Xuân Quỳnh xin đi với Lưu Quang Vũ vào vùng chiến sự biên giới 1979
.
Chuyến đi công tác Lạng Sơn vào tháng 2 năm 1979 có cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng không phải ai cũng biết, lúc đầu Lưu Quang Vũ từng bảo vợ ở nhà nên Xuân Quỳnh đã phải đến tận cơ quan của chồng xin đi theo đoàn công tác để thực tế sáng tác...
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là hai trong số những nghệ sĩ đã đến Lạng Sơn từ rất sớm ngay sau khi chiến sự nổ ra tháng 2.1979. (Ảnh tư liệu gia đình)
.
Chuyến đi công tác Lạng Sơn vào tháng 2 năm 1979 có cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng không phải ai cũng biết, lúc đầu Lưu Quang Vũ đã từng ngăn vợ, bảo Xuân Quỳnh ở nhà để mình anh tới vùng nguy hiểm. Chuyện là khi nghe chồng thông báo sẽ cùng đoàn công tác Tạp chí Sân khấu lên Lạng Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh bày tỏ nguyện vọng muốn được tham gia chuyến đi này nhưng bị Lưu Quang Vũ gạt đi với lý do: “Đây là đi công tác ở cơ quan, vợ ko đi theo được”.
Nhưng ở Tạp chí Sân khấu lúc đó có nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái sau khi nghe Xuân Quỳnh bày tỏ quyết tâm tham gia chuyến đi đã hết sức ủng hộ. “Chị là một nhà thơ, chị hoàn toàn xứng đáng đi cùng đoàn công tác để thực tế sáng tác, không cần qua anh Vũ nữa, chị đến mà xin thẳng trưởng đoàn!”, nhà báo Minh Thái “bật đèn xanh”.
Và cũng chính người bạn này của hai vợ chồng Vũ – Quỳnh đã trực tiếp đưa Xuân Quỳnh lên phòng làm việc của lãnh đạo Tạp chí Sân khấu, gặp Tổng biên tập – nhà thơ Lưu Trọng Lư và Phó Tổng biên tập – nhà viết kịch Xuân Trình để trình bày nguyện vọng. Là một người hành động và đồng cảm với tâm lý những người sáng tác, nhà viết kịch Xuân Trình với vai trò trưởng đoàn công tác đã ngay lập tức quyết định ghi tên Xuân Quỳnh vào danh sách những người lên đường trong chuyến đi đó, gồm có: lãnh đạo Tạp chí Sân khấu là nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà viết kịch Xuân Trình cùng những phóng viên, biên tập viên của tòa soạn: Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Minh Thái và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái, dọc đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn khi đó không có hàng quán như bây giờ, hành trình di chuyển thì lâu, mất tới cả ngày trời. Vốn đảm đang tháo vát, nhà thơ Xuân Quỳnh đã xung phong nhận nhiệm vụ hậu cần cơm nước cho cả đoàn rất đắc lực. Phải nói thêm là trước đó, nhà thơ Xuân Quỳnh từng có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở những vùng chiến sự ác liệt, những điểm nóng của đất nước thời đó. Ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ, Xuân Quỳnh đã từng sống hàng tháng trời dưới hầm địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị)… và cùng với những chuyến thực tế ở vùng chiến ấy là một loạt sáng tác gây xúc động ghi lại các chứng vết lịch sử bằng thơ.
Điều day dứt nhất...
Sau một chặng đường vất vả, đoàn công tác đã tới được trạm canh gác ở cửa ngõ thị xã Lạng Sơn. Thấy trong thành phần đoàn có người đứng tuổi và cả phụ nữ, cán bộ trạm gác tỏ ý lo ngại và khuyên không nên tiến sâu vào thị xã do tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, kẻ thù đã tuyên bố rút quân nhưng không chịu thực hiện nên dự báo vẫn tiếp tục có tổn thất, hy sinh.
Ngay lúc đó, cả đoàn đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều thi thể cũng như người bị thương được chuyển ra khỏi thị xã. Trong đó, có cả nhà báo Isao Takano là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản vừa hy sinh bởi một loạt đạn bắn tỉa của quân đội Trung Quốc khi đang cầm máy ảnh tác nghiệp. Sau khi cùng đứng mặc niệm nhà báo Nhật Bản, đoàn công tác của Tạp chí Sân khấu vẫn quyết định tiến vào trung tâm thị xã Lạng Sơn bất chấp tính khốc liệt của cuộc chiến đấu. Không một ai chịu bỏ cuộc quay về.
Nhà thơ Xuân Quỳnh đọc thơ cho một đơn vị bộ đội trên chốt ở Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh tư liệu gia đình)
.
Sự tàn khốc và những hậu quả đau thương của cuộc chiến nơi biên giới phía Bắc khi đó đã để lại những ám ảnh khôn nguôi đối với những người trải qua cũng như chứng kiến nó. Đối với các nghệ sĩ, họ đã lập tức gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm của mình vào trong những sáng tác đầy tính thời sự theo cách riêng của mỗi người. Nếu như bài thơ “Viết ở Lạng Sơn” của Lưu Quang Vũ chất chứa xót đau, căm hờn thì với Xuân Quỳnh, điều khiến chị day dứt nhất chính là thương cảm cho những em bé phải theo người lớn đi tản cư ra khỏi vùng chiến sự. Những tứ thơ đã hình thành ngay trên đường công tác. Xuân Quỳnh đọc cho cả đoàn nghe những câu thơ rời rạc và sau đó dần hoàn chỉnh thành bài thơ “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc”.
Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ ru. Nhưng lời ru của nữ sĩ qua sáng tác lần này không chỉ mang âm điệu ngọt ngào trữ tình thường thấy mà còn thể hiện một nỗi đau đáu căm giận xót xa. Qua góc nhìn của một người mẹ, một người phụ nữ làm thơ, “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc” vừa đậm tính nhân văn mà thấm đẫm tính chiến đấu, biến đau thương thành hành động, biến lời ru thành vũ khí chống lại kẻ thù:
“Lời ru hãy hóa con dao
Ngăn không cho giặc tràn vào tuổi thơ.”
Bài thơ ru ấy của Xuân Quỳnh chất chứa khát vọng ngăn chặn sự bạo tàn để bảo vệ sự bình yên cho những đứa trẻ. Sáng tác này đã được đăng báo Văn Nghệ ngay khi vừa ra đời và sau này được đưa vào in trong tập thơ “Sân ga chiều em đi” (NXB Văn học, 1981) của nữ thi sĩ.
Bài thơ "Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc" in trong tập thơ "Sân ga chiều em đi" của Xuân Quỳnh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015