Có một khoảng trống trong việc dạy trẻ...

10:12 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Chín, 2013

Nhân dịp khai giảng năm học 2013-2014, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - đã có lá thư gửi cha mẹ học sinh của trường với lời chia sẻ giản dị, cảm động nhưng sâu sắc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Văn Như Cương cho biết:

PGS Văn Như Cương -  Ảnh: V.Hà

- Những gì tôi bày tỏ trong thư đều xuất phát từ những điều tôi đã quan sát từ cuộc sống xung quanh mình, từ cách ứng xử với trẻ con của nhiều bậc cha mẹ. Ở nhà, cha mẹ chỉ cần con học thật nhiều, thật tốt và thi đỗ đại học. Coi đó là ưu tiên số 1 và vì sự ưu tiên đó, có thể hi sinh những cái khác. Ở trường, thầy cô cũng chỉ lo nhồi nhét kiến thức, dạy thêm kiến thức cho học sinh đi thi... Thế nên có một khoảng trống lớn trong việc dạy trẻ những điều nhỏ nhặt song lại vô cùng cần thiết mà thiếu nó trẻ khó có thể nên người.

* Việc giáo dục lớp trẻ hiện nay có vấn đề xuất phát từ phía gia đình, các bậc cha mẹ, vậy còn nhà trường, theo thầy, nhà trường có “góp phần” vào việc này không, và bây giờ cần phải làm gì để thay đổi cách dạy học sinh?

- Đương nhiên, nhà trường cũng phải có trách nhiệm trong việc này. Trường học không chỉ là nơi dạy chữ, càng không phải là nơi cung cấp kiến thức cho học sinh để đỗ đạt, quan trọng hơn phải là nơi hỗ trợ các bậc cha mẹ dạy trẻ những kỹ năng, ứng xử cần có trước khi bước vào đời. Ở Trường Lương Thế Vinh, từ lâu rồi tôi áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh theo hướng “phạt phải lao động”. Ví dụ đi muộn, thay vì ngồi chờ hết tiết để vào lớp, học sinh sẽ phải ra sân trường quét rác, lau cửa kính, bàn ghế...

Chính từ những lần “phạt quét sân trường” mà tôi phát hiện nhiều học sinh không biết quét thế nào cho đúng. Tôi cũng áp dụng nhiều phép thử đối với học sinh. Ví dụ có lần tôi để một vỏ chai nước ở nơi có nhiều học sinh qua lại. Tôi xem các em làm gì với cái chai đó. Có em đi qua không để ý, có em đá cái chai, chuyền cho nhau như đá bóng. Không em nào nghĩ tới việc cho vỏ chai vào thùng rác. Từ quan sát đó, tôi yêu cầu giáo viên lưu ý nhắc nhở học sinh. Những việc nhỏ đó nhắc một lần chưa được, nhiều lần sẽ hình thành thói quen.

* Trong thư, dù không trực tiếp đề cập nhưng khiến người đọc hình dung thấp thoáng những bất cập của giáo dục hiện nay khi người lớn chỉ tập trung vào việc bắt con trẻ học và học. Điều đó vô hình trung khiến học vừa là yếu tố để ưu tiên, vừa là áp lực đè nặng lên học sinh. Có phải đây cũng là điều thầy nghĩ đến khi viết lá thư?

- Đúng thế đấy. Một nền giáo dục ứng thí trong đó cha mẹ, thầy cô, các nhà trường đều muốn nhồi nhét nhiều kiến thức nhất cho học sinh để có tỉ lệ đỗ cao nhất, kết quả tốt nhất. Chính suy nghĩ này khiến nhiều bậc phụ huynh dồn ép con học thêm khắp nơi. Chỉ cần học là đủ, mọi vấn đề bất ổn khác đều có thể châm chước, nâng đỡ, làm thay trẻ. Và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các thầy cô, nhà trường chỉ tập trung lo chuyện học và thi.

* Trong thư, thầy cam kết học sinh Trường Lương Thế Vinh không cần học thêm. Nhưng hiện nay có nhiều thầy cô cho rằng không dạy thêm thì không hết kiến thức vì chương trình quá tải. Còn nhiều phụ huynh lo không học thêm thì không thi đỗ?

- Tôi chỉ dám khẳng định trong phạm vi trường Lương Thế Vinh thôi. Đúng là chương trình hiện nay có những bất cập, quá tải. Nhưng nếu hiệu trưởng nhà trường kiên quyết, nếu làm tốt việc sắp xếp, bố trí chương trình hợp lý, thầy cô giáo làm hết trách nhiệm, đúng quy định về chuyên môn, học sinh đảm bảo yêu cầu trong giờ học chính khóa và tự học thì không cần đi học thêm. Dĩ nhiên tôi không ra lệnh cấm học sinh học thêm bên ngoài nhà trường, cũng không thể cấm được giáo viên của tôi đi dạy thêm bên ngoài. Nhưng trong phạm vi nhà trường, tôi yêu cầu thầy và trò làm đúng yêu cầu, nhiệm vụ. Và tôi có thể khẳng định với các bậc cha mẹ, học sinh không cần học thêm ở đâu nữa, các em vẫn có đủ kiến thức, kỹ năng vượt qua các kỳ thi.

VĨNH HÀ thực hiện

“Con cái luôn được voi đòi tiên”

1 Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ..., họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem con là thứ vất đi, khó dạy khó bảo rồi chẳng làm nên cơm cháo gì...

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của con.

Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.

2 Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con. Hãy nhớ rằng con chúng ta luôn luôn “được voi đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết con phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành.

Đối với con, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.

3 Xin các vị đừng thương con đến mức không để con đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.

Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa... Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi xin rút ra một nhận định: không có lao động không có sáng tạo. Một người lười lao động chắc chắn không làm việc gì thành công.

4Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy, một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kỵ, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp, cao thượng hẳn lên.

5 Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với thế giới thật xung quanh mình, đang diễn ra hằng ngày..., để con đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để con nói chuyện, trao đổi, tâm sự... nhiều hơn với người thân trong gia đình, chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay, các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta... Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo.

6Về việc học tập của con em, Trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi... Học sinh Trường Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lý... chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG (Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội)

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư gửi con gái của tổng thống đắc cử Barack Obama

    22/05/2016Thanh Tuấn dịchNgày 20-1 tới, ông Barack Obama sẽ chính thức nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Nhân dịp lịch sử này, Tổng thống Obama đã viết thư cho hai cô con gái. Bức thư được tạp chí Parade đăng lại.
  • Để có một nền giáo dục - khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng

    09/10/2015Phan Thắng (thực hiện)Là một nhà khoa học, đồng thời là nhà giáo, người am hiểu và quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa, nền văn hóa của đất nước, lại làm việc ở Paris – một trung tâm văn hóa lớn của thế giới, xin đề nghị giáo sư phân tích mối liên hệ hữu cơ của ba nhân tố này trong tổng thể một nền văn hóa? Yếu tố nào có vai trò tiên phong, định hướng sự vận động của nền văn hóa? Và yếu tố nào đóng vai trò động lực, chi phối sự vận động của nền văn hóa, của xã hội?
  • Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách

    21/05/2014Nguyễn Trần BạtCuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung...
  • Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại

    07/11/2013Nguyễn Trần BạtMôi trường giáo dục tốt phải là vườn ươm các nguyên chính trị và các nguyên nhận thức, nói cách khác, nó phải là vườn ươm các module phát triển của toàn xã hội và là kho chứa tính phong phú của nhận thức xã hội...
  • Cải cách giáo dục nhìn ra thế giới

    07/09/2013Xã hội thay đổi, mục tiêu của giáo dục cũng phải thay đổi theo. Xây dựng chương trình cải cách giáo dục riêng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục đích: Dạy - học như thế nào để có hiệu quả nhất. Xin giới thiệu cách dạy học ở một số quốc gia để các bạn có thể so sánh với nội dung cải cách giáo dục ở nước ta...
  • Thư gửi học sinh

    31/05/2010Một mùa hè mới lại về, đánh dấu một bước chuyển giao giữa hai niên học
    trong cuộc đời học sinh với biết bao kỳ vọng, lo lắng của giao đình,
    nhà trường và xã hội về một chặng đường đã qua và một sự khởi đầu sắp
    tới. Nhân ngày 01-06, Chungta.com mời độc giả cùng suy ngẫm về những
    lời tâm huyết của bốn con người, ở các cương vị, thời đại, dân tộc khác
    nhau, gửi gắm tới các thế hệ tương lai của nhân loại.
  • Chuyện dài về khuyết tật trong tính cách Việt

    15/02/2007TS. Nguyễn Ngọc ĐiệnViệc "một bộ phận" người Việt gặp khó khăn trong việc tra cứu bản đồ hoặc định vị đồ vật là điều có thật và suy cho cùng, chỉ là hai trong nhiều khuyết tật có chung một nguyên nhân sâu xa, liên quan đến phẩm chất, tính cách con người...
  • Cải cách giáo dục phải làm lại từ đầu

    10/11/2003Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc cải cách giáo dục (CCGD) của ta đến nay đã qua hơn hai mươi năm. Thế nhưng những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra chưa đâu vào đâu cả. Nhiều chương trình, dự án tốn bạc tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ, tưởng đã xong, nhưng đưa ra thực thi, bị chính các GS, TS các NGND, NGƯT danh tiếng trong ngành và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, quyết liệt, buộc phải huỷ bỏ. Trong khi đó, nhiều vấn nạn giáo dục, nhân cơ hội đó mọc lên như nấm. Cuộc đấu tranh giữa một nền giáo dục dân tộc, văn minh, tiến bộ với nền giáo dục thương mại hoá ngày một gay gắt...
  • Vai trò của học sinh, sinh viên trong cải cách giáo dục

    11/02/2003Có thể thấy rất rõ điều vô lý là trong khi chúng ta mong muốn đưa người học về vị trí trung tâm trong giáo dục, ý kiến người học sẽ định hướng cho cách học của chính mình và cho cả sự phát triển của nền giáo dục thì chúng ta lại không quan tâm tới ý kiến, suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Điều này cũng có thể hiểu như việc chúng ta muốn học sinh, sinh viên của chúng ta chủ động trong học tập, nghiên cứu và là trung tâm của giáo dục nhưng chúng ta lại cải cách theo phương thức gò bó, ép buộc, áp đặt mà không xem xét công việc đó có phù hợp với ý kiến của họ không.
  • xem toàn bộ