Cao trào đến nơi rồi!

08:39 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Năm, 2010

Đến cuối tháng 4-2010 người ta tạm sơ kết về “Các công trình kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long” thấy: 34 loại công trình phải hoàn thành thì chỉ đường Nguyễn Phong Sắc sẽ không xong do vướng giải phóng mặt bằng, 6 loại công trình khuyến khích hoàn thành cũng chỉ chậm một. 5 loại khởi công trong dịp đại lễ cũng một chưa khởi công thật. Như vậy, các hạng mục kỷ niệm từ kinh tế, xã hội, đến văn hóa vật thể, phi vật thể…. đều đang đồng loạt chạy nước rút. Tất nhiên, nhiều công trình được bà con tán thưởng, không ít công trình bị người ta chê, như: “Tô son trét phấn cho ông lão ốm” ấy là nói việc sơn quét mầu mới lên nhà cửa ở một số phố cổ, chùa Trấn Quốc, tháp nước Hàng Đậu… Hoặc biến vùng hồ Gươm thành “đại công trường” do đồng loạt lát vỉa hè, lòng đường… đào bới lắm, tất phải ngăn đường, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Ông du lịch đang kêu trời năm 2010 là “Năm du lịch Hà Nội” trong khi lượng khách quốc tế cả nước tăng 36%, riêng Hà Nội lại giảm 7% trong 3 tháng đầu năm 2010 (ước chừng 273.000 lượt người). Đau quá!

Nhưng muốn đại lễ 1.000 năm Thăng Long hoàng tráng phải trả giá tí chút chứ ạ. Vả lại càng hoành tráng thì càng đổ nhiều tiền, có người được tiêu nhiều, tất sẽ mua sắm ăn uống nhiều… Tóm lại là “đầu vào” cho nền kinh tế thủ đô dồi dào. Và cái “đầu vào” ấy sẽ thành cao trào trong dịp tháng 10 đại lễ với hàng triệu khách thăm thủ đô. Để có thể hình dung về cao trào, xin lấy ví dụ - chỉ trong 4 ngày từ 14 đến 18-4-2010 đã có 1,5 triệu lượt người thăm Đền Hùng. Tức là trong 4 ngày ấy 1,5 triệu lượt người đột nhiên ăn uống mua sắm sanh… làm “đầu vào” trên một diện tích không lớn tăng đột biến. và cũng đột nhiên họ phải thải ra trên diện tích ấy. “Đầu vào đầu ra” mà không cân bằng, nguy to. Từ đó suy ra “đầu ra” của Hà Nội trong dịp cao trào quyết không nhỏ, quyết không thể coi thường.

Vậy phải xem cái đầu này được chuẩn bị như thế nào. Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng 3 khó đi vệ sinh công cộng. 1- khó tìm (vì hiếm, cả khu hồ Gươm có 2 cái cách nhau nửa vòng hồ, lại không có biển chỉ dẫn), 2 – khó thở (nặng mùi quá), từ khi biết tìm “đầu ra” đúng chỗ, chưa bao giờ được nghe người ta khen vệ sinh công cộng thủ đô, chỉ thấy nó luôn bị coi là “địa chỉ hiếm nhất hành tinh”. Nay vì đón đại lễ, thành phố cho chủ trương “Chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh công cộng”. Dĩ nhiên gọi là “hệ thống” cho oai, chứ không có xây mới (đất đâu mà xây – chuyện này lại của quy hoạch) thì chỉnh trang, nâng cấp hoặc cải tạo (nhiều chữ chỉ một nội dung thôi) cũng quý lắm, vì cao trào sắp đến nơi rồi. Nhưng cho đến nay, theo báo An Ninh Thủ Đô (ngày 22-4-2010) qua khảo sát “hệ thống” 2 nhà vệ sinh công cộng ở phố Hàng Bồ và phố Gia Ngư đều bị các cửa hàng bít lối, không cho vào. Nghĩa là người đang “cao trào” rất khó tiếp cận “hệ thống”.

Tóm lại trong sơ kết “Các công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long” hầu hết các hạng mục đang chạy sắp cán đích, duy vệ sinh công cộng đủng đỉnh quá – đầu vào nhiều mà đầu ra quá ít, mất cân bằng nghiêm trọng. Ai cũng biết nó là “một phần tất yếu của cuộc sống” thiếu hệ thống này không gì “hoành tráng” nổi, nhất là khi bước vào… cao trào.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi Hà Nội trở thành chính mình

    27/04/2015Vương Trí NhànKhi nào thì Hà Nội trở thành mình nhất? Theo tôi hiểu, đó là những khi Hà Nội đồng nghĩa với phố với cây với nhà, tự phố tự cây đã có linh hồn, còn những con người thật chỉ đóng vai trò điểm xuyết, chẳng hạn như trong các bức tranh của Bùi Xuân Phái. Buổi sáng mùng một vắng vẻ hôm nay, tôi đã bắt gặp một thành phố như thế.
  • Hội chứng ngàn năm

    29/04/2010Nguyễn Quang LậpHướng tới đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các công trình và sự kiện, nhiều đến nỗi người ta phải giật mình tự hỏi: có nên quá nhiều như thế không và tại sao lại phải quá nhiều như thế.
  • Hà Nội phố, Hà Nội quê

    10/10/2009Trần TuấnBa mươi mấy năm rồi, Hà Nội với tôi chỉ còn là những chuyến đi, về. Bởi chừng ấy tháng năm, giã từ tuổi thơ bắt ve trèo sấu, giã từ tuổi niên thiếu bắt đầu chớm biết xao lòng buổi cắp cặp đi học ở ngõ Quỳnh, tôi về phố biển miền Trung...