Biết người, cần biết cả… ta

Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM
10:03 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Giêng, 2009

Tiếp tục bước trên sân chơi quốc tế 2009, chúng ta vừa phải nhập cuộc, vừa phải tỉnh táo biết mình là ai, không thu mình lại, không bắt chước rập khuôn.

Làm thế nào để tiếp nhận và lên qua làn sóng toàn cầu. Đó là thách thức đối với giáo dục Việt Nam, trước hết là với những người có trách nhiệm lãnh đạo, với nhà quản lý giáo dục hiện nay.

Coi chừng duy ý chí kiểu mới

Chưa bao giờ ở Việt Nam những cuộc thảo luận về giáo dục lại sôi nổi và rộng khắp như hiện nay. Đó không phải do ý muốn của Bộ Giáo dục - Đào tạo mà do chính yêu cầu của cuộc sống. Việt Nam đã gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường. Vấn đề này không còn bàn cãi nữa. Nhưng giáo dục trong xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, và rộng hơn là trong bối cảnh toàn cầu hóa thì lại đang đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt.

Lâu nay trong một xã hội khép kín chúng ta dễ bằng lòng với chính mình "mẹ hát con khen hay". Việc du nhập kinh nghiệm của các nền giáo dục phát triển tạo ra những "cú hích" cần thiết phá vỡ những khuôn mẫu đã cũ kỹ, lạc hậu, từ triết lý giáo dục, nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy, tổ chức trường học… Những kinh nghiệm tiên tiến ấy sẽ góp phần hiện đại hóa giáo dục Việt Nam, nối kết giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục trên thế giới, mở rộng tầm nhìn và bậc thang giá trị vượt ra biên giới quốc gia và dân tộc hướng tới những chuẩn mực chung, từ đó đào tạo nên những con người không bó hẹp trong lối suy nghĩ cục bộ mà biết tư duy có tính chất toàn cầu, có tinh thần dân chủ, có khả năng hợp tác, có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

Bức tranh ấy lôi cuốn các nhà quản lý giáo dục, làm cho họ thấy cần phải thay đổi giáo dục Việt Nam cho thật nhanh, thay đổi cùng một lúc tất cả. Tuy nhiên, nguyện vọng tốt đẹp nhưng duy ý chí ấy đã đẻ ra phương châm “đi tắt đón đầu” theo kiểu "tiến thẳng là chủ nghĩa xã hội không thông qua chủ nghĩa tư bản" vốn đã một thời phổ biến trong tư duy giới lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều chủ trương ồ ạt về giáo dục hiện nay như hai vạn tiến sĩ, xếp loại đại học, đào tạo theo tín chỉ, tăng học phí ở giáo dục phổ thông phản ánh tâm lý muốn "nhảy vọt", muốn bắt chước các nước tiên tiến, muốn nhanh chóng thực thi quan niệm xem giáo dục như một hoạt động dịch vụ, có tính chất thị trường, mà quên rằng, giáo dục đại học ở các nước ấy đã phát triển trước chúng ta hàng trăm năm, rằng cơ sở vật chất của trường học ở ta còn vô cùng nghèo nàn, rằng đồng lương của thầy giáo còn không đủ sống.

Nếu chúng ta muốn xây dựng những trường đại học lớn, tầm cỡ quốc tế thì phải bắt đầu từ việc xây dựng từng bộ môn, từng khoa và làm dần dần, chứ không phải là vội vã nhập các trường đại học hoàn chỉnh thành một vài đại học quốc gia để rồi một thời gian sau lại cho các trường tách ra. Gần đây, việc nâng hàng loạt trường cao đẳng lên thành đại học, thậm chí một số khoa trung cấp lên thành khoa của trường đại học, nhiều người đang dạy trung cấp và cao đẳng bỗng dưng trở thành giảng viên đại học, đã bộc lộ cái nhìn thiển cận về giáo dục đại học, thể hiện cách làm duy ý chí, nóng vội, cẩu thả mà chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá trong một thời gian dài.

“Phẳng” kinh tế, nhưng không thể phẳng văn hóa giáo dục.

Văn hóa và giáo dục là những thứ hình thành dần dần, không phải muốn là có ngay một lúc. Toàn cầu hóa mang lại những bức tranh đẹp về nền giáo dục tiên tiến của các nước, như một làn sóng tràn vào làm xáo động giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, học tập, bắt chước như thế nào nhất định phải dựa trên những điều kiện thực tế của Việt Nam. Chúng ta đã nói rằng toàn cầu hóa là cơ hội, là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, một trong những cách ứng xử khôn ngoan nhất là phải chủ động. Chủ động lựa chọn những kinh nghiệm hay và phù hợp với thực tiễn của mình. Nhiều khi cái chúng ta cần bắt chước không phải là cái mà các nước tiên tiến đang làm, mà là những kinh nghiệm của họ trong quá khứ, những kinh nghiệm để đi lên từ một nền giáo dục còn lạc hậu đến một nền giáo dục có đẳng cấp quốc tế.

Đặc biệt chúng ta phải chủ động trong việc giữ gìn những giá trị đặc sắc của nền giáo dục dân tộc đã hình thành và phát triển hàng ngàn năm, từ đó giúp cho việc bồi dưỡng đạo đức và tâm hồn của thế hệ trẻ. Cần phải nhận thức một cách sâu sắc rằng toàn cầu hóa trong kinh tế khác toàn cầu hóa trong văn hóa và giáo dục. Thế giới có thể "phẳng" về kinh tế và công nghệ nhưng không thể "phẳng" về văn hóa và giáo dục. Bởi vì văn hóa và giáo dục là vấn đề con người, vấn đề đời sống tinh thần và nhân cách của cá nhân mà mỗi cá nhân là một số phận, một vũ trụ riêng tư không lặp lại, gắn với môi trường, với cộng đồng bằng trăm ngàn sợi dây liên hệ khác nhau. Chúng ta vẫn hay nói về bản sắc của văn hóa. Nhưng văn hóa không thể hình thành thiếu giáo dục. Bởi vậy muốn giữ gìn bản sắc văn hóa nhất định phải gìn giữ bản sắc của giáo dục, gìn giữ cái riêng trong việc đào tạo con người. Cái riêng ấy chủ yếu không nằm trong việc truyền bá tri thức mà nằm trong quá trình bồi dưỡng ý thức về các giá trị, quá trình làm cho cá nhân không chỉ thông minh và mạnh mẽ hơn mà còn nhân hậu hơn, có đời sống tâm hồn phong phú hơn. Rốt cuộc thì không phải công nghệ sẽ cứu thế giới, mà tình yêu, "cái đẹp sẽ cứu thế giới".

Dân tộc - tồn tại bằng chính cái hồn của mình

Giáo dục Việt Nam đã có truyền thống lâu đời dựa trên phương châm "Tiên học lễ, hậu học văn". Đó là một di sản quý báu. Mỗi thời đại giải thích phương châm này theo cách của mình, nhưng cái chung nhất vẫn là đề cao những giá trị đạo đức, đề cao việc làm người. Nếu chúng ta hiểu "Tiên học lễ" không phải là giáo dục sự phục tùng, chỉ biết vâng lời, mà là giáo dục lòng kính trọng đối với người khác, sự tôn trọng những giá trị tốt đẹp, giáo dục lòng hiếu thảo và vị tha, tinh thần nhân ái, ý thức về cộng đồng, thì phải xem đây là truyền thống tốt đẹp cần được phát huy trong thời đại toàn cầu hóa. Để tồn tại trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần phải có cái riêng của mình. Sự đa dạng về văn hóa và giáo dục không chỉ có lợi cho việc bảo vệ bản sắc của mỗi dân tộc, mà còn quan trọng với toàn nhân loại: Thế giới sẽ trở nên nhạt nhẽo biết chừng nào nếu tất cả chỉ có một màu, mọi thứ đều giống nhau.

Chúng ta cũng có truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Rất tiếc là những giá trị ấy đang bị mai một. Nếu không biết giữ gìn và phát huy, chúng rất dễ bị chìm đi trong làn sóng toàn cầu hóa, rong thời đại kinh tế tri thức. Một xã hội tiến đến công nghiệp hóa đang biến những người đi dạy học và chữa bệnh thành những người hành nghề chứ không còn là thầy là lương y, từ mẫu. Trong khi nền kinh tế thị trường chưa đẻ ra được cơ chế kiểm soát tương ứng với nó, trong khi xã hội chưa đủ những ràng buộc pháp lý cần thiết đối với mỗi thành viên của nó, thì rất nhiều thứ phải trông chờ vào sự lương thiện của con người. Nếu xã hội không tôn trọng thầy giáo và thầy giáo chỉ cư xử với học sinh như một người hành nghề thì điều gì sẽ xảy ra.

Giáo dục Việt Nam gắn chặt với văn hóa Việt Nam. Cũng như văn hóa, nó phải đóng góp vào gia tài chung của nhân loại phần riêng tốt đẹp của mình.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Giáo dục: Cần một triết l‎ý

    10/09/2015Dương Trung QuốcCông cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • Edgar Morin và giáo dục trong thế giới biến đổi

    10/06/2010Nhà văn Nguyên NgọcVừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã có cuộc Hội thảo về giáo dục với chủ đề Adgar Morin và Triết học Giáo dục với sự tham gia của một số nhà văn hóa, giáo dục và nhiều bạn trẻ. Bài viết dưới đây là tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo...
  • Cải cách giáo dục Việt Nam

    27/12/2008Nguyễn Trần BạtCó thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác...
  • Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

    22/12/2008Bùi Hoàng Tám (Thực hiện)Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
  • Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!

    29/11/2008GS Tương Lai"Đã đến lúc đó rồi!” - "Phải đặt 22 triệu những người đang và sẽ là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI." - Giáo sư Tương Lai có bài viết suy ngẫm về sự thay đổi tư duy trong giáo dục Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
  • Cuộc đua số lượng: Sự bất ổn trong giáo dục Đại học Việt Nam

    05/09/2008Lê Hồng NhậtNền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thử thách đầy gay go. Ai cũng nhận thức được rằng, nguyên nhân cơ bản là do trình độ quản lý yếu kém và sự thiếu thốn nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ ở mọi tế bào của nền kinh tế. So sánh với các nước trong khu vực, một điều rõ ràng là chúng ta đã không có sự chuẩn bị về vốn người cho sự phát triển. Trách nhiệm đó, một phần rất lớn là thuộc về giáo dục đại học. Đặc biệt là sự xuống cấp về chuẩn mực đào tạo...
  • Nền giáo dục Việt Nam: Đang ở tọa độ nào, và định vị ra sao?

    17/07/2008Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Như nhiều lần đăng đàn, Giáo sư Hoàng Tụy tuy trong tư cách của một trí thức hàng đầu, một nhà giáo dục lâu năm này lại tiếp tục có nhiều ý kiến tâm huyết để tiếp tục chấn hưng giáo dục nước nhà…
  • Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá

    09/06/2008GS. Hoàng TuỵBài diễn thuyết của GS Hoàng Tuỵ với chủ đề: "Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá" được trình bày và thảo luận tại Viện IDS ngày 6/6/2008.
  • Cần thay đổi triết học giáo dục

    05/12/2006Nguyên NgọcTrong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư HoàngTụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?
  • Về tư tưởng giáo dục Arixtốt

    16/11/2006Nguyễn Bá TháiCó lẽ còn ít người biết về ông với tư cách nhà giáo dục, người mà cách đây hơn hai nghìn năm, trong các tác phẩm Về giáo dục, Chính trị học và Đạo đức học... đã đưa ra những quan điểm hết sức sâu sắc về vai trò, mục đích của giáo dục, về hệ thống giáo dục và sư phạm học...
  • xem toàn bộ