Đã đến lúc nhìn lại...
Nhân ngày Chủ nhật, và thường chỉ ngày Chủ nhật, đôi vợ chồng và con trai đánh ô tô về thăm ông bà ở ngoại ô thành phố. Đó là ngày hội trong tuần của hai ông bà già...
Đứa cháu theo lệnh bố, khoanh tay chào hỏi, để yên cho ông bà hôn chụt vài cái vào má. Cả hai chưa kịp tận hưởng niềm vui cuối tuần thì thằng bé đã biến mất. Nó tìm đến cái phòng quen thuộc và tiếp tục với cái màn hình chiếc iPhone mẹ mới mua cho. Anh con trai, bố nó, đã đứng tuổi, tính tình vốn ít nói, hỏi han bố mẹ vài câu cho có lệ rồi cũng tìm một góc trong phòng khách mở cái iPad mới tinh của mình ra. Chỉ còn chị con dâu, được bà mẹ chồng già đưa xuống bếp. Bà lấy các thứ vật liệu đã được mua sẵn hôm qua đang cất trong tủ lạnh. Bà hí hửng nói: “Món lươn nấu mẻ này hồi nhỏ chồng con thích ăn lắm đấy. Mẹ bày con làm để thỉnh thoảng nấu cho nó ăn”. Nhưng không ngờ, cô con dâu cười rõ to: “Ông bà già rồi, nấu nướng làm gì cho vất vả. Con đã mua sẵn hết mọi thứ rồi đây, tý nữa đặt nồi cơm là xong mẹ ơi!”. Và chị bày lên mặt bếp nào gà luộc, cua rang me, sò huyết sốt chua ngọt và cả một hộp canh chua to tướng.
Ông lão ngồi buồn thiu không biết con trai và cháu biến đi đâu. Bà lão thất vọng vì món “lươn nấu chuối” không được hưởng ứng nhiệt tình. Chị con dâu cũng đã đặt xong nồi cơm, ngả lưng lên cái võng ở góc nhà, cũng mở iPhone ra, chị đang chơi Facebook, đang cố nghĩ một cái status mới thật ấn tượng để câu like. Bạn của chị trên “phây” đã lên tới 2.500 người rồi, chị đang add thêm nữa.
Buổi sáng Chủ nhật đột nhiên bị đóng băng. Không chỉ ông bà nội mà mọi người đều buồn chán. Một ngày Chủ nhật buồn chán.
Tiện nghi và văn hóa tiêu dùng không có điểm dừng kể cả những nước nghèo rớt mùng tơi phải nhập khẩu đủ mọi thứ, đang làm tiêu tan niềm vui hồn nhiên nhất của con người. Tại sao tiện nghi luôn là niềm mơ ước, thậm chí có thời người ta chỉ cần có một cái quạt máy con cóc, vậy mà khi đã có trong tay, lại có thể làm cho người ta không vui, đúng hơn là nó đẻ ra những vấn nạn làm người ta không vui? Đó là nghịch lý lớn nhất của xã hội tiêu dùng hiện đại.
Không phải bây giờ mà từ thế kỷ trước, khi kỹ thuật sản xuất hàng hóa và lưu thông phát triển vũ bão, rất nhiều nan vấn đầu độc đời sống tinh thần con người có nguyên nhân sâu xa là xã hội tiêu dùng vô hạn độ. Chủ nghĩa lãng mạn chết cùng hàng hóa không là một câu nói giỡn. Khi chàng Romeo không còn phải đứng dưới đất trong đêm khuya nỉ non những câu thơ của Shakespeare tỏ tình với nàng Juliet, mà chỉ cần bấm phím điện thoại di động thì chắc chắn đã không có những cuộc hẹn hò đầy nghịch cảnh và nhân loại mất đi một biểu tượng bất tử của tình yêu dù đó chỉ là hai nấm mồ của đôi trai gái bất hạnh. Tiện nghi thỏa mãn dục vọng không giới hạn của con người, và mỗi khi được thỏa mãn người ta lầm tưởng đã sờ tận tay cái gọi là hạnh phúc. Thế nhưng tiện nghi chỉ là sản phẩm của văn minh mà nền văn minh nào rồi cũng có lúc phải chết. Sắt thép, đồ vật tối tân đến đâu rồi cũng bị gỉ sét và thay thế nhanh đến chóng mặt mà không kịp trở thành kỷ niệm. Khi đó con người hụt hẫng nhận ra cái mình mơ ước là cái khác kia chứ không phải cái này, hạnh phúc là khác kia chứ không phải thế này. Cho nên mới có những nghịch cảnh khó gỡ của thời ta sống. Chúng ta mong mỏi có được một cái alô, một mạng NET để thả bộ trên xa lộ thông tin, một cái màn ảnh nhỏ để mang rạp phim, sân khấu cũng như cảnh đẹp trong nước và thế giới vào nhà mình. Khi có những cái đó rồi, chúng ta lại thấy nhiều điều gì đó không ổn. Chúng ta bỗng mất dần bạn bè, bà con lúc nào không hay vì không có nhu cầu và cũng không còn thời gian để thăm viếng nhau khi chỉ cần e-mail hay gọi điện. Ta có 5.000 bạn trên Facebook nhưng thực ra chỉ thân thiết được vài người. Đâu rồi những ai từng một thời trèo me hái sấu với ta? Tuổi thơ ngày nay không còn chim hót bướm bay, các cậu học trò vô cảm với “ngói nâu tường trắng cửa gương”, “những chiếc rương nho nhỏ” với “linh hồn bằng ngọc” trong thơ Huy Cận ngày nào. Chúng chìm đắm, ăn thua trong thế giới ảo, cuốn theo như bị bắt cóc tống tiền trong cuộc săn lợi nhuận lạnh lùng của những ông chủ công nghệ thông tin. Những cậu học sinh được nuông chiều và trang bị tiện nghi học tập tận răng ở các thành phố lớn đang nhường dần danh hiệu thủ khoa cho những em học sinh nghèo nông thôn mò ốc kiếm sống và học dưới ánh đèn dầu. Con cái ta như sớm xa khỏi vòng tay bố mẹ và ta luôn nơm nớp cho sự an toàn của chúng. Những chuyến “du lịch trên màn ảnh nhỏ” hàng ngày đã giết chết ước ao cháy bỏng được đi đây đi đó. Hình như nỗi say đắm không gì so sánh được của tình yêu và cả tình dục của những cặp đôi thời nay không còn được bền vững và lâu dài như trước, nói ngắn gọn, người ta rất chóng chán nhau, chán từ trên giường đến trên đường đời, tỷ lệ ly hôn tăng nhanh mà không biết vì đâu.
Chán! Chúng ta gặp rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên đến các cụ già kêu chán dù họ giàu hơn trước, tiện nghi nhiều hơn trước.
Đúng là người ta rất giàu, rất tiện nghi. Nhưng cái người ta đánh đổi là niềm vui sống khi được tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên hay hơi ấm con người sát cánh bên nhau. Chán vì lý tưởng khủng hoảng, vì không còn cảm hứng xã hội đốt cháy tâm can một thời, ngủ dậy thấy hôm nay giống y chang ngày hôm qua, cuộc họp này y chang cuộc họp khác vẫn cho ra lò những câu chữ vô hồn. Đã đành. Nhưng cũng chán vì tiện nghi nữa. Con người ốc đảo hiện nay tỏ vẻ không cần ai vì đã được trang bị không thiếu thứ gì, kể cả thuốc men chống đột quỵ đến bình xịt chống cướp. Họ tưởng như vậy thôi, thực ra khi tỉnh ra, rời công việc kiếm tiền, bon chen danh vọng, con người ta mới thấy trống trải vì những thứ gọi là vật chất ấy, kể cả tiền bạc cũng chẳng cứu vớt được linh hồn trống rỗng và bội thực dục vọng.
Người ta chán với mọi thứ vì đã thỏa mãn với mọi thứ và chỉ còn niềm vui mãnh liệt nhất là kiếm thật nhiều tiền để đi siêu thị. Mua sắm thay thế niềm vui dạo phố và những buổi trưa êm đềm “nhè nhẹ như ca dao”. Ta chưa đến nỗi như Thụy Điển, nơi tỷ lệ người tự tử vì buồn chán và nhiều lý do khác rất cao, cao hơn nhiều so với những nước nghèo. Nhưng nhịp điệu sản xuất công nghiệp với quy trình công nghệ “đi tắt đón đầu” và đương nhiên tiền công cũng rất cao, đang trả về cho gia đình Việt những con người đờ đẫn đã bị vắt kiệt nhụy sống. Không nói đội ngũ công nhân đang nhận tiền lương rẻ mạt, “bảo bối” thực ra rất đáng xấu hổ để thu hút đầu tư, ngay giới cổ cồn, những người thuộc nhóm trên 30% dân số cũng thấy mình đã trả giá quá đắt dù có đồng lương cao ngất ngưởng. Cái giá ấy chính là bản thân cuộc sống. Kiếm tiền có là niềm say mê? Có chứ, một say mê không gì so sánh được. Nhưng mấy người nhận ra con người phải đổi chính bản thân cuộc sống của mình để lấy những tờ giấy xanh hay đỏ, cotton hay polyme. Khi có tiền, người ta muốn gì cũng có, trừ niềm vui, cái niềm vui của một cuộc sống lương thiện, dễ chịu, hài hòa với thiên nhiên chứ không phải những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”.
Những năm tháng căng thẳng của cuộc chiến tranh đã qua.
Không ai dại gì ao ước trở lại cuộc sống thiếu thốn trăm bề và đầy bất trắc. Nhưng cuộc sống ấy từng có cái hiện nay ta đang thiếu hoặc đang cần. Đó là ước mơ cao cả. Cao cả không phải trò xa xỉ của bọn đạo đức giả. Cao cả thực sự cần thiết cho mọi cuộc đời. Cao cả sinh ra nội lực và ta bỗng hiểu vì sao, khi con người chỉ có mỗi ước mơ kiếm được nhiều tiền - thậm chí bằng mọi giá - thì chính họ đang thủ tiêu cái nội lực giúp họ tiếp tục một cuộc sống đáng sống. Nói tiền là tất cả có thể dễ được đồng tình hơn là coi nó chỉ là một phương tiện tầm thường. Đúng vậy, nếu chỉ vì tiền không thôi thì cuộc sống trần thế đúng là bể khổ. Trong cơn sốt làm giàu được khuyến khích, con người nói chung bị bắt buộc (trừ một số có sẵn trong bản chất) phải nghĩ tới những điều ty tiện hơn trước đây, nhiều mánh khóe thường ít xứng đáng với nhân cách của con người, xa lạ với sự hồn nhiên thanh thản. Buồn chán nảy sinh ngay trong cuộc săn tiền điên cuồng và lạ thay, khi mục tiêu đã thỏa mãn. Đó là tâm trạng khá phổ biến trong nhiều người của xã hội hiện đại hay những xã hội đang tiến tới hiện đại như xã hội nước ta. Và ít người biết được rằng, không còn mơ mộng, không còn ham muốn gì khác ngoài kiếm tiền là quay lưng lại với cộng đồng tức là vô cảm với những gì “của ta ở ngoài ta” và như thế chẳng khác nào cái chết.
Cuộc đời mải miết cuốn ta đi. Trước khi nhảy xuống dòng sông, ta luôn tưởng mình là vận động viên bơi lội kỳ tài. Nhưng đến lúc nào không biết, ta thấy mình chỉ còn là một cành cây khô trôi trên dòng nước lũ. Dù thành đạt hay thất bại ê chề, đến lúc nào đó, trầm tư bên một ấm trà hay trăn trở vì đau nhức trên giường bệnh trong giờ lâm tử, ta bỗng thấy những câu hỏi vụt hiện. Ta có hạnh phúc không? Đời ta vui hay buồn? Ta đang giàu hay nghèo kiết xác? Ta từng bay bổng vui vẻ trên đôi cánh nhẹ nhàng hay lê bước trên đường thiên lý với đôi giày có đế bằng chì? Và lạ lùng, ta đang có hay chưa hề có một sức khỏe lành mạnh? Đức Đạt Lai Lạt Ma, giải Nobel Hòa bình, có một nhận xét: “Tại sao từ thời trẻ con người đưa sức khỏe và niềm vui cuộc sống để đổi lấy tiền và của cải. Rồi đến lúc về già, ước mơ duy nhất của họ là đưa tất cả những gì mình kiếm được trong đời đổi lấy sức khỏe và niềm vui mà không đổi được”.
Khác với lời kêu gọi “quay đầu là thấy bến”, chúng ta cổ vũ lao động, sáng tạo, làm giàu cho bản thân gia đình và đất nước. Nhưng đã đến lúc phải nhìn lại. Hãy làm sao đưa lại cho cuộc sống của ta nhiều ý nghĩa cao cả chứ không chỉ là sự đổi chác cực kỳ phi lý mà lá bài tẩy đưa ra đánh cược lại chính là cuộc đời vô cùng quý giá của chính ta.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân