Minds có thật sự được xây dựng trên nền tảng Blockchain?

10:12 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Bảy, 2018

“Nói Minds là mạng xã hội dựa trên nền tảng Blockchain là không thật sự rõ ràng, rất mập mờ lẫn lộn trắng đen. Và ở một khía cạnh nào đó là sai”...


Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển Kaspersky Việt Nam. - Ảnh: NVCC

Đó là nhận định của ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển Việt Nam của hãng bảo mật Kaspersky Lab, khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online về mạng xã hội mới nổi Minds - đang nhận được sự quan tâm của cư dân mạng Việt Nam những ngày gần đây.

Ông Khanh cho rằng: “Minds cũng chỉ là một nền tảng mạng xã hội “giống như bao người”. Tất nhiên khi cho ra đời thì nhà sáng lập chắc chắn sẽ phải nghĩ mình có khác biệt và sự khác biệt đó là thế mạnh đủ để cạnh tranh với “gã khổng lồ” Facebook".

"Một trong những ưu điểm của Minds đúng như nhiều người đã đề cập đó là bảo mật hơn và trao cho người dùng nhiều quyền quyết định hơn".

"Tuy nhiên hiểu nhầm bảo mật hơn do ứng dụng blockchain với cơ chế decentralized (phi tập trung hóa) thì quả thật là một sai lầm không thể nào lớn hơn, và vì vậy câu chuyện trao cho người dùng nhiều quyền hơn cũng bị hiểu đi một cách lệch lạc".

"Việc Minds bảo mật hơn cho tới hiện nay chẳng qua là chức năng mã hóa tin nhắn của nó. Theo tôi, đó cũng chỉ là một chức năng thường thường mà nhiều mạng xã hội đã có, Facebook không có vì nó không muốn thêm chức năng này mà thôi".

"Đặc biệt, tôi nghĩ Minds được biết nhiều nhất và hấp dẫn rất rất nhiều người trên thế giới và nhất là người Việt Nam chúng ta mấy ngày qua là khả năng kiếm tiền của Minds".


Trang chủ của mạng xã hội Minds. - Ảnh chụp màn hình.

- Rất nhiều thông tin trên mạng hiện nay nói rằng Minds là mạng xã hội dựa trên nền tảng Blockchain, việc này là đúng hay sai?

- Nói Minds là mạng xã hội dựa trên nền tảng blockchain là không thật sự rõ ràng, rất mập mờ lẫn lộn trắng đen. Và ở một khía cạnh nào đó là sai.

Như tôi đã nói, mạng xã hội này cũng chỉ là một sản phẩm được xây dựng dựa trên các mã nguồn mở với ngôn ngữ lập trình và hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến.

Máy chủ web bình thường như bao mạng xã hội khác (và tất nhiên hoàn toàn có thể bị hack hoặc bị đánh sập), không có cái công nghệ blockchain nào ở nền tảng các chức năng và ứng dụng của Minds.

Tìm hiểu qua thì tôi chỉ thấy Tokens là có ứng dụng blockchain vào tiền số của Minds bằng công nghệ Ethereum. Và có cảm giác Minds dùng chiêu công nghệ blockchain để phát hành tiền kỹ thuật số và chơi trò những người dùng có thể có tiền qua lại được bằng cách “làm giàu nội dung” trên nền tảng mạng xã hội này.

Giống như là một bài viết hay, một chia sẻ giỏi sẽ có tiền. Một cái click chuột hoàn toàn có thể làm nên tiền...

.

Riêng tôi, tôi không chuyển sang Minds, ít nhất là bây giờ mặc dù Facebook cũng không phải là một nền tảng đẹp đẽ gì cho lắm.

Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển Kaspersky Việt Nam

- Ông đánh giá thế nào về việc Minds phát hành tiền ảo dùng để giao dịch trong mạng xã hội của mình?

- Việc Minds phát hành tiền ảo trong giao dịch rõ ràng là cách họ làm giàu nền tảng của họ. Đây là một cách rất hay, đặc biệt là ở thời điểm này, đúng kiểu phong cách mới nhất trong “nền kinh tế chia sẻ”.

Việc Minds nói rằng tokens sẽ có giá trị trong tương lai có thể hoàn toàn đúng, nhưng hiện giờ giá trị tiền ảo của Minds gần như zero vì lượng người dùng thấp, nội dung trong mạng xã hội này là không nhiều.

Với Bitcoin chúng ta phải “đào” cật lực bằng các “trâu cày” thì mới có tiền, càng nhiều người “đào” thì tiền càng có giá trị do độ khó của thuật toán càng khắc nghiệt.

Nhưng với Minds chúng ta - những nhà tiên phong - cũng phải “cày” cực lực bằng cách lôi kéo người dùng, tạo nội dung để trở thành một “thế lực” của Minds sau này. Để mỗi lần chúng ta click chuột hay tạo một message là mỗi lần ra tiền (thực chất là tiền quảng cáo nếu suy nghĩ theo kiểu Facebook).

Điều này có thể giúp Minds nhanh chóng có nhiều người dùng, đặc biệt là nhiều nội dung tốt. Đây là điều tiên quyết làm nên thành công của một mạng xã hội như Facebook.

Giá trị của đồng tiền ảo lúc đầu là zero, nhưng thử nghĩ xem, nếu lượng người dùng trên 1 tỉ người thì đồng tiền ảo của Minds sẽ trị giá hằng trăm tỉ USD và những nhà tiên phong (tạo người dùng, rủ rê bạn bè, tạo content xịn, kết nối hay...) sẽ trở thành tỉ phú…

Viễn cảnh này nghe có vẻ quá hấp dẫn, đặc biệt là đối với người Việt Nam chúng ta.

- Hiện nay, cộng đồng mạng Việt Nam đang có xu hướng kêu gọi người dùng chuyển “nhà” từ Facebook qua Minds vì mạng xã hội này “lý tưởng” hơn, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Người Việt Nam đam mê công nghệ và tất nhiên cũng mê mấy món kiếm tiền online, dụ dỗ lôi kéo người khác, đa cấp... nên việc xuất hiện một mạng xã hội như Minds chắc chắn sẽ gây tiếng vang.

Nhưng tôi tin chắc chắn có một điều không thể thay đổi trong năm 2018 và đầu 2019 là sẽ xuất hiện rất nhiều loại giống như Minds.

Do đó, đứng ở góc độ người dùng thì việc thêm một lựa chọn luôn tốt hơn chỉ có một lựa chọn. Tuy nhiên, người dùng nên bình tĩnh sáng suốt trong quá trình lựa chọn của mình. Thông tin trên mạng đa dạng, cần có sự chọn lựa và đặc biệt phải có sự tư duy cá nhân trong từng thông tin.

Việc tham gia Minds hay không thật ra không quan trọng. Sự thành công của Minds hay không trong tương lai cũng không quan trọng, mà quan trọng nhất là cách chúng ta tiếp cận sự thay đổi. Đặc biệt là sự thay đổi đó đến từ 2 chữ “công nghệ”, cái món mà không phải ai cũng là chuyên gia.

Riêng tôi, tôi không chuyển sang Minds, ít nhất là bây giờ mặc dù Facebook cũng không phải là một nền tảng đẹp đẽ gì cho lắm.

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan