Chấp nhận sự khác biệt

04:46 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Ba, 2016

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của H.G.Well (1866-1946), nhà văn khoa học viễn tưởng, là truyện ngắn “Xứ Mù” (The Country of the Blind-1904). Trong câu chuyện, Nunez, một người leo núi, bị rơi xuống một thung lũng không có lối ra của một xứ sở chỉ toàn người mù. Những tưởng theo thói thường, “thằng chột làm vua xứ mù” huống hồ còn cả hai mắt, nhưng ngược lại, Nunez đã gặp vô vàn khó khăn trong thế giới của người mù.

Chính trong thế giới đó, người mù sống rất thoải mái và thuận tiện, trong khi Nunez sáng mắt lại không thể theo kịp nhịp sống, thói quen cũng như những quy định trong cộng đồng của họ. Ở đó, anh bị xem là “người khuyết tật”, là công dân hạng hai.

Kịch tính của câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi Nunez, dù đã cố gắng hết sức để hòa nhập với thế giới mới, thậm chí đã có tình yêu và dự định lấy vợ, nhưng anh vẫn buộc phải đứng trước quyết định phẫu thuật bỏ mắt để trở thành một công dân “bình thường” của xứ này. Nunez đã quyết định liều chết leo lên ngọn núi dốc đứng quay trở về thế giới trước kia khi chính người con gái anh yêu cũng thuyết phục anh làm điều đó.

Vị trí đặt quảng cáo Điều đáng chú ý trong câu chuyện này là người dân xứ Mù không hề có ác ý với Nunez, họ rất nhân hậu và hiền từ, chỉ đơn giản là họ không thể hiểu những gì anh nói về “ánh sáng”, về những cái được gọi là “nhìn thấy”, và vì thế, họ không chấp nhận những gì anh nói hay hành xử. Họ nghĩ làm cho anh trở nên giống họ là một điều tốt cho anh, bởi họ đã không thể, hay không biết chấp nhận những gì khác biệt.

Hẳn phải có lý do khi cho đến tận ngày nay, hơn 100 năm sau ngày ra đời, câu chuyện vẫn được tái bản nhiều lần, nhiều ý kiến bình luận và gây tranh cãi ở cả góc độ khoa học lẫn nhân văn vì những giả thuyết, ý nghĩa và tầm vóc nhân bản của nó. Bởi thế giới con người thường vô tình và thiếu sự thấu hiểu. Cộng đồng chiếm ưu thế vẫn hồn nhiên kỳ thị và gạt ra ngoài lề những người thuộc về những cộng đồng nhỏ, khác với họ, tự nhiên như cách mà người ở xứ Mù đã làm với Nunez.

Những trại sinh thi nặn tượng tại hội trại kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật do Tổ chức Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức tại TPHCM ngày 3-12-2009. ẢnhThanh Hương.

Bởi con người vẫn không ngừng đặt những câu hỏi nhân bản về thế giới hiện tại, rằng những trật tự được lập ra và những điều “quy định”, dù tưởng như hiển nhiên, có thật là hiển nhiên hay chỉ là của một nhóm người số đông chiếm ưu thế đặt ra? Và ở xã hội mà những nhóm người “số ít” bị gạt ra ngoài lề cuộc sống bình thường, bị kỳ thị về điều kiện sống, có khi là cả quyền sống trong cái thế giới vốn chỉ thuận tiện cho những cộng đồng chiếm ưu thế, thì xã hội đó chưa công bằng, thậm chí là lạc hậu. Hơn một trăm năm nay, câu chuyện của Nunez vẫn còn thời sự là bởi vì con người vẫn luôn trăn trở vươn tới một thế giới công bằng và văn minh hơn, có lẽ bắt đầu bằng việc học cách chấp nhận những điều khác biệt.

Thế giới đang kêu gọi và nỗ lực điều chỉnh để có thể trở thành một thế giới không có kỳ thị, phân biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, khuyết tật, và giới tính, trong đó có giới tính thứ ba. Cùng với làn sóng “toàn cầu hóa”, nhiều giá trị nhân bản có tính toàn cầu đã nhanh chóng được đón nhận tại Việt Nam, trong đó có khái niệm “chấp nhận sự khác biệt”. Ví dụ, phim về đề tài đồng tính dường như đang nở rộ, có nhiều phim chạy theo trào lưu, nhưng không thể phủ nhận trào lưu đó mang một thông điệp nhân bản.

Mới đây, ở TPHCM cũng đã có triển lãm ảnh nghệ thuật về giới đồng tính, và ảnh nghệ thuật về người khuyết tật (nhiếp ảnh gia Nguyễn Á) đem lại những cảm xúc và tác động nhất định tới công chúng. Đó là dấu hiệu cho thấy giới nghệ thuật và công chúng đã bắt đầu quan tâm và chấp nhận những khác biệt, ghi nhận sự hiện diện của những nhóm “không phải là số đông” của nhân loại, trong cùng một thế giới.

Không phải vô cớ mà hội trại kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật do Tổ chức Khuyết tật và Phát triển - DRD tổ chức tại TPHCM ngày 3-12-2009 có chủ đề là “Một thế giới cho tất cả”. Trong hội trại, nhiều em trong lứa tuổi học sinh ở các trường khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động đã trình diễn những trò chơi, những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc do chính các em tạo ra - rất đẹp và tinh xảo, cho thấy người khuyết tật không hề thiếu tài năng và sự nỗ lực.

Nhiều người khuyết tật đã thừa nhận ngoài những rào cản trong tiếp cận giao thông, học đường…, rào cản lớn nhất mà họ gặp phải chính là sự thiếu chấp nhận của cộng đồng xung quanh. Một em gái bị chấn thương cột sống nặng rất khó khăn khi di chuyển vẫn nỗ lực học văn hóa, học nghề thiết kế tự nuôi sống bản thân và còn giúp đào tạo các bạn khác, nhưng em vẫn thấy điều khó khăn nhất là “sao em đi đâu người ta cũng nhìn em!”. Rất dễ dàng đo lường khả năng chấp nhận sự khác biệt bằng ánh mắt và thái độ của công chúng đối với những nhóm thiểu số này.

Khả năng chấp nhận sự khác biệt tưởng dễ mà không dễ. Nó đòi hỏi năng lực thấu hiểu và thấu cảm, đòi hỏi con người biết tự lùi lại và biết hoài nghi những gì từng được xem là chuẩn mực của xã hội, kể cả chuẩn mực thuộc phạm vi mỹ học hay đạo đức (ví dụ quan niệm đồng tính là một sự lệch lạc đạo đức hơn là một xu hướng tự nhiên) để có cái nhìn nhân bản hơn. Khả năng đó cần được học hỏi và trau dồi từ khi còn bé và cần được củng cố bằng giáo dục và môi trường xã hội.

Ví dụ, sẽ không ngạc nhiên tại sao ở những nước tiên tiến việc chấp nhận đối với người khuyết tật, người đồng tính hay người thuộc các nền văn hóa khác nhau dễ và cao hơn, nếu biết từ khi còn nhỏ cha mẹ đã không cho phép con cái mình trêu chọc hay tỏ thái độ kỳ thị họ, hay một người có thể bị phạt tù nếu tỏ ra khinh bỉ, chê bai thức ăn hay áo quần của những dân tộc khác lạ. Cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy ở nước ta sự kỳ thị vẫn còn quá nặng nề, khi trẻ em chưa được dạy cách tôn trọng và chấp nhận khác biệt, khi mà trên truyền hình, những chương trình tấu hài vẫn đầy rẫy chi tiết đem người khuyết tật, người đồng tính ra bêu riếu, diễu cợt và cười vô tư mà không có một sự “biên tập” nào.

Phim ảnh và nghệ thuật về người đồng tính nhiều khi cũng chỉ là chạy theo đề tài mới lạ, “câu” khách bằng cách đánh vào tâm lý tò mò chứ cách thể hiện thì lại phản cảm, gây tác dụng ngược. Cho nên sẽ không quá đáng nếu nói rằng “chấp nhận sự khác biệt” là một trong những thước đo nhạy nhất trình độ văn minh của một xã hội.

Để làm lay động lòng người và thay đổi nhận thức cộng đồng, nhất là thay đổi những định kiến và quan niệm đã hình thành từ lâu đời, không có gì tác động mạnh mẽ hơn nghệ thuật. Mối tình của hai chàng trai trong phim Broke Back Mountain từng được đánh giá làm công chúng xúc động vì đã ghi nhận tình yêu và khát khao hạnh phúc mãnh liệt và rất con người, có thể làm nhân loại thấu hiểu và thức tỉnh hơn nhiều phong trào đấu tranh nhân quyền. Những nghệ sĩ tài năng và thấu hiểu mới có thể chuyển tải những thông điệp nhân bản, thể hiện được phẩm giá cũng như những mơ ước, khát khao của những nhóm người thiệt thòi. Những tác phẩm có tầm vóc nhân văn sẽ đóng vai trò dẫn đường trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng.

Tôi nhớ cộng đồng người đồng tính ở một nước còn có lá cờ của riêng mình, lá cờ có bảy sắc như cầu vồng. Người thiết kế cờ này, cũng là một “gay”, giải thích rằng cũng như cầu vồng, thế giới vốn nhiều màu sắc nên không nhất thiết tất cả mọi người phải giống y như nhau, “chúng tôi có quyền có sự khác biệt”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng

    28/10/2016Trần Thị Thanh HươngTrên các phương tiện truyền thông, khi mô tả cái nghèo khổ của người dân, nhất là những thảm họa, ta thường thấy những thông tin chi tiết về hoàn cảnh của người nghèo như thu nhập thấp, không đủ ăn, làm những công việc năng nhọc, bẩn thỉu, nguy hiểm, bệnh tật, mất mát, đói, cô đơn, đáng thương... với mong muốn họ được quan tâm hỗ trợ.
  • Những giấc mơ từ cha tôi

    22/05/2016Chiến thắng của Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng là sự khẳng định thị trường xuất bản VN quả rất nhạy cảm với thời sự chính trị của... Hoa Kỳ: hiện có ba tập sách về Obama vừa được thực hiện ngay trước khi có kết quả chính thức bầu cử ở Mỹ. Công ty Vina Book đã phối hợp với NXB Văn Học tung ra tập sách của Obama: Những giấc mơ từ cha tôi ngay từ tháng 10...
  • Giấy chứng nhận ... Người

    17/03/2011Vũ Công Hoan dịchTrên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!