"/>"/>

Con người – Chúa tể

07:52 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Giêng, 2009


Năm nay - 2009 - là năm Darwin: 200 năm ngày sinh của ông, và 150 năm ngày ra đời cuốn "Nguồn gốc các loài", một trong những cuốn sách vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng ở đây tôi không muốn nói về sự vĩ đại của cuốn sách, công việc đó phù hợp hơn dành cho những nhà nghiên cứu sinh học. Bài viết này chỉ là những suy nghĩ tản mạn của một người "ngoại đạo" nhìn tiến hóa không phải với con mắt một nhà tự nhiên học, mà của một người "bình thường". Tôi bỗng giật mình nhận thấy, trong sự tiến hóa kỳ diệu của tự nhiên, phải chăng tạo hóa đã "lỗ" khi tạo ra con người: loài động vật "thượng đẳng" là nguyên nhân chính làm biến mất khỏi thế gian này bao nhiêu loài khác. Vả lại con người có phải là "thượng đẳng" hay không trong nấc thang tiến hóa?

Hai con đường tiến hóa

Có vẻ như con người là chúa tể các loài: họ có thể bay cao hơn chim, bơi dưới nước nhanh hơn cá heo, và có thể giết chết hầu như bất cứ con vật nào, đốn hạ bất cứ cái cây nào, nếu họ muốn. Làm được như vậy bởi vì họ biết dùng các công cụ lao động ngày càng tinh xảo. Nhưng như thế có phải là “thượng đẳng” hay không? Và hơn nữa, phải chăng đó là cách tiến hóa duy nhất? Trong khi con người cố gắng hoàn thiện các công cụ, thì hình như loài vật lại cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Cá heo có những lớp mỡ dưới da dùng để triệt tiêu lực cản của nước khi bơi, nhờ thế mà nó có thể bơi rất nhanh. Loài bướm có các "ăng ten" để nhận ra nhau từ khoảng chết hàng cây số. Có thể chỉ ra vô vàn ví dụ để chứng tỏ rằng, cây cỏ, cũng như các loài động vật khác tiến hói theo một con đường khác với loài người, chứ không thấp hơn loài người. Chúng ta đã lấy cái thước đo của bản thân mình để áp đặt cho tự nhiên chăng? Và từ đó tự cho mình cái quyền tàn phá tụ nhiên. Nếu chỉ là con người trần trụi, thì không chắc một người thời nay đã có nhiều khả năng hơn một người thời Trung cổ. Các vận động viên có thể có những khả năng đặc biệt: chạy nhanh, nhảy cao,... nhưng điều đó chỉ càng chứng tỏ rằng, con người đã không biết tận dụng hết các giới hạn của khả năng. Không loại trừ việc con người trong tương lai sẽ còn yếu hơn con người bây giờ, khi sức vóc cơ bắp của mỗi cá thể không còn quan trọng nữa trong lao động và cuộc sống.

Bảo tồn cá thể hay bảo tồn loài

Dường như mỗi cái cây, ngọn cỏ, con ong, cái kiến đều rất yếu ớt. Vậy mà không dễ để trừ diệt được sự tồn tại của một loài, thậm chí chỉ trong một phạm vi nhỏ như một khu vườn, một thửa ruộng. Tại sao “chúa tể” các loài như con người không làm được điều đó, ngay cả khi họ muốn? Hình như ở đây lại có sự khác nhau giữa con người và vạn vật. Trong sự tiến hóa của mình, các loài khác có vẻ như quan tâm đến sự bảo tồn cả loài, hơn là bảo tồn từng cá thể. Bởi vậy nên nhiều loài cây tạo ra "cánh" xung quanh hạt để dễ mang hạt bay xa, hay một mẩu rễ còn lại trong đất cũng phát triển thành cái cây hoàn chỉnh. Con người "cá nhân" hơn nhiều: họ quan tâm đầu tiên đến bản thân mình, những người gần gũi với mình, rộng hơn thì trong một quốc gia, một dân tộc. Cái gì thuộc về "loài người" nói chung thì rất ít được quan tâm. Bởi thế nên không mấy quốc gia thực sự mặn mà, thực sự dám hy sinh lợi ích của mình cho việc chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, . . . những đe dọa thực sự với sự tồn vong của cả loài người. Hơn nữa, con người còn chia thành từng nhóm, từng phe tiêu diệt nhau, chống lại nhau đến cùng. Thậm chí, điều đó còn là động lực của sự phát triển xã hội. Tôi không hiểu, trong cùng một loài thực vật, động vật, điều đó có xảy ra không. Và như thế, nấc thang "tiến hóa" của loài người có phải thực sự là cao nhất hay không?

Ngay cả khi bảo tồn một cá thể, có vẻ như con người cũng không hơn được các loài khác. Để duy trì sự sống cho đến khoảng 80-90 năm, con người phải "chạy đôn, chạy đáo" kiếm ăn suốt cả đời mình. Vậy mà trong khi đó, "cây của ngàn năm" chẳng cần đi đâu, chiếm một mảnh đất khiêm tốn mà tồn tại để chứng kiến lịch sử 10 thế kỷ của loài người. Lẽ nào có thể xem là thực vật "thấp" hơn chúng ta trong nấc thang tiến hóa? Chúng ta tự cho mình cao hơn có lẽ chỉ vì ta có thể mang cưa đến diệt cây của ngàn năm kia! Lại là một cách phân cao thấp theo cái quyền được tiêu diệt!

Con người có hiểu tự nhiên không ?

Tôi xin kể một câu chuyện vui. Có một lần anh bạn tôi hỏi: "Tại sao người Việt Nam nói tiếng khác người Pháp, nhưng con gà Việt Nam tiếng gáy cũng giống gà Pháp, con chó Việt Nam tiếng sủa cũng giống con chó Pháp". Tôi bèn trả lời: "Một ông nông dân Việt Nam hoàn toàn không biết ngoại ngữ sẽ thấy một người Pháp, một người Mỹ, một người Nga nói hoàn toàn như nhau? Vậy nên ta thấy con chó Việt Nam và con chó Pháp sủa giống nhau chỉ vì ta không hiểu tiếng chó đấy thôi!". Anh bạn tôi chịu là phải. Xem ra con người cũng không hiểu tự nhiên, vì đặt mình ra ngoài tự nhiên, cao hơn tự nhiên. Con người không hiểu sự đau khổ của cái cây bị đốn, vì không hiểu tiếng cây. Con người đã tàn phá tự nhiên vì không hiếu tự nhiên, hoặc vì đã không nhận ra rằng, mình cũng chẳng có gì cao hơn loài khác trong tự nhiên. Sự coi thường tự nhiên đó sẽ còn dẫn đến nhiều vụ tàn sát như vụ dòng sông Thị Vải. Và cuối cùng, một số cá thể nào đó trong loài người được lợi nhờ những vụ tàn sát đó, nhưng cả loài người thì phải trá giá. Có thể phần đông hiểu ra điều đó, nhưng con người đã có thói quen quan tâm đến bản thân, đến cá thể, đến một nhóm lợi ích nào đó hơn là đến toàn thể loài người. Các "chúa tể" bao giờ cũng muốn chứng tỏ sức mạnh và quyền lực bằng sự tiêu diệt, mà con người thì, tiếc thay, luôn xem mình là chúa tể của muôn loài.

Người khổng lồ mù mắt

Có một điều đáng buồn là càng "tiến hóa", con người càng đẩy tự nhiên ra xa mình hơn. Khi mới biết dùng gậy gộc, con người chỉ đuổi động vật ra cách mình một tầm gậy, một tầm ném đá. Đến khi có khẩu súng trong tay, họ lại buộc động vật phải chạy xa hàng trăm mét để mong tồn tại. Còn bây giờ, với loài người "văn minh" thì dù muông thú ở ngóc ngách nào cũng khó tránh khỏi bị tiêu diệt. Cùng với sự văn minh, con người đẩy muông thú, rừng rậm, cây cỏ, đẩy tự nhiên ngày càng xa mình hơn. Đó có thực sự là "văn minh"? Càng "tiến hóa", con người càng tiêu xài nhiều hơn, tàn phá tự nhiên nhiều hơn, tự hủy hoại môi trường tồn tại của chính mình nhiều hơn. Trong cuộc tiến hóa của con người, có bao nhiêu loài đã bị xóa sổ khỏi thế gian này? Và như thế, con người có thực sự ngày càng văn minh?

Thật đáng buồn, nhưng những gì đang xảy ra khắp nơi gây cảm giác con người thời nay giống như một gã khổng lồ mù mắt: khỏe thật đấy, hùng mạnh thật đấy, nhanh thật đấy, nhưng không biết đang đi về đâu, và tàn phá ghê gớm trên hành trình của nó.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?

    26/07/2006Đỗ Kiên CườngChâu Hồng Lĩnh, chuyên viên tin học tại Boston có bài viết: “Tri thức thúc đẩy quá trình tiến hóa?” với nhiều nhận định gây tranh cãi về thuyết tiến hóa, một trong những thành tựut rí tuệ sáng chói nhất của nhân loại. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin góp đôi lời bàn luận với tác giả, mong nhận được ý kiến của bạn đọc xa gần...
  • Thuyết tiến hóa của Darwin: 150 năm tuổi

    20/11/2008Phương HàCách đây 150 năm, nhân loại lần đầu tiên đã được biết tới thuyết tiến hóa muôn loài của nhà nghiên cứu sinh học người Anh Charles Darwin. Từ đó đến nay, không ít người đã muốn bác bỏ học thuyết này.
  • Loài người sau 10 vạn năm nữa như thế nào?

    28/04/2007Nguyễn Văn Gấm (sưu tầm)Cuối năm 2006, báo The Times, Anh đưa tin một nhóm các nhà khoa học Anh do O.Cari, bác sĩ - nhà khoa học Anh trong Trung tâm Nghiên cứu Darwin thuộc Học viện Kinh tế London đứng đầu công bố công trình nghiên cứu nhiều năm mang tên “Báo cáo tiến hóa Bravo” của nhóm nêu lên viễn cảnh của con người tương lai sau hàng vạn năm nữa...
  • Nhân loại qua các chặng đường phát triển

    06/01/2007Phạm Thanh ĐứcCuốn sách trình bày khá phong phú những vấn đề về nguồn gốc con người và nguồn gốc loài người, nguồn gốc trái đất và nguồn gốc sự sống...lý giải những bí ẩn về đến di truyền, những bí mật về tinh thần, trí tuệ và tâm linh, những vẩn đề chưa giải thích được về sức khoẻ, về sự sống và cái chết...
  • Giữa con người và con vật khác nhau ở điểm nào?

    21/07/2005Từ thời Darwin, quan điểm ngược lại đã trở nên phổ biến, không chỉ giữa các nhà khoa học, mà cả trong các tầng lớp học thức nói chung. Học thuyết của Darwin về nguồn gốc con người cho rằng con người và loài vượn người đã thừa hưởng từ một dạng tổ tiên chung; và cùng với quan điểm về nguồn gốc tiến hóa của con người này là quan điểm cho rằng con người và những loài động vật có vú cao cấp chỉ khác nhau về mức độ. ...