Atatürk: Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại

02:04 CH @ Thứ Năm - 16 Tháng Bảy, 2015
Atatürk: Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại
Tác giả: Andrew Mango
Alpha Books| 2015
----
Mustafa Kemal Atatürk là một trong những chính khách quan trọng nhất thế kỷ hai mươi. Ông đã thiết lập và định hình nên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ mà ngày nay là quốc gia mạnh nhất nằm giữa biển Adriatic và Trung Quốc trong vành đai rộng lớn của đại lục Á – Âu ở phía nam Nga và phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Với những dân tộc bị thống trị, ông đã chỉ ra một con đường dẫn tới độc lập trong hữu nghị với phần còn lại của thế giới. Ông là người chống chủ nghĩa đế quốc chỉ thuần túy vì lý tưởng hướng tới sự thịnh vượng chung cho nhân loại văn minh. Trên tất cả, ông là một người kiến tạo, một nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại nhất thời hiện đại.
Cuốn tiểu sử này đã bóc trần lớp vỏ huyền thoại để lộ ra những phức tạp của con người vĩ đại đằng sau đó, người đã áp đặt sự gắn kết, trật tự và tính hiện đại vào Thổ Nhĩ Kỳ và trong quá trình đó, tạo ra một huyền thoại cũng như sự sùng bái dành cho chính ông.
----
"Sau Thế chiến I, Atatürk lên nắm quyền vương quốc Ottoman cổ đang tan rã, củng cố một số vùng lãnh thổ biên giới còn lại và xây nên những định chế mới nhằm biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia hiện đại, mang phong cách phương Tây và hướng đến phương Tây. Ông thành lập quốc hội lâm thời năm 1920 khi ông 39 tuổi, tuyên bố quốc gia độc lập năm 1923 và tiếp tục cầm quyền đến khi mất năm 1938.
Trong 18 năm cầm quyền, Atatürk đã thực hiện những cải cách triệt để theo hướng áp dụng văn hóa hiện đại hoàn toàn vô thần. Các giám mục tôn giáo bị loại bỏ, các trường tôn giáo riêng bị đóng cửa, giáo dục được thế tục hóa và tòa án tôn giáo bị xóa bỏ. Ông áp dụng hệ thống tư pháp mới, với các bộ quy định về luật thương mại, hàng hải và tội phạm dựa trên luật dân sự Thụy Sĩ và luật hình sự Ý. Năm 1928 Atatürk xóa bỏ vai trò tôn giáo chính thức của Hồi giáo khỏi hiến pháp. Ông áp dụng Dương lịch, số đếm phương Tây, trọng lượng và các thước đo quốc tế, sử dụng họ1, và đặt các ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật phương Tây thay cho thứ Sáu Hồi giáo. Năm 1928 ông tiếp tục áp dụng chữ cái Latinh để thay thế chữ viết Ả Rập-Ba Tư. Từ thời ông, phụ nữ có quyền bầu cử và tham gia công quyền. Ông đã đi khắp đất nước để thuyết phục người dân thay đổi.
Trong mối quan hệ nhạy cảm và lộn xộn giữa thế giới Ả Rập và các tộc người thiểu số như Kurd với một đế chế của thế giới Hồi giáo cũ đang đứng giữa những giao tranh của phương Đông và phương Tây, Kitô giáo và Hồi giáo, Atatürk đã tạo được những thay đổi vĩ đại. Và câu chuyện cuộc đời ông thật sự là một huyền thoại về “một con người vừa được tôn sùng vừa đáng khiếp sợ”.
- Trích Lời mở đầu: "Atatürk: Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại" của Mr. Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books
----
"Ngày nay, Atatürk được biết đến như một nhà cải cách theo hướng phương Tây triệt để. Mô tả này đúng nhưng chưa đủ. Ông học tập và đưa vào các giá trị phương Tây nhằm đưa quốc gia của ông vươn lên ngang hàng với những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, vốn phần lớn nằm ở phương Tây. Nhưng mục đích của ông không phải là bắt chước phương Tây, mà để tham dự vào một nền văn minh toàn cầu - cũng như các nhà tư tưởng Khai sáng châu Âu, ông nhìn nhận điều này như là sự tiến bộ của nhân loại, không phân biệt tôn giáo cũng như sự chia rẽ do tôn giáo gây ra. Ông tin rằng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thực sự cần mỗi quốc gia tiến hành cho chính mình, dựa trên những lý tưởng thế tục phổ quát là tiến bộ chung của nhân loại, và do đó không mang ý nghĩa là sự đối đầu với những quốc gia tiên tiến nhất" - Andrew Mango
Andrew Mango sinh ra tại Istanbul. Từ năm 1947 đến năm 1986, ông làm việc tại BBC, nghỉ hưu trên cương vị Trưởng Ban Ngôn ngữ Nam Âu và Pháp. Từ đó, ông dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hiện sống tại London.
----
Sau đây ad sẽ trích dẫn một số nội dung trong sách:
----
Cuộc xung đột giữa các tư tưởng bảo thủ và cấp tiến, giữa truyền thống Hồi giáo và tư duy tự do châu Âu đã để lại dấu ấn trong cuộc đời Atatürk ngay từ nhỏ. Không có gì bất ngờ khi mẹ ông nghiêng về các quan điểm truyền thống, và sự mộ đạo mang tới cho bà biệt danh 'molla'. Bố ông, Ali Riza, một công chức dân sự bậc thấp lại luôn để mắt tới cơ hội, tin vào sự cải cách. Sau này Atatürk từng nói:
"Ký ức thơ ấu đầu tiên của tôi liên quan tới việc chọn trường. Việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa bố mẹ tôi. Mẹ tôi muốn tôi tới trường [dạy kinh Koran] gần nhà sau những buổi cầu nguyện đầu tiên. Bố tôi, một công chức trong ngành [hải quan và] thuế vụ lại muốn cho tôi vào học trường mà Semsi Efendi mới mở, để tôi được giáo dục theo cách mới. Cuối cùng, bố tôi tìm được một giải pháp thông minh. Đầu tiên, tôi học tại trường gần nhà và thực hiện nghi lễ thông thường. Chuyện này làm mẹ tôi hài lòng. Vài ngày sau, tôi rời ngôi trường gần nhà và vào học trường Semsi Efendi."
----
Trong bài phỏng vấn về cuộc đời mình, Atatürk nói khi rời khỏi trường dự bị dân sự, ông quyết định vào học tại trường dự bị quân sự ở Salonica, vì muốn mặc bộ quân phục kiểu phương Tây bảnh bao của các học viên sĩ quan. Người con trai của một gia đình láng giềng (hoặc có thể là chủ nhà nơi gia đình Mustafa trọ), Thiếu tá Kadri, đã theo học tại trường quân sự, và cậu bé Mustafa rất ghen tị với anh ta. Sau này Atatürk có nói với người cộng sự Kiliç Ali rằng khi còn là một cậu bé, ông không thể chịu nổi việc phải mặc cái quần kiểu phương Đông ống rộng thùng thình, được thắt bằng một cái khăn dành cho các nam sinh ở trường Semsi Bey. “Phải đến khi vào học trường dự bị quân sự và mặc lên người bộ quân phục, cảm giác về sức mạnh mới đến với tôi, như thể tôi đã trở thành chủ nhân của chính mình.” Mẹ ông, Zübeyde, nói với Kiliç Ali: “Mustafa của tôi rất có cá tính trong chuyện ăn mặc, thậm chí từ khi còn nhỏ. Nó cư xử và nói năng với người khác như một người trưởng thành. Nó nhìn xuống đám trẻ láng giềng chơi ngoài phố… Tất cả chúng tôi đều để ý thấy cách nó nói, đầu ngẩng lên, hai bàn tay đút túi quần.” Zübeyde tiếp tục mô tả về con trai mình như một cậu bé nhẹ nhàng, bẽn lẽn và được láng giềng yêu mến. Từ khi còn nhỏ, Atatürk tỏ rõ vẻ kiêu hãnh; sự dè dặt của ông chỉ những ai cùng làm việc mới thấy. Hasan Riza Soyak, thư ký của ông, từng nói, “theo các bác sĩ của ông, ông là người bị chứng mất ngủ, táo bón và dè dặt.” Hai chứng bệnh đầu tiên xuất hiện muộn về sau này, còn đặc điểm cuối cùng luôn hiện hữu từ đầu. Cũng rõ ràng không kém là ngay từ khi còn rất nhỏ, Atatürk đã ghét những biểu hiện bề ngoài của đời sống phương Đông, và mong muốn được giống như một sĩ quan, một quý ông phương Tây.
----
Giáo dục quân sự càng làm mạnh mẽ hơn trong ông tính khí đầy kiêu hãnh. Là nam giới duy nhất còn lại trong gia đình vắng bóng người cha, nên Atatürk là nhân vật quan trọng nhất trong nhà. Sau này Atatürk kể lại:
"Có một cá tính tôi đã có từ hồi bé. Trong ngôi nhà nơi tôi sống, tôi chưa bao giờ thích dành thời gian với em gái hay một người bạn. Kể từ hồi nhỏ, tôi đã luôn thích một mình và độc lập hơn, đó là cách tôi vẫn luôn sống. Tôi còn một cá tính khác: tôi chẳng bao giờ có chút kiên nhẫn nào với những lời khuyên hay quở trách của mẹ tôi – bố tôi đã mất từ rất sớm – chị tôi, hay của bất cứ người thân gần gũi nào áp đặt lên tôi theo cách nhìn nhận của họ. Những ai sống cùng gia đình đều biết mình chẳng bao giờ thiếu những lời cảnh báo vô hại và chân thành từ mọi phía. Chỉ có hai cách để đón nhận chúng. Hoặc bạn nghe lời, hoặc bạn lờ tịt tất cả những lời khuyên và quở trách này đi. Tôi tin cả hai cách đều không đúng. Làm sao bạn có thể nghe lời được? Lưu tâm tới những lời cảnh cáo của một người mẹ hơn tôi hai mươi hay hai mươi lăm tuổi, như thế chẳng phải là lui lại quá khứ sao? Nhưng nổi loạn sẽ làm phiền muộn trái tim và khối óc của người mẹ vốn kiên định với niềm tin về đức hạnh, sự chân thành và các phẩm chất cao cả khác của người phụ nữ. Nhưthế cũng không đúng. Tình thế khó xử tự nó được giải quyết, Atatürk nói tiếp, “mẹ và em gái tôi tin vào hoạt động cách mạng tôi thực hiện và phụng sự tôi."
----
Giáo dục trong tất cả các trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ thời đó – và ngay cả hiện tại, ở một mức độ phổ biến – đều thông qua học thuộc lòng. Để giúp học sinh học thuộc các bài giảng, giáo viên sẽ chỉ định một trong số các học sinh đọc đi đọc lại bài nhiều lần. Điều này bắt chước theo cách người Pháp sử dụng các répétiteurs (tại nước Thổ Ottoman được gọi là müzakereci). Theo lời Atatürk, có một hôm thầy dạy toán muốn tìm học sinh tình nguyện làm répétiteur. “Thoạt đầu tôi do dự,” Atatürk kể lại vào năm 1922. “Nhận thấy những bạn học đứng lên xung phong thuộc loại người nào, tôi muốn ngồi yên hơn. Nhưng vì từng phải nhắc lại bài theo một anh chàng như thế, tôi không thể chịu nổi chuyện đó thêm lần thứ hai. Tôi đứng dậy nói với thầy, ‘Em có thể làm tốt hơn thế.’ Thầy giáo cử tôi làm répétiteur, và cậu bạn xung phong trước tôi đành phải nhắc lại bài theo tôi.”
Câu chuyện thứ hai gắn với huyền thoại về Atatürk cho biết bằng cách nào ông có cái tên thứ hai và trở nên được biết tới dưới tên gọi Mustafa Kemal. Ở trường quân sự, theo lời Atatürk kể, ông bắt đầu đặc biệt quan tâm đến toán học. “Tôi nhanh chóng sánh ngang, thậm chí còn vượt trội hơn ông thầy dạy toán của chúng tôi về kiến thức liên quan tới môn học này. Tôi bắt đầu làm những bài toán vượt xa chương trình học trên lớp. Tôi thường viết ra các câu hỏi, và thầy giáo sẽ giải đáp cũng bằng cách viết ra. Tên thầy là Mustafa. Đến một hôm, thầy quay sang tôi và nói: ‘Cậu bé, tên em là Mustafa và tên tôi cũng thế. Như vậy không ổn. Cần phải có sự phân biệt nào đó. Từ bây giờ em sẽ được gọi là Mustafa Kemal.’ Và vì thế mà tôi được gọi bằng cái tên này từ dạo ấy.
----
Mustafa Kemal kết hợp những biến động chính trị với sự tập trung trong học tập quân sự. Ông đang định hình bản thân thành quân nhân chuyên nghiệp có ý thức và tham vọng chính trị. Trong mọi trường hợp, ông cũng không thấy bất cứ mâu thuẫn nào giữa chính trị và binh nghiệp. Cả hai cùng phục vụ một mục đích - bảo vệ quốc gia. Mustafa Kemal được xếp hạng 27 trong số hơn 700 học viên sĩ quan vào cuối năm thứ nhất. Ông vươn lên vị trí 11 vào cuối năm thứ hai, và tốt nghiệp ở vị trí thứ 8 vào năm cuối, khi ông được phong hàm trung uý bộ binh với số hiệu sĩ quan là 1474. Ông khi đó 21 tuổi và đã đạt được mục tiêu trước mắt của mình - được nhận vào Học viện Tham mưu, nơi đặt cơ sở cần thiết cho một sự nghiệp chỉ huy cao cấp.
----
Mustafa Kemal bắt đầu chiêu nạp thành viên cho chi hội Salonia thuộc Hội Tổ quốc và Tự do của ông. Theo lời kể của Afet, những người được chiêu nạp đầu tiên là bạn học cũ của ông, nhà hùng biện Omer Naci và bạn của ông này, sĩ quan pháo binh Husrev Sami, cùng ba giảng viên tại các trường quân sự. Chi hội được chính thức thành lập trong một cuộc gặp gỡ tại nhà Hakki Baha. Mustafa Kemal nói tại buổi lễ:
"Hôm nay, họ muốn cắt rời Macedonia và toàn bộ Balkan khỏi Tổ quốc ta. Đất nước chúng ta đang thực sự chịu ảnh hưởng và bị thống trị một phần bởi người nước ngoài. Sultan là một nhân vật đáng căm thù, đắm chìm trong lạc thú và chuyên quyền, sẵn sàng làm những việc hạ đẳng nhất. Dân tộc đang bị ách độc tài và chuyên chế huỷ hoại. Ở đâu không có tự do, ở đó chỉ có chết chóc và huỷ diệt".
----
Mustafa Kemal sau này kể lại biến cố đã thay đổi dòng chảy cuộc đời ông:
"Sau khi tốt nghiệp Học viện Tham mưu với hàm đại uý, chúng tôi thuê một căn hộ dưới tên một người bạn để xử lý tốt hơn những công việc chính trị của chúng tôi trong thời gian ở Istanbul. Chúng tôi thỉnh thoảng tổ chức họp. Nhưng nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị theo dõi và biết rõ. Vào lúc này một người bạn cũ là Fethi, người đã bị thải hồi khỏi quân đội, đến gặp chúng tôi. Anh ta đề nghị chúng tôi giúp, nói rằng không còn một xu dính túi và không có nơi nào để ngủ. Chúng tôi quyết định giúp đỡ và để anh ta ở lại căn hộ. Chúng tôi tới gặp anh ta hai ngày sau theo đề nghị của anh. Khi tới theo lời hẹn, tôi bắt gặp một sĩ quan phụ tá từ văn phòng của sultan ở bên anh ta. Một người tên là Ismail Hakki đang ở trong căn hộ. Bọn họ đưa anh này đi ngay. Một ngày sau, họ bắt chúng tôi. Tin lộ ra cho hay Fethi là một nhân viên mật vụ của Ismail Pasa. Tôi bị biệt giam trong một thời gian. Sau đó, người ta đưa tôi tới văn phòng của sultan và thẩm vấn tôi. Ismail Pasa, chánh văn phòng và một người để râu Mehmet Pasa có mặt ở đó. Chúng tôi nhận ra mình bị buộc tội phát hành một tờ báo, duy trì một tổ chức bí mật... Các đồng sự của chúng tôi đã thú nhận. Chúng tôi bị giam trong tù vài tháng rồi được trả tự do. Vài ngày sau, tất cả các sĩ quan tham mưu mới được phong quân hàm được gọi tới Bộ Tổng tham mưu. Chúng tôi sẽ được phân đều về Edirne và Salonica, nghĩa là về các Tập đoàn quân 2 và 3, hồi đó đang đóng quân ở những nơi này. Người ta nói với chúng tôi rằng sẽ tổ chức rút thăm, trừ khi chúng tôi có thể tự thống nhất về việc mình sẽ đi đâu. Tôi ra hiệu cho các đồng chí của mình; chúng tôi thảo luận một lát, và sau đó chọn ra những người sẽ về các Tập đoàn quân 2 và 3. Nhưng họ lại coi hành vi của chúng tôi là bằng chứng của âm mưu. Họ tống tôi tới Syria để huấn luyện cùng một đơn vị kỵ binh."

Các bạn vui lòng tìm đọc toàn bộ cuốn sách để hiểu rõ hơn. :)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lãnh tụ Đảng nhiều thế hệ xa rời quần chúng, vô nguyên tắc, bất tài

    01/09/2010Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên
    tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu
    phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng
    ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa...
  • Đôi mắt đại bàng trong tầm nhìn lãnh tụ

    19/12/2008Tương LaiTrong dòng chảy bất tận của thời gian, có những thời điểm xuất hiện những con người đáp ứng một cách tuyệt vời đòi hỏi đã chín muồi của lịch sử, người ta gọi đó là sự xuất hiện của thiên tài.