Chúng ta sống bao lâu hay sống bao sâu?
Ông Trần Đăng Khoa, một doanh nhân trẻ, đang trao truyền cho giới trẻ cảm hứng và cách ứng xử trong cuộc sống chia sẻ những câu chuyện xung quanh sách dạy thành công (self-help)...
* Nhận xét của ông về tác dụng của một số đầu sách hướng dẫn tư duy làm giàu, bí quyết thành công (ví dụ: Dạy con làm giàu, Sức mạnh của tư duy tích cực, Đắc nhân tâm, Đọc vị bất kỳ ai…).
- Ông Trần Đăng Khoa: Khi bạn hỏi tôi câu này cũng giống như bạn hỏi tôi nhận xét về “tác dụng” của các trường đại học.
Nếu tôi thích các trường đại học, tôi sẽ đưa ra hàng loạt ví dụ để chứng tỏ học đại học là cần thiết (như đưa ra những tấm gương vượt khó chỉ để vào đại học và thành công chẳng hạn).
Nếu tôi không thích các trường đại học, tôi sẽ đưa ra hàng loạt “tấm gương” thi mãi chẳng vào đại học (người thích thì khen là kiên định, người không thích thì chê là ảo tưởng), hay những “tấm gương” học đại học xong ra trường thất nghiệp nhưng nhất định không chịu đi làm những việc dưới trình độ.
Cả hai cách lý luận đó để chứng tỏ điều mình thích hoặc không thích đều phiến diện.
Cho nên tôi cũng sẽ không đưa ra nhận xét về những quyển sách đó. Tôi chỉ muốn kể bạn nghe một câu chuyện.
Cách đây khoảng 25 năm, có một đứa bé tầm 10 tuổi, nhà nghèo cái gì cũng thiếu thốn, nhưng nó vẫn nói với mẹ rằng sau này lớn lên muốn trở thành triệu phú.
Giữa cái xóm lao động nghèo mà nhiều người vẫn phải mua gạo ăn theo từng bữa, những mơ ước như vậy có lẽ sẽ bị coi là điên khùng, ảo tưởng.
Nhưng mẹ nó đã nói với nó rằng: “Ừ, sau này lớn lên ráng cố gắng thành triệu phú, mà không những vậy phải thành triệu phú trước 30 tuổi nha con".
Nó nhớ mãi câu nói đó của mẹ. Đến khi 30 tuổi nhìn lại, nó chẳng buồn ngồi đếm tài sản xem mình đã là triệu phú hay chưa. Nó chỉ có một công ty tàm tạm với gần trăm thành viên và rất nhiều người yêu thương nó, dù không là ruột rà máu mủ mà vẫn coi nó như anh trai.
Nó tự gọi mình là “triệu phú của yêu thương”.
Mẹ không chỉ là quyển sách sống đã truyền cho nó niềm tin, mẹ cũng là người đã chỉ nó vào đống sách cũ tìm sách mà đọc vì nhà nghèo, mẹ không có tiền cho nó những thứ khác để giải trí.
Trong đống sách cũ, nó tìm được quyển Đắc nhân tâm (do chính học giả Nguyễn Hiến Lê dịch) cũ kỹ, bụi bặm, vàng ố. Nó đọc một lần rồi hai lần, rồi ba lần. Có lẽ nó chẳng có gì để chơi nên đành đọc sách chứ cũng chẳng ham đọc sách gì đâu.
Nhưng sau này lớn lên nó nghiệm ra rằng có những lúc nó đã sống quá thật đến mức người ta ghét, thù nó, hãm hại nó.
Nhưng khi biết “đắc nhân tâm” một chút, nó không những chẳng đánh mất chính mình mà còn được yêu thương nhiều hơn. Thậm chí không những không đánh mất chính mình, nó trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Tôi cũng chẳng có ý định chứng minh điều gì. Tôi chỉ muốn nói đọc những quyển sách ấy là lựa chọn của tôi. Lựa chọn áp dụng điều gì, không áp dụng điều gì hoặc áp dụng một phần cũng là của tôi. |
Chắc bạn cũng đoán ra đứa bé ấy là tôi. Dĩ nhiên, câu chuyện của tôi chẳng thể nào chứng minh được những quyển sách ấy là có ích cho tất cả mọi người, vì chúng có thể có ích với tôi nhưng cũng có thể không có ích với người khác.
Tôi tôn trọng lựa chọn của mình và cũng tôn trọng lựa chọn của những người không thích hoặc không bao giờ đọc những quyển sách ấy.
* Bản thân ông đã từng đọc qua loại sách này và tham gia các khóa học để trang bị kỹ năng cho sự thành công. Điều khó khăn ông gặp phải khi đối mặt với thực tế sau trang sách là gì ạ?
- Ông Trần Đăng Khoa: Dòng sách self-help hay còn gọi là self-improvement hoặc self-development (xin được tạm dịch là sách phát triển bản thân) là một dòng sách cố gắng đưa các môn khoa học phức tạp hơn như khoa học xã hội, tâm lý học, kinh tế học… đến gần với thực tế cuộc sống và nhu cầu của đại đa số mọi người hơn. Các khóa học phát triển bản thân thì không đơn giản như sách nên tôi tạm thời không bàn ở đây.
Thật tình mà nói lúc còn gặp rất nhiều thất bại trong cuộc sống sau khi đọc kha khá sách về tư duy và kỹ năng thành công, tôi cũng có lúc đổ lỗi vì mấy quyển sách này mà mình thất bại.
Nhưng ngày hôm nay nhìn lại, tôi thấy cũng bởi mấy quyển sách đó mà thay vì tôi phải đi xin việc làm, cố gắng giữ một công việc làm thuê, thì tôi đang tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác và cuộc sống ý nghĩa hơn cho họ. Nhờ những quyển sách phát triển bản thân mà tôi đã không bỏ cuộc khi nhiều lần thất bại.
Khó khăn thì cuộc đời lúc nào chẳng khó khăn cho dù bạn đọc sách hay không đọc sách. Sách không làm tăng hay giảm những khó khăn của cuộc đời.
Chính những lựa chọn của chúng ta làm tăng hay giảm những khó khăn đó. Thay vì trốn tránh hoặc đâm đầu vào khó khăn, sách là một cách khác để chúng ta nhìn thấy những lựa chọn khác.
Nếu bạn là một người thông minh, có nhiều lựa chọn sẽ giúp bạn có được một cuộc sống tốt hơn vì bạn sẽ biết chọn điều tốt nhất cho mình.
Nếu bạn là một người thiếu thông minh, có nhiều lựa chọn đôi khi làm bạn sợ hãi và rối trí.
Cho nên muốn có nhiều lựa chọn hơn hay cứ chỉ một con đường định sẵn mà sống, bản thân nó cũng là một lựa chọn bạn buộc phải thực hiện cho cuộc đời mình.
* Khoảng cách giữa việc đọc sách với áp dụng thực tế đôi khi rất xa vời. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi tìm đọc những đầu sách này? Làm sao để không rơi vào ảo tưởng khi đọc chúng?
- Ông Trần Đăng Khoa: Khoảng cách có xa vời hay không là do cách chúng ta nhìn vấn đề. Một người đầu óc đã đầy sự ảo tưởng thì đọc một câu chuyện cổ tích cũng đã bắt đầu ảo tưởng.
Một người có đầu óc thực tế và tư duy tốt thì đọc cái gì cũng sẽ đọc với tinh thần cầu thị. Cái gì thấy hữu ích mình học theo, cái gì thấy không hữu ích mình không học theo. Mang áp dụng vào cuộc sống, mình sẽ lại càng học được nhiều hơn.
Một trong những cách để tránh rơi vào ảo tưởng trong hầu hết hoàn cảnh là tiếp nhận thông tin càng đa chiều càng tốt. Ở đây tôi không nói là có nhiều thông tin đa chiều, mà tôi nói là tiếp nhận nhiều thông tin đa chiều.
Lý do tôi muốn nhấn mạnh sự tiếp nhận là vì vẫn có những người thông tin có sẵn không hề thiếu, nhưng vì họ chỉ muốn nhìn cuộc đời theo định kiến của mình cho nên họ sẽ loại bỏ tất cả những thông tin khác chiều (ngay cả khi chúng không hẳn là trái chiều).
* Có những bài giảng thiết thực về sự nỗ lực, bí quyết thành công, làm chủ cuộc đời, ông có thể chia sẻ với người trẻ rằng họ cần trang bị những gì để đạt được thành công?
- Ông Trần Đăng Khoa: Đối với cá nhân tôi, bí quyết thành công quan trọng nhất gói gọn chỉ trong một từ “cầu thị”, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn là “khiêm tốn”.
Khiêm tốn không phải là nghĩ mình dốt, mình kém, mà khiêm tốn là luôn nghĩ mình chưa biết nhiều, chưa hiểu đủ, để từ đó nỗ lực trau dồi thêm.
Khiêm tốn không phải là không dám nói về mình, mà khiêm tốn là dám nói về những gì mình đã làm được và những gì mình chưa làm được.
Khiêm tốn không phải là nhận mình không biết, mà khiêm tốn là cố gắng biết rõ những điều mình đã biết và hiểu mình không biết những điều mình không biết.
Khiêm tốn là tự ý thức được rằng góc nhìn của mình luôn là góc nhìn chủ quan và đôi khi có thể cả phiến diện.
Chỉ khi chúng ta ý thức được chính những giới hạn của bản thân hay bản chất của con người, chúng ta mới tìm cách vượt qua được chúng.
Khi bạn vượt qua được nhiều những giới hạn đó, bạn không thành công thì cũng thành nhân.
Có một thời hai mươi tôi nghĩ mình đọc nhiều, học cao, hiểu rộng, tôi nghĩ mình có thể một tay che trời. Có một thời ba mươi tôi nhận ra rằng mình chỉ là một người bình thường, vẫn còn cần thêm quá nhiều kiến thức và hiểu biết để ngày càng hoàn thiện mình hơn nên tôi đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn và nói ít lại.
* Quan niệm, cách nghĩ của ông về hai chữ “thành công” - bây giờ ông tự đánh giá mình đã đạt được điều đó chưa?
- Ông Trần Đăng Khoa: Người nhiều tiền định nghĩa thành công bằng tiền. Người nhiều quyền định nghĩa thành công bằng quyền. Người nhiều kiến thức định nghĩa thành công bằng kiến thức. Người nhiều yêu thương định nghĩa thành công bằng yêu thương. Không ai đúng, ai sai, một lần nữa chỉ là lựa chọn của mỗi người.
Khi còn hai mươi tôi rất quan trọng hai chữ “thành công” nhưng giờ đây thì đã khác. Người khác nghĩ tôi thành công. Tốt. Người khác nghĩ tôi chẳng làm được gì. Cũng tốt. Đơn giản là tôi chẳng quan tâm.
Điều quan trọng đối với tôi là mình đang nỗ lực để sống sao cho đến cuối cuộc đời này, tôi biết mình không chỉ sống bao lâu mà còn đã sống bao sâu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn