Chở vợ đi shopping
Đọc tập bút ký "Nghiêng tai dưới gió" của nhà thơ Lê Giang, mới biết giai điệu điệp khúc “A, ai gọi đời ta!” trong bài hát Hãy yên lòng mẹ ơiđược nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tìm ra ngay trước... cổng chợ. Lê Giang mô tả cảnh chồng mình đang khoái trá sáng tác: “Cho tới một hôm, trong nhà lồng chợ bước ra, đụng mấy bà bán trái cây đang bụm miệng cười khọt khẹt, mấy bả hỏi tôi ổng làm gì vậy bà? Tôi dòm qua đường thấy ổng ngửa mặt lên trời, miệng chu chu hút gió”. Hình ảnh ấy thật ngộ nghĩnh. Ủa, nhưng chẳng lẽ nhạc sĩ họ Lư hết chỗ ngồi viết nhạc rồi sao mà lò dò ra cổng chợ đứng... “hút gió”?
1. Trong một trăm ông chồng chở vợ đi chợ thiết tưởng hết chín mươi chín ông chọn cách thả vợ xuống trước cổng, kiếm cái quán nước - không có quán nước thì kiếm tảng đá, bờ tường hay gốc cây - ngồi đợi chứ hổng có ông nào có gan theo vợ loanh quanh trong chợ.
Trong quãng thời gian dằng dặc đó, những ông chồng giàu kinh nghiệm thường cẩn thận thủ sẵn theo người tờ báo hay quyển sách, những ông chồng hời hợt, “non nớt” thì đành giết thì giờ bằng cách đếm số người qua lại trước mặt hoặc ngắm phin cà phê đang tí tách kia để đếm thử một ly cà phê trung bình chứa... tổng cộng bao nhiêu giọt (!).
Hiển nhiên, trong trường hợp này lợi thế thuộc về các ông chồng nghệ sĩ. Nhạc sĩ chờ vợ thì tha hồ “miệng chu chu hút gió”, hy vọng sẽ tìm ra ca khúc hay, giai điệu đẹp. Thi sĩ chờ vợ, có cơ may nảy ra lắm câu thơ tuyệt tác trong đầu. Văn sĩ thì tranh thủ thời gian vẽ ra cốt truyện, hình dung ra nhân vật hoặc tưởng tượng ra tình tiết. Vợ đi chợ càng lâu, tình tiết càng phong phú, dồi dào, phần “thu hoạch” có khi còn nhiều hơn lúc thả hồn nơi yên tĩnh. Mới biết, cái chợ (hay cái cổng chợ) cũng có thể kiêm luôn chức năng của “trại sáng tác”!
2. Ủa, mà tại sao mấy ông chồng ngán vô chợ lắm vậy? Mấy ổng sợ dơ tay dơ chân, dơ quần dơ áo chăng? Hay sợ phải chen chúc với đủ hạng người, sợ ngửi mùi cá mùi tôm tanh tưởi, sợ nghe tiếng bấc tiếng chì nhức óc?
Chắc là không phải. Từ khi thành phố mọc ra vô số siêu thị mát mẻ, sáng bóng, các ông cũng có thích thú cái chuyện lẽo đẽo theo vợ la cà bên các quầy hàng đâu. Chở vợ đi shopping, tiễn vợ bước qua tấm cửa kính sang trọng của siêu thị kia, ngay lập tức các ông lại làm cái chuyện mà các ông từng làm với chợ: kiếm một quán nước ngồi đốt thời gian.
Hóa ra đây là chuyện khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ chứ không phải giữa chợ và siêu thị. Mua sắm là sở thích của các bà, các cô. Đàn ông cũng mua sắm, nhưng thường chỉ mua cái mình cần. Phụ nữ đã đành cũng cần cái mình mua, nhưng cũng cần cả... cái sự mua sắm.
Với đàn ông, mua sắm thuần túy là hành vi, là phương tiện để sở hữu cái mình muốn có. Với phụ nữ, hành vi mua sắm bản thân nó đã là mục đích, trước khi được xem như một phương tiện. Giống như đi câu cá, một người câu là để chăm chăm chờ cá cắn câu, một người không coi chuyện câu được cá là quan trọng, mục đích chính là thưởng thức cái thú thảnh thơi buông cần dưới bóng cây râm mát, giống như Nguyễn Khuyến ngày xưa nhấm nháp cảnh nhàn.
Do vậy, mua sắm với phụ nữ không đơn giản chỉ là sự trao đổi tiền-hàng nhằm thúc đẩy nền thương mãi của nhân loại như định nghĩa của các nhà kinh tế học, mà đã nâng lên thành một thói quen, một thú vui, một lẽ sống ở đời.
3. Từ đó suy ra: đàn ông biết mình cần mua gì mới vô siêu thị, còn phụ nữ vô siêu thị nhẩn nha cả buổi rồi mới biết những gì mình cần mua. Cho nên cái sự rề rà, nấn ná của người phụ nữ bên các quầy hàng, các tủ kính; cái cách thử hết cái áo này đến cái áo khác (chọn được kích cỡ thì không thích kiểu dáng, chấp nhận kiểu dáng lại không chuộng màu sắc, cứ thế mà ướm tới ướm lui, cầm lên đặt xuống) là cái cách mà người đàn ông không hiểu nổi, người đàn ông thấy chóng mặt, thấy đầu váng mắt hoa, thấy việc ngồi hàng giờ đồng hồ trong quán cà phê bên kia đường để chờ dài cổ dù sao cũng đáng gọi là cuộc sống thần tiên nếu đem so với “cực hình” lếch thếch theo chân các bà.
Từ đó suy ra thêm một “chân lý” nữa: Những người vợ thông minh nếu muốn trừng phạt đức ông chồng về tội trăng hoa chẳng hạn, chẳng cần gây gổ hay cấu xé làm gì cho hao hơi tốn sức, cứ thỏ thẻ nhờ ông chồng xách giỏ theo mình vô chợ hay vô siêu thị là đủ để hắn nhớ đời.
Đòn trừng phạt này nhẹ nhàng, văn minh-lịch sự-tế nhị, mà sức tàn phá âm thầm của nó chẳng có phép động khẩu hay phép động thủ nào sánh bằng.
Áp dụng “độc chiêu” này tức là khai thác sự khác nhau giữa các ông và các bà trước chợ và siêu thị. Hay nói cách khác, chính là khai thác sự giống nhau giữa chợ và siêu thị trước các bà và các ông.
Bởi, chợ hay siêu thị gì cũng vậy, hạnh phúc lớn nhất của các ông là được các bà cho “ngồi chơi xơi nước” trước cổng, dù có sốt ruột đến mấy cũng sẵn sàng tươi cười, đợi lâu quá thì đem thơ Hồ Dzếnh ra ngâm ngợi để tưởng tượng mình đang sống trong những giờ hoa mộng:
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Anh sẽ nói: gớm sao mà nhớ thế!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh