Ông cựu giáo chức và dòng sách hàn lâm

07:11 CH @ Chủ Nhật - 08 Tháng Tư, 2012

Ở thời mà nhiều đầu nậu săn tìm các cuốn sách thời thượng, “hàng chợ”, dễ in dễ bán nhằm kiếm lời một cách nhanh nhất, thì Công ty sách Thời Đại lại in những tác phẩm hàn lâm nhằm cung cấp kiến thức thật sự giá trị cho mọi người...

Ông Lê Nguyên Đại từng làm nhà giáo 15 năm, 25 năm nay ông chuyển sang làm sách và sách của Thời Đại do ông làm chủ luôn phản ánh “bản chất” nhà giáo trong ông. Tại Hội sách TP.HCM vừa qua, Thời Đại đã tung ra 25 tập sách của tác giả Kahlil Gibran - người được thống kê là có tác phẩm được tìm đọc đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử. Nhân dịp này, TT&VH có cuộc trò chuyện cùng “cựu giáo chức” mê sách hàn lâm Lê Nguyên Đại.

Làm sách nghiêm túc như… dạy học

* Thưa ông, lâu nay Thời Đại vẫn gắn liền thương hiệu của mình với dòng sách hàn lâm, trong khi loại sách này rất “kén” người đọc…

- Nhiều thân hữu và độc giả đã có một ghi nhận đầy khích lệ như vậy với riêng tôi, trong tình hình sách nghiêm túc khó tiêu thụ như hiện nay. Nhưng thực ra nếu cho rằng sách hàn lâm là dòng chủ lưu trong các xuất bản phẩm của chúng tôi mấy chục năm qua thì sẽ “ổn” hơn. Vì công bằng mà nói, đặc biệt là trong giai đoạn về sau này, chúng tôi cũng phải in một số đề tài linh tinh - loại nấu ăn, làm đẹp… - chứ chỉ thuần một loại sách học thuật tư tưởng hàn lâm - là loại hàng bán chậm - thì không thể tồn tại nổi.

* Có phải xuất phát từ chỗ trước đây ông từng nhiều năm là nhà giáo nên mê làm sách chỉn chu, tử tế?

- Đúng là tôi có dạy học 15 năm, rồi phải bỏ nghề bất đắc dĩ và sau đó ngẫu nhiên được đến với nghề xuất bản. Hạnh phúc biết bao khi đối tượng mình có thể phục vụ trước kia khoảng vài trăm (học trò) mỗi năm, nay có thể tăng lên đến cả ngàn! Và như thế tôi tiếp tục làm việc với tư tưởng của một người dạy học, có khác chăng là lần này tôi đang được làm việc với một đối tượng đa dạng hơn, trưởng thành hơn, và nghiêm khắc hơn!

Tôi ý thức rõ điều ấy, cho nên đã định hướng ngay từ đầu cho hoạt động xuất bản của mình là phổ biến tinh hoa học thuật Đông Tây thông qua trước tác của các bậc tiền bối, như: Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh… hoặc của các giáo sư mà chúng tôi từng học như Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh… Thời Đại cũng lần lượt được cộng tác với nhiều tác giả uy tín, mà nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơntừ khi về nước đến nay đã tin cậy giao toàn bộ các các công trình triết học kinh điển ông dày công dịch và chú giải cho chúng tôi xuất bản là một ví dụ điển hình.

Và bộ sách 25 cuốn của Kahlil Gibran

In nhiều sách hay cũng bằng mở trường đại học

* Tại Hội sách TP.HCM lần thứ VII, Công ty sách Thời Đại giới thiệu bộ sách 25 cuốn của tác gia Kahlil Gibran - người được thống kê là có tác phẩm được tìm đọc đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử. Tuy nhiên, thi sĩ người Li-băng này còn khá lạ với bạn đọc Việt Nam. Nguyên nhân gì khiến ông “đầu tư lớn” vào bộ sách này?

- Tôi từng dạy văn chương, nhưng tôi đã học triết và sẽ còn học triết. Như tôi vẫn nói với bạn bè, sẽ mãi mãi sống như một “triết sinh”, cho nên những tiểu phẩm tài tình, thấm đẫm màu sắc triết lý của thi sĩ huyền nhiệm lừng danh Gibran đã từng khiến tôi ngưỡng mộ từ 40 năm về trước, nay mới có cơ hội chia sẻ được trọn vẹn niềm vui cao nhã ấy với công chúng nhiều thế hệ thì còn chờ đợi gì mà không thực hiện?

* Người viết sách “sống đời” nhờ có tác phẩm giá trị, nhưng người làm sách cũng “sống đời” nhờ dám đầu tư in những cuốn sách giá trị. Một trong những người làm sách như thế có thể nhắc đến là “Ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương”. Xin hỏi việc ông in sách hàn lâm, chỉn chu như thế có phải là noi gương những bậc tiền bối như “ông Khai Trí”?

- Nhà sách Khai Trítừng là một địa chỉ văn hóa lớn của Sài Gòn trước kia, không ai có thể phủ nhận, từ quy mô nhà sách cho đến cách đối xử trọng thị và nhân văn của chủ nhân nhà sách đối với các tác giả. Tôi quý trọng ông Khai Trí, nhưng nếu phải noi gương thì muốn noi gương người khác kia! NXB Lá Bốicủa thầy Từ Mẫn, và nhất là NXB An Tiêm của thầy Thanh Tuệ mới chiếm được trọn vẹn sự ngưỡng mộ, và là niềm mơ ước của tôi. Tám năm trước đây khi GS Thái Kim Lan có đưa thầy Thanh Tuệ ghé thăm Công ty sách Thời Đại, chúng tôi có trân trọng nói với ông chủ NXB An Tiêm một lời nhận định chân tình: “Trong khoảng 10 năm điều hành hoạt động của NXB An Tiêm, công trạng và hiệu quả học thuật mà thầy Thanh Tuệ tạo dựng được đối với xã hội cũng to lớn ngang với việc mở một trường đại học”.

Đã xuất bản hàng trăm sách “hàn lâm”

Trong 25 năm qua, ông Lê Nguyên Đại chủ trương in hàng trăm tựa sách có giá trị học thuật, như: Khổng học đăng, Chu Dịch của Phan Bội Châu; Việt Nam sử lược, Đường thicủa Trần Trọng Kim;Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh; Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chú giải; Nguyễn Tuân toàn tập; Martin Heidegger và tư tưởng hiện đạicủa Bùi Giáng… Trong đó, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn dịch: Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực hành; Phê phán năng lực phán đoán của Kant; Hiện tượng học tinh thần, Triết học Pháp quyền của Hegel…Bộ sách 25 cuốn của thi sĩ người Li-băng Kahlil Gibran cũng nằm trong dòng sách hàn lâm như thế.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • Phát hành sách tư nhân thao túng thị trường xuất bản

    09/10/2003Theo ông Phan Khắc Hải, chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, lượng sách bán ra từ hệ thống phát hành sách tư nhân lên đến trên 10 triệu bản/ năm, chiếm hơn 2/3 đầu sách ấn bản trên toàn quốc hiện nay. Trong đó, nhiều đơn vị đã cho in số lượng sách lớn gấp 5-10 lần số được ghi trong giấy phép xuất bản...