Năm 2020, con người sẽ "sống hai cuộc đời"

Theo Forbes
10:57 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Bảy, 2018

Năm 2020, bên cạnh cuộc sống "thực" của mình, nhiều người sẽ được sống một cuộc đời thứ hai. Ở đó, họ được phép sáng tạo lại chính mình bằng các phương tiện truyền thông và có thể tự sinh ra một bản thể mới.

Cuộc sống thứ hai

Thay đổi hấp dẫn nhất mà máy tính đang tạo ra trong cuộc sống của chúng ta là gì? Bạn sẽ nhầm khi nghĩ đây vẫn là câu chuyện "nhỏ hơn, tốt hơn, nhanh hơn" quen thuộc. Không! Còn có một thứ mới mẻ hơn, để lại ấn tượng sâu sắc hơn đang diễn ra trong mỗi chúng ta và trong cả xã hội.

Ngày nay, nhờ có rất nhiều thành tựu kỳ diệu của công nghệ, ý tưởng được sống hai cuộc sống hoàn toàn tách biệt đã trở thành quen thuộc đối với rất nhiều người.

Chúng ta vẫn luôn có cuộc sống thứ nhất của mình - một cuộc sống mà ở đó con người tồn tại bằng xương bằng thịt, và không ai có thể thoát ra được cho đến khi chết đi. Tuy nhiên, công nghệ đã giúp cho nhiều người được sống một cuộc sống thứ hai. Ở đó, họ được phép sáng tạo lại chính mình bằng các phương tiện truyền thông và có thể tự sinh ra một bản thể mới.

Đến nay, đối với hầu hết mọi người, cuộc sống thứ nhất vẫn chi phối nhiều hơn cả. Song cuộc sống thứ hai đang phát triển với qui mô và sức hiển diện ngày càng mạnh đã bắt đầu cạnh tranh với nó.

Trong cuộc sống này, thông qua các phương tiện truyền thông như Facebook, thư điện tử, tin nhắn, Twitter, IM, người ta có thể kết nối với những người mà họ vốn không thực sự kết nối ngoài đời thực. Họ còn có quyền chọn lựa và tạo tạo dựng nên một bản thể độc nhất vô nhị của chính mình.

Điều đáng lưu ý là bản thể mới này đóng một vai trò khá quan trọng và ngày càng trở nên "thực" hơn. Trong thế giới số, những người quen có khi chưa bao giờ gặp mặt, nhưng họ biết nhau và được kết nối với nhau. Mốc cân bằng giữa hai cuộc sống đang dịch chuyển từng ngày do các công nghệ mới liên tục đưa ra những trải nghiệm thú vị và phong phú hơn trong cuộc sống thứ hai.

Một khi cuộc sống thứ hai chiếm ưu thế, nó sẽ khiến cho máy tính trở thành trung tâm của con người. Máy tính không chỉ là "chiếc máy để bàn nằm trong văn phòng" nữa. Thay vào đó, nó trở thành vật bất ly thân đối với mỗi người - một thứ mà thiếu nó, ai ai cũng cảm thấy rất trống trải.

Hiện tượng này đang được cổ xúy mạnh hơn bằng những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ giao tiếp giữa người và máy tính. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn luôn sử dụng công nghệ giao tiếp được phát minh từ những năm 1960, nhưng trong vòng 10 năm tới, loài người sẽ được chứng kiến những đổi thay đầy kịch tính ở lĩnh vực này.

Mở đầu cho xu hướng này chính là bước đột phá trong công nghệ màn hình cảm ứng. Sự tiếp xúc cho phép con người giao tiếp với máy tính theo cách mà họ vẫn thường dùng để giao tiếp với những cơ thể sống khác trong hàng triệu năm qua. Đó được gọi là giao diện nguyên thủy.

Thật không may là để sử dụng máy tính hiện nay, con người vẫn phải có một trình độ nhất định và phải đưa mình vào thế giới của chính chiếc máy tính; họ phải học cách làm việc với những thanh cuộn, điều khiển danh sách, làm quen với nút bấm, con chuột và bàn phím.

Nhưng con người không sống ở trong thế giới của máy tính. Chúng ta tồn tại trong một thế giới với không gian ba chiều. Tại sao máy tính không tự bước vào thế giới của con người thay vì chúng ta phải đi vào thế giới của nó?

Vấn đề hóc búa hiện nay vẫn là chúng ta cần đến những cỗ máy hữu hình. Ngay cả với iPhone, dù giao diện rất đẹp, người dùng vẫn phải tương tác trong thế giới của nó và dùng ngôn ngữ của chính nó.

Các máy tính hiện tại về cơ bản chỉ là một ngõ cụt. Chúng mang trong mình vô số thông tin bổ ích, song lại không có chỗ cho không gian vật lý của con người. Chúng không biết mình đang ở đâu, không biết ai đang ngồi trước chúng và không có bất cứ thông tin cơ bản nào về những gì bao quanh chúng. Trong tương lai, con người có thể dạy cho máy tính hiểu và giao tiếp với họ trong thế giới của chính con người.

Những chiếc máy tính "sống"

Trong bộ phim 2001: A Space Odyssey, Stanley Kubrick đã giới thiệu về ý tưởng này thông qua thế hệ máy tính thông minh HAL. Các nhà du hành vũ trụ giao tiếp với HAL không phải bằng cách ngồi trước một chiếc máy tính với bàn phím và con chuột, mà chỉ cần ở trong cùng một phòng với máy tính đó.

Nếu như gạt bỏ sang bên cạnh tất cả những nỗi e ngại rằng máy tính có thể sẽ chiếm lấy thế giới thì ngày nay, HAL vẫn là một ý tưởng đầy khiêu khích: chiếc máy tính với đầy đủ nhận thức về bản thân và cả những người xung quanh đang tương tác với nó. Tất cả diễn ra trong không gian 3-D mà chúng ta đang sống.

Dự án sắp tới của Microsoft mang tên Project Natal chính là một ví dụ điển hình cho ý tưởng này. Nhờ vào một máy quay bao quát toàn bộ không gian quanh bạn, công nghệ này cho phép người sử dụng điều khiển các trò chơi thông qua cử động của cơ thể mà không cần phải chạm vào bất cứ một thiết bị phần cứng nào. Điều này gợi lên một ý tưởng mới về máy tính di động: không chỉ là các thiết bị nhỏ hơn dễ mang theo, mà là không cần thiết bị nào cả. Đó mới thật sự là di động.

Liệu có phải là cường điệu quá không khi nói rằng thay đổi này sẽ có tầm vóc tương tự như bản thân mạng Internet? Phải công nhận rằng Internet đã đem đến cho chúng ta một cuộc cách mạng bùng nổ thông tin và kết nối. Phần còn lại của câu chuyện chính là làm thế nào để nhận được những thông tin đó, và sử dụng chúng như thế nào?

Câu trả lời chính là máy tính trong ngữ cảnh, một thời đại mà khi đó con người có thể tương tác với máy tính trong chính không gian sống của mình, sử dụng ngôn ngữ của con người - bao gồm cả lời nói, cử chỉ, và cảm xúc - những gì mà trong suốt hơn 60 triệu năm qua chúng ta đã không ngừng hoàn thiện.

Như vậy, cơ thể con người trở thành một "nút mạng" được kết nối - theo cách gọi của những người nghiện máy tính. Nói cách khác, chúng ta trở thành cư dân tích cực trong xứ sở của những chiếc máy này.

Hiện nay, rất nhiều người đã bắt đầu chia sẻ vị trí địa lý của mình trên mạng thông qua hệ thống định vị GPS để tất cả có thể nhìn thấy họ. Đây chính là một dẫn chứng điển hình cho khái niệm "nút mạng" ở trên. Tuy nhiên nếu áp dụng điều này cho sức khỏe thì chúng ta còn có thể thấy một ảnh hưởng vô cùng ấn tượng.

Có hàng loạt các ví dụ trên thị trường hiện nay. Chẳng hạn, sản phẩm AirStrip dùng để theo dõi bệnh nhân từ xa trong các bệnh viện và trực tiếp gửi đi những thông tin quan trọng đến điện thoại có kết nối của các bác sĩ hay y tá chịu trách nhiệm.

Đây là chỉ là một góc nhỏ trên thị trường thiết bị theo dõi sức khỏe đang rất phát triển hiện nay. Các thiết bị được gắn trực tiếp vào cơ thể người dùng và cho phép họ gửi các thông số sức khỏe đến thẳng bác sĩ riêng hoặc đến một trang Web nào đó. Trong vòng 10 năm tới, việc theo dõi và chia sẻ những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn cũng sẽ trở nên đơn giản như chia sẻ trạng thái trên Facebook với phần còn lại của thế giới.

Tương lai của công nghệ

Việc biết được một ai đó hoặc một điều gì đó đang thay đổi có ý nghĩa như thế nào? Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó bạn có thể lập tức lấy được tất cả những thông tin đã tồn tại về một người từ mạng Internet, không phải qua màn hình máy tính mà là trên một màn hình ảo hiển thị ngay trước mặt, trong suốt phủ trên những gì chúng ta vẫn thường nhìn thấy.

Công nghệ hiển thị này vẫn thường được nghiên cứu và sử dụng trong ngành hàng không, song chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng một ngày nào đó nó sẽ được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống thường nhật của mọi người.

Mới đây một nhân viên của chúng tôi chuyển đến văn phòng Austin từ New York và bắt đầu tìm kiếm một căn hộ mới. Cũng giống như phần lớn mọi người, anh ta không chỉ mong tìm một căn hộ đẹp mà còn cố gắng tìm được một khu phố tốt, một môi trường sống phù hợp.

Nếu như là trước đây thì người ta sẽ lái xe đến từng nơi để xem xét từng căn hộ. Nhưng thực tế thì anh chàng này lại chỉ ngồi một chỗ và khám phá bằng Google Maps - sử dụng các hình ảnh từ vệ tinh nhân tạo để tái hiện hình ảnh thành phố, đi dạo qua các con đường để làm quen và cảm nhận về nơi mà anh sắp gắn bó trong thời gian tới.

Về bản chất, anh ta đã tìm nhà cho mình thông qua hình ảnh vệ tinh trên máy tính. Phải mất bao lâu nữa chúng ta mới có thể làm điều này mà chỉ cần dùng đôi mắt của mình? Mới có thể lựa chọn góc nhìn giống như cách các nhà quay phim điều chỉnh góc quay để bao quát được toàn bộ cảnh vật?

Nói chung, những thay đổi trên không chỉ đại diện cho sự phát triển trong giao tiếp với máy tính mà còn đại diện cho những chuyển biến trong chính chúng ta. Một khi máy tính được tích hợp sâu hơn vào hiểu biết, suy nghĩ, những qui trình ra quyết định, vào cơ thể và thậm chí là cả nhận thức của mỗi người, chúng ta sẽ mãi mãi thay đổi. Chúng ta đang được tích hợp. Cuộc sống thứ nhất và thứ hai của con người sẽ mãi mãi gắn kết với nhau.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: