Hai vị tướng bật khóc trước Bài hát về Tướng Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi đàn rất hay. Đại tướng từng chơi nhạc Beethoven cho Bác Hồ nghe. Chính từ những giai thoại này, nhạc sỹ An Thuyên đã viết ca khúc mới "Tiếng đàn". Ca khúc vừa cất lên đã khiến Trung tướng Phạm Hồng Cư bật khóc...
Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10, Nhạc sỹ- Thiếu tướng An Thuyên không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng. Ngoài sự mất mát, nỗi đau của một người dân; nhạc sỹ An Thuyên còn có nỗi đau của một người lính, nỗi đau của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa… Với tất cả tình cảm, sự yêu kính dành cho một nhân cách lớn, người anh hùng của dân tộc; nhạc sỹ An Thuyên đã cầm bút sáng tác bài hát về Đại tướng trong vòng 15 phút, sau đó chép lại trên máy tính, sửa chữa và hoàn thiện.
Với chất âm nhạc trữ tình, sâu lắng, phảng phất âm hưởng dân ca, Tiếng đàn đã đi vào lòng người nghe với ca từ thiết tha: “Tiếng đàn vị tướng, mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng, cây đời vẫn xanh. Tiếng đàn đồng chí, rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội, vào sinh ra tử, ấm tình Anh Văn. Tiếng đàn Tổ quốc, toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống, lo nhiều cho dân. Tiếng đàn Đại tướng, trời đất yêu thương, khóc cho dân tộc, khuất xa một Người...”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sỹ An Thuyên cho biết, ông muốn Trung tướng Phạm Hồng Cư là người đầu tiên nghe sáng tác mới nhất của mình vì Trung tướng không chỉ là một nhà trí thức trong quân đội đáng kính trọng, mà còn là người mà An Thuyên rất trân trọng, tin tưởng. Từ việc lớn, việc nhỏ trong công tác xây dựng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhạc sỹ An Thuyên đều tìm đến xin ý kiến của Trung tướng Phạm Hồng Cư.
Theo nhạc sỹ, Trung tướng Phạm Hồng Cư về công việc là cấp dưới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về tình cảm thì là anh em đồng hao nên rất gần gũi và hiểu về con người, cuộc sống của Đại tướng hơn bất cứ ai. Dù là tình cảm chân thành nhưng Tiếng đàn được sáng tác trong thời gian gấp gáp, An Thuyên mong mỏi nếu có từ chưa ổn sẽ nhận được lời góp ý đắc địa của người nổi tiếng là thâm thúy.
Ngay sau khi nhận được sự đồng cảm của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhạc sỹ An Thuyên đã chọn tốp ca nam: Lê Anh Dũng, Hoài Nam, Ngọc Ký, Quang Hào thể hiện Tiếng đàn. Bài hát đã được công bố trên sóng truyền hình quốc gia tối ngày 7/10 và nhận được nhiều sự sẻ chia từ phía khán giả.
Dù chưa được trực tiếp nghe tiếng đàn của Đại tướng nhưng An Thuyên đã từng nhìn thấy bức ảnh Đại tướng đang chơi đàn cho phu nhân nghe do nhiếp ảnh- Đại tá Trần Hồng chụp. Vị nhạc sỹ cũng từng nghe nhiều về việc vị Tổng tư lệnh Quân đội say mê học đàn như thế nào. Tướng Giáp đã mời người dạy đàn Piano về nhà riêng để học mỗi tuần một cách thật cẩn thận và bài bản. Được biết, người đầu tiên dạy đàn cho Đại tướng là Giáo sư- nhạc sĩ Tô Vũ, sau này là cô giáo Hồng Hạnh, con gái ông Nguyễn Gia Sinh của ngành Bưu điện- ông là người đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật của ngành Phát thanh.
Theo nhạc sĩ An Thuyên, phong cách của con người vĩ đại ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện trong cách chỉ huy: cẩn thận, chắc chắn, luôn suy tính làm sao giảm sự thương vong thấp nhất cho các chiến sĩ. Điều này được thể hiện rõ nét với phương châm “đánh chắc thắng chắc” trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ... Mà ngay cả trong sở thích nghệ thuật, cách chơi đàn của ông cũng thể hiện sự chỉn chu, từ việc nhỏ đến việc lớn đã làm là hoàn thành. Ông đã học đàn là học đến nơi đến chốn, học say mê và bản nhạc nào được phối hoàn chỉnh ông mới đánh...
Sáng tác Tiếng đàn, nói theo ý của vị nhạc sĩ lão làng này thì ông không có ý mô tả tiếng đàn của Đại tướng mà chỉ lấy nguồn cảm hứng từ đó. “Đại tướng là hình ảnh không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng nghiêng mình ngưỡng mộ. Từng được gặp gỡ, hỏi thăm Đại tướng cũng như được nghe kể nhiều về ông và tôi viết bài hát này không có hi vọng gì to tát ngoài tâm nguyện mong được là một nén tâm nhang dâng lên Đại tướng kính yêu của dân tộc. Tôi chỉ mong bài hát của mình gặp được sự đồng cảm của công chúng trong thời khắc mất mát này”, nhạc sỹ An Thuyên trải lòng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý