Chúng ta sẽ đi trong năm 2014 bằng sự thức tỉnh và chín chắn
Cuộc trò chuyện "xông đất” đầu tiên của năm 2014 được chúng tôi thực hiện với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với mong muốn là một chuyên gia nghiên cứu thường có cách kiến giải khoa học và khách quan trong nhiều vấn đề. Dù mỗi năm gõ cửa "tổng hành dinh” của ông vài lần thì lần nào thực hiện phỏng vấn, cách tư duy của ông cũng đem lại những ngạc nhiên thú vị...
Cái được lớn nhất là chúng ta đã nhận ra những vấn đề cần chỉnh đốn, cần sửa chữa, cần tái cấu trúc
PV: Thưa ông, nhìn lại năm 2013, trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay, việc Việt Nam giữ được ổn định xã hội là một thành công về mặt chính trị trong năm qua. Ông có chung ý kiến như vậy?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta đang sống trong một cộng đồng có nhiều vấn đề, lần lượt các quốc gia đều có vấn đề của nó. Cũng không phải vì nhìn sang các nước khác có vấn đề để khẳng định mình đúng, logic ấy không nên phát triển. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với việc chúng ta ổn định chính trị và xã hội.
Vậy, với tư cách một chuyên gia nghiên cứu có cái nhìn tương đối độc lập, ông cho rằng thành công lớn nhất của năm 2013 là gì?
- Cái được lớn nhất của năm 2013 là chúng ta đã nhận ra chúng ta có vấn đề, cần phải cấu trúc lại. Tất cả các Nghị quyết của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 3 của Khóa XI này cho đến các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 gần đây đều có liên quan đến vấn đề tái cấu trúc lại chính trị, kinh tế, xã hội như chỉnh đốn Đảng, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục... Điều ấy chứng tỏ Đảng ta đã nhận ra những vấn đề cần chỉnh đốn, cần sửa chữa, cần tái cấu trúc. Tôi nghĩ cái được lớn nhất là ở chỗ ấy.
Điều hành một nền chính trị đạt tới mức đồng thuận khi thông qua Hiến pháp là một thành tựu
Ngoài ra, thưa ông, về mặt chính trị trong năm 2013 việc thông qua Hiến pháp là một việc rất lớn?
- Tôi cho rằng thông qua được Hiến pháp là một thành tựu, bởi thông qua được Hiến pháp không dễ. Trong suốt quá trình thảo luận Hiến pháp hàng năm trời trước đó rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nói thông qua được Hiến pháp là một thành tựu, bởi điều này phản ánh chất lượng cụ thể của sự đồng thuận xã hội. Chúng ta hay nói khó khăn trong điều hành kinh tế nhưng điều khiển một nền chính trị khó hơn rất nhiều. Tôi cho rằng, về mặt điều hành một nền chính trị đạt tới mức đồng thuận như vậy khi thông qua Hiến pháp là một thành tựu.
Có thể còn có những người sẽ chê khi tôi hoan nghênh một bản Hiến pháp mà họ cho rằng chưa có chất lượng như người ta muốn. Nhưng tôi là một nhà khoa học, tôi không làm chính trị mà tôi nghiên cứu khoa học chính trị, tôi có thể nói rằng không có bản hiến pháp nào ở trên đời này có chất lượng như mọi cá thể muốn. Bản Hiến pháp được thông qua ở nhiều nước đạt tỷ lệ thấp hơn trí tưởng tượng của chúng ta nhiều. Trên thế giới này đảng chính trị nào mà giành được kết quả hơn các đối thủ 1% tức là đạt được 51% là đã thắng. Do chưa làm quen với một nền chính trị mà quyền lực được chia sẻ cho nên chúng ta không thấy được thành tựu mà ta vừa đạt được. Để có được sự đồng thuận vô cùng khó. Phải xem việc thông qua Hiến pháp là một thành tựu.
Cũng liên quan đến chính trị, theo ông việc đem ra xử những vụ án trọng điểm một cách công khai và nghiêm minh có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi nghĩ những người được đem ra xử trong những vụ đại án trong thời gian này cho dù chưa phải là người có thế lực nhất trong hệ thống của họ, nhưng cũng đã quá có thế lực so với đại bộ phận xã hội. Dương Chí Dũng từng là một người cực kỳ có thế lực, Nguyễn Đức Kiên là một người rất có thế lực, đến mức nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá cũng chỉ là một nhân vật phụ trong vụ án… Đưa những người như vậy ra tòa là một cố gắng khổng lồ của hệ thống chính trị. Đấy cũng là thành tựu của nền tư pháp Việt Nam.
Thông qua Hiến pháp là thành tựu của hệ thống chính trị, đưa ra xử các vụ án lớn là thành tựu của hoạt động tư pháp. Đưa ra được các tư tưởng về tái cấu trúc nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt là tái cấu trúc nền kinh tế, thậm chí cả việc đổi mới chất lượng và quy mô của hệ thống giáo dục là những thành tựu. Tôi không sợ nói như vậy là nịnh Đảng và Chính phủ. Tôi là người nghiên cứu khoa học, tôi xem đấy là một thành tựu, là sự cố gắng khổng lồ và có thiện chí, có chất lượng của hệ thống chính trị. Có thể chưa thỏa mãn một số người, nhưng trên đời này không phải cái gì cũng thỏa mãn được tất cả mọi người.
Còn về kinh tế, thưa ông, ông đánh giá thế nào về điều hành kinh tế vĩ mô năm 2013?
- Phải nói thẳng là chúng ta đang đánh vật với nền kinh tế trên cả khía cạnh vĩ mô lẫn vi mô. Với tư cách là người quản lý xã hội về mặt kinh tế thì Chính phủ đang đánh vật với kinh tế vĩ mô. Với tư cách là chủ sở hữu một khu vực kinh tế là kinh tế nhà nước, Chính phủ đang đánh vật với cả kinh tế vi mô. Nếu chỉ nói đến quản lý vĩ mô thì chúng ta không thấy cái khó khăn của Chính phủ. Chính phủ vừa quản lý vĩ mô với tư cách là người có nghĩa vụ quản lý một nền kinh tế, vừa phải quản lý vi mô một khu vực kinh tế thuộc sở hữu của mình, vô cùng vất vả. Cái đó không thể chỉ nói chơi là quản lý vĩ mô được.
Chúng ta đã dân chủ tới mức đôi khi phải kiểm soát lại
Trên những bình diện như vậy, ông có thể đưa ra nhận định chung về năm 2013?
- Chủ thể của tất cả các thành tựu xã hội trong năm 2013 là cả hệ thống chính trị. Đấy là một cuộc vật lộn, một cuộc đấu tranh, một cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và dân chủ. Dân chủ tới mức đôi khi buộc phải kiểm soát lại, nếu không nó sẽ đẻ ra những hậu quả không ổn định. Tức là không khí dân chủ đã được thả ra đến một ranh giới đôi khi buộc phải kéo lại một chút. Sự kéo lại một chút không phản ánh tính tiêu cực của đời sống chính trị, mà nó phản ánh sự cẩn trọng của hệ thống chính trị.
Tôi hoan nghênh cả việc thả ra để thảo luận lẫn việc kéo lại một chút vào những lúc cần thiết. Phải quan sát đến như thế thì mới thấy được tính cởi mở của quá trình. Nếu cứ nói mãi mà không thấy ranh giới ở đâu, không thấy nguy hiểm ở đâu, tức là chúng ta còn mon men ở trong bờ. Nhưng trên thực tế chúng ta đã động đến những khái niệm đôi khi vượt qua cả những ranh giới truyền thống, gây ra những phản ứng xã hội. Bởi trong xã hội có nhiều quan điểm, có nhiều người bảo thủ chứ không phải như một số số người luôn nghĩ Đảng là bảo thủ? Đảng đang quản lý chính trị cả các lực lượng cấp tiến lẫn bảo thủ. Vai trò của Đảng là cân đối hoặc đưa ra các quyết định thỏa mãn sự cân bằng giữa các lực lượng cấp tiến và bảo thủ. Cả cấp tiến lẫn bảo thủ đều nằm trong quyền quản lý chính trị và trách nhiệm quản lý chính trị của Đảng Cộng sản.
Đảng cầm quyền là một đảng quản lý chính trị. Đã quản lý chính trị thì phải quản lý tất cả các quan điểm, tất cả các khuynh hướng. Tài ba của những người quản lý chính trị là quản lý được tất cả các quan điểm và tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho tất cả khuynh hướng. Tôi cho rằng, các sinh hoạt chính trị gần đây thỏa mãn được điều ấy. Trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa không khí dân chủ bắt đầu được triển khai, đã được hiện thực hóa. Những nhà chính trị của chúng ta là những người quản lý chính trị tốt để có thể kéo lại những chỗ phình ra, để thúc đẩy được tính tích cực, tính năng động của xã hội. Tôi cho rằng đó là thành tựu chính trị.
Phải xây dựng hệ thống trách nhiệm hành chính
Nhưng vẫn còn một đòi hỏi từ xã hội là việc chịu trách nhiệm trước những vấn đề xảy ra. Năm qua, có nhiều vụ việc xảy ra rồi thì không biết trách nhiệm thuộc về ai?
- Tôi đã từng phát biểu công việc cần làm bây giờ là xây dựng hệ thống trách nhiệm hành chính. Chúng ta không nên gói các loại trách nhiệm cụ thể vào trong một khái niệm là trách nhiệm chính trị. Xã hội hóa khái niệm trách nhiệm chính trị thành trách nhiệm trên các khía cạnh của đời sống là cần thiết. Trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự phải rất rõ ràng. Khi làm như thế thì chúng ta mới thực hiện được nguyên lý cơ bản của Đảng là mọi tổ chức của Đảng, cũng như đảng viên đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Thưa ông, có phải vì thiếu hệ thống trách nhiệm hành chính mà trong năm qua vẫn có rất nhiều chính sách, nghị định, thông tư ra đời không hợp lòng dân?
- Bởi vì chúng ta chưa xây dựng được hệ thống trách nhiệm hành chính, chúng ta chính trị hóa tất cả các quy trình. Khi Dương Chí Dũng bị bắt rồi thì Bộ Giao thông Vận tải có biện hộ là quá trình bổ nhiệm anh ta làm Cục trưởng Cục Hàng hải là rất đúng quy trình. Nhưng quy trình nào, và quy trình sinh ra để làm gì nếu nó không đúng? Hay nói cách khác là chúng ta không có hệ thống trách nhiệm hành chính rõ ràng, chúng ta mơ hồ hóa các quyết định.
Hiện nay tỉ trọng các thông tư, chỉ thị trực tiếp nó vượt quá tỉ lệ cần thiết cho một nhà nước pháp quyền. Tức là vai trò của Hiến pháp, pháp luật, của những điều luật quy định ổn định ít hơn quyền lực thật sự của những thông tư, chỉ thị trực tiếp. Đó là một vấn đề khổng lồ trong quá trình điều hành của chúng ta. Tôi nghĩ là trong một bài báo không thể nói được hết, nó phải là một chuyên đề thì mới bàn đến chuyện ấy được. Nhưng nếu kéo dài tình trạng thông tư hóa, chỉ thị hóa, thì chúng ta đang không thực hiện đúng tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền.
Hãy để nhân dân quen với bức tranh thật
Trong một bức tranh khá đủ về năm 2013. Ông dự báo thế nào về kinh tế năm 2014?
- Tôi nghĩ 2014 – 2015 vẫn còn khó khăn, ngay cả Chính phủ cũng không nhất thiết phải chứng minh bức tranh kinh tế trong năm mới sẽ có màu hồng. Không nên chiều chuộng xã hội bằng việc cung cấp những thông tin màu hồng về các sản phẩm của nền kinh tế. Mà cần phải cảnh báo những khó khăn, phải chuẩn bị đối phó và đừng có ảo tưởng.
Có thể đang tồn tại quan niệm tô bức tranh màu hồng hơn thực tế là để yên dân. Nhưng tôi nghĩ rằng, xã hội bây giờ chắc cũng không thích những bức tranh màu hồng. Xã hội đã trưởng thành. Không lẽ sau 70 năm chúng ta hình thành Nhà nước mà chúng ta vẫn chưa trưởng thành sao. Trưởng thành là nhìn vào sự thật và biết đưa ra các quyết định phù hợp với sự thật. Hãy để nhân dân làm quen với những bức tranh thật, không nên khuyến khích, không nên ru ngủ bằng các màu hồng nhân tạo, bởi vì cái đó làm chậm sự trưởng thành của xã hội chúng ta.
Lường trước các khuynh hướng rủi ro
Nhưng thưa ông, cụ thể hơn, bước vào năm 2014 này, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì về kinh tế?
- Chúng ta phải lường trước được mọi khuynh hướng rủi ro, chứ không phải chỉ có rủi ro đã trông thấy. Các rủi ro đã thành hiện tượng rồi thì có thể quản lý được, nhưng các rủi ro mới chỉ hình thành ở mức khuynh hướng thì quản lý rất khó. Tôi không phải là người đưa ra những dự báo cụ thể, tôi nghĩ rằng không nên làm lười xã hội bằng việc đưa ra những bình luận hay dự báo cụ thể.
2014 là năm của những người đã thức tỉnh về mình và đủ chín chắn để đi bằng đôi chân của mình trên những con đường cụ thể mà mình có, để trông thấy và gặt hái những cái mà mình muốn.
Tóm lại năm 2014, trên bối cảnh triển khai thực thi Hiến pháp – một bản Hiến pháp mà lần đầu tiên Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, ông hình dung bức tranh chính trị của năm 2014 như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo đất nước đã nói đầy đủ rồi. Hiến pháp có rất nhiều điểm mới mà một số người do quan liêu, do bức xúc nên không nhìn thấy. Tôi nghĩ là tất cả những ai đọc kỹ Hiến pháp cũng đều nhận ra những điểm mới. Tôi chỉ khuyên mọi người đọc kỹ Hiến pháp.
Nhưng theo ông để tiếp tục giữ ổn định, hạn chế tốt hơn những bức xúc xã hội nên có những giải pháp nào?
- Người ta luôn luôn đánh đồng sự bức xúc xã hội với sự bất ổn định, đánh đồng ấy là sai. Sự bất ổn định không hề đi từ sự bức xúc của xã hội. Nếu như xã hội đã bức xúc mà thấy có lý thì phải xử lý. Xử lý chính trị các bức xúc là nghĩa vụ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không xử lý bức xúc của xã hội một cách nghiêm túc là hệ thống chính trị chưa tròn trách nhiệm. Cho nên không nên đồng nhất giữa xã hội bức xúc với sự mất ổn định chính trị. Sự mất ổn định chính trị đến từ sự bảo thủ, sự ù lì, sự chây lười và sự vô cảm của hệ thống chính trị, không phải đến từ sự bức xúc.
Khi chúng ta đang có chiến tranh, chúng ta đói, chúng ta chia nhau cân gạo, lạng thịt hàng tháng mà không hề bức xúc, chúng ta không hề nói xấu Đảng và nhà nước, chúng ta yêu Đảng, yêu Chính phủ, yêu Quân đội. Còn bây giờ chúng ta có tất cả mọi thứ, chúng ta ăn uống ê hề đến mức phải nghiên cứu các biện pháp chống béo thì ta lại bức xúc bởi vì có những vấn đề của bộ máy chính trị và hành chính. Cái đó thể hiện là ta chưa khôn khéo. Chưa nói đến chuyện trình độ, chỉ nói đến thái độ thì ta đã sai. Chúng ta xem nhân dân là thấp cấp, chúng ta nói năng thô lỗ, chúng ta đánh đập, chúng ta không cấp giấy phép lái xe cho người ngực lép, không cho xe thô sơ lưu hành, không cho bán hàng rong. Tất cả những chuyện như vậy chứng tỏ ta đang chưa chiếu cố đến thực trạng đời sống của đất nước.
Chúng ta đang sống trong một thời đại rất thuận lợi
Còn vấn đề cuối cùng, ông đánh giá thế nào về vị thế Việt Nam trong mối quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay?
- Chúng ta sống trong một thời đại rất thuận lợi. Nhân dân toàn thế giới đã có tiếng nói của mình. Tất cả các quốc gia đều ý thức được độc lập, chủ quyền của mình, nước bé, nước lớn đều có tiếng nói cả. Chúng ta luôn luôn có đồng minh và tìm được đồng minh một cách đầy thú vị trong các vấn đề ảnh hưởng sống còn đến quyền lợi của đất nước. Tôi nghĩ là Chính phủ rất thuận lợi khi tiến hành các công việc về mặt đối ngoại trong điều kiện thế giới hiện nay. Thế giới thật sự đang cấu trúc lại theo hướng đa cực. Sự đa cực ấy là môi trường tốt cho các quốc gia như chúng ta nếu như chúng ta đủ khôn ngoan.
Nếu đủ khôn ngoan thì chúng ta ứng phó tốt, nếu đủ tiên tiến thì chúng ta có những người bạn tốt, nếu trong sạch thì chúng ta có những người bạn ổn định. Đừng quá lo lắng và có phần cường điệu bất kỳ sự va chạm quốc tế nào, kể cả vấn đề Biển Đông. Chúng ta phải luôn nhớ một điều là nhân dân luôn đứng bên cạnh các nhà lãnh đạo đất nước nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra về vấn đề chủ quyền. Ý chí ấy không vì những sai lầm lặt vặt trong điều hành đất nước mà thay đổi. Nhân dân ta không vì sự bực bội cụ thể đối với một vài cán bộ tham nhũng mà quên mất nghĩa vụ yêu nước của mình. Điều ấy cần phải khẳng định. Cho nên ta hoàn toàn đủ tự tin khi xử lý các vấn đề quốc tế, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đứng bên cạnh các nhà lãnh đạo để bảo vệ đất nước này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:Đại đoàn kết
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ