Bảy nàng con gái của Eva

10:05 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Tám, 2009

Tựa đề rất thơ này là tên của một cuốn sách khoa học phổ thông hết sức hấp dẫn về di truyền học. Tác giả của nó là một nhà bác học nổi tiếng kiêm… phóng viên truyền hình, vì thế chắc chắn ông rất biết cách viết sách như thể kể một câu chuyện, ly kỳ và cuốn hút.

Tên sách: Bảy nàng con gái của Eva (The Seven Daughters of Eve: The Science That Reveals Our Genetic Ancestry)
Tác giả: Bryan Sykes
Dịch giả: Trần Thị Mai Hiên - Ngô Minh Toàn
Nxb Trẻ


Câu chuyện mở đầu bằng một sự kiện rất “giật gân”: Ngày 19/9/1991, hai nhà leo núi người Đức phát hiện dưới lớp băng của một ngọn núi thuộc rặng Alps một thi hài đàn ông đã đông cứng. Bên cạnh ông ta là một chiếc rìu kiểu cổ.

Một thời gian sau, giới khoa học khám phá ra rằng thi hài ấy không phải của một nhà leo núi nào mất tích cách đó vài năm hay vài chục năm, mà là của một người tiền sử, sống cách chúng ta hơn 5.000 năm.

Và còn giật gân hơn nữa là việc tìm ra hậu duệ của “Người Băng”, đó là một phụ nữ đang sống ở Dorset (miền nam nước Anh) ngày nay, cô Marie Mosely.

Sự ly kỳ chưa dừng lại ở đó. Các sự kiện lần lượt được kể tiếp theo trong câu chuyện sẽ dẫn chúng ta tới một kết luận choáng váng: “Gần như mọi người có nguồn gốc châu Âu, cho dù họ có sống ở đâu trên thế giới đi nữa, đều có thể truy theo dòng mẹ đến một trong số bảy người phụ nữ”, được coi như bảy bà “tổ mẫu” của Âu châu.

Người tìm ra cô gái Marie Mosely hậu duệ của “Người Băng” là GS Bryan Sykes. Ông cũng là người đặt tên cho bảy bà thị tổ của châu Âu. Dĩ nhiên, ông là một nhà khoa học nổi tiếng. Ông còn là phóng viên của hãng ITN, và là người viết nên cuốn sách mà chúng tôi đang giới thiệu đến các bạn: Bảy nàng con gái của Eva.

Nhà di truyền học hay người kể chuyện?

Nhà di truyền học Bryan Sykes, tác giả Bảy nàng con gái của Eva. Ảnh: khampha24h.com

Có lẽ vì ngoài làm khoa học, Bryan Sykes còn làm nghề tay trái là phóng viên truyền hình, nên ông nắm rất rõ nguyên tắc của truyền hình khi viết cuốn sách về di truyền học này: mở đầu ấn tượng và diễn biến cuốn hút không ngừng trên từng trang viết.

Bảy nàng con gái của Eva, sau phần mở đầu gây chú ý, đã tiếp tục với đầy ắp những tình tiết, những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn. Bryan Sykes đã kể lại, với một văn phong vui nhộn, hài hước, quá trình các nhà nghiên cứu phỏng đoán, làm thí nghiệm, phân tích … để đi tới những khám phá, phát hiện rất có giá trị, nhưng tưởng như quá sức hiểu với đại đa số công chúng.

Từ việc Sykes và cộng sự tái tạo thành công ADN cổ trong xương người tiền sử, tới việc ông dùng ADN để xác định hài cốt của vị Sa hoàng cuối cùng, Nicholas Đệ Nhị (chết năm 1918).

Từ chuyện Sykes tìm ra nguồn gốc Tây Phi của một phụ nữ vùng Caribê, tới chuyện ông xác nhận mối liên hệ giữa ông với Sa hoàng Nicholas, do hai người có một tổ mẫu sống trong vòng 10.000 năm trở lại đây. (Tất nhiên, ông cũng hài hước nói thêm rằng đó là một mối liên hệ xa lắc theo kiểu “bắn đại bác không tới”: “Tôi chắc là không đủ gần gũi để mơ tới chuyện giành gia sản của dòng tộc Romanov được rồi!”.

Cuốn sách cũng đầy ắp những thông tin và kiến thức về một chủ đề nghe ra thật đáng sợ: lịch sử di truyền học. Tuy vậy, bạn đọc có thể tin rằng tất cả đã được trình bày theo một cách đúng như kể chuyện, có đầy đủ nhân vật, tình tiết, những khó khăn phải vượt qua (mâu thuẫn, thắt nút) và thành công (mở nút).

Với Bảy nàng con gái của Eva, bạn sẽ được cung cấp hiểu biết sơ lược, nhưng hết sức căn bản, về gien, về cấu trúc ADN, về các khái niệm gây “choáng” như: ADN ti thể, cây tiến hóa, thuyết “di cư khỏi châu Phi”… Đừng ngại, nếu là người ham hiểu biết, chắc chắn bạn sẽ thích thú khi được nghe “giảng bài” một cách thú vị như Bryan Sykes đã làm (lại còn không phải lên bảng trả lời kiểm tra miệng nữa).

Bạn cũng sẽ có được một cái nhìn tổng thể về các tiến bộ của di truyền học theo dòng lịch sử: Từ khi ông tổ của ngành là Mendel làm thí nghiệm gây giống đậu Hà Lan, tới khi James Watson và Francis Crick xây dựng thành công cấu trúc phân tử ADN, từ những thất bại và thành công chập chững của việc truyền máu (thế kỷ 17) tới khi các nhà khoa học xác định được hệ thống nhóm máu người (năm 1900) để rồi từ đó, nhóm máu là thứ đầu tiên đưa di truyền học vào việc nghiên cứu quá trình tiến hóa của nhân loại.

Chính tác giả Bryan Sykes đã viết trong lời dẫn nhập:

“Đây là cuốn sách về lịch sử của thế giới được biết đến thông qua di truyền học. Nó cho thấy lịch sử của loài người chúng ta, Homo sapiens, được ghi lại trong gien, giúp ta lần ra nguồn gốc tổ tiên của mình đến tận quá khứ xa xôi… Những anh bạn gien này kể cho ta nghe câu chuyện bắt đầu từ hơn 100.000 năm trước, mà những chương của nó được giấu kín trong chính tế bào của mỗi chúng ta”.

Lãng mạn cùng khoa học

Một dịch giả của dòng sách khoa học, ông Phạm Văn Thiều, từng nhận xét rằng ngôn ngữ trong nhiều tác phẩm khoa học phổ thông của phương Tâythực sự là “đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ”, “sách khoa học là nơi các nhà khoa học gửi gắm nhiệt huyết, tâm tư, tư tưởng của họ”.

Không rõ trong nguyên bản tiếng Anh, Bảy nàng con gái của Eva đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ chưa, nhưng chắc chắn cuốn sách đã được kể với một văn phong rất hài hước, đúng kiểu Ăng-lê.

Hài hước - đó chính là cách tốt nhất để những kiến thức khoa học khô khan đến được với đông đảo bạn đọc. (Hãy tưởng tượng nếu thầy cô giáo dạy các môn tự nhiên của chúng ta đều vui vẻ, hài hước thì giờ học sẽ “vào” hơn biết bao).

Bên cạnh đó, sách thực sự tràn đầy cảm hứng lãng mạn của một nhà khoa học. Hãy xem và nghe tác giả kể chuyện, và hình dung cùng ông:

“Trước mặt tôi, trong ánh sáng mờ ảo, tất cả những con người đã từng sống đang xếp thành hàng nối hàng… Tôi cầm trong tay đầu sợi chỉ kết nối tôi với mẫu tổ của tôi ở đầu kia, xa rất xa.

Tôi kéo sợi chỉ, thế là từng gương mặt người phụ nữ ở từng thế hệ cảm nhận cái giật đó và ngẩng lên nhìn tôi. Gương mặt của bà sáng lên giữa đám đông bởi một ngọn lửa kỳ lạ. Tổ tiên của tôi là đây… Rồi sợi chỉ ấy hóa thân thành chính sợi dây rốn…”.

Cảm hứng của tác giả - một nhà khoa học đầy đam mê, như chúng ta có thể thấy – đã thông qua cuốn sách mà lan truyền tới độc giả, thổi bùng trong lòng người đọc tình yêu khoa học và niềm vui của sự hiểu biết.

Dù sao thì…

Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng Bảy nàng con gái của Eva là cuốn sách đòi hỏi bạn phải tập trung khi đọc. Nói cách khác, bạn không thể vừa đọc sách vừa… nghe nhạc. Bởi lẽ, chủ đề trọng tâm của nó là di truyền học, một lĩnh vực khoa học chính xác.

Thêm vào đó là văn phong cổ điển Anh của tác giả, như hai dịch giả Mai Hiên và Minh Toàn đã cho biết. Nhiều đoạn, bạn sẽ phải đọc đi đọc lại không chỉ 1-2 lần. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng đó chỉ là khó khăn mà người đọc Việt Nam chúng ta phải vượt qua, còn với các độc giả có chung ngôn ngữ với Bryan Sykes thì chắc sự đọc hiểu không phải là vấn đề to tát.

Nếu có thể coi là “điều đáng tiếc”, thì Bảy nàng con gái của Eva hầu như chỉ viết về nguồn gốc của cư dân châu Âu, tức là nó mới chỉ ra bảy thị tổ của người châu Âu mà thôi. Dĩ nhiên, không thể gọi đó là thiếu sót của tác giả, bởi lẽ, tại sao việc chỉ ra nguồn gốc của người châu Á lại không phải là trách nhiệm tự nhiên của các nhà khoa học châu Á?

Được tiếp nguồn cảm hứng từ Bảy nàng con gái của Eva, liệu độc giả Việt Nam chúng ta có thể hy vọng một ngày kia, ta sẽ được biết về tiền sử của dân tộc ta không, trong một cuốn sách tương tự nào đó, kiểu như “N nàng con gái của mẹ Âu Cơ”?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách khoa học là best-seller, tại sao không?

    07/07/2019Đoan Trang (thực hiện)16 năm trong nghề, dịch giả Phạm Văn Thiều đã giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam rất nhiều cuốn sách kinh điển về khoa học thuộc các lĩnh vực “cao siêu”: lượng tử, vũ trụ học, di truyền học, toán học… Ít ai ngờ được điều mà ông khẳng định: Sách khoa học là thứ sách bán chạy, và người dịch có thể sống tốt với nghề.
  • Một cách tiếp cận khoa học mới của loài người

    28/01/2015Hà Vĩnh TânBằng việc sử dụng máy tính để mô phỏng các phương án phong phú và đa dạng của Hệ tự hành dạng tế bào, đây được xem như một phương pháp nghiên cứu khoa học mới, có hiệu quả và triển vọng nhất để mô tả và giải thích phần lớn các hiện tượng phức tạp của tự nhiên. Sự phát triển lôgic theo hướng nói trên đã dẫn Stephen Wolfram đến việc xuất bản một công trình khoa học lớn - cuốn sách tựa đề "A New Kind of Science"...
  • Sách sci-fi ở Việt Nam: Đường xa, ta cứ đi!

    12/07/2009Gần đây, các phương tiện truyền thông đã hào hứng loan báo "Sự trở lại của sách khoa học viễn tưởng (sci-fi) ở Việt Nam" nhân việc ra mắt hai cuốn sách Xứ Cát và Kiến . Nhưng sự trở lại này hứa hẹn những gì, liệu có dễ dàng, thuận lợi? Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Tiễn Cao Đăng – dịch giả cuốn Xứ Cát , cũng là một người ấp ủ rất nhiều kế hoạch với thể loại sci-fi vốn rất kén người đọc.
  • Nhà thơ trong thiên văn học

    11/10/2006
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Về cuốn sách Lượng tử và Hoa sen

    18/08/2005Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật...
  • Cái vô hạn trong lòng bàn tay

    09/07/2005Minh BùiĐề cập đến hai cuộc đời, một của nhà vật lý thiên văn sinh ra đã là Phật tử - người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học của mình, và một của nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư - người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
  • xem toàn bộ