Chúng em đang học đạo đức quá cao siêu!
Các em mong muốn thầy cô quan tâm hơn đến tâm tư tình cảm, cách giáo dục ở trường cũng cần đi vào thực tế hơn...
Sáng 28-3, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức Chương trình gặp gỡ với học sinh (HS) năm 2017 với chủ đề “Học sinh TP.HCM với văn hóa ứng xử học đường”. Hơn 160 HS tiêu biểu đại diện các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên của TP đã chia sẻ và hiến kế những công trình hay, những giải pháp tích cực góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Buồn vì thấy bạn vô cảm
Vấn đề được các em trăn trở nhiều nhất là tình trạng bạo lực học đường hiện nay còn phức tạp, do bị ảnh hưởng từ nhiều góc tối, trong đó có mạng xã hội.
HS Võ Trâm Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, trăn trở khi hành vi bạo lực xảy ra thì giáo viên thường chỉ quan tâm xử lý nghiêm khắc nhưng rất ít quan tâm tình cảm, tâm lý hoàn cảnh vì sao các bạn lại hành động như vậy. Do đó, Trâm Anh kiến nghị ngoài việc sử dụng các biện pháp kỷ luật nặng như đuổi học, em mong lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ có những giải pháp như tổ chức các chương trình ngoại khóa về văn hóa ứng xử học đường.
HS Ngô Mỹ Uyên, Trường THPT Phú Nhuận, cho rằng thời gian qua bạo lực học đường vẫn xuất hiện dưới nhiều dạng, không chỉ đánh nhau về thể xác mà còn gây tổn thương tinh thần. Ví dụ, gần đây có vụ nữ sinh 15 tuổi bị đăng clip hình ảnh nhạy cảm, nhiều người bình luận, phán xét khiến bạn này phải tự tử... Rồi vụ nam sinh lớp 9 sát hại bạn bỏ vào thùng xốp. Sự việc tàn nhẫn đã xảy ra nhưng các bạn học vẫn thờ ơ, thậm chí đùa giỡn với nhau bằng cách lấy hình ảnh thùng xốp để đùa rằng “muốn bị vào thùng xốp thế này không?”.
“Như thế là quá vô cảm. Theo em, nhà trường nên thông qua những tình huống, sự việc cụ thể để giáo dục, nhắc nhở và định hướng cho các bạn để giảm thiểu hành động vô cảm như thế” - Uyên nói.
Một HS ở Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết có bạn đi học vì gia đình khó khăn nên mua giày giá rẻ nhưng nhiều bạn giàu có khác trong trường thấy thế nên trêu chọc, thậm chí chê bạn vì xài hàng nhái. HS này bị áp lực quá nên phải chuyển trường luôn. “Làm sao để các bạn yêu thương nhau hơn? Đến trường là để học tập bình đẳng chứ không phải xét nét, so đo nhau về vật chất” - HS này bày tỏ.
Một học sinh bày tỏ ý kiến với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP tại buổi đối thoại. Ảnh: PA
Ứng xử với mạng xã hội
Nhiều HS cho rằng những ứng xử chưa tốt của HS hiện nay có ảnh hưởng từ mạng xã hội trong khi người lớn, gia đình và giáo viên thiếu sự chia sẻ. Em Trần Đặng Mai Anh, Trường THPT Lam Sơn, cho rằng kiến thức môn giáo dục công dân còn rất cao siêu, chưa phù hợp. Theo Mai Anh, nên chăng thay thế các nội dung này bằng những kiến thức về văn hóa ứng xử học đường mang tính thiết thực hơn.
Một HS Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý cho rằng HS hiện chưa được trang bị cách ứng xử với mạng xã hội. Theo em, mạng xã hội là một phần không thể thiếu và là nơi để HS chia sẻ với nhau. Nhưng trong đó cũng có những clip đánh nhau, những bình luận tục rất dễ ảnh hưởng đến tính cách HS. Vì thế, các môn học như giáo dục công dân, tin học, kỹ năng sống cần hướng dẫn, lồng vào đó cách hướng dẫn HS ứng xử với những nội dung xấu.
Em Đào Yến Hòa, Trường THPT Lê Quý Đôn, hiến kế nhiều tệ nạn xã hội xuất phát từ mạng xã hội nhưng nếu càng cấm thì HS càng muốn vào. Vì vậy thay vì cấm có thể làm những đoạn phim ngắn về những hành động đẹp, cách ứng xử hay để mọi người cùng chia sẻ trên mạng xã hội.
Từ những ý kiến của HS, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở GD&ĐT TP.HCM, đề nghị thầy cô, nhà trường suy nghĩ, điều chỉnh nội dung giáo dục, giúp HS xây dựng văn hóa ứng xử, biết đề kháng trước thông tin xấu. Bên cạnh đó, ông Tân cũng bày tỏ mong muốn HS chủ động chọn lọc, tự ý thức để biết cách đề kháng, mạnh dạn lên tiếng trước cái xấu. Về phía ngành giáo dục, lãnh đạo Sở sẽ cùng các thầy cô nghiên cứu để có các giải pháp nâng cao kỹ năng sống, trang bị những kiến thức thiết thực nhất cho các em.
Tăng các hoạt động ngoại khóa Các ý kiến của HS cho thấy mạng xã hội hiện nay không chỉ ảnh hưởng lớn đến các em mà còn làm đau đầu cả các nhà quản lý để làm sao hạn chế những nội dung tiêu cực. Vì thế, Sở đề nghị thầy cô giáo quan tâm nội dung này cụ thể hơn, tổ chức nhiều chuyên đề, tập huấn từ cấp sở đến các trường về cách vào và kỹ năng sử dụng trang mạng xã hội. Thầy cô phải chủ động phát hiện kịp thời những chia sẻ tiêu cực để giải thích và can thiệp. Bản thân HS phải biết chia sẻ, nhìn nhận thông tin, lọc lại hình ảnh và biết phản bác các tiêu cực. Sở cũng đề nghị nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động phát huy thể chất và tinh thần như âm nhạc, thể thao, năng khiếu… cho HS. Nhà trường phải xếp thời khóa biểu, dành thời gian hợp lý cho các chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường để các em không bị áp lực. Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Môn học giáo dục công dân đã chứng tỏ được giá trị khi đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, HS đang phải học những kiến thức quá cao siêu. Dù là môn đạo đức nhưng ở lớp 10 chúng em phải học về chủ nghĩa duy vật, duy tâm, tới lớp 11 lại học về giá trị hàng hóa. Em thấy những kiến thức này chưa thật sự phù hợp và đúng nghĩa với môn đạo đức. Học sinh TRẦN ĐặNG MAI ANH, Trường THPT Lam Sơn |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015