Cỏ vườn hàng xóm xanh hơn vườn nhà
“Không có sự so sánh nào là không khập khiễng” (Léninne). Bởi vì khi ta so sánh sự vật này với sự vật khác thì hai sự vật ấy dẫu cùng chủng loại cũng vẫn có những đặc điểm riêng mà cái này có, cái kia lại không có nên rất dễ dẫn đến những kết luận không đúng. Huống chi đem người yêu hay vợ, chồng mình ra so sánh với người khác mà ta gặp ở ngoài đời thì sự so sánh đó diễn ra trong những điều kiện không ngang bằng và kết luận được rút ra lại càng dễ sai lầm hơn.
Thế nhưng con người vẫn hay có tâm lý so sánh cái này với cái khác. Đặc biệt là so sánh cái mình đang có với cái của người khác. Bộ quần áo mình đang mặc đây có đẹp bằng bộ của người kia không? Ngôi nhà mình đang ở có bằng nhà nọ không? Và kết luận rút ra thường là cái ta có không bằng cái của thiên hạ. Tại sao vậy? Bởi vì bất cứ cái gì quen thuộc với mình lâu ngày, lặp đi lặp lại nhiều lần cũng trở nên nhàm chán. Đó là một trong những quy luật bất khả kháng của tâm lý học. Tôi biết một ông mua được bộ dàn âm thanh mới khá hay, ngày nào ông ta cũng nghe. Có ngày nghe đến mấy tiếng đồng hồ. Đến nỗi vợ phải giục : “Ông có đi ăn cơm hay nghe no rồi thì không phải ăn nữa”. Bản thân ông ta cũng thích thú nói : “Nghe sướng quá không cần ăn”. Thế mà chỉ một tháng sau ông đã bắt đầu chán. Nửa năm sau thì một tuần mới nghe một lần. Còn bây giờ có khi cả tháng chẳng thấy nghe lần nào. Có lẽ nhà ai cũng có những đồ dùng lúc mới mua về hí ha hí hửng nhưng rồi cũng thành nhàm chán, thậm chí vứt đi thì tiếc, giữ thì chật nhà vì chẳng bao giờ dùng đến nữa. Nhưng nếu đem cho ai thì đối với người đó lại là mới, lại lau chùi đến sáng bóng lên và rồi một thời gian sau lại để cho bụi phủ.
Trong tình yêu và hôn nhân có xảy ra hiện tượng đó không? Rất tiếc là quy luật tâm lý nhàm chán chi phối tất cả, không có ngoại lệ. Hầu hết các đôi trai gái khi mới yêu nhau đều say như điếu đổ. Có người vừa ngồi với nhau cả buổi mà khi chia tay về đến nhà lại gọi điện thêm hàng tiếng đồng hồ. Có người ở cách nhà nhau 30 cây số mà ngày nào cũng phải đến gặp một hồi mới khỏi nhớ. Nhưng rồi những cuộc gặp cứ thưa dần, đến sau đám cưới, họ về ở hẳn với nhau chỉ một thời gian, có khi hai người ngồi cùng trong một căn phòng cũng không ai nói với ai nửa câu, thậm chí người này như không trông thấy người kia. Đó là chưa kể những đôi chán nhau đến nỗi muốn ra chỗ khác ngồi một mình. Nói chung đàn ông hay chán hơn đàn bà. Bởi vì đàn ông luôn thích khám phá, hầu hết các nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới từ xưa đến nay đều là đàn ông. Chả có nhà thám hiểm nào thích sống mãi trên vùng đất mà mình đã quen thuộc. Đến đứa bé trai cũng không thích chơi lâu với một thứ đồ chơi, nếu mua cho nó một đồ chơi mới dù có xấu và rẻ nó vẫn cứ thích hơn nhưng cũng chỉ được mấy ngày.
Chuyện tiếu lâm kể rằng có một anh bị yếu sinh lý nên phải đến ông lang lấy thuốc. Thầy lang đưa thang thuốc cho còn dặn kỹ : “Nhớ là sau khi uống độ nửa giờ thuốc ngấm mới có hiệu quả”. Hôm sau anh ta lại đến lấy thuốc, thầy lang hỏi : “Thế nào, hôm qua uống vào có thấy hiệu quả không?”. Anh ta buồn rầu trả lời : “Chán quá thầy ạ, mới uống được có 15 phút thì nhà cháu có việc phải đi nên vẫn chưa thử được”. Thầy lang tỏ ý tiếc rẻ : “Khổ, thế mà không sang nhà cô hàng xóm thử nhờ một tý xem thế nào?”. Anh ta lẩm bẩm : “Nếu sang hàng xóm thử được thì cần quái gì đến thuốc của ông”. Hầu hết chúng ta đều bị hấp dẫn bởi cái gì mới lạ và hờ hững ngay với những gì ta có hằng ngày. Ngay cả chuyện gối chăn là thứ vô cùng hấp dẫn với các đôi vợ chồng trẻ cũng thế. Sự lặp lại nhiều lần sẽ trở thành nhàm. Trong tâm trạng như vậy, nếu bạn đem chồng hay vợ mình ra so sánh với ai đó mà bạn mới gặp, chắc chắn là thua rồi. Bởi vì người mới gặp đối với bạn bao giờ chẳng có nhiều nét hấp dẫn hơn. Chuyện trò với họ cũng lý thú hơn, vì bạn mới nghe lần đầu. Đến ánh mắt nụ cười của họ cũng làm bạn xao xuyến, khác với những gì bạn thường gặp ở nhà. Theo tính toán của các nhà tình dục học người Mỹ, trung bình có một đôi vợ chồng quan hệ với nhau 2450 lần trong suốt cuộc hôn nhân của họ, cho nên ai không thấy nhàm chán mới lạ chứ còn nhàm chán là lẽ đương nhiên. Vậy mà nếu lại đem so sánh với ai đó để rút ra là người kia giỏi hơn, hấp dẫn hơn vợ hay chồng mình ở nhà thì quả là sự so sánh quá khập khiễng.
Thế nhưng trong thực tế, không ít người vẫn hay so sánh như vậy. Một chị kỹ sư 32 tuổi, lấy chồng được 4 năm, có một con. Một hôm đi làm về, chị tình cờ gặp lại anh bạn cũ đã có thời theo đuổi nhưng chị không yêu. Hai người mời nhau vào quán cà phê suốt ba giờ đồng hồ mà bao nhiêu chuyện vẫn chưa nói hết. Ra về chị thầm nghĩ, sao mà anh ấy nói chuyện hay thế, chả bù “ông xã” nhà mình bây giờ chỉ được ba câu đã ngủ gật. Nhưng nếu cho chị ta chung sống hẳn với anh chàng kia chắc chắn cũng chỉ ba bảy hăm mốt ngày là hết chuyện. Không ít anh chàng chết mê chết mệt một cô gái, chỉ vì cô ta có nụ cười tươi hơn vợ anh, còn tiếng cười thì ròn tan như thuỷ tinh. Có chị mê một anh chàng chỉ vì anh ta biết làm thơ tặng chị, trong khi chồng chị cả đời chẳng làm nổi một câu thơ nào. Người ta thường so sánh như vậy và tìm đến những mối tình ngoài hôn nhân như để cố tìm kiếm cái mà người bạn đời của mình không có.
Nhưng trong thực tế, các khảo sát cũng cho thấy, độ dài thời gian của những mối tình ngoài hôn nhân không bền. Bởi vì sau một thời gian dan díu với nhau, đến một độ nào đó, yếu tố mới mất đi và sự nhàm chán lại xuất hiện. Đa số đàn ông lúc này đứng trước hai lựa chọn : quay trở về với gia đình hay lại tiếp tục đi thám hiểm một vùng đất khác. 90% đang ông tìm đến giải pháp thứ hai là họ đã có một người đàn bà khác ở đâu đó rồi. Nhưng rồi cũng chẳng bao lâu người mới này cũng trở thành người cũ, họ sẽ bị đem ra so sánh với người thứ ba, thứ tư, thứ “n” nào đó, để họ lại có lý do chia tay, ra đi tìm những đối tượng khác còn đầy bí hiểm. Có nhà tâm lý còn cho rằng đàn ông là những nhà thợ săn thiện nghệ, họ luôn đánh bóng cung tên để hạ gục con mồi. Nhưng sau khi đã ăn thịt con mồi, họ lại thấy những con mồi khác ngon hơn và lại đeo cung tên lên đường chứ không ngồi mãi một chỗ với con mồt mà mình đã săn được.
Khi một người vợ hay chồng bị đem ra so sánh với một người nào đó thường chẳng ai thích thú gì. Bởi vì sự so sánh này bao giờ cũng không ngang bằng giữa một bên đã quá cũ, nhàm chán với một bên mới lạ, đầy hấp dẫn. Hầu hết những người đem vợ hay chồng ra so sánh với người khác đều không có thiện chí ca ngợi người bạn đời của mình mà có dụng ý nếu không để chê bai thì cũng lấy người khác làm gương cho chồng hay vợ mình học tập. Và chính điều này làm cho người bị đem ra so sánh rất dễ tự ái, có những phản ứng quyết liệt. Đặc biệt những người kết hôn lần thứ hai lại so sánh người bạn đời hiện tại với người trong quá khứ là một sai lầm nghiêm trọng, chẳng khác gì lấy dao khía vào trái tim người đang yêu mình. Các nghiên cứu tâm lý còn cho thấy, đàn ông có một số cái “huyệt” mà nếu người vợ nào dại dột đụng vào, đem nó ra so sánh với người khác thì họ sẽ phát điên lên ngay. Một trong những cái “huyệt” đó là chê bai “ khả năng đàn ông” của họ. Cho nên nếu ai muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình bằng cách nhanh và hiệu quả nhất thì cứ đem chồng hay vợ mình ra mà so sánh với bất cứ ai ta gặp ngoài đường.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005