'Chứng chỉ chăn lợn' và những điểm 10

08:50 CH @ Thứ Tư - 25 Tháng Sáu, 2014

Câu chuyện đầu tiên trong đời tôi đọc về bằng cấp là một câu chuyện kỳ lạ. Chuyện nằm trong một cuốn tiểu sử của Thomas Alva Edison, cuốn tiểu sử danh nhân đầu tiên tôi được đọc từ hồi học tiểu học.

Bố tôi ngày ấy mua và yêu cầu tôi đọc rất nhiều những quyển sách “toàn chữ” như thế (dù trẻ con chỉ thích đọc truyện tranh, cái này chỉ có mẹ đáp ứng). Tên sách và tên tác giả tôi đã quên mất, nhưng có câu chuyện về tấm bằng của Edison, mà có lẽ xứng đáng tóm tắt toàn bộ cuộc đời của ông, hai mươi năm không đọc lại, tôi vẫn nhớ.

Đó là khi Thomas Alva Edison đã trở thành một nhà phát minh lớn, đã thay đổi lịch sử nhân loại bằng bóng đèn điện và máy thu thanh. Tổng thống Mỹ mời ông đến hội kiến. Trong cuộc gặp, Tổng thống hỏi nhà phát minh một cách cầu thị, rằng thưa ngài Edison, chẳng hay ngài lấy bằng kỹ sư ở trong nước hay ở châu Âu? Tất nhiên, người ta có quyền nghĩ rằng Edison đã lấy bằng ở một trường đại học danh giá nào đó.

Edison lấy trong túi ra một mảnh giấy cũ, đưa cho Tổng thống: “Đây là tấm bằng duy nhất mà tôi có”. Đó là mảnh giấy nhắn mà cô hiệu trưởng trường tiểu học đã gửi cho cha của Edison khi đuổi học ông. Giấy viết: “Ông Edison, trò Tom con trai ông dù có học nữa cũng không làm được trò trống gì cả. Ông nên để trò ấy đi chăn lợn thì hơn”.

Quãng đời đi học của Edison rất ngắn ngủi. Ông bị đuổi học vì đã tò mò làm những thí nghiệm suýt cháy trường, vì những câu hỏi “tâm thần” như tại sao người ta không thể lưu giữ giọng nói trong một cái hộp (sau này ông đã tự trả lời câu hỏi ấy bằng việc phát minh ra máy thu âm). Và tấm bằng duy nhất ông có, là một cái “chứng chỉ chăn lợn” như thế.

Nhưng có lẽ nhân loại đã gặp may, mẹ của Edison không tin vào “tấm bằng” ấy. Bà đưa con trai về nhà và bắt đầu tự dạy con trai bằng sách. Thomas được đọc sách triết học, lịch sử, tiếng Anh, những thứ mà ở trường không dạy. Và rồi lịch sử tôn vinh việc làm của bà.

Có bao nhiêu phụ huynh trong số chúng ta đang hành xử được như người mẹ của Thomas Alva Edison?

Tổng kết năm học, khi mà tỷ lệ học sinh giỏi ở rất nhiều lớp, nhiều trường, lên tới hơn 90%, thì dường như ngay cả danh hiệu “học sinh tiên tiến” bây giờ cũng là nỗi xấu hổ của nhiều bậc cha mẹ.

Những tỷ lệ hơn 90% giỏi này, hoặc là gần 100% đỗ tốt nghiệp, hoặc là rất nhiều con số khác của ngành giáo dục, có phản ánh đúng thực chất hay không, thật khó để trả lời. Sẽ cần một cuộc kiểm tra vô cùng lớn và tốn kém để có thể xác minh. Có lẽ mỗi người trong số chúng ta sẽ có câu trả lời của riêng mình.

Vấn đề quan trọng ở đây là, cho dù cái tỷ lệ học sinh giỏi cao ngất ngưởng kia là đúng hay chưa đúng, giỏi thật hay giỏi trên sổ sách, thì đó cũng chỉ là một hệ quy chiếu.

Trường học phổ thông chỉ là một trong những hệ quy chiếu, chỉ là một trong rất nhiều khóa học mà con cái chúng ta sẽ phải trải qua trong đời. Những phụ huynh cần nhìn theo hướng đó: đang có rất nhiều người, trong tâm lý, phó thác toàn bộ sự nghiệp giáo dục cho nhà trường.

Kết quả của sự tuyệt đối hóa ấy là họ thúc ép con em mình bằng mọi giá phải đuổi theo bảng thành tích trong nhà trường, như thể đó là “chứng chỉ” duy nhất con em mình có thể theo đuổi. Kết quả của quan niệm nhà trường là hệ quy chiếu duy nhất, khiến chính cha mẹ học sinh sử dụng nhiều phương pháp (nếu không muốn nói là thủ đoạn) để con em mình có bảng thành tích tốt. Họ thất vọng nếu con em mình không thể đạt được cái chuẩn chung của nhà trường – chuẩn ở đây là học sinh giỏi.

Bà mẹ của Edison hiểu rằng nếu cuộc đời là một cuộc thi, như Vietnam Idol chẳng hạn, thì nhà trường chỉ là một trong số các giám khảo. Việc học ở trường kéo dài tối đa cũng chỉ chiếm một phần ba đời người. Những ý kiến của vị giám khảo ấy có thể đúng có thể sai, và bà cần dạy con mình những kỹ năng, những kiến thức khác nữa để thuyết phục toàn bộ khán giả bầu chọn mới mong chiến thắng cuộc thi.

Nhưng thật ra thì mẹ của Thomas Alva Edison vẫn làm một việc dễ: đó là tin rằng con mình giỏi, bất chấp đánh giá của nhà trường. Nhiều phụ huynh nước ta, trước cái tỷ lệ 90% khá - giỏi của nhà trường, đứng trước một thử thách còn khó hơn bà Edison: đó là bằng cách nào đó, họ phải tin rằng con mình chưa giỏi.

Cha mẹ nào không nghĩ con mình giỏi? Một kết quả phù hợp với tâm lý của họ thật dễ chấp nhận biết bao. Nghĩ ngược lại mới khó.

Bản thân việc tuyệt đối hóa bất kỳ cái gì đều không hợp lý. Và sẽ nguy hại biết bao nếu cái thứ được tuyệt đối hóa ấy, cái quyển sổ liên lạc hay bảng điểm cuối năm ấy, không phải là thực chất.

Nghe những câu chuyện về việc phụ huynh ta điên đảo vì những cái danh hiệu khá giỏi trong nhà trường, tôi bất giác tự hỏi: Nếu ngày xưa mẹ của Edison tin vào “tấm bằng” kia như sự đánh giá duy nhất và cho con đi chăn lợn, thì giờ này nhân loại đã có bóng đèn điện chưa?

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cần nhìn sâu hơn vào tệ gian lận trong thi cử

    19/07/2018Một mùa tuyển sinh lại trôi qua và những người chịu trách nhiệm tổ chức công việc muôn phần phức tạp ấy đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không ít người, trong đó có tôi, lại vẫn thấy có cái gì đó đè nặng trong tâm tưởng khi mà một lần nữa kỳ thi vẫn nổi cộm lên sự gian lận trắng trợn hơn, tinh vi hơn và thậm chí được hiện đại hoá với “những thí sinh VIP, những thí sinh lắm tiền dùng công nghệ cao để trang bị kiến thức ảo cho mình” ...
  • Nhìn lại thi cử 2005 - 5 "cú nổ" của sự thật

    28/01/2006Nhóm T.e.e.n (Hoa Học Trò)Sự thật như ánh nắng, nó làm mắt bạn chói loà, nhức nhối khi vừa vượt qua màn đêm xuyên tới, nhưng nhờ nó bạn mới nhìn nhận sự vật một cách rõ ràng!
  • Thi cử: Có dám chấp nhận sự thật?

    07/07/2005Như BìnhKhông hiểu có phải ngẫu nhiên hay không, các kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay bỗng tạo ra sự kiện “bất thường”: nhiều địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp chỉ dưới 70%.
  • Thầy - trò thản nhiên gian dối trong học tập, thi cử

    26/12/2003Nhiều năm qua, nạn gian dối trong thi cử ngày một phổ biến, không chỉ ở học sinh mà cả giáo viên và các cán bộ giáo dục, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Điều đáng nói là tất cả đều thản nhiên như không khi bị bắt gặp có hành vi “quay cóp” hay “bố trí giúp đỡ” thí sinh...
  • Thách thức với nền giáo dục thi cử

    06/11/2003Ngày 20/10/1999, bài báo “Giáo dục thi cử gặp phải vấn nạn – cô bé thiên tài văn học thi không đủ điểm”, đăng trên tờ “Thời đại thương báo” ở Thẩm Dương, Trung Quốc đã gây nên những phản ứng xã hội mãnh liệt. Hiện tượng này liệu có xảy ra ở Việt Nam và giống như thực trạng giáo dục của chúng ta không?
  • Sử dụng "phao" tràn lan trong thi cử: Có phải do cách dạy và ra đề?

    11/06/2003* Hiện tượng thí sinh mang "phao" vào phòng thi là phổ biến. * Một số địa phương có kết quả tốt nghiệp không thực chất.
  • xem toàn bộ