"Chúng ta nhất trí với nhau dễ dàng quá!"
Cuộc hội thảo bàn về những vấn đề rất phức tạp và hệ trọng đối với tương lai của VN như: các thách thức to lớn cho sự phát triển và vươn lên của VN từ bên trong và bên ngoài; khan hiếm dầu lửa và chiến tranh giành giật tài nguyên thiên nhiên; tranh chấp về nguồn nước; phân chia lại thị trường thế giới; các thay đổi chiến lược trong khu vực Đông Nam Á trong tương lai và vị trí nào cho VN.
GS Robert Wade khẳng định phải có vai trò tích cực của Nhà nước. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, một nhà nước muốn hoàn thành được vai trò cần thiết của mình phải là nhà nước như thế nào? Trường hợp Hàn Quốc, Đài Loan, để lọt vào được số rất ít nền kinh tế đã thoát được nghèo đói, cho thấy vai trò của nhà nước đến đâu! Trường hợp của Nigeria, rất giàu dầu lửa song nhà nước lại rất tư lợi, tham nhũng, kém hiệu năng thì nhà nước càng can thiệp lại càng có hại! Vậy thì, can thiệp để tăng trưởng bền vững, xã hội hài hòa đòi hỏi nhà nước phải có những tố chất tối thiểu nào về năng lực, phẩm chất, hiệu quả?
Có mô hình nào cho sự phát triển của VN không? TS Borje Ljunggren, nguyên đại sứ Thụy Điển tại VN, nay là đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc, dứt khoát cho rằng quá trình phát triển của Trung Quốc cung cấp cho VN nhiều bài học chứ không thể nào là hình mẫu cho VN, vì bản thân Trung Quốc cũng đang đứng trước những mâu thuẫn phát triển của mình.
Về các vấn đề trong nước, giáo sư Brian Van Arkardie, người đã từng có mặt ở hội thảo quốc tế đầu tiên về đổi mới năm 1989, nêu hết câu hỏi này sang câu hỏi khác. Chủ nghĩa cộng sản ở VN có nội dung gì và lớp trẻ nghĩ gì về chủ nghĩa cộng sản? Các vấn đề của thanh niên, công ăn việc làm, dân số tăng nhanh, tỉ lệ người già ngày càng cao, bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường ở VN... hiện nay ở mức nào? Ô nhiễm môi trường tài nguyên và các vấn đề phải giải quyết? Các vấn đề về luật pháp như quyền và nghĩa vụ của người dân, của các nhóm dân tộc thiểu số, của cổ đông thiểu số trong công ty... được qui định như thế nào trong pháp luật và được thể hiện như thế nào trong thực tế của cuộc sống?...
TS John Shrimpton thuộc Công ty đầu tư tài chính Dragon Capital đã nêu lên nhận xét: ở VN rất may chưa hình thành những khối quyền lực truyền thống có tính gia đình trị như ở Thái Lan và Philippines, cũng chưa có những tài phiệt bất động sản như ở Hong Kong hay các chaebol (tập đoàn gia đình gắn với quyền lực) như ở Hàn Quốc. Nếu những khối quyền lực lũng đoạn này hình thành thì cả chính quyền lẫn thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
Thật là một nhận xét sắc sảo! Vấn đề phải làm rõ là làm cách gì để ngăn chặn sự xuất hiện của những khối siêu quyền lực này? Bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ ưu tú nhất của đất nước VN này đã ngã xuống để mong mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân chứ có phải để đem lại sự vinh thân phì gia của một số trọc phú quá tham vọng đâu! Bài học gì đây về luật pháp, về dân chủ để tránh cho được những gương tày liếp ấy?
Thật là vừa mừng lại vừa lo. Có thật là luật pháp và thể chế của chúng ta đã đủ mạnh để loại trừ được những khối quyền lực gia đình lớn hay nhỏ này trong qui mô công ty hay trong qui mô xã hội hay chưa? Rất đáng suy nghĩ. Và rất không nên đơn giản nhất trí rằng chúng ta đã tốt cả rồi.
GS Robert Wade |
Một chủ đề lớn trong hội thảo là sự bất bình đẳng và nguy cơ trong tương lai. Phó giáo sư trẻ Scott Fritzen từ Đại học Quốc gia Singapore đã trình bày một báo cáo công phu cảnh báo về nguy cơ gia tăng bất bình đẳng từ tham nhũng, lạm dụng quyền lực cũng như từ khả năng dễ bị tổn thương về bệnh tật, không được tham gia học tập và đào tạo của người nghèo. Câu hỏi đặt ra là đã nhận diện chính xác mức độ bất bình đẳng về thu nhập chưa trong khi chỉ biết được bất bình đẳng về chi tiêu, mua sắm một số mặt hàng thiết yếu?
Câu hỏi khác: Bất bình đẳng là như thế nào trong kinh tế thị trường? Có thể nào quay lại chủ nghĩa bình quân như trước đây hay không? Ngoài sự bình đẳng về cơ hội học tập, đào tạo, chữa bệnh, các học giả cũng nhấn mạnh đến sự bình đẳng cất tiếng nói, về quyền được bày tỏ nguyện vọng của mình. Trong khi nhất trí rằng bất bình đẳng chính đáng tạo được từ kinh doanh, từ trí tuệ là động lực cho phát triển, thì bất bình đẳng do tham nhũng, do lạm dụng quyền lực chính là nguy cơ lớn cho ổn định xã hội. Các học giả tham gia đã cảnh báo về nguy cơ mất việc làm của nông dân do đô thị hóa có thể trở nên rất phức tạp như ở Trung Quốc hiện nay, và khuyên VN nên kịp thời rút kinh nghiệm.
Một chủ đề khác cũng được thảo luận là dự báo về nhu cầu vốn để tăng trưởng của VN và các biện pháp cần được tiến hành kịp thời. Để tăng trưởng và phát triển, VN cần rất nhiều vốn và nguồn vốn ấy phải được tạo ra từ thị trường vốn chứ không thể trông cậy mãi vào nguồn viện trợ phát triển (ODA) hay phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI). Có thể dự báo chắc chắn rằng ODA cho VN không thể tiếp tục tăng vô tận, và để tăng trưởng và phát triển VN phải tạo ra nguồn vốn từ các kênh huy động vốn theo cơ chế thị trường.
Thế nhưng, phải quản trị công ty như thế nào để mọi người dân có thể góp vốn mà không bị các thế lực lũng đoạn lợi dụng hoặc chèn ép? Đây là câu hỏi rất nghiêm túc liên quan đến pháp luật và thực thi pháp luật, đến bình đẳng về việc cất tiếng nói, đến công khai minh bạch để tạo ra niềm tin của người dân sẵn sàng bỏ vốn tham gia các công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán của VN còn quá nhỏ bé. Có nhiều lý do làm chậm sự phát triển thị trường này, trong đó có nguyên nhân sâu xa về quản trị công ty. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa về danh nghĩa và hình thức có đầy đủ lệ bộ, nào là hội đồng quản trị, nào là ban giám sát nhưng không dám làm cáo bạch, không dám để kiểm toán và không dám ghi danh... chỉ vì các thể chế trên chỉ tồn tại trong hình thức.
Sự lũng đoạn của một số thế lực không muốn công khai minh bạch và lộ diện đã không cho phép các công ty vốn đang có rất nhiều tiềm năng tham gia thị trường chứng khoán. Chi tiết có vẻ kỹ thuật này (khả năng và phẩm chất quản trị công ty) lại liên quan đến những vấn đề rất cơ bản của xã hội như quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ, quyền được thông tin và giám sát các quyền lực ở các nấc thang khác nhau.
Rất nhiều vấn đề nghiêm túc đã được đề ra để trao đổi thẳng thắn. Đến khi tổng kết, GS Robert Wade đã thốt lên một nhận xét thật chân thành nhưng cũng đầy trách nhiệm khoa học: Trước những vấn đề phức tạp như vậy, khó khăn như vậy mà tranh luận ít như thế rồi đi đến nhất trí ngay là rất nguy hiểm!
Cần phải tranh luận với nhau nhiều hơn nữa, lật đi lật lại vấn đề sâu sắc hơn, mổ xẻ đến tận bản chất, căn nguyên của các giác độ, các cách tiếp cận khác nhau trước khi nhất trí với nhau về từng điểm. Âu đó cũng là một bài học về phẩm chất và trình độ của nhà khoa học và cũng là thước đo cho chất lượng một cuộc thảo luận! Không phải cứ nhất trí cao một cách hời hợt mà đã là thành công tốt đẹp!
Khổng Tử có nói “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” (Trong ba người cùng đi, chắc chắn có người là thầy mình). Ông cha ta nói ”Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hội thảo với các học giả là những người bạn tâm huyết với VN thật là bổ ích, nếu như chúng ta thực tâm muốn học và tiếp tục đổi mới. Dân tộc VN sẽ tiến lên nhanh hơn nếu như chúng ta đừng dễ dàng nhất trí sớm quá và hời hợt quá.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn