60 triệu đô la và tháng 12

06:48 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Mười, 2010
Trong suốt tháng 8 và 9-2010 Crédit Suisse Singapore, công ty đứng ra thu xếp cho tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin vay 600 triệu đô la Mỹ với lãi suất Libor cộng 1,5%/năm vào năm 2007, đã liên tục gửi thư cho Vinashin yêu cầu giải thích, cung cấp, hoặc làm rõ thông tin về tình hình kinh doanh cũng như tái cơ cấu và khả năng trả nợ của tập đoàn.

Trong lá thư gần nhất ngày 22-9-2010, thay mặt cho các chủ nợ chính gồm các tổ chức Credit Suisse, Standard Chartered Bank, DEPFA Bank, Elliot VIN và National Bank of Kuwait, Credit Suisse đề nghị một cuộc họp giữa hai bên tại Hà Nội vào ngày 12-10-2010. Khoản vay trên có thời hạn tám năm và nó chưa đến kỳ trả nợ. Điều gì khiến các chủ nợ “nóng lòng” như thế?

16.000 tỉ đồng từ PetroVN và Vinalines

Ngày 3-8-2010, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin ông Nguyễn Hồng Trường ký một văn bản trả lời các chủ nợ về quá trình tái cơ cấu tập đoàn. Văn bản nhấn mạnh một trong những mục tiêu của việc tái cơ cấu là Vinashin tôn trọng tất cả các cam kết và nghĩa vụ (ở đây có thể hiểu là trả các khoản vay). Văn bản cũng liệt kê những bước thực hiện để đạt các mục tiêu, trong đó đáng chú ý là những khoản tiền ấn tượng mà Vinashin đã và sẽ được nhận.

Trong đó, khoản lớn nhất là số tiền Vinashin sắp nhận được, đến 16.000 tỉ đồng từ Vinalines và PetroVN do việc chuyển nhượng tài sản, kể cả một số công ty con, cho hai đơn vị trên. Dự kiến PetroVN và Vinalines sẽ chuyển cho Vinashin số tiền đầu tiên trị giá 3.000 tỉ đồng trong số 16.000 tỉ đồng vào tháng 10-2010.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, Vinashin còn nhận được hàng loạt hỗ trợ về cơ chế như miễn thuế đến tận tháng 12-2011 cho những dự án đóng tàu chưa hoàn tất và dự án công nghiệp bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ, tập đoàn sẽ đóng 20 tàu cho Vinalines. Để làm yên lòng các chủ nợ, Vinashin khẳng định rằng việc tái cấu trúc một tập đoàn lớn như họ đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực. Nhưng dường như những lý giải mang sức nặng tài chính này chưa thật sự thuyết phục các tổ chức cho vay nước ngoài.

Dấu hỏi tháng 12

Điểm nhấn trong khoản vay 600 triệu đô la của Vinashin nói trên là phương thức trả nợ. Theo khoản 6.1, điều 6, mục 4 của hợp đồng ngày 24-5-2007 của Vinashin và Crédit Suisse, bên vay bắt đầu trả nợ 10% giá trị khoản vay từ tháng thứ 42 kể từ ngày sử dụng vốn. Kể từ thời điểm này trở đi, cứ sáu tháng một lần Vinashin trả tiếp 10% khoản vay tức 60 triệu đô la Mỹ/lần.

Ở trang 46 và 47 Báo cáo tài chính năm 2009 của Vinashin được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập KPMG, Vinashin cũng giải thích rõ điểm này, và cho biết ngày tiếp nhận vốn vay là 26-6-2007. Như vậy ngày 26-12-2010 tới đây Vinashin sẽ phải trả 10% đầu tiên, tức 60 triệu đô la Mỹ và vào ngày 26-6-2011 sẽ trả nợ tiếp 60 triệu đô la Mỹ nữa. Việc trả nợ cứ như thế và kết thúc cho đến khi đáo hạn.

Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo tài chính trang 47, thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay và bên vay cho thấy bên cho vay có thể tuyên bố mất khả năng chi trả (default) đối với bên vay và toàn bộ khoản tiền sẽ phải hoàn trả ngay lập tức trong trường hợp hoặc Chính phủ Việt Nam không còn nắm giữ 100% vốn của Vinashin; hoặc công ty mẹ (ở đây là Vinashin) không còn là “mẹ” của một trong số 21 công ty con trực thuộc cùng đứng tên vay tiền.

Các chủ nợ lo lắng vì hiện nay một số trong số 21 công ty con này đã được chuyển giao cho PetroVN hoặc Vinalines. Chẳng hạn Nhà máy đóng tàu Vinashin Dung Quất được chuyển cho PetroVN, Công ty vận tải Biển Đông được chuyển cho Vinalines...

Phải trả 60 triệu đô la Mỹ trong hơn hai tháng nữa đối với Vinashin là điều không dễ dàng ở thời điểm hiện tại. Trong cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 30-10-2010, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin Nguyễn Hồng Trường nói rõ Vinashin còn nợ Ngân hàng Natixis 25 triệu đô la Mỹ và khoản nợ đã quá hạn hai tháng.

Bây giờ Natixis yêu cầu Vinashin trả ngay 3 triệu đô la Mỹ và Vinashin phải xin Chính phủ “cứu trợ”. Ba triệu đô la Mỹ Vinashin còn không tự trả được, thì khả năng trả 60 triệu đô la Mỹ sắp tới sẽ sao đây? Và vì sao Vinashin xin vay tới 300 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế năm 2010? Phải chăng là để chuẩn bị dành một phần trả khoản 60 triệu đô la Mỹ vào tháng 12?

Vinashin đang khó khăn, các chủ nợ đều biết như thế. Nhưng khó khăn không có nghĩa là không trả nợ. Một tổ chức tài chính nước ngoài nói với TBKTSG: “Chúng tôi và các ngân hàng chủ nợ đang rất băn khoăn. Nếu 10% khoản nợ không được trả vào ngày 26-12 tới, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro vì năm tài chính kết thúc và kiểm toán vào làm việc ngay sau đó. Hơn nữa, các ngân hàng sẽ nhìn vào việc trả nợ của Vinashin để xem xét các khoản vay của các tập đoàn kinh tế khác của Việt Nam. Lãi suất, thời hạn vay và các điều kiện ân hạn khác cho những đối tượng vay khác sẽ khó mà thuận lợi một khi Vinashin không trả đúng hạn”.

Trong khi đó, giá trái phiếu quốc tế của Vinashin phát hành vẫn đang tiếp tục “rơi”. Theo Financial Market Research của Ing Bank ngày 5-10-2010, giá trái phiếu Vinashin loại 3.000 tỉ đồng do Deutsche Bank tư vấn phát hành tháng 4-2007, lãi suất 9%/năm, đáo hạn năm 2017, được giao dịch với giá bằng 63,07% so với mệnh giá (mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, thì giá giao dịch là 630.070 đồng/trái phiếu).
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi chính phủ “đi buôn”

    27/08/2019TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB ĐứcTừ khi nước ta chuyển qua mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, mọi doanh nghiệp phải thực hiện chức năng kinh doanh đích thực, do quy luật kinh tế thị trường đòi hỏi, nghĩa là vì mục đích lợi nhuận; nghiệp vụ kinh doanh mua và bán được trả lại đúng nghĩa đi buôn của nó, với tiêu thức lưạ chọn, mua sao cho thật rẻ, bán sao cho thật đắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở ta phải tuân theo định hướng XHCN, cơ bản vẫn được điều hành theo mô hình kinh tế quản lý tập trung trước đây, nên như Vinashin mua và bán vẫn phải xin quyết định của chính phủ...
  • Khi vay nợ nước ngoài không được quản lý

    28/03/2014Võ Tá HânTại sao chính phủ Indonesia lại có thể để cho tình trạng tư nhân vay nợ trở nên tệ hại đến như vậy? Nói chung tất cả đều bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 1980 khi chính phủ Indonesia thay đổi chính sách và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân nắm vai trò chủ động trong guồng máy kinh tế quốc gia...
  • Tái cơ cấu Vinashin theo hướng nào?

    24/09/2010Lê Văn TứĐến nay, kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa được công bố, ngoài một vài thông tin lẻ tẻ cho thấy việc tái cơ cấu đã khởi động. Vì thế lòng dân không yên, bởi mọi tổn thất mà Vinashin đã gây ra, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ do người dân chịu...
  • Vinashin và lỗ hổng tài chính

    16/09/2010Anh VũSau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay...
  • Để không còn một Vinashin

    04/09/2010Nguyễn Ngọc BíchVượt qua những sự xúc động khác nhau đối với Vinashin, tôi xin giải thích tình trạng của nó theo quan điểm quản trị kinh doanh hay quản trị xí nghiệp (business management) để hy vọng trong tương lai sẽ không còn một vụ như thế...
  • Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin

    26/08/2010Phùng Hoàng CơChúng ta hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì?
  • Đóng tàu để làm gì?

    24/08/2010Đỗ Thái BìnhKhi bàn về sự cần thiết phải có biện pháp cứu Vinashin người ta thường nói chung chung tới chiều dài 3200 km đường biển, coi như có biển dài, nhất định phải có công nghiệp đóng tàu. Điều đó không sai, nhưng đâu phải cứ có biển dài là phải đóng tàu xuất khẩu, phải trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp đóng tàu của thế giới...
  • Thuyền Rùa và thuyền Cổ lâu

    17/08/2010Đỗ Thái BìnhĐọc cuốn tự truyện kể lại đời mình của ông chủ tập đoàn Hyundai, có lẽ ai cũng phải xúc động trước ý chí, quyết tâm dời non lấp biển của Chung –Ju-Yung. Sau những thành công trong xây dựng, chàng thợ hồ học vấn tiểu học ở tuổi năm 55 nhảy sang lĩnh vực đóng tàu. Cần có số vốn 80 triệu đô la để dựng nhà máy, Chung đã sang London, cố thuyết phục Ngân hàng Barclays. Bằng cấp anh đâu? Quá trình kinh nghiệm đóng tàu của anh đâu?
  • Sửa chữa những khuyết tật qua chuyện Vinashin

    01/08/2010Khánh Linh - Việt LamPhải thấy rằng câu chuyện Vinashin là do sơ xuất của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để sửa chữa những khuyết tật của mô hình tập đoàn thời gian qua thì cả hệ thống phải thống nhất ý chí và hành động – Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Invest Consult nhận định...
  • Nói gì về Vinashin lúc này?

    24/07/2010Đỗ Thái BìnhTrước tình hình Vinashin hiện nay, các nhà quản lý đất nước cần có những quyết định dứt khoát: đóng cửa các cơ sở, dự án chỉ cốt chơi trội; tập trung mọi nguồn lực cho các cơ sở, dự án gắn liền với yêu cầu vận tải, đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển; cố cứu giữ các thành quả công nghệ vừa thu lượm được dù với giá rất đắt do đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, đặc biệt là các lớp kỹ sư và công nhân vừa được chạm tay tới nhiều công nghệ mới; duy trì và phát huy các thiết bị công nghệ mới rất đắt tiền, kể cả cần bố trí, phân phối lại, bổ sung cho phù hợp.
  • xem toàn bộ