Cẩu Nhi và sau này còn gì nữa...?

08:33 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười Hai, 2005

Cách đây gần hai mươi năm, vào thời trên hòn đảo nhỏ ở hồ Trúc Bạch - Hà Nội, hiện lên sừng sững một nhà hàng có tên gọi Restaurant Cổ Ngư, dư luận đã một lần xôn xao về việc hậu thế đang xâm phạm một “di tích lịch sử”. Bằng tấm lòng tâm huyết với văn hóa dân tộc, với truyền thống văn hiến Thủ đô, hai nhà sử học vào hàng đầu bảng của ngành sử học nước nhà đã nhanh chóng, khẩn thiết lên tiếng bảo vệ một di tích được hai ông gọi là đền Cẩu Nhi - đềnChó con. Trong đó một vị coi ngôi đền đã “cắm một cái mốc lớn trên chặng đường dài lịch sử Hà Nội”. Còn vị Giáo sư kia thì nhấn mạnh đây là “một kỷ niệm lịch sử của Thăng Long thời Lý”. Thế là từ sự ồn ào của dư luận và hình như còn có cả sự bảo đảm bằng vàng từ uy tín của hai giáo sư sử học lừng danh, cái nhà hàng tọa lạc nhầm chỗ kia liền nhanh chóng bị xóa bỏ (dù hai vị chưa một lần đem tới cho lớp chúng sinh còn thiếu am hiểu về lịch sử một câu trả lời rõ ràng rằng tại sao ngôi đền lại là “cột mốc”, là “kỷ niệm”?).

Gần hai mươi năm sau, khi ngân sách thành phố Hà Nội đã có một khoản cỡ 3 tỷ đồng sẵn sàng chi ra để biến hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch thành một danh lam thắng cảnh, thì “Cẩu Nhi” lại được “phục sinh” và để giúp đi tìm những lý do lịch sử, mấy cuộc thảo luận mang dáng dấp như đấu trường “tỷ thí” giữa các nhà khoa học bảo vệ “Cẩu Nhi” và các nhà khoa học phản đối “Cẩu Nhi” đã diễn ra. Điều trớ trêu là dẫu thảo luận có bất phân thắng bại như thế nào thì theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội: “Sở vẫn đồng ý với việc xây dựng đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch theo đúng quy trình và Luật Di sản. Vấn đề còn lại chỉ là quy mô xây dựng sẽ được điều chỉnh” (báo Thể thao & Văn hóa, số 88, ngày 23.8.2005). Qua đó xem chừng tiếng nói của các nhà khoa học cũng không quan trọng tới mức như người ta tưởng; khi đã có tiền, khi đã quyết xây thì ý kiến phản đối quyết liệt của các ông Đỗ Văn Ninh, Bùi Thiết... xem ra cũng giảm thiểu trọng lượng!

Kẻ viết bài này không quan tâm nhiều lắm đến sự kiện ngôi đền “Cẩu Nhi” có được xây dựng lại hay không và quy mô của nó lớn nhỏ ra sao, khi việc xây dựng “Cẩu Nhi” trở thành sự thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc và khả năng tiêu tiền vào những việc quan trọng hơn xóa đói giảm nghèo của những người có trách nhiệm thì một cá nhân có quan tâm cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng cái cung cách mà các nhà khoa học đưa ra trong thảo luận để bảo vệ hay phản đối “sự tích Cẩu Nhi” lại buộc tôi phải viết bài này, bởi tôi e ngại rồi đây sau “vụ đền Cẩu Nhi”, với cung cách ấy, các nhà khoa học khả kính của nước nhà sẽ tiếp tục phô diễn quan niệm và năng lực khoa học của họ để đưa các sự kiện lịch sử - văn hóa còn “bí hiểm” của dân tộc trong quá khứ sẽ đi tới đâu?

Trước hết xin bàn đôi chút về Tây Hồ chí - tài liệu duy nhất để các nhà khoa học trung thành với “Cẩu Nhi” dựa vào để chứng minh sự đúng đắn của mình. Với một dân tộc không có truyền thống làm sử cập nhật và chính xác như Việt Nam, lại thêm chiến tranh giặc giã, thiên tai làm cho thất lạc... tôi không tin Tây Hồ chí là một văn bản có khả năng đưa tới những thông tin xác thực. Bởi ngoài việc không có tên tác giả, cho đến nay, chưa ai xác định được Tây Hồ chí ra đời trong “khoảng” thời gian nào, người bảo đầu thế kỷ XIX, người nói giữa thế kỷ XIX, người lại đồ rằng đầu thế kỷ XX. Song điều đáng nói là dù cuốn sách được viết trong “khoảng” thời gian có biên độ rộng rãi như trên thì liệu có tin cậy được không, khi nó đề cập tới một sự kiện diễn ra từ thế kỷ XI, tức là diễn ra trước Tây Hồ chí quãng 8 thế kỷ. Đặc biệt hơn, sự kiện đó lại chưa từng được ghi chép trong bất kỳ một cuốn sách lịch sử nào, chưa có mặt trong bất kỳ một truyền thuyết nào? Mặt khác ngoài “thần tích” còn rất mông lung (hay có thể nói là không có thần tích) cho đến nay chưa có bất kỳ một nhà khoa học nào biết được nghi thức hành lễ, vật cúng tế..., rồi ngày lễ đền “Cẩu Nhi” được tổ chức ra sao, vào ngày nào tháng nào hàng năm?

“Tả xung hữu đột” để giành phần thắng trong một đề tài còn hết sức mù mờ, đã có vài ba nhà khoa học tung ra nhiều chủng loại “vũ khí chuyên môn” mà thiển nghĩ nếu họ không tung ra tôi còn “kính nhi viễn chi”, còn khi họ tung ra rồi thì tôi nghi ngờ “con người khoa học” của họ. Ví dụ:

- Một ông tiến sĩ ở Viện Hán - Nôm khẳng định: “Tây Hồ chí là cuốn sách có ký hiệu hẳn hoi (A3192.1/2) tại thư viện Viện Hán Nôm. Công trình được viết bằng chữ Hán, có thể được sao vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn" và ông khuyến nghị hậu thế cứ “theo những gì các cụ đã viết chứ không nên đưa ý kiến đoán định chủ quan về những thông tin sách nêu”. Té ra theo ông tiến sĩ thì hễ cuốn sách nào có “số hiệu hẳn hoi” trong thư viện Hán - Nôm là chuẩn xác, cứ thế dựa theo mà làm. Tôi không rõ chuyên ngành khoa học mà Tiến sĩ theo đuổi, nhưng xem chừng với ông thì khoa học sinh ra trên đời này hơi bị... vô bổ!

- Một nhà Hà Nội học thì “đoán mò”: “Chuyện đó không ai bịa đặt ra cả vì nó đã được chép trong Tây Hồ chí.Tác phẩm này ra đời từ giữa thế kỷ XIX. Tây Hồ chí khẳng định đúng là trên gò hồ Trúc Bạch có một đền gọi là đền Cẩu Nhi thờ Thần Chó con. Về sau, tín ngưỡng thờ chó của người Việt phai nhạt đi nên cái đền đó, hoặc một cái đền mới xây trên vị trí đó lại được dân đổi qua gọi là Thủy Trung Tiên tự, tức là thờ Mẫu”. Tôi thành thực không hiểu nhà nghiên cứu lấy gì làm cơ sở cho kết luận “tín ngưỡng thờ chó... phai nhạt đi”, rất mong ông sẽ chứng minh xưa kia “tín ngưỡng thờ chó” từng thịnh hành trong đời sống tâm linh của người Việt?

- Một Giáo sư khác thì dứt khoát hơn: “Theo quan điểm của tôi, nó là ngôi đền thờ cả Thần Cá lẫn thần Cẩu Nhi cùng một lúc! Không có gì lạ khi có hai thần được thờ trong cùng một ngôi đền. Trong các kiến trúc cổ của Việt Nam có ngôi đình thờ đến 21 Thành Hoàng thì sao?”. Trong trường hợp này, có lẽ Giáo sư đã đánh đồng tín ngưỡng thờ thành hoàng với các tín ngưỡng dân gian khác chăng, và trong ngôi đình thờ 21 thành hoàng mà Giáo sư đề cập, có vị nào ở dưới nước như cá, lại có vị ở trên cạn như... chó không nhỉ? Và tôi nghĩ đây là lối “nói lấy được” chứ không phải là nghiên cứu khoa học!

- Ông Giáo sư nọ thì biện dẫn: “Nên thấy một điều này nữa, một trong năm con vật được Phật Giáo liệt vào hàng những con vật thiêng, đó là chó, ngựa, voi, khỉ và thỏ. Nếu bác bỏ tục thờ Chó, vậy tôi xin hỏi chim Lạc là chim gì? Chim ấy cũng là bịa ra, cả con rồng cũng không có thật, vậy tại sao người Việt vẫn thờ?”. Với những câu hỏi mang màu sắc “cảm tính” do Giáo đặt ra, tôi thấy buồn cười, hình như ông ít được tạo điều kiện để “nạp” thêm kiến thức về tín ngưỡng dân gian (?). Đến mức này thì quả thật chỉ biết nói là chịu thua, và khoa học có lẽ chỉ là phương tiện làm nên danh tiếng cho ông, chứ còn thế nào là “làm khoa học” thì ông không quan tâm. Lại nữa, tôi không rõ Giáo sư đã thấy ngôi chùa nào ở Việt Nam thờ chó, thờ thỏ chưa nhỉ? Và tôi tự hỏi, Giáo sư đã nghĩ gì khi lấy niềm tin về “chim Lạc”, về “rồng” đã đạt tầm mức phổ cập quốc gia để so sánh với tín ngưỡng về “chó”, trong khi chắn chắn là ông chưa biết tín ngưỡng ấy từng được hiểu và thờ cúng như thế nào!

- Còn vị Giáo sư ngày trước từng quả quyết “đền Cẩu Nhi” đã “cắm một cái mốc lớn trên chặng đường dài lịch sử Hà Nội” thì nay khẳng định: “Không thể phủ nhận Tây Hồ chí mặc dù sách này không phải không có chỗ nhầm lẫn; song nói về nhầm lẫn thì Đại Việt Sử ký toàn thư cũng có cả chục sai sót. Càng không thể căn cứ vào việc không có tên tác giả để phủ định giá trị sách. Bao nhiêu sách không có tên tác giả: Đại Việt sử lược cũng có đề tác giả đâu, mà ai phủ nhận được giá trị của sách này. Còn chú thích là thói quen làm khoa học hiện đại, chứ xưa không...”.18 năm sau ngày đưa ra một ý kiến “như đinh đống cột”, ông Giáo sư vẫn không đưa ra một chứng lý lịch sử - văn hóa nào ngoài việc quyết tâm bảo vệ sự chính xác của Tây Hồ chí. Vậy Giáo sư giải thích sao đây khi ông thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư (bản Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính, GS Phan Huy Lê tham gia Hội đồng chỉ đạo và duyệt) có đoạn: “Tháng 5, trồng 500 trượng toàn cây muỗm (suốt từ bến Hồng đến đê quai vạc Cẩu Thần)” để từ đó suy ra tục “thờ chó”; trong khi cũng sự kiện này, trong Đại Việt sử ký toàn thư (bản Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú giải) lại viết: “Tháng 5, trồng 500 trượng toàn cây muỗm (suốt từ bến Hồng đến đê quai vạc Tuẫn Thần)”? Giữa ông Giáo sư này và cụ Đào Duy Anh có sự khác nhau trong việc phải đọc là “cẩu” hay phải đọc là “tuẫn” và sự khác nhau ấy liệu có bảo đảm rằng Giáo sư đọc chính xác hơn? Ý kiến Giáo sư làmtôi nhớ tới chuyện ngày 13.10.2003 tôi đọc trên website talawas - trong cuộc tranh luận về GS Trần Đình Hượu, thấy học trò người Đức của Giáo sư là Patrick Raszelenberg kể lại rằng trong buổi nói chuyện với Patrick Raszelenberg (tháng 3.1996), Giáo sư nói: ông “phải bịa ra những dữ kiện vì phía chính trị muốn thế”. Trước một ý kiến “động trời”, ngày ấy tôi hy vọng Giáo sư sẽ lên tiếng bác bỏ hoặc công nhận nhưng tuyệt nhiên cho đến nay vẫn thấy ông im lặng (do ông tảng lờ hay ông chưa biết?). Nhân tranh luận về “đền Cầu Nhi”, phát biểu của Giáo sư làm tôi liên tưởng: phải chăng Giáo sư cũng lại “bịa” nốt?...

Từ diễn biến của sự việc, tôi thấy chẳng sớm thì muộn rồi đây giữa Hà Thành hoa lệ sẽ mọc lên một ngôi đền thờ Chó. Qua đó, biết đâu một tín ngưỡng đã bị quên lãng nay sẽ được phục hồi (nếu nó đã từng có?), và nếu như nó chưa từng có thì cũng biết đâu từ nay con dân nước Việt sẽ có thêm một chú chó để thờ. Hướng tầm nhìn về tương lai, tôi nghĩ rồi đây không biết các nhà tổ chức sẽ lấy ngày nào để làm lễ đền và tôi xin mạo muội đề xuất: nên chăng lấy giờ Tuất, ngày Tuất, tháng Tuất đầu tiên của năm Âm lịch để tổ chức là thích hợp nhất. Và để cho hoàn bị và nghiêm túc về khoa học, ban tổ chức nên mời một vị giáo sư tuổi Tuất đứng ra là chủ lễ. Tuy nhiên, riêng về phần các phẩm vật được dùng để cúng tế “Cẩu Nhi” thì tôi không dám góp ý, mà chỉ mạo muội đưa ra một giả thuyết rằng liệu có mối liên hệ nào đó giữa Thành hoàng làng Cổ Nhuế với “Cẩu nhi” không đây, vì biết đâu Thành hoàng làng Cổ Nhuế chính là vị thần chuyên lo phần “hậu cần” cho “Cẩu Nhi” thì sao!?

Rồi tôi hình dung vào một ngày đẹp trời nào đó, khi “đền Cẩu Nhi” khánh thành, trên chiếc cầu vắt mình soi bóng trên hồ Trúc Bạch, các nhà tổ chức cùng các nhà khoa học khả kính sẽ kính cẩn bước theo chiếc kiệu sơn son thếp vàng mà trên đó, chồm chỗm một “Cẩu Nhi” xinh xắn đáng yêu. Và trở thói quen, mỗi năm vài lần, trong không khí linh thiêng khói hương nghi ngút, các vị lại thành kính cúi lạy trước bàn thờ một chú chó con đã từng “cắm một cái mốc lớn trên chặng đường dài lịch sử Hà Nội”. Trong khi đó xa xa bên đê Nhật Tân, cách đấy vài trăm mét đường chim bay, từ dãy nhà hàng nào là Anh Tú, nào là Hồ Kiểm... mùi giềng mẻ mắm tôm đang bốc lên ngào ngạt, và hàng đoàn thực khách mặt mũi hả hê dắt xe ra về, sau khi đã “xơi tái” một hai báo xáo, vài ba đĩa nhựa mận với dăm bảy đoạn dồi... Nhưng tôi vẫn băn khoăn không rõ sau khi hành lễ, các vị quan khách khả kính nọ có “nháy” nhau lỉnh ra đê Nhật Tân hay không, nên tự an ủi, hãy để thời gian trả lời!
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Doanh nhân dưới lăng kính văn hóa

    18/05/2015Nguyễn Trần BạtKhi kinh doanh trở thành một nghề thực sự, được trọng vọng trong xã hội, thì những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại cần được xác lập...
  • Đất đai: Tài nguyên hay tài sản?

    26/11/2005Tường AnhỞ ta, cho đến nay, có lẽ chưa có một lĩnh vực nào xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, xung đột như lĩnh vực đất đai. Cũng chưa có đạo luật nào bổ sung, sửa đổi lại tốn nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi như Luật Đất đai...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội

    19/07/2005Nguyễn Khoa ĐiềmBước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng kinh tế trở thành nhiệm vụ trung tâm. Tiếp đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng được khẳng định là then chốt việc xác lập nhiệm vụ trung tâm và then chốt trở thành yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ Quốc. Tuy nhiên hơn 10 năm lại đây, phát triển Văn hoá, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội đã trở thành mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống.
  • "Chúng ta nhất trí với nhau dễ dàng quá!"

    09/07/2005TS Lê Đăng Doanh“Chúng ta nhất trí với nhau nhiều quá và dễ dàng quá!”, giáo Sư Robert Wade nổi tiếng của Đại học Kinh tế London lừng danh đã thốt lên như thế trong phiên bế mạc hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới hôm 1/7/2005 vừa qua.