Cờ tướng và chân lý mang tên tương đối
Tôi là một người nghiện cờ tướng và là một kỳ thủ không phải hạng xoàng. Nhưng tôi vẫn không thể thắng tất cả các đối thủ từng gặp. Vì sao vậy? Câu hỏi này mãi ở trong đầu tôi cho đến một ngày...
Nhiều người mê cờ, cờ tướng hoặc cờ vua hay cờ vây… Tất cả các trò thể thao trí tuệ này có chung những đặc điểm sau:
- Cân bằng: Các môn cờ gần như đạt đến sự cân bằng tuyệt đối của các yếu tố cạnh tranh ngoại trừ việc đi trước – đi sau. Thông tin cạnh tranh bày rõ trên bày cờ, không giấu diếm, dĩ nhiên là không tính đến ý đồ cạm bẫy. Số quân hai bên bằng nhau chằn chặn. Số nước đi bằng nhau. Vị trí các quân tương ứng như nhau. Nguyên tắc đi giống nhau. Thời gian chơi như nhau.
- Huy động trí tuệ: Rõ ràng cờ là môn chơi của trí tuệ chứ không phải cơ bắp.
- Vận dụng kinh nghiệm: Kinh nghiệm là rất quan trọng trong đánh cờ. Thiếu kinh nghiệm, bạn sẽ rơi vào cạm bẫy.
- Vận dụng sáng tạo: Sáng tạo cũng rất quan trọng. Nó tạo ra đột phá và bất ngờ trong các nước đi.
- Thể hiện tính cánh: Tính cách thể hiện rõ trong chơi cờ. Điềm tĩnh hay nôn nóng, lỳ lợm hay bộp chộp, điềm đạm hay nóng nảy, tinh tế hay phàm phu… tất cả đều thể hiện trong mỗi nước đi, nhất là giai đoạn giằng co căng thẳng nhất của ván cờ.
Vì là người chơi cờ tướng, tôi xin chỉ nói về môn cờ này trong khuôn khổ bài viết này. Nhìn rộng ra, có thể thấy môn cờ tướng có nhiều đặc điểm giống với cuộc sống, nhất là cuộc sống trong thời đại này, thời của nền kinh tế tri thức.
Trong thời đại này, người ta luôn phải đối mặt với cạnh tranh. Trong tầng thực dụng của mỗi con người luôn có sự tranh giành, đối đầu, đấu trí với nhau. Cũng tương tự kỹ thuật tranh tiên, đấu quân hay việc đấu trí trong ván cờ. Cho đến nay, mỗi người vẫn đang đi tìm cho mình một chân lý đúng trong mọi trường hợp để tiến đến thành công viên mãn, đến đỉnh cao nhất của sự nghiệp, của tình yêu, của hôn nhân, của cạnh tranh trên thương trường… Đó chính là chân lý tuyệt đối. Cũng như mỗi kỳ thủ đều cố gắng tìm cho ra một lối đánh có thể thắng mọi đối thủ mình gặp, mọi trường phái cờ, mọi chiến lược và chiến thuật, tức mọi trận đánh. Đó là cảnh giới cao nhất của một kỳ thủ và là đích đến mơ ước của mọi người. Nhưng trên thực tế liệu có tồn tại một lối đánh nào như thế không? Câu trả lời là không. Tuyệt đối không. Không có bất kỳ một cách đánh nào, một chiến thuật nào cụ thể để có thể thắng tất cả các đối thủ, thậm chí là thủ hoà. Nguyên tắc bất di bất dịch của cờ tướng là sự linh hoạt. Không có một nguyên tắc cục bộ nào tuyệt đối đúng trong tất cả mọi trường hợp.
Ví dụ, có một câu nói người ta hay truyền miệng nhau mà ai cũng biết khi chơi cờ là Xe 10, Pháo 7, Mã 3. Nhưng nguyên tắc này chỉ đúng khi khai cuộc hoặc phần đầu trung cuộc. Đến phần sau trung cuộc hay tàn cuộc thì lại là Xe 10, Mã 7, Pháo 3. Bởi bắt đầu, khi bàn cờ còn nhiều quân, pháo là vũ khí lợi hại vì có nhiều ngòi còn mã thì khó di chuyển vì thường bị cản. Nhưng càng về sau, khi các bên dần mất quân, bàn cờ sẽ có nhiều khoảng trống hơn, pháo sẽ ít ngòi đi, mã sẽ có ít bị cản hơn, tự do tung hoành hơn.
Hay kỹ thuật dùng xe giữ mã, mã làm ngòi cho pháo để bắt xe đối phương cũng là con dao hai lưỡi. Nếu khi mã của đối phương cũng đang trùng chân của mã mình và xe đối phương đang cùng cột với mã mình, thì kỹ thuật đó lại phản tác dụng. Vì xe đối phương sẽ ăn thẳng vào mã của mình. Hoặc là nguyên tắc chơi pháo gánh thì phòng thủ chắc nhất cũng vậy. Nếu đối phương chơi pháo đầu mã độn hoặc ngoạ tâm pháo, thì bên mình triển khai pháo đầu và một pháo gác biên cạnh tốt ba hay tốt bảy là chắc chắn nhất.
Còn vô vàn ví dụ khác chứng minh cho việc không có một nguyên tắc bất biến nào trong cờ tướng ngoại trừ sự linh hoạt. Các kỳ thủ hàng đầu thế giới sở dĩ giành nhiều chiến thắng là bởi họ thấm thía điều này. Họ không áp dụng một lối đánh cụ thể cho tất cả các đối thủ. Mà mỗi đối thủ họ lại có một lối đánh khác nhau sao cho khắc nhất. Mỗi một thể xuất quân họ đều có một thế xuất quân tương khắc. Mỗi một nước đi họ đều có một nước đi tương khắc. Người nào linh hoạt nhất thì người đó có vị trí cao nhất.
Suy rộng ra, trong cuộc sống cũng vậy. Không thể áp dụng một nguyên tắc bất biến nào trong cuộc sống mà không tính đến hệ quy chiếu và các yếu tố tương đối. Nghĩa là một nguyên tắc có thể đúng trong điều kiện này nhưng lại sai trong một điều kiện khác, hoặc có thể đúng đối với phản ứng này của đối thủ cạnh tranh nhưng lại sai đối với phản ứng khác của đối thủ.
Vì thế, hành trình đi tìm một nguyên lý tuyệt đối ngoài trừ sự linh hoạt trong cạnh tranh sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt. Chỉ có một chân lý tuyệt đối trong cờ tướng và cuộc sống: Sự tương đối. Và không có một chân lý phổ quát cho cờ tướng và cuộc sống ngoại trừ chân lý kể trên. Chỉ có những chân lý cục bộ mà thôi.
Nhưng có một thứ tôi tuyệt không thể linh hoạt được: Đó là nguyên tắc đạo đức phải được đặt trên danh lợi. Chính vì thế, có lẽ tôi có thể vô địch trên bàn cờ tướng nhưng sẽ mãi mãi không vô địch trong cuộc sống được...
Sau cùng, đánh cờ không chỉ là đánh cờ cho vui. Đó là cuộc chiêm nghiệm đầy thách thức và thú vị về “bàn cờ cuộc đời”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh