Con thuyền, phù sa
Đôi khi tôi tự hỏi cái ngày Lý Công Uẩn đến vùng bờ bãi phù sa ven sông Hồng, thấy những ráng mây vàng như một con rồng bay vút lên, chính ngày đầu tiên ấy ông đã ngắm con rồng Thăng Long trên mình ngựa hay trên thuyền?
Hình ảnh một con thuyền có lẽ hợp hơn. Không loại trừ sự tô vẽ của người đời rằng ông ngồi hùng dũng trên một thớt voi hoặc một con ngựa chiến. Nhưng dải đất phù sa nâu đỏ ven dòng sông cũng đỏ đòi người đến khám phá ra nó phải cưỡi trên một con thuyền đè trên đầu sóng. Những hồ nước khắp trên đất Thăng Long cũng muốn rằng người đầu tiên đến đây phải có một con thuyền.
Phải là thuyền. Sông dài bãi rộng. Trên bến dưới thuyền. Chài lưới. Canh tác lúa nước. Buôn bán vùng kẻ chợ. Người ấy cảnh ấy kéo dài ra đến một nghìn năm, đến bây giờ. Người bây giờ ngồi mà hình dung cứ tự đoan chắc với mình rằng Lý Công Uẩn ngày đầu đến đây bằng thuyền.
Chắc là thế. Bằng thuyền.
***
Đa số người Hà Nội bây giờ là ngoại kiều. Những Thanh kiều, Nghệ kiều từ miền Trung ra. Từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình lên. Từ phương Nam tập kết đến. Tinh hoa gốc rễ hun đúc ở đây. Tinh hoa từ mọi miền mang đến, giao kết hợp chủng mà tạo nên người Hà Nội. Lâu dần cứ cái gì thanh lịch, hào hoa, cao nhã, tinh tế... thì mặc nhiên đều được coi là của người Hà Nội. Chẳng cần phải rạch ròi phân định "của tôi trả tôi" làm gì.
Người Hà Nội là người sống trên dải đất ven sông Hồng. Người Hà Nội cũng là người Việt đến tận từng phân vuông vậy.
***
Những nơi đô thị như Paris, London, New York là nơi quần cư của người tứ xứ. Tiếng Anh tiếng Pháp đại trà ở những nơi ấy khó mà coi là khuôn vàng thước ngọc. Hà Nội thì sao? Xu hướng đô thị hóa và quản lý đô thị khá lỏng lẻo mấy chục năm qua cũng đang làm tiếng Hà Nội có phần nào hỗn độn. Như giao thông. Như nếp sống bày bừa làng xã đang biến Hà Nội thành một cái làng có đường phố.
Còn nhớ đầu những năm 1980 người ta nhận thấy hiện tượng này: Những người líu lo "Hà Nội thanh nịch”, “Hà Lội lên thơ" thuộc hai loại: Hoặc là dân ngoại thành, hoặc là dân chợ giời. Các chàng các nàng chíp chíp kiu kiu trong bán kính mười lăm kilômét tính từ Bờ Hồ, ban ngày cấy lúa trồng rau, tối đến đạp xe đến vũ trường, cứ dép lê mũ cối mà đăngxinh. Vừa nhảy vừa bô bô một thứ tiếng Hà Nội đố nhau xem đó là nờ cao hay nờ nùn.
Nhưng bây giờ có thể coi là Hà Nội đang tràn ngập cái thứ tiếng mà cách đây vài ba chục năm còn là tiếng ngoại thành, tiếng chợ giời.
Nói như thế không có nghĩa là ca sĩ ngày nay không còn luyện thanh phát âm nhả chữ theo giọng Hà Nội. Tiếng Hà Nội vẫn còn đấy. Một thứ tiếng trong trẻo, nhẹ nhõm, nhẹ đến mức phạm luật phát âm, người nghe khó phân biệt xờ với sờ, chờ với trờ - "xắt xon chung hiếu", "chương chình xản xuất". Nhưng cái nhẹ nhõm khiếm khuyết vẫn được yêu, như người ta yêu cái dịu dàng có phần yếu đuối của thiếu nữ.
Hai tiếng Hà Nội phát ra đẹp nhất có lẽ là từ giọng soprano Lê Dung khi chị hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương. Sinh thời, Lê Dung nói với đồng nghiệp: "Tôi không phải là người Hà Nội, chúng ta đây cũng hiếm có ai gốc Hà Nội, nhưng hai tiếng Hà Nội khi hát lên thì nhất thiết phải sang phải đẹp".
Đâu phải ai cũng nghĩ được và làm được như vậy. Ca sĩ đằng trong nếu không nỗ lực một cách có ý thức thì phát âm vẫn ngòng ngọng, chơn chớt, như tây nói tiếng ta. Khán giả không sành thì lấy làm thích thú cái giọng phát âm ngồ ngộ "như tây". Đến lượt một số ca sĩ sinh trưởng Hà Nội, ảo vọng ăn khách xui họ cũng nắn tiếng méo giọng theo kiểu ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Nghe họ hát mà có cảm giác bị pha tiếng.
* * *
Gia phong trong số ít những gia đình Hà Nội giờ đây ngẫm lại thực ra lại mang tính toàn cầu. Trọng trung hiếu lễ nghĩa. Biết lắng nghe người đối thoại, biết đàm phán và biết thuyết phục. Ăn thanh tao, mặc thanh lịch, bước đi dáng đứng thanh nhã. Chữ thanh thường làm đầu. Bao giờ xử sự cũng tự nhiên, tự nhiên như người Hà Nội. Thoải mái. Tự tin. Không thích kẻ thu mình. Ăn uống không xô bồ hấp tấp, nhưng cũng không cảnh vẻ kiểu cách.
Chữ thanh đôi khi hiểu thái quá mà thành ra sáo, ra sĩ. Sĩ diện. Thời bao cấp có nhà buôn gian bán lận, cơm gà cá gỏi, nhưng rổ rác phải phủ rau lên trên để che xương cá xương gà, sợ hàng xóm dị nghị. Mốt kín đáo. Thời thuộc Pháp thì trái lại, có giai thoại người Hà Nội nghèo, trước khi mang sọt rác ra đổ nơi công cộng lại phải phủ lên trên vài ba cái vỏ trứng. Ra điều ta không nghèo. Mốt sĩ.
Người bốn phương tụ về, chỉ mượn cái bãi đất sông Hồng mà làm nên Hà Nội. Người ở đâu về đây lâu, rồi cũng dần dần ra người dễ chan hòa, khoáng đạt. Trong cả nếp nghĩ. Trong cả nếp sống. Nhưng dễ bên này dao động sang phía bên kia quả lắc thành ra khó. Người khó thì thật là quyết liệt.
Thời tiết không ôn hòa như phương Nam. Nóng đến điên người mà rét có thể chết người. Cư dân chịu tác động khí hậu ấy, địa lý ấy nên cũng không ồn ào dễ dãi như người phương Nam.
Cái kiểu tuẫn tiết của người anh hùng miền Trung trong thành Hà Nội là đúng kiểu Hà Nội. Ôm bom ba càng quyết tử dường như cũng là cách chết thật là Hà Nội.
Chết vì tình cũng phải là kiểu lá ngọc cành vàng, là kiểu chết tương tư Tố Tâm tiểu thuyết.
Trong văn chương, cái quyết liệt Hà Nội dễ thấy trong khí phách Nguyễn Trãi. Trong chua xót tận cùng Nguyễn Du. Trong cay chua vẻ ngoài, khao khát bên trong Hồ Xuân Hương. Những người vừa nhắc tên dường như chứng minh cho một giả thiết dân gian: Người Hà Nội thành danh đều phải là kết tinh văn hóa mọi miền; người tứ xứ, người khu Tư, khu Năm muốn thành danh đều phải xa quê mà đến với Hà Nội.
* * *
Tôi có lần ra giữa sông Hồng dự một đám tang đặc biệt. Của một nhà thơ. Vì mong muốn cuối cùng của người quá cố là sau khi hỏa táng, di cốt ông được thả xuống sông Hồng. Tôi chắc là ông biết nhiều về Phật giáo, Hindu giáo và văn minh Ấn Độ. Người Ấn từ thượng cổ gắn với những dòng sông thiêng. Sinh ra được rửa tội trong dòng sông thiêng là may mắn lớn. Cả đời một lần tắm nước sông thiêng là được giải thoát. Chết đi thì tro than nhất thiết phải về với sông cha đất mẹ.
Chắc là ông nhà thơ kia cũng an nghỉ với giấc mơ lần cuối cùng phiêu du trên dòng sông Cái. Tôi tuổi tứ tuần vương vấn mãi từ chuyến tiễn đưa trên sông Hồng hôm ấy. Không có ai được dự đám tang mình. Nhưng dường như tôi đang tiễn đưa chính mình trong hành trình cuối cùng. Giống như thế. Con cháu tôi sẽ mang cái bình gốm ấy ra bờ sông Hồng. Nhúm tro ấy sẽ tan hòa trong dòng nước.
Cũng có thể là một con thuyền giấy sẽ chở nhúm tro tàn ấy trôi một quãng sông Hồng. Chiếc thuyền giấy sẽ rơi vào một xoáy nước, bị dìm đắm. Chính ở chỗ chiếc thuyền giấy buông mình đầu hàng số phận, tôi sẽ li ti lắng xuống cho một lớp phù sa sẽ tôn lên thành bờ bãi mới. Cũng có thể vào bụng cá, cá thì cũng lại về với sông cha đất mẹ.
… Tôi lại vẫn nghĩ rằng hành trình cuối cùng của Lý Công Uẩn cũng là trên một con thuyền. Sau đó là dòng sông Hồng. Sau đó là phù sa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh