Bài diễn thuyết về "Đạo làm người" gây chấn động Trung Quốc
"Chấn động, rung động, vang dội" là bình luận trên các diễn đàn ở Trung Quốc về bài diễn thuyết được cho là đụng chạm đến những góc nhạy cảm nhất của xã hội nước này...
Xử lý ảnh: Mạnh Quân
.
LTS:Bài diễn văn của giáo sư Tùng Nhật Vân tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Chính pháp Trung Quốc năm 2013, thời điểm bùng nổ chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một trong những bài nói gây bão nhất tại Trung Quốc và trên các diễn đàn quốc tế trong hơn 3 năm qua.
Đài Deutsche Welle (Đức) dẫn lời ông Kim Chung, tổng biên tập tạp chí Open (Hồng Kông) từng đánh giá: "Một trận bão tố đang nổi lên ở Trung Quốc."Trên kho tư liệu của Baidu, bài diễn văn nhận được đánh giá là "chấn động, rung động, vang dội".
Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng nội dung bài diễn thuyết gây chấn động này. Bài gốc được đăng trên báo Sina (Trung Quốc) hôm 17/8.
***
Các em học sinh!
Hôm nay là ngày vui của các em, là ngày các em trưởng thành, là một khởi đầu mới trên đường đời của các em.
Các em sẽ đội lên đầu vòng nguyệt quế và mặc lễ phục tốt nghiệp, để biểu thị các em đã trở thành "học sĩ" (cử nhân-ND). Trong ngôn ngữ Trung Quốc truyền thống, trở thành "sĩ" nghĩa là đạt được một thân phận khác với số đông.
"Gặt hái được vị trí cao trên con đường học vấn gọi là sĩ", "người dùng tài trí gọi là sĩ". Sĩ có nhiều dạng, mà "học sĩ" chính là những người dùng học vấn và tài trí để đạt được thân phận "sĩ", được người khác tôn trọng.
Cho nên, thầy chân thành chúc mừng các em. Chúc mừng mười mấy năm học tập của các em cuối cùng đã thành "chính quả"!
Hôm nay các em tốt nghiệp bước ra cổng trường, ngày mai chính là lễ khai giảng của "đại học xã hội". Nhân sinh là từng lần một tốt nghiệp rồi lại khai giảng. Nhưng chỉ có lần tốt nghiệp và khai giảng này là bước ngoặt quan trọng nhất trong đời người.
So với hành trình dai dẳng ngày sau, quá trình học tập sinh hoạt trước đây của các em chỉ là tập đi mà thôi; so với sân khấu cuộc đời sắp tới, cuộc sống học tập trước đây chỉ là mở màn mà thôi.
Xã hội mà các em sắp bước vào là một vũ đài nhân sinh đầy màu sắc mà ở đó, các em sẽ thực hiện được giá trị của mình, hưởng thụ cuộc đời của mình. Nhưng đồng thời, xã hội cũng là một giang hồ hiểm ác, một vũng lầy dơ bẩn.
Giang hồ đó sâu không thể dò được, vượt xa khả năng tưởng tượng của các em. Các em "xông pha" giang hồ từ đây cũng giống như học đi thuở ban đầu vậy.
Giang hồ đó sẽ nhào nặn lại từ đầu sức mạnh của các em, có thể các em còn chưa ước lượng hết được. Giờ các em phải lao mình vào đó không quay đầu, trong khi không biết nó có ý nghĩa gì.
Xử lý ảnh: Mạnh Quân
.
Những ngày này, các em - vừa phấn khích vừa âu lo - đều mường tượng về tương lai xán lạn, cuộc đời tươi đẹp. Những gì mà các em nghe được, đều là những lời chúc phúc đẹp đẽ và những kỳ vọng cùng ủy thác cao vời.
Nhưng là bậc phụ huynh, là người thầy giáo, là thầy Tùng [Nhật Vân] của các em, trong lòng tôi lại có chút bấp bênh, chỉ có thể nói mấy lời khuyến khích thích hợp với đại đa số các em trước giờ chia tay.
Thời Tiên Tần có một nhà tư tưởng tên Dương Chu vì cảm thán nhân sinh trắc trở trùng trùng, trong ngã rẽ lại có ngã rẽ khác khiến người ta dễ lạc lối, mà bật khóc.
Nguyễn Tịch trong Trúc Lâm Thất hiền cũng từng đối diện với trắc trở mà phải bật khóc quay đầu.
Cuộc đời nhiều ngã rẽ. Đây chính là số mệnh của con người. Nếu nghiêm túc đối đãi nhân sinh thì không thể không đối diện với những khốn khó và âu lo trước mỗi ngã rẽ hết lần này đến lần khác.
Cuộc đời là vô số lựa chọn. Bắt đầu chọn từ mục tiêu cuối cùng của nhân sinh, rồi quy hoạch phương hướng phát triển lớn, cho đến từng lựa chọn chi tiết trong sinh hoạt thường ngày, để đưa ra lựa chọn cho từng bước.
Lựa chọn của em sẽ tạo thành cuộc đời em.
Một cuộc đời đúng đắn, hay là một đời sai lầm.
Từ trước đến nay, phụ huynh, xã hội, trường học hầu như đã giúp các em hoạch định tất cả. Từ nay về sau, các em phải độc lập chọn lựa con đường sống của mình.
Con đường nhân sinh chỉ có thể một mình bước đi, không có chỗ dựa dẫm, không có thầy giáo. Chẳng may một ngày nào đó em buông xuôi theo dòng đời, thì đó cũng là lựa chọn của chính em.
Nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre từng nổi tiếng một thời ở Trung Quốc trong thập niên 1980, nhưng ngày nay rất ít người còn chú ý đến ông. Nhưng ông có một câu nói vẫn cần phải nhắc đến: "Con người là tự mình lựa chọn".
Con người lựa chọn vốn là việc của bản thân, hơn nữa phải chịu toàn bộ trách nhiệm với chọn lựa của chính mình.
Trên thế giới này, mỗi một người đều là độc nhất vô nhị. Giá trị của em trên thế giới này nằm ở chỗ em không giống số đông. Cho nên, lựa chọn đầu tiên của mỗi người, chính là nên trở thành chính mình.
Đừng thấy người khác mơ mà em cũng mơ, bị ước mơ của người khác che mắt mà cũng ước mơ giống như họ. Mỗi người đều có giấc mơ của riêng mình.
Lựa chọn trở thành chính mình nghĩa là không ngừng vượt qua chính mình. Các em phải không ngừng đánh giá lại bản thân, tự vấn bản thân, đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân để truy cầu cảnh giới cao nhất.
Cuộc đời của chúng ta tương quan mật thiết với vận mệnh của xã hội này.
Mỗi thế hệ có vận mệnh của mình. Thế hệ các em có tuổi thơ và thời niên thiếu yên bình, nhưng tương lai của các em có thể phải đối mặt với những đổi thay trọng đại của xã hội Trung Quốc.
Nếu quan tâm tình hình xã hội, các em có thể nhìn thấy mây đen tích tụ trên bầu trời, có thể nghe thấy cơn bão âm ỉ giấu trong mây đen.
Những người nhạy cảm đều có thể nhìn thấy, phong vân biến hóa, sóng ngầm rung chuyển, con đường phía trước mờ mịt.
[...]
Đối diện với những biến đổi to lớn có khả năng xảy đến trong xã hội, các em sẽ lựa chọn thế nào?
Khi em đưa ra lựa chọn, em có phải là một người tỉnh táo hay không?
Trong tác phẩm "Sông lớn biển lớn - 1949", nữ sĩ Long Ứng Đài (tác giả nổi tiếng người Đài Loan-ND) ghi chép lại vô số lựa chọn của con người trong thời khắc ấy: Đi hay không đi? Đi, là một đời. Không đi, cũng là một đời. Bi kịch của vô số người đều bắt đầu từ giây phút chọn lựa ấy.
Đối diện với một số người bình thường ở trong hoàn cảnh bất đắc dĩ bị vận mệnh cuốn theo ấy, Long Ứng Đài nói một cách cảm khái: "Một giọt nước, làm sao mà biết được hướng đi của dòng chảy lớn?"
Nhưng thầy nghĩ, các em là sinh viên tốt nghiệp của Đại học Chính pháp, là cử nhân Học viện quản lý hành chính, các em nên có năng lực nhận thức phương hướng dòng chảy hơn những người bình thường.
Người ta cảm thán rằng, rừng cây tiêu điều xơ xác không thể ngăn cản được sóng xô cuồn cuộn.
Nhưng cho dù là một rừng lá, liệu em đã từng giãy giụa? Em giãy giụa theo hướng nào?
Nếu Trung Quốc lại xuất hiện một cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn hay Hồng vệ binh, nếu mô hình Trùng Khánh trở thành mô hình Trung Quốc, các em có đủ tỉnh táo để nói "không"? Nếu các em không có kiến thức và dũng khí đó, có thể ít nhất làm một 'phái Tiêu Dao' (ý nói đứng ngoài sự việc-ND) vô hại hay không?
(Mô hình Trùng Khánh: Quy hoạch phát triển thành phố Trùng Khánh được đề ra năm 2010 bởi Bạc Hy Lai, nhưng được biết đến chủ yếu từ những hoạt động bề nổi-ND)
Xử lý ảnh: Mạnh Quân
.
Đương đầu với dòng nước đục cuộn tới, nếu em không thể chống chọi liên tục, liệu em có thể lựa chọn đấu tranh từng lúc;
Nếu em không dám tích cực đối đầu, em vẫn có thể lựa chọn đối đầu tiêu cực;
Nếu em không thể dũng cảm biểu đạt, em có thể lựa chọn biểu đạt hàm ý;
Nếu em không dám biểu đạt hàm ý, em có thể lựa chọn im lặng.
Nếu các em không lựa chọn im lặng mà là lựa chọn hùa theo, nhưng liệu các em vẫn có thể giơ cao đánh khẽ hay không?
Khi các em chủ động hoặc bị buộc phải làm chuyện xấu, liệu nội tâm có thể sót lại chút cảm giác bất an hay tội lỗi? Chỉ một chút cảm giác bất an hoặc mang tội này thôi, vẫn là dấu hiệu cho thấy nhân tính còn chưa bị bôi xóa.
Cho dù các em không tranh đấu, nhưng đối với những người đấu tranh với cái xấu khác vẫn phải có đôi chút kính trọng. Cho dù không kính trọng cũng không được đâm sau lưng, dùng thủ đoạn hại người, trợ Trụ vi ngược (tiếp tay kẻ ác làm điều xấu-ND).
[...]
Khi các em bước ra khỏi cổng trường, các em sẽ đối diện với một xã hội đặc thù. Xã hội này đã là một thùng thuốc nhuộm lớn (có thể thay đổi con người-ND).
Năm xưa, Mặc Tử thấy người ta nhuộm vải, vải trắng đưa vào, vải ngũ sắc khi ra. Ông bật khóc.
Các em hãy hiểu tâm trạng của các thầy cô hôm nay nhìn các em vẫn còn những nét hồn nhiên thuần khiết, chuẩn bị bước vào thùng thuốc nhuộm ấy.
Chia tay trường học nghĩa là tạm biệt cuộc sống giản đơn để lao vào hồng trần cuồn cuộn, giang hồ dậy sóng.
SSau này mỗi khi các em bị tổn thương hết lần này đến lần khác, hẳn các em sẽ nhớ đến mái trường xưa, không kể là ở nơi đây đã trải qua bao nhiêu điều không vui, nơi đây đã được coi như một nơi Tịnh độ.
Đối diện với hoàn cảnh xã hội, liệu các em có làm được "cả thế gian say, mình ta tỉnh; người đời vẩn đục, chỉ ta trong"?
Thầy không ôm nhiều hy vọng về điều này, bởi chính thầy cũng không làm được. Nếu kiên trì chuẩn mực đối nhân xử thế như vậy thì chỉ có cách học theo Khuất Nguyên mà nhảy xuống sông Mịch La.
Nhưng một nguyên tắc xử thế trong Phật giáo lại có thể cho chúng ta một số chỉ dẫn, đó chính là “Tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên.” Tùy duyên mà hằng bất biến là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai vạn biệt, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi. Bất biến tùy duyên nghĩa là tuy tùy theo duyên mà hiện ra vạn hữu, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi. Thầy nghĩ đây hẳn sẽ là chuẩn tắc mà đại đa số mọi người có thể thực hiện được.
Trong lĩnh vực đời sống cá nhân, thầy hy vọng các em lựa chọn lối sống lành mạnh cầu tiến, lựa chọn làm một người văn minh và có lương tri.
Đương nhiên, thẳng thắn nói với các em về hiện thực không phải là khuyên các em lựa chọn tiêu cực hay từ bỏ. Người ta thường nói, mắt ta dù màu đen nhưng lại dùng để truy tìm ánh sáng. Không có ánh sáng và hy vọng thì đó là một cuộc đời tuyệt vọng không thể tiếp tục bước đi.
Một mảng Tịnh độ trong tâm các em chỉ thuộc về các em, chỉ cần các em giữ vững nó, bất kỳ sức mạnh bên ngoài nào đều không thể xâm nhập vào được.
Từng có lời khuyên của một người phương Tây khi đối mặt với sự từ bỏ, nói rằng không phải tôi muốn thay đổi thế giới, mà tôi chỉ muốn để thế giới thay đổi chính nó. Cũng có nghĩa là, "anh không thể quyết định ngày mai Mặt trời mọc lúc mấy giờ, nhưng anh có thể quyết định thức dậy lúc mấy giờ".
Các em học sinh, các em phải vươn cao bay xa. Ngày hôm nay, các thầy cô nhìn theo bóng lưng các em bước đi, nhưng dõi theo bước chân của các em chính là nỗi lo lắng bận lòng lâu dài của các thầy cô!
Bất kể các em là những người thông minh lanh lợi hay là đơn thuần thẳng thắn, dù cho các em là đẹp trai giàu sang hay xinh đẹp quý phái, thì các em đều là học trò của thầy cô.
Các thầy cô sẽ dõi theo thành công của các em, dõi theo hạnh phúc của các em và dõi theo xem liệu các em có bước đi trên con đường ngay thẳng hay không.
Nguyện cầu trời xanh bảo hộ các em!
Các em học sinh thân yêu, hẹn gặp lại!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)