Bảy ngày ở nước Nga
LTS:Với tình yêu và lòng kính trọng nền văn hoá vĩ đại của nước Nga, Báo VietNamNet đã tổ chức cho gần 100 phóng viên, cán bộ và nhân viên của mình đi thăm nước Nga trong chuyến đi 7 ngày ( từ ngày 9 đến 15 tháng 10 năm 2009). Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã tham gia chuyến đi ấy. Và ông đã viết một ký sự về nước Nga trong chuyến đi này.
Kỳ 1: Moscow, 21 năm về trước
Năm 1984, tôi lên đường đi Cuba học. Đoàn sinh viên chúng tôi ở lại Moscow mấy ngày để đợi vé máy bay đi Cuba. Ngày ấy, chúng tôi đã là cán bộ nhà nước nên khi đi học nước ngoài thì được trang bị một bộ complê, một đôi giày da, một chiếc va li giả da mà sau này tôi biết đó là những chiếc va li do những người quê vợ tôi, làng Đa Sỹ, Hà Đông gia công, một đôi áo sơ mi trắng cổ cồn, một đôi áo lót và một đôi tất. Tất cả những thứ đó lấy từ một cửa hàng ở phố Điện Biên Phủ chỗ đoạn đường tàu chạy qua.
Đoàn sinh viên chúng tôi có 10 người. Khi tập trung để ra sân bay, 9 người kia ăn mặc đồng phục complê, giày da...như rập từ một khuôn đúc. Chỉ riêng tôi mặc một chiếc quần nhung đen, một chiếc áo phông và đi một đôi giày bata vải trắng. Một cán bộ phụ trách đã gọi tôi ra và nói : vẫn còn ở trong nước mà cậu đã ăn mặc thế này thì khi ra nước ngoài cậu sẽ như thế nào. Nghe vậy, tôi không hiểu vì sao nhưng tôi thấy sợ. Nhưng lúc đó tôi không kịp thay đổi trang phục của mình nữa.
Chúng tôi đến sân bay Moscow cùng với rất nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Một người phụ trách đi đón đoàn xuất khẩu lao động hỏi to: " Những ai đi Bacu, những ai đi Bacu ?". 10 anh em chúng tôi nghe thế lại tưởng là đi Cuba thế là nhao nhao đáp lại. Người đàn ông nhìn chúng tôi ăn mặc như những cán bộ ngoại giao thì khó chịu nói : Đi lao động mà ăn mặc cứ như ông tướng thế à ? Nhưng khi biết chúng tôi nhầm thì ông lầm bầm và bỏ đi.
Chúng tôi ở lại Moscow mấy ngày rồi bay đi Cuba trên chuyến bay của Hãng hàng không Liên Xô. Chúng tôi quá cảnh ở một sân bay của Canada trước chặng bay cuối cùng đến Cuba. Trong sân bay, các hành khách quá cảnh được phát mỗi người một lon cocacola. Chúng tôi không biết làm thế nào để mở được lon cocacola nếu không có sự chỉ giúp của một hành khách nước ngoài đi cùng.
Một người bạn tôi đã chỉ cửa hàng miễn thuế và nói đó là cửa hàng mà ai muốn lấy gì thì lấy chứ không phải trả tiền. Anh đã hiểu chữ free trong free duty shop là như thế. Vì ngày ấy, khái niệm về một thị trường như thế không có trong tư duy của hầu hết người Việt Nam. Mặc dù anh bạn quả quyết là như thế, nhưng không ai trong chúng tôi dám thò tay chạm vào bất cứ một thứ gì trong cửa hàng.
Điều kinh sợ nhất ở đó là những cuốn tạp chí playboy với hình những cô gái khoả thân. Lúc đó, nỗi sợ hãi về chủ nghĩa tư bản thực sự xâm chiếm trong tôi. Những cô gái mắt xanh biếc với đôi môi màu chì và những móng tay màu nhũ bạc không một mảnh vải che thân vừa kích động giới tính của tôi vừa làm tôi sợ hãi về một thế giới không phải của con người như tôi từng nghĩ.
Thế mà hơn 20 năm sau, ngay ở một thị trấn nhỏ ở Việt Nam, một cậu bé 12 tuổi có thể đóng cửa phòng của cậu và mở computer ra là cậu có thể ngập chìm trong một thế giới của các cô gái khoả thân và những lời mời gọi của thế giới tình dục. Thế giới chúng ta, trong đó có anh, có chị, có bạn và có cả tôi, đang trở nên văn minh hay đang suy tàn và mù loà trong ánh sáng của thời đại hậu công nghiệp?
Bình minh mới trên Quảng trường đỏ. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều
Cũng chính ở sân bay này, một người bạn trong đoàn học sinh 10 người của chúng tôi đã cùng nạn nhân chiến tranh Kim Phúc trong một chuyến bay Liên Xô - Cuba đã bước ra khỏi sân bay và xin định cư. Bây giờ họ đã trở thành công dân Canada.
Thời gian thay đổi quá nhanh như một giấc mộng. Nó cuốn tất cả những gì có trong vũ trụ này vào đường đi của nó mà không ai cưỡng được. Nó làm cho tất cả những gì không có khả năng vĩnh cửu đều bị nghiền nát và thối rữa. Mấy năm sau, chúng tôi trở về nước và quá cảnh ở Moscow để chờ vé về Việt Nam. Chúng tôi phải chờ vé đúng 3 tuần. Lúc đó là thế. Nhưng đó lại là sự may mắn cho chúng tôi được tham quan thủ đô vĩ đại nhất của phe XHCN. Hay có thể nói Moscow là thủ đô của cả hệ thống XHCN.
Từ Cuba về, mỗi anh em chúng tôi đều mang theo một thứ mà đó là tài sản lớn nhất trong mấy năm học ở Cuba chúng tôi có được. Đó là một chiếc đài cát xét có hai loa mà chúng tôi gọi tắt là cát xét " ba cục", bao gồm một đầu máy và hai loa rời. Chúng tôi ở nhà khách của Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô hồi đó. Ngay buổi tối ngày chúng tôi đến đã có nhiều người đến hỏi thăm. Họ đến hỏi xem chúng tôi có hàng gì bán không.
Ngày ấy, ai đến Moscow đều biết nhà khách Sứ quán là nơi lúc nào cũng nhộn nhịp người trao đổi, mua bán hàng hóa như một trung tâm thương mại. Chúng tôi nhờ một số nhân viên Sứ quán bán giúp cát xét, băng nhạc trắng mác Sony hoặc Tosiba rồi lại nhờ họ mua giúp hàng hóa như dây maiso, bàn là, quạt điện, phích đá, nồi áp suất, máy làm kem...
Ngày ấy, những thứ chúng tôi mang từ Cuba về made in Japan là những thứ mà tất cả những người Nga có tiền đều mơ được sở hữu. Nhưng sao chúng tôi lại mua được những thứ hàng đó? Vì ở Cuba, chúng tôi đã giúp các nhân viên Sứ quán một số việc và họ giúp chúng tôi mua những thứ hàng đó trong cửa hàng ngoại giao chỉ bán bằng đô la hoặc đồng Peso vàng mà những sinh viên Việt Nam không được quyền sử dụng. Với một chiếc máy nghe nhạc "ba cục" made in Japan, tôi mua được mấy thùng hàng và nhờ một nhân viên ngoại giao quen biết từ trong nước gửi chậm về nước. Tôi đã thức suốt đêm để nhìn những thùng hàng và lòng vơi đi một phần nỗi dày vò vì đã bỏ vợ con tôi đói rét mấy năm trời.
Đó là những năm tháng thiếu thốn và đói khát vô cùng. Có lẽ tất cả những người Việt Nam đi lao động, học tập và công tác đều tìm cách mang hàng đến Liên Xô bán lấy tiền để mua hàng "đánh " về nước. Ngay cả các nhà văn Việt Nam đi học trường viết văn danh tiếng M. Gorky cũng dành hầu hết thời gian ngoài giờ học đi săn hàng mang về nước. Thay vào những cuốn sách trong những thùng hàng ngày về nước của các nhà văn là dây maiso, bàn là, nồi áp suất, phích đá... Ngày ấy, nếu những ai đi nước ngoài mà không làm thế sẽ trở thành những kẻ nhẫn tâm đối với gia đình họ. Những điều cao quí thì vẫn nghĩ đến nhưng trước mắt phải sống đã.
Người ta khó có thể giữ được những điều cao quí mãi mãi nếu cứ mãi mãi sống trong đói rét đến mê mụ cả đầu óc. Nhưng dù thế nào thì những u mê đó cũng chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ vô tận. Tất cả những u mê và lú lẫn đó như là nguyên nhân của một trò chơi hài hước hoặc là một thoáng quên lãng con người của Thượng đế mà con người ra nông nỗi này.
Nhớ hồi ở Cuba, vợ tôi thi thoảng gửi một hai gói áo băng đạn sang cho tôi để bán lấy tiền. Đấy là loại áo sản xuất hàng loạt ở phố Khâm Thiên có may một phần trang trí trên ngực giống như những cái dải để người ta nhét đạn vào đó. Áo băng đạn cũng chỉ là một trong hàng trăm thứ hàng gia công rẻ tiền và với chất lượng vô cùng tệ hại. Tôi bán những chiếc áo băng đạn ấy lấy tiền rồi mua xilanh, vải nhung, áo bay, tắc te đèn tuýp, mạng đèn măng sông... gửi về nước.
Đến bây giờ nghĩ lại, thấy những năm tháng đó thật buồn. Hồi chúng tôi ở Moscow 21 năm về trước, một lần mấy anh em rủ nhau đi tàu điện ngầm để biết tàu điện ngầm của Liên Xô vĩ đại nhất thế giới như thế nào. Nhưng vì không biết tiếng Nga nên không thể nào tìm được lối về nhà khách Sứ quán.
Cuối cùng, chúng tôi gặp một đôi trai gái là sinh viên Việt Nam đang học ở Moscow. Chúng tôi vội túm lấy họ để nhờ chỉ đường. Họ rất nồng nhiệt và mời chúng tôi về thăm cư xá của họ trước khi đưa chúng tôi về nhà khách Sứ quán. Chúng tôi về theo và nhận thấy phòng ở của họ là một kho chứa những mặt hàng mà người Việt Nam nào sang Moscow công tác hay quá cảnh đều muốn mua mang về. Thế là, để họ chỉ đường cho mình, chúng tôi đã phải mua một số hàng của họ với giá cao hơn mua ở nhà khách Sứ quán.
Một buổi tối đứng nhìn qua cửa sổ phòng ở khách sạn, lòng tôi mang một cảm giác khó tả. Tôi không ngờ rằng, gia đình tôi đã có những gắn bó với thành phố này bao nhiêu năm nay. Anh trai tôi đã học ở đây, em trai, em dâu tôi là công nhân xuất khẩu lao động rồi ở lại làm ăn buôn bán nhiều năm, em rể tôi cũng vậy, rồi đến đứa cháu gọi tôi bằng cậu cũng học đại học ở đây. Tôi có một đứa cháu trai con anh cả làm ăn mười mấy năm ở Moscow. Cháu tôi đi xuất khẩu lao động suốt gần mười năm mới về thăm nhà. Ngày ra sân bay đón cháu, chị dâu tôi đã khóc khi nhìn thấy con. Tóc cháu cắt trọc, người gầy và như già trước tuổi.
Tôi nhớ những lần em tôi từ Liên Xô về nước. Mỗi khi trở lại Liên Xô là một chuyến đi đầy lo lắng và khổ sở. Nó phải tìm cách mang được nhiều hàng sang càng tốt. Tôi nhìn em tôi nhét nhét, giấu giấu hàng hóa mà lòng buồn vô tận. Cuộc mưu sinh đày đọa con người đến không còn một chút nào thanh thản. Những chiếc làn cói được đóng rất chặt vào nhau. Và dưới đáy những chiếc làn cói là đinh và mác quần bò rởm được giấu kín để sang đó may quần bò và gắn những đinh, những mác rởm kia vào rồi bán. Ngày đó, nghe nói Hải quan Liên Xô còn phát hiện ra cả một chuyến bay chở đến hàng vạn chiếc đồng hồ điện tử từ Việt Nam sang.
Và đêm ấy bên ô cửa sổ khách sạn, tôi như nghe thấy những ngọn gió số phận thổi buồn bã qua những vùng đất của thế gian. Làng tôi cũng có rất nhiều người sang đây làm ăn buôn bán. Có chị đã ở Moscow hơn 20 năm rồi và hầu như chỉ làm một việc duy nhất trong từng ấy năm là bán thuốc lá lẻ. Cho đến giờ, chị vẫn chưa lập gia đình và có lẽ cũng không còn cơ hội nữa. Tôi đến Moscow lần này vào giữa tháng 10, nhưng trời đã rất lạnh. Tôi không thể tưởng tượng nổi chị đi bán thuốc lá lẻ trong mùa đông quá khắc nghiệt của nước Nga như thế nào.
Nước Nga giờ đã khác với Liên Xô trước đây rất nhiều. Có rất nhiều người Nga đã trở thành những tỷ phú đô la. Nhưng trước khi lên đường, lòng tôi vẫn cảm thấy không yên về chuyến đi. Hầu hết thông tin về nước Nga là thông tin về an ninh. Người ta nói về " chủ nghĩa đầu trọc Nga ", những kẻ đã ngang nhiên giết chết những người Việt Nam làm việc và học tập ở Nga. Họ bảo chúng tôi đi đâu phải đi một nhóm ít nhất là 10 người trở lên và không được ra phố buổi tối. Có những người bạn khuyên tôi hãy đợi khi nào an ninh nước Nga ổn định hãy đi.
Nhưng mỗi chuyến đi xa lúc nào cũng làm tôi náo nức. Tôi muốn đến đất nước xa xôi nhưng có một nền văn hoá kỳ vĩ đó. Tôi muốn thấy được mùa thu vàng của nước Nga. Tôi muốn được đặt chân lên thành phố Saint Peterburg, nơi có những nhà văn nhà thơ, nhạc sỹ, hoạ sỹ đã để lại cho nhân loại những tác phẩm kỳ vĩ. Trong đó có một nhà thơ đã sống những năm tháng bi thương và hạnh phúc nhất của mình, người mà tôi luôn luôn muốn được cúi đầu kính trọng, người đã bị trục xuất khỏi nước Nga vì là một kẻ được cho là ăn bám xã hội vì chỉ biết làm thơ, người mà khi bị đẩy ra khỏi biên giới của cố hương mình đã quay lại đau đớn nói : Tôi sẽ làm cho tiếng Nga một lần nữa trở nên vinh quang trong di sản văn hoá nhân loại. Đó là nhà thơ Joseph Brodsky. 17 năm sau ngày bị trục xuất, ông đã giành giải Nobel văn học cho những bài thơ viết bằng tiếng Nga của mình.
Sau này, khi Liên bang CHXHCN Xô Viết tan rã, Brodsky đã có cơ hội để trở về thành phố quê hương Saint Peterburg của ông, những ông đã không đủ can đảm trở về. Ông sợ những ký ức lộng lẫy của ông về thành phố quê hương bị phá vỡ. Và ông đã mang những ký ức về Saint Peterburg cổ kính, lộng lẫy và sâu thẳm về với Thiên đường. Đấy chính là tình yêu đích thực, lớn lao của một con người với tổ quốc của mình.
Nguồn:Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý