"Chúng ta đang nhầm lẫn về môn văn"
Từ kinh nghiệm thực tế, bác sĩ Lê Ngọc Khả Nhi phân tích tại sao không nên dùng môn văn để xét tuyển sinh viên y khoa và khuyến cáo: Điều đó không những không cần thiết lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân sau này...
Lập luận thứ nhất: Không có liên hệ nào giữa điểm số môn văn và tính cách, năng lực khoa học của một con người.
Điều này có thể chứng minh dễ dàng bằng phản chứng cũng như bằng lịch sử ngành y khoa tại Việt Nam. Nhiều thế hệ thầy thuốc giỏi trong quá khứ không hề được tuyển chọn vào trường thuốc vì họ văn hay chữ tốt.
Cùng khóa với tôi ở trường Y, có một anh bạn tính tình hiền lành, siêng năng. Lẽ ra anh ta đã được tuyển thẳng vào trường Y với thành tích học sinh giỏi quốc gia môn hóa học, nhưng cuối cùng anh vẫn phải đi thi vì điểm liệt môn văn thi tốt nghiệp. Anh trúng tuyển, học lâm sàng rất giỏi và sau này trở thành một bác sĩ nhi khoa tài năng và được nhiều bạn bè đồng nghiệp yêu mến.
Câu hỏi đặt ra ở đây : Chúng ta dạy điều gì và đang muốn kiểm tra điều gì ở học sinh trong kì thi Ngữ văn? Tại sao một người lương thiện, siêng năng và thông minh lại xem môn ngữ văn là cực hình và chối bỏ nó ?
Những người từng học y đều hiểu rõ là y học dựa trên tư duy khoa học tự nhiên, quy nạp, biện chứng chứ không phải diễn dịch như các môn khoa học xã hội. Những môn khoa học cần thiết cho ngành y là sinh học, hóa học, vật lý và toán. Ở đây, chúng ta đang có nhầm lẫn giữa Ngữ văn như một môn học, và năng lực ngôn ngữ là một kỹ năng ai cũng phải cần phải có để sống trong xã hội văn minh hiện đại.
Lập luận thứ hai: Có sự khác nhau rất lớn giữa lời nói, bài luận văn và việc làm trên thưc tế.
Những học sinh đạt điểm cao môn ngữ văn trong các kì thi có thể phân ra làm 2 loại, một là những người thưc sự có năng lực cảm thụ văn học và có khả năng diễn đạt tốt, loại còn lại là những người tâm hồn trống rỗng nhưng lại có khả năng đối phó rất khéo léo tài tình.
Ở đây chỉ bàn về loại thứ hai để chứng minh rằng xét tuyển bằng điểm số môn văn không những không cần thiết mà còn có hại.
Khi còn làm trợ lý cho một giáo sư tại Pháp, năm nào tôi cũng đọc được những lá thư của sinh viên y khoa gửi từ VN để xin học bổng, tìm chỗ làm nghiên cứu sinh. Tất cả những lá thư này đều được viết khéo, có nội dung gần giống nhau, trong đó nguyện vọng và mục đích du học của các bạn trẻ này luôn là "muốn phát triển nền y học và giúp đỡ cho bệnh nhân tại quê nhà".
Thực tế diễn ra là hoàn toàn trái ngược với điều đó. Trong 9 du học sinh, chỉ có 3 người trở về nước (và 2 trong số này phải làm nghề trái với chuyên khoa mà họ đã học), những người khác không quay về, 1 bạn nữ kết hôn với người nước ngoài, 3 người đi làm và nhập quốc tịch định cư ở Pháp, 2 người đi định cư ở Canada, Mỹ. Sau này khi liên lạc với các ứng viên làm nghiên cứu sinh, tôi hay hỏi thẳng họ: Mục đích thật sự của em là gì?
Hồi năm thứ nhất tại trường y khoa, tân sinh viên lớp tôi cũng được thầy chủ nhiệm yêu cầu viết một bài văn ngắn giải thích động lực chọn ngành y khoa, cũng như mơ ước tương lai khi trở thành bác sĩ.
Nếu tôi nhớ không lầm, 100% bạn quê ở vùng sâu vùng xa đã viết họ đều muốn trở về công tác tại quê nhà. Nhưng 6 năm sau, đa số những người này đều ở lại thành phố làm việc, lập gia đình.
Câu hỏi đặt ra ở đây: Chúng ta có đủ khả năng chọn lọc được giả và thật khi xét tuyển bằng môn văn hay không?
Cách dạy trong nhà trường đã vô tình tạo ra kiểu học, kiểu làm bài để đối phó, với mục đích duy nhất là kiếm điểm cao và làm hài lòng thỏa mãn thầy cô và người lớn. Thói quen này sẽ được học sinh áp dụng cho tất cả mọi việc khác khi trưởng thành, mỗi lời nói ra, mỗi chữ viết xuống đều có sự tính toán, nhào nặn cho tròn trịa, khuôn phép, trong khi hành vi thực tế hoàn toàn khác (có thể do hoàn cảnh hay họ chủ động làm ngược với tất cả những gì họ nói và viết).
Đề thi mở, đáp án mở không thể cải thiện vấn đề này. Với kinh nghiệm của một người từng trải qua thời học sinh, tôi cho rằng đề thi nghị luận xã hội, đề thi mở còn nguy hại hơn gấp nhiều lần những bài văn mẫu trước kia. Vì một đứa trẻ học thuộc trả bài thì vẫn còn cơ hội để sống tử tế, ngay cả khi nó quên những gì đã học thuộc, nhưng một đứa trẻ học được cách nói dối một cách sáng tạo để làm hài lòng người lớn sẽ nói dối suốt cuộc đời, trong mọi việc. Không có gì nguy hiểm hơn một bác sĩ có y đức tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa, đạo đức.
Với hai lập luận nêu trên, tôi mong rằng người có trách nhiệm sẽ có lựa chọn sáng suốt khi dừng chủ trương dùng môn văn để xét tuyển vào trường Y, Dược. Điều đó không những không cần thiết lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân sau này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn