người thì hãy biết trả giá cho niềm tin sai. Niềm tin có giá của nó. Đừng khóc.

Là người lớn “cứ tưởng” mà tưởng bở thành mất tiền thì hãy tự trách mình và nhìn cho kỹ. Đừng khóc.

Là người lớn phải biết học, biết tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đừng khóc.

Nhà nước chỉ có trách nhiệm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, cạnh tranh sòng phẳng, chuẩn mực thông tin minh bạch… chứ không đảm bảo đầu tư có lãi hay doanh nghiệp phát hành không phá sản, cơ quan quản lý không quyết định thay nhà đầu tư thì cũng không thể giải quyết bù lỗ.

Chả phải viết bài này để bênh quản lý nhà nước, chả bênh đám phát hành lừa đảo, chả bênh đám bán hàng đểu hay kinh doanh nội gián tạo sóng lừa người lướt… bởi nhiều người viết rồi.

Chỉ là thêm góc nhìn khác.

Cho đến khi mỗi chúng ta vẫn bảo vệ vô điều kiện một vài đám đầu tư như trẻ con mãi không chịu lớn, vô trách nhiệm với bản thân mình và thị trường, động đến là kêu khóc với chính quyền, muốn luật pháp hành xử kiểu “xử thằng có tóc để dỗ khóc đám trọc đầu”, “xe to đền xe bé”, “luật vua thua lệ làng”, “tôi dốt tôi có quyền nát”, “nghèo có quyền Chí Phèo”… thành viên thị trường không có tính tự kỷ luật và tự điều tiết thì chả quản lý nhà nước nào làm hết việc sự vụ để can thiệp nghiệp vụ, thị trường sẽ èo uột, hàng họ sẽ lôm nhôm, môi trường đầu tư sẽ chông gai và các nhà đầu tư đàng hoàng sẽ ngần ngại.

Đó là cái đắng thứ 3.

Nguồn:FB cá nhân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cryptocurrency - những rủi ro

    22/06/2022Lý Xuân HảiTrước khi thảo luận và chia sẻ nhiều hơn về tương lai của Cryptocurrencies, việc đầu tiên là hiểu và đánh giá các rủi ro các nhà đầu tư đang đối mặt...
  • Tản mạn về hai chữ Đồng Tiền

    12/02/2022Ngô Quốc KỳTiền tệ đã có từ xưa. Bây giờ còn nói về nó, có vẻ e như đã cũ. Mặc dầu vậy, “ chuyện tiền nong” lại thường làm bận lòng mọi người ,bởi lẽ trong đời sống thường nhật với đầy đủ các mối quan hệ thế tục, nào đã mấy ai dứt khỏi được điều hệ luỵ này để rồi không còn bận tâm đến nó...
  • Tiền... bạc

    25/06/2009Linh LinhCả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đều chung quan điểm: Chữ Tình là thủ phạm gây ra nhiều ân oán, oan trái, khổ đau, chết chóc, trầm luân bể khổ trên đời! Nhưng giờ đây cần phải khẳng định thêm đồng phạm Tiền cũng gây ra tội lỗi thảm khốc không hề thua kém, nếu không muốn nói là vượt xa. Cuộc đời không thể không có tình và hiếm có yếu tố nào có thể dứt bỏ được tình, nhưng Tiền làm cho con người trở thành vô tình và cũng chỉ Tiền mới đủ sức mạnh ma quái làm được điều đó? Cho nên tình yêu, tình trường ai oán chẳng dứt, còn tiền tuy quan trọng, có thể nuôi được nhiều cuộc đời nhưng Tiền tệ, Tiền bạc lắm, người ơi!..
  • Tiền...là như thế nào?

    22/02/2019Nguyễn Tất ThịnhChúng tôi chuyện trò với nhau, mấy người bạn (vốn là dân trí thức, kĩ thuật, văn chương... này nọ) đề nghị tôi điểm vài kiến thức cơ bản về Tiền...(vì nó chẳng mới gì) nhưng họ thấy thiên hạ ai ai cững cần tiền, thích tiền, lao vào kiếm tiền...thì muốn hiểu rõ hơn tí... Cũng tốt, tôi đồng ý và viết ra, coi là giải trí cho mình...
  • Cướp ngân hàng thời kỹ thuật số

    02/12/2018Thư KỳMàn đêm buông xuống Đài Bắc, thành phố vừa ra khỏi cơn bão, mưa vẫn còn nặng hạt. Nhưng hai gã người Nga, Sergey Berezovsky và Vladimir Berkman, vẫn rảo bước tới cây ATM gần Ngân hàng Thương mại Đệ nhất. Đầu đội nón sụp xuống, mặt đeo khẩu trang chống bụi, họ loay hoay cạnh chiếc máy rút tiền một hồi...
  • Minds có thật sự được xây dựng trên nền tảng Blockchain?

    11/07/2018Đức Thiện“Nói Minds là mạng xã hội dựa trên nền tảng Blockchain là không thật sự rõ ràng, rất mập mờ lẫn lộn trắng đen. Và ở một khía cạnh nào đó là sai”...
  • Blockchain là gì? Blockchain hoạt động như thế nào? Ưu, nhược điểm của blockchain?

    02/07/2018Blockchain là chủ đề đang vô cùng nóng trên toàn cầu hiện nay. Nó cùng với Bitcoin và tiền kỹ thuật số trở thành đề tài bàn luận trên rất nhiều mặt báo và trong những cuộc trò chuyện của mọi người. Tuy nhiên, khi nói về blockchain vẫn còn nhiều tranh cãi...
  • Mặt trái của cuộc cách mạng kỹ thuật số

    09/04/2018Eric Schmidt và Jared Cohen, Phạm Vũ Lửa Hạ dịchBàn về mảng u ám của cách mạng kỹ thuật số khi bị các chế độ độc tài lợi dụng để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến, đồng thời đề cập đến khả năng phe chống đối nhà nước chuyên quyền có thể vận dụng kỹ thuật số để tạo thay đổi tích cực, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...
  • Thời của bong bóng

    13/03/2018Minh TâmBong bóng tài sản được hình thành và nuôi dưỡng bởi ba yếu tố thịnh hành đương thời: thanh khoản dồi dào, toàn cầu hoá và nền kinh tế dẫn dắt bởi mong muốn...
  • Tiền ảo, đời thực

    06/03/2018Huỳnh Bửu SơnKhông một lý thuyết kinh tế nào có thể tiên đoán được sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2017. Điển hình và được nhắc đến nhiều nhất cũng như có giá cao nhất trong số gần 1.500 loại tiền ảo là đồng Bitcoin...
  • “Căn bệnh Hà Lan” và tiền điện tử

    15/12/2017Căn bệnh Hà Lan thì liên quan gì đến tiền điện tử nhỉ? Có đấy bạn...
  • Kết nối kỹ thuật số: Biết chữ trong thế kỷ 21

    05/09/2006Barbara R.Jones-Kavalier và Suzanne L.Flannigan (Mỹ Hằng lược dịch - Tạp chí EDUCAUSE Quaterly số 2/2006)Trước thế kỷ 21, "biết chữ" được định nghĩa là khả năng biết đọc biết viết của một người. Nhưng bây giờ, trong thế kỷ 21 của chúng ta - xã hội đang tiến nhanh như vũ bão, bị bao bọc bởi truyền thông, được tự động hoá rất nhiều - thì đòi hỏi phải có một kiểu biết chữ mới, một kiểu biết chữ được định nghĩa rộng rãi hơn nhiều so với khả năng đọc và viết thông thường...
  • xem toàn bộ