Nghiên cứu triết học cơ bản
- Tên sách: Nghiên cứu triết học cơ bản
- Tác giả : Lý Chấn Anh
- Dịch giả : Nguyễn Tài Thư
- Số trang : 608 trang
- Khổ sách : 14,5x20,5 cm
- Loại bìa : Mềm
- Phát hành : Cty Sách Phương Nam
- Năm xuất bản : 2008
Tập sách mang hai công năng: giới thiệu những nguyên lí triết học, đồng thời phát triển tư tưởng triết học nhân bản toàn diện mà Lý Chấn Anh chủ trương (...) về công năng của triết học chính là công việc hoàn thiện, thăng tiến con người: một con người toàn diện gồm trí năng, đức năng, mĩ cảm và thánh năng. Công năng triết học này không chỉ giải đáp câu hỏi “con người là gì?”, mà quan trọng hơn nữa, trả lời câu hỏi “tại sao làm người?”
Lời giới thiệu
Tại Trung Quốc, Đài Loan và những cộng đồng người Hoa, Giáo sư Lý Chấn Anh được biết đến như là một học giả, một nhà giáo dục nghiêm túc, nhiệt tâm đầy sức sáng tạo và một nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực.[1] Trong cuộc đời nhà giáo, Viện sĩ họ Lý đã hoàn tất trên 30 tác phẩm, trong đó có bộ sách đồ sộ gồm 7 quyển Nhân dữ Thượng Đế được coi như là một nghiên cứu đáng giá để đời.[2] Ngoài ra, Nghiên cứu Triết học cơ bản mà độc giả đang cầm trên tay cũng là một tập sách được sinh viên yêu thích, và được nhiều học giả thảo luận[3] Không chỉ là một học giả, nhà giáo, thi sĩ, Lý tiên sinh trước hết là một tư tưởng gia và nhà hoạt động xã hội cứu nhân độ thế. Nhiều đại học, học viện tại Trung Quốc, Đài Loan và Hương Cảng*, rất nhiều tổ chức xã hội đã nhận được sự giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất của cụ. [4] Nói tóm lại, Lý Chấn Anh là một người quân tử theo đúng nghĩa.
(...)
Nhân chi Vị bản hay Cơ bản Triết học
Nghiên cứu Triết học cơ bản xuất bản năm 1979, tái bản và bổ túc nhiều lần, vốn được phát triển từ những lớp triết học căn bản tại hai Đại học Phụ Nhân và Đại học Quốc lập Chính trị nơi Lý giáo sư từng giảng dạy nhiều năm. Tập sách mang hai công năng: giới thiệu những nguyên lí triết học, đồng thời phát triển tư tưởng triết học nhân bản toàn diện mà cụ chủ trương.[5] Điều mà tôi muốn bàn tới nằm ở điểm sau, tức về công năng của triết học chính là công việc hoàn thiện, thăng tiến con người: một con người toàn diện gồm trí năng, đức năng, mĩ cảm và thánh năng.[6] Công năng triết học này không chỉ giải đáp câu hỏi “con người là gì?”, mà quan trọng hơn nữa, trả lời câu hỏi “tại sao làm người?”.
Trong Đặc san Triết học dữ Văn hóa số 305 (1999) mừng lễ thượng thọ 70 tuổi của Lý tiên sinh, ban biên tập (gồm 12 giáo sư học giả tại Đài Loan, Mĩ và Canada) đã lấy tiêu đề “Nhân bản toàn diện” để nói lên nền triết học của Lý Chấn Anh. Vậy thì, nhân bản toàn diện là gì? Tại sao nhân bản toàn diện lại là nền căn cơ của triết học? Tại sao nền nhân bản toàn diện lại gắn liền với hai câu hỏi “con người là gì?” và “tại sao làm người?”, trả lời những câu hỏi này tức là trả lời một cách gián tiếp sứ điệp mà Lý tiên sinh muốn gửi tới độc giả trong tác phẩm Nghiên cứu Triết học cơ bản của cụ.
Tôi xin được bắt đầu với câu hỏi thứ hai về sự tương quan giữa triết học và nền nhân bản toàn diện. Theo Lý Chấn Anh, câu hỏi này đòi buộc ta phải truy tầm nền tảng căn bản của triết học. Nếu căn cơ triết học chính là con người, thì câu hỏi căn bản hơn nữa phải là, con người là gì? và tại sao là con người? Những câu hỏi như vậy thoạt xem có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thực ra rất quan trọng. Chúng dẫn tới một câu hỏi khác về sự khác biệt giữa người với sự vật, người với sinh vật và động vật, người với thần linh, cũng như giữa con người với nhau. Chúng bắt ta phải suy tư về chính nguyên nhân, mục đích cũng như động lực khiến nhân loại tiến hóa, khiến con người đấu tranh để trở thành người. Chúng giúp con người kiến tạo một thế giới xứng đáng là thế giới nhân loại, giúp chúng ta nhận ra quyền làm người của mình. Nói cách khác, căn bản của triết học chính là những giải đáp cho câu hỏi “con người là gì?” và nhất là câu hỏi “tại sao làm người?”. Chúng mới chính là những câu hỏi then chốt giải thích lịch sử nhân loại. Câu trả lời cho câu hỏi “con người là gì?” đã được rất nhiều triết gia bàn tới. Riêng Lý Chấn Anh đặt trọng tâm vào câu hỏi “tại sao làm người?”. Theo họ Lý, câu trả lời cho câu hỏi sau bổ túc cho câu trả lời về câu hỏi “con người là gì?” mà Kant, Heidegger và nhiều triết gia khác đã đưa ra trước đây.[7]
Nếu “con người là gì?” đòi ta phải nhận ra những bản chất (essences) chung của loài người, và nếu những bản chất chung này là chuẩn mực để ta xác quyết con người trung thực như triết học phương Tây (nói chung) nhận định, thì công việc chính của triết học (mà trường phái thực nghiệm, duy nghiệm và duy lí đeo đuổi) chỉ là một công việc diễn tả, phân tích, xác định những bản chất chung đó mà thôi. Họ sẽ nhận ra một loại người, một giống người đồng chất, đồng tính, cố định và phổ quát. Và từ đó, họ sẽ xây dựng những định nghĩa tương tự như “con người là một động vật có lí tính”, “con người là một động vật có ngôn ngữ”, hay “con người là một con vật xã hội” v.v... Những khái niệm “động vật”, “ngôn ngữ”, “lí tính”, “xã hội” là những khái niệm nói lên bản chất chung của con người. Thế nhưng, nói cho cùng, những định nghĩa này chẳng cho chúng ta biết thêm về con người là bao, và nhất là chẳng làm cho chúng ta biết gì về chính mình, về mỗi con người, mỗi chủ thể. Ngược lại, chính những định nghĩa trên lại hạn chế sự hiểu biết về con người. Nguy hiểm hơn cả, chúng gạt bỏ chính con người chân thật, và bóp méo tính chân thật này. Nếu tất cả mọi người đều như nhau, thì chúng ta mỗi người có khác chi đồ hộp, hay một “lũ” động vật? Và nền giáo dục chỉ còn là một loại “huấn luyện” (training) giống như luyện tập súc vật. Chủ nghĩa duy hành vi (behaviourianism) đã chẳng chủ trương như thế hay sao? Thứ tới, bất cứ định nghĩa nào cũng không thể nói lên tính chất trung thực của con người. Tính chất trung thực của con người nằm ở trong tính tự do, sự khai mở tiếp thu những gì mới lạ,[8] chứ không phải là những đặc tính chung chung thấy nơi mọi người, mọi vật. Thế nên, định nghĩa con người là một sinh vật hay động vật có lí tính đã không chỉ hạn hẹp con người vào trong lĩnh vực lí tính, mà còn bóp nghẹt hay vứt bỏ con người cảm tính. Vấn nạn nơi đây không phải chỉ là sự mơ hồ của lí tính mà thôi, mà nghiêm trọng hơn, đó là có phải con người cảm tính không phải là người? Khi phê bình tất cả những lí thuyết duy nghiệm, duy lí, duy tâm, duy vật và duy linh, Lý Chấn Anh dựa theo nguyên lí: “Tri chi nhi tri chi, bất tri nhi bất tri.” Chúng ta không thể hoàn toàn nắm được câu trả lời cho câu hỏi “con người là gì?”. Ngược lại, ta phải công nhận là chính sự hiện hữu của con người bắt buộc ta phải chấp nhận tính chất hạn hẹp, bất tri (bất tri nhi bất tri). Và như vậy, chúng ta bắt buộc phải đổi hướng đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao làm người?”. Đó chính là câu hỏi định mệnh nền tảng của triết học.
(...)
Trần Văn Đoàn
Giáo sư Triết học, Đại học Quốc gia Đài Loan
(Trung Hoa Dân Quốc) và Đại Học Salzburg (Áo)
Giáo sư Thỉnh giảng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
(Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh).
[1] Lý Chấn Anh, bút hiệu Lý Chấn sinh năm 1929 tại Thiên Tân (Trung Quốc). Sau Trung học, ông nhận được học bổng du học tại châu Âu, bậc Cử nhân và Thạc sĩ Triết học tại ĐH Urbanium (Rome, Italia), Tiến sĩ Triết học năm 1961 tại ĐH Sacre Cuore (Milan, Italia). Từ năm 1962, Lý tiên sinh bắt đầu giảng dạy triết học tại các trường đại học như ĐH Phụ Nhân, ĐH Quốc lập Thành Công và ĐH Quốc lập Chính Trị. Năm 1977, Lý tiên sinh được phong chức Giáo sư tại Đại học Phụ Nhân. Năm 1991, ông được bầu vào chức Giám đốc ĐH Phụ Nhân. Năm 1993, Lý tiên sinh được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm St. Thomas tại Rome (Italia), đồng thời kiêm Tổng chủ biên Bộ Đại Từ thư Triết học Trung Quốc. Từ năm 1999, Lý Viện sĩ xin về hưu. Không màng danh lợi, tiên sinh là học giả duy nhất tại Trung Quốc từ chức Giám đốc Đại học và chức Giáo sư Trọn đời (Professor for Life). Từ khi về hưu, tiên sinh vẫn tiếp tục đảm nhiệm giảng dạy không lấy thù lao tại nhiều đại học và học viện tại Trung Quốc (ĐH Nam Khai, ĐH Vũ Hán, ĐH Sư phạm Hoa Đông, v.v...). Về Niên biểu và Tác phẩm của Lý Chấn Anh, xin tham khảo Triết học dữ Văn hóa, số 305 (10.1999), ctr. 982-996.
[2] Lý Chấn, Nhân dữ Thượng Đế (Đài Bắc, Nhà xuất bản Đại học Phụ Nhân, 1983-2006). Về bộ sách này xin tham khảo các bình luận của Thẩm Thanh Tòng, Hạng Thối Kết và của chúng tôi: Trần Văn Đoàn, “Vô Thần Chủ Nghĩa dữ Hư Vô Chủ Nghĩa – Bình Lý Chấn Giáo Thụ đích Thượng Đế Khứ Lưu dữ Trung Quốc Văn Hóa Tiền Đồ”. Trong Triết học dữ Văn hóa, (11.1983). Tái in trong Lý Chấn, Ưu Lự dữ Siêu Thăng (Đài Bắc, Nhà xuất bản Đại học Phụ Nhân, 1985), ctr. 129-142.
[3]Cơ Bản Triết Học xuất bản năm 1979. Cho tới nay, tập sách đã được tái bản nhiều lần. Bản dịch Việt ngữ Nghiên cứu Triết học cơ bản do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Thư (nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học) là bản thứ tư, đã được tác giả bổ túc rất nhiều. Vào dịp 70 tuổi, đồng nghiệp và môn sinh của Lý tiên sinh đồng biên khảo một đặc san chúc mừng (Festschrift) nói về tư tưởng cũng như sự nghiệp của cụ. Xin tham khảo Đặc San Triết Học dữ Văn Hóa, số 305 (10.1999): “Kính Chúc Lý Chấn Anh Giáo Thụ Thất Thập Thọ Khánh Đặc San.” Các đóng góp của các Giáo sư U Hôn Như, Lê Kiến Cầu (ĐH Phụ Nhân), Thẩm Thanh Tòng (ĐH Toronto), Phó Bội Vinh, Trần Văn Đoàn (ĐHQG Đài Loan) và Cao Lăng Hiệp (ĐH Vũ Hán), đa số đều bàn về những quan điểm triết học của Lý Chấn Anh trong tác phẩm Nghiên cứu Triết học cơ bản và bộ sách Nhân dữ Thượng Đế.
[4] Lý tiên sinh từng giúp rất nhiều tổ chức từ tế tại Trung Quốc và Đài Loan. Cụ cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Cụ cũng tặng học bổng cho học sinh người dân tộc Việt Nam tại Lâm Đồng. Về hưu, cụ bỏ tất cả số tiền hưu bổng tặng những tổ chức tư tế giúp người nghèo. Năm 2002, Lý viện sĩ từng thăm Việt Nam, tặng sách và giảng thuyết tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Viện Triết Học, Viện Con người cũng như Viện Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
[5] Về phần này, Giáo sư U Khôn Như đã giới thiệu một cách khái quát. Xin tham khảo U Khôn Như, “Từ Đại Tác Cơ Bản Triết Học Thảo Luận Kiến Lý Chấn Anh Giáo Thụ ‘Tri Tính Hình Thượng Học Thể Hệ”. Triết Học Dữ Văn Hóa, số 305, ctr. 907-913.
[6] Xin tham khảo Trần Văn Đoàn, “Lý Chấn Anh đích Thành Toàn Nhân Bản”. Triết Học dữ Văn Hóa, số 305, ctr. 945-961. Cũng xem thêm Trần Văn Đoàn, “The God of Chinese Humanism” Tạp chí Philơsophia (Manila, 2003) và trong William Sweet, ed., Philosophy, Culture and Pluralism (Canada: Editions du Scribe, 2002), ctr.. 49-68. Tái bản trong: Trần Văn Đoàn, Critical Essays on Asian Philosophy and Religion (Washington, D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 2006), Chap. VI, pp. 97-116.
[7] Để trả lời câu hỏi “Con người là gì?”, nhà triết gia vĩ đại Kant đòi buộc ta phải trả lời cho 3 câu hỏi căn cơ liên quan với năng lực nhận thức, năng lực đạo đức và năng lực phán đoán của con người: “Tôi có thể biết gì?”, “Tôi phải làm gì?” và “Tôi được phép hi vọng gì?”. Xin tham khảo Immanuel Kant, Kritik der reinen Vernunft – Phê phán lí tính thuần tuý, A 804 f., B 832 f.; Martin Heidegger, Kant und das Problem der Metaphysik – Kant và Vấn đề Siêu hình học (Frankfurt a. M.: Klostermann, 1951), tr. 187.
[8] Heidegger từng viết: “Bản chất của chân lý chính là tự do.” Xin tham khảo Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit - Về bản chất của sự thật (1961).
* Hương Cảng: Hong Kong (BT)
Mục lục sách
Lý Chấn Anh và nền triết học nhân bản toàn diện – Trần Văn Đoàn
Phần 1:Tìm hiểu tồn hữu và hư vô
Chương 1: Chính danh cho triết học cơ bản
Chương 2: Một số vấn đề liên quan đến triết học và khoa học
Chương 3: Giản sử của siêu hình học: Hi Lạp và thời Trung cổ
Chương 4: Sự đi lên của tư tưởng siêu hình
Chương 5: Tồn hữu và hư vô
Chương 6: Đặc tính siêu việt của Tồn hữu
Chương 7: Nguyên lí cơ bản của Tồn hữu
Chương 8: Tồn hữu, thực hiện và tiềm năng
Chương 9: Tồn hữu, bản chất và tồn tại
Chương 10: Bàn về phạm trù hoặc tìm hiểu vấn đề liên quan tới thể tự lập và thể phụ thuộc
Chương 11: Tìm hiểu cá thể và vị thể
Chương 12: Sơ lược bàn về thuyết phân hưởng của Thomas
Chương 13: Luật nhân quả
Chương 14: Lại bàn về vấn đề hư vô và ác
Phần 2: Tìm hiểu căn bản siêu việt của vạn hữu
Chương 15: Từ hữu hạn đến vô hạn – tìm hiểu năm con đường của Thomas
Chương 16: Luận chứng khác liên quan tới Thượng Đế tồn tại
Chương 17: Chất vấn của tư tưởng đương đại đối với sự khẳng định Thượng Đế tồn tại
Chương 18: Sự suy vong của siêu hình học và sự hình thành của chủ nghĩa vô hình cận đại
Chương 19: Bàn về bản chất của Thượng Đế
Chương 20: Lần thứ ba bàn về vấn đề hư vô và ác
Kết luận: Sự lựa chọn của con người hiện đại
Phụ chú
Tài liệu tham khảo
Một số trước tác riêng của Lý Chấn Anh
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Vật lý và triết học - Cuộc cách mạng trong khoa học hiện đại
09/12/2009David Lindley*No logo
02/11/2009Trần Hữu QuangQua con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn
27/10/2009Tư duy về “những kẻ khác”
24/10/2009Olivier Tessier - Nguyên Ngọc dịchKhám phá những “ván bài” của các thiên tài
22/10/2009Hoàng Thư