Xuất khẩu tri thức
Gần như trùng với các trận bóng đá Cup Tiger, có một người Việt nam lặng lẽ lấy taxi ra sân bay để đi Singapore dạy phương pháp luận sáng tạo và đổi mới. Người đó là tiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo khoa học - kỹ thuật, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia tp. HCM. Cuộc trò chuyện giữa Tuổi trẻ Chủ nhật và tiến sĩ Phan Dũng (Số 2-2003)
- Thưa tiến sĩ, thanh niên đi xuất khẩu lao động, còn ông đi Singapore xuất khẩu tri thức. Vậy là ông tự đi hay người ta mời? Và ai theo học ông?
- Cuối tháng 3/2002, ông T. H. San , giám đốc Học viện Công nghệ thiết kế (Design Technology Institute - DTI), có gửi cho tôi một lá thư làm quen. Ông cho biết có đọc một số bài báo khoa học của tôi đăng ở nước ngoài khi ông còn làm việc tại công ty Philips, ở thành phố Eindhoven, Hà Lan. Nay ông được cử làm giám đốc DTI - học viện do Đại học Tổng hợp quốc gia Singapore (National University of Singapore - NUS) và Đại học Tổng hợp kỹ thuật Eindhoven, Hà Lan liên kết thành lập và đặt tại NUS. Ông muốn đưa môn học phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTĐM) vào học viện của ông, sau đó mở rộng hơn đưa vào xã hội Singapore, kể cả các công ty, tổ chức, các trường phổ thông từ cấp tiểu học. Ông chính thức mời tôi sang Singapore giảng dạy và làm tư vấn dài hạn về PPLSTĐM.
Trước mắt, tôi nhanạ lời sang Singapore hai tuần trong tháng 12-2002 để dạy chương trình sơ cấp PPLSTĐM (60 h học), người học là các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của DTI.
Trong số 23 học viên chính thức có sáu tiến sĩ (hai trong số họ là phó giáo sư), 12 thạc sĩ và năm kỹ sư hoặc cử nhân. về chức vụ có hai người là phó giám đốc học viện, sáu kỹ sư trưởng, một người là hiệu phó một trường phổ thông. Về quốc tịch có 11 người Singapore, sáu người Trung Quốc, bốn người Malaysia, một người Ấn Độ và một người Hà Lan.
- Qua những lần giảng dạy PPLST ở nước ngoài, ông thấy các học viên của ông lần này ra sao?
- Các học viên tôi dạy ở nước ngoài đến nay đều là những người đang làm việc. Tôi rất khâm phục tinh thần, thái độ và hành động của họ. Lần này cũng vậy. Việc học tập diễn ra liên tục (hoặc hầu như ngày nào cũng học sáu giờ). Đã thế còn đủ các loại bài tập trên lớp, trình bày trước lớp, bài tập về nhà và viết báo cáo. Tóm lại, tôi thấy các học viên rất có tinh thần trách nhiệm và khát khao kiến thức.
- Cũng là đi xuất khẩu, vậy khi về ông có suy nghĩ gì?
- Xuất phát từ điểm của Singapore rất thấp về nhiều mặt, một hòn đảo nhỏ bé, nơi dài nhất khoảng vài chục cây số, không có các tài nguyên thiên nhiên gì, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu, dân số ít lại nhiều vấn đề về sắc tộc, tôn giáo. Vậy mà trong thời gian ngắn họ làm được cú nhảy kỳ diệu như lời của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu “Từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất”. Tôi cho rằng họ đã rất thành công trong việc luôn suy nghĩ và hành động hướng tới những gì hiện đại nhất trên thế giới một cách có chọn lọc.
- Vậy Singapore hiện đang hướng tới cái gì?
- Kinh tế tri thức mà sáng tạo và đổi mới là động lực (creativity and innovation). Thủ tướng Goh Chok Tong đã tuyên bố ý định biến Singapore thành một đất nước đổi mới (innovation nation). Khi sang Singapore trao đổi với các đồng nghiệp và qua một số bài báo, tôi cảm nhận được quyết tâm cùng những hành động chuẩn bị rất khẩn trương và bài bản của các bạn Singapore. Trong lúc đi đường đôi lần tôi có bắt gặp xe buýt thay vì sơn trên thành xe quảng cáo đủ loại, lại sơn khẩu hiệu “Keeping the knowledge-based economy moving” (tạm dịch: Giữ cho kinh tế dựa trên tri thức vận động). Ngay sau ngày dạy đầu tiên của tôi, ông phó giám đốc học viện có đề nghị tôi nói nhanh hơn và hỏi tôi có cách gì giảm bớt số giờ mà vẫn đạt yêu cầu, tôi trả lời nửa đùa nửa thật :”Tôi có phải người Anh, Mỹ hay Úc đâu mà có thể ói nhanh hơn được. Các ông cứ thử học PPLSTĐM bằng tiếng Việt đi, đố có thể theo kịp được tôi”. Ông ấy vẫn nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Đến khi tôi nói chân tình: “Dục tốc thì bất đạt”, bấy giờ mới thôi. Nói chung họ rất sốt ruột với những mục tiêu mà họ đề ra để vươn tới những gì hiện đại nhất.
- Chúng ta cũng đã nói về kinh tế tri thức mà sáng tạo và đổi mới là động lực...
- Tôi nghĩ chúng ta định hướng cũng tốt, chỉ có thực hiện là chưa như và bằng họ. Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện. Năm ngày đầu ở Singapore, tôi tình cờ ở chung khách sạn York với thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, giám đốc thư viện cao học của trường tôi, sang dự hội nghị quốc tế về áp dụng công nghệ cao vào các hoạt động của thư viện. Lúc rảnh hai anh em rủ nhau đi chơi và tất nhiên phải vào hiệu sách. Hiệu sách chúng tôi vào có tên là Kinokuniya, được giới thiệu là hiệu sách lớn nhất Đông Nam Á. Đúng là một “rừng sách”. Từ “rừng sách”, chúng tôi đến vườn sách với dòng chữ ghi trên các kệ “Sáng tạo và đổi mới”, ở đó có cơ man nào là sách có tựa chứa cụm từ trên. Giá sách toàn cỡ 20 đôla Singapore trở lên (1 đô Sing = 9000 VNĐ). Tôi hỏi anh Hiệp trong thư viện của anh có quyển sách nào tương tự về lĩnh vực này không, anh trả lời là không. Tôi nghĩ chắc không cần nói gì thêm.
- Ông đã nhiều lần đề nghị với cấp trên về việc cần đầu tư phát triển môn khoa học mới về sáng tạo và đổi mới. Gần đây có tín hiệu lạc quan không?
- Không.
- Sắp tới trung tâm của ông có những kế hoạch hợp tác quốc tế gì?
- Cơ hội xuất khẩu PPLSTĐM không phải là ít. Hiện nay chúng tôi phải cân đối nhiều mặt vì VIỆT NAM vẫn phải là nơi hoạt động chính của chúng tôi và tôi mong mãi vẫn là như thế.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn