Bản chất tương tác xã hội của giá trị
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 buộc các nhà kinh tế phải xem xét lại các lý thuyết của mình. Trong đó điều đầu tiên cần xem xét lại chính là lý thuyết về giá trị, và cùng với nó là câu hỏi lớn nhất của kinh tế học: Lợi nhuận đến từ đâu, cái gì làm cho nền kinh tế lại tăng trưởng ?
Nếu không kể xu hướng đạo đức, các quan niệm mang tính kinh tế học về giá trị có thể chia thành ba trường phái chính, trường phái khách quan, trường phái chủ quan, và một trường phái thứ ba chỉ chú trọng đến mối tương quan giữa cung và cầu. Tôi xin gọi trường phái thứ ba này là trường phái thị trường. Trường phái thị trường từ bỏ sự tìm kiếm mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa các yếu tố khách quan hoặc chủ quan với giá trị, và cho rằng giá trị của hàng hóa được xác định bởi mối tương quan giữa cung và cầu trên thị trường. Đại diện sớm nhất của trường phái này có lẽ là John Law (1671-1729), người đã sử dụng quy luật cung cầu để giải thích nghịch lý về giá trị của nước và kim cương. Những người hoàn chỉnh lý thuyết cung cầu về giá trị là Leon Walras với mô hình Cân bằng Tổng quát và Alfred Marshall với mô hình Cân bằng Cục bộ.
Kể từ khi trường phái thị trường xuất hiện, người ta dường như đã từ bỏ cuộc tìm kiếm một cách lý giải bản chất của giá trị, mà chỉ còn quan tâm đến giá cả, với tư cách là kết quả của tương tác giữa cung và cầu trên thị trường. Đây chính là nguyên nhân có tính lý thuyết của sự tôn sùng thuyết thị trường hiệu quả trong nhiều thập kỷ.
Bản chất của giá trị là gì ? Trước hết, ta coi giá trị là một khái niệm xã hội: một vật chỉ có giá trị một khi được đem trao đổi giữa người với người. Mặt khác, trước khi được đem trao đổi, vật đó phải được làm ra. Như thế nghĩa là phải có lao động. Chưa hết, việc trao đổi luôn luôn được tiến hành trong những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội khác nhau. Tất cả những nhân tố này đều tham gia việc xác định giá trị.
Vì con người là một con vật xã hội, chúng ta phải xem xét cội nguồn vật lý của nó. Chúng ta đều biết rằng sự vật có hai xu hướng chủ đạo: xu hướng duy trì sự tồn tại và xu hướng ảnh hưởng đến sự vật xung quanh. Ở con người, hai xu hướng tự nhiên này được thể hiện ở các nhu cầu vật lý và xã hội. Các nhu cầu vật lý, như ăn, mặc, sưởi ấm... nói chung nhằm vào các đối tượng vật chất và có mục đích duy trì sự tồn tại; còn các nhu cầu xã hội, như quyền lực, sắc đẹp, trí tuệ... nói chung nhằm vào các đối tượng tinh thần và có mục đích tăng ưu thế đối với người xung quanh. Các nhu cầu vật lý là những nhu cầu thiết yếu nhưng hữu hạn, nghĩa là có thể được đáp ứng trọn vẹn. Trong khi đó, các nhu cầu xã hội ít thiết yếu hơn, nhưng có thể tăng vô hạn. Mọi vật được con người sản xuất và đem trao đổi đều nhằm đáp ứng hai nhu cầu đó với mức độ khác nhau. Một con gà rán có thể đáp ứng nhu cầu vật lý với tư cách là thực phẩm, nhưng với cách chế biến nhất định, nó còn đáp ứng nhu cầu xã hội của thực khách. Mức độ đáp ứng các nhu cầu của con người chính là giá trị. Đây chính là định nghĩa của Aristotle. Ta có thể tóm tắt những điều trên bằng công thức: V=Vp+Vs
Trong đó V là giá trị, Vp là giá trị vật lý và Vs là giá trị xã hội. Nhìn chung, Vp được xác định bởi các yếu tố sản xuất, còn Vs được xác định bởi các yếu tố xã hội thông qua trao đổi. Nghiên cứu sự thay đổi tỷ trọng của Vp và Vs trong công thức này cho ta thấy lịch sử phát triển của nền sản xuất nhân loại. Nếu trong nền kinh tế chỉ có hai người trao đổi với nhau thì các vật trao đổi sẽ không có giá trị xã hội, mặc dù sự trao đổi đơn giản này có tác dụng tối đa hóa giá trị vật lý thông qua sự chuyển đổi sở hữu. Nhưng nếu xuất hiện người thứ 3, chẳng hạn có hai người cùng muốn đổi rìu lấy cừu, thì giá trị xã hội xuất hiện. Số người quan tâm càng lớn thì ưu thế tương đối của người sở hữu nó càng cao, nghĩa là giá trị càng tăng. Ngược lại, nếu số đối tượng được quan tâm càng nhiều thì ưu thế tương đối của người sở hữu nó càng ít, nghĩa là giá trị xã hội của nó cũng càng ít. Ta có thể nói rằng giá trị xã hội của vật tỷ lệ thuận với số người quan tâm và tỷ lệ nghịch với số lượng đối tượng được quan tâm.
Khi năng suất của nền kinh tế còn rất thấp, hầu như mọi thứ đều thiếu thốn, mối quan tâm chủ yếu của xã hội (trừ giới đặc tuyển) là làm sao đáp ứng được các nhu cầu vật lý. Khi đó, phần lớn các sản phẩm làm ra là nhằm đáp ứng các nhu cầu vật lý. Điều này có nghĩa là một cách gần đúng, người ta có thể bỏ qua phần giá trị xã hội của đa số sản phẩm và công thức giá trị là: V=Vp.
Khi đó ta cũng có thể nói rằng giá trị được quyết định bởi các yếu tố sản xuất. Và vì đa số các yếu tố sản xuất có liên hệ trực tiếp với lao động, người ta nghĩ rằng nguồn gốc duy nhất của giá trị là lao động. Đây chính là cách lý giải của các nhà kinh tế cổ điển. Khi năng suất của nền kinh tế cao hơn và sự trao đổi hàng hóa phát triển hơn, giá trị xã hội (Vs) của đại đa số các sản phẩm không thể bỏ qua. Ở đây, thị trường đóng vai trò chính. Thị trường có giúp tăng giá trị vật lý của hàng hóa thông qua việc hợp lý hóa sở hữu, nhưng vai trò chính của nó là làm tăng đột biến số người quan tâm đến đối tượng (hàng hóa). Thị trường càng phát triển và càng tự do thì càng có nhiều người mong muốn sở hữu đối tượng đó. Điều này có nghĩa là ưu thế tương đối của người sở hữu đối tượng sẽ tăng lên, cũng có nghĩa là giá trị xã hội của đối tượng sẽ tăng theo. Mặt khác, giá trị xã hội cũng tăng lên nếu số lượng tương đối của hàng hóa so với số người quan tâm giảm. Đây chính là quy luật cung cầu. Để tăng số người quan tâm, người ta sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó thường gặp nhất là quảng cáo. Để giảm một cách tương đối số lượng hàng hóa so với số người quan tâm, cách thường dùng là thay đổi mẫu mã, tính năng của hàng hóa hoặc vận dụng những đặc điểm tự nhiên của hàng hóa, như chọn thời điểm để hoa quả sản xuất ra trái vụ.
Như vậy, giá trị là một sản phẩm của tương tác xã hội. Nó không bất biến và cũng không thể xác định một cách tuyệt đối khách quan. Tuy nhiên, ta có thể nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự biến đổi của giá trị để giải thích hoặc điều hành nền kinh tế. Một ví dụ là cuộc khủng hoảng năm 2008 ở VN. Để đơn giản, ta có thể hình dung xã hội chỉ bao gồm những người trồng lúa và hai người buôn bán BĐS là A và B. Giả sử A bán cho B một ngôi nhà giá 100 triệu, rồi B bán lại ngôi nhà đó cho A với giá 120 triệu, thu lãi 20 triệu. Sau đó A lại bán ngôi nhà đó cho B với giá 140 triệu, rồi B tiếp tục bán cho A với giá 160 triệu. Nếu không có một nguyên nhân nào đó chặt đứt chuỗi mua bán này, quá trình này có thể kéo dài vô tận và sau mỗi giao dịch người bán đều có lãi. Trong khi đó, vì nhu cầu vật lý về gạo là hạn chế và cách trồng lúa nói chung không thay đổi nên giá giá trị của gạo nói chung là cố định. Nhìn trên quy mô toàn xã hội, giá trị tổng tài sản không ngừng tăng lên và để nền kinh tế vận hành bình thường, nhà nước phải bơm thêm tiền cho tương xứng với tổng giá trị đó.
Về đại thể, mức sống của những người kinh doanh BĐS tăng nhanh, còn mức sống của những người trồng lúa không hề bị ảnh hưởng, nếu không nói là có thể được cải thiện đôi chút. (Với lợi nhuận thu được, A và B có thể sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, hay thậm chí còn trợ giúp cho người trồng lúa...). Điều này tiếp tục diễn ra như thế cho đến khi một lý do nào đó làm gián đoạn chuỗi mua bán giữa A và B. Khi đó giá nhà sẽ đột ngột rơi xuống, mặc dù không bao giờ xuống đến mức bằng hoặc thấp hơn giá ban đầu. Tuy nhiên, lượng tiền đã bơm ra thị trường trước đó vẫn còn lại và sẽ tác động lên toàn bộ các tài sản của xã hội, ở đây là cả bất động sản lẫn lúa gạo. Điều có thế dự đoán là lạm phát.
Trên thực tế không chỉ có ngành kinh doanh BĐS mới có khả năng gây ra bất ổn tài chính. Có thể nói rằng trong nền kinh tế hiện đại, tuyệt đại đa số các ngành kinh doanh đều chứa đựng nguy cơ này. Tuy nhiên, những ngành dịch vụ chứa đựng nhiều nguy cơ hơn là các ngành sản xuất, và ngành nào càng ít yếu tố vật chất càng nhiều nguy cơ.
Ở đây chúng ta phải lưu ý một vấn đề mang tính đạo đức. Khi kinh tế tăng trưởng, sự giàu có mới chủ yếu rơi vào tay những người kinh doanh khu vực duy tâm hóa cao - tức là những người giàu - và hầu như không có tác dụng cải thiện mức sống của những người lao động trong các khu vực truyền thống. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng, tác động của lạm phát sẽ được phân phối lên mọi thành viên trong xã hội. Điều này cũng đúng trên quy mô quốc tế. Khi kinh tế thế giới cất cánh, các giá trị mới được tạo ra chủ yếu rơi vào những quốc gia phát triển và hầu như không giúp ích gì các nước nghèo. Tuy nhiên, khủng khoảng lại tác động đến mọi quốc gia.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn