Xâm lăng văn hóa
Mấy bữa nay, dư luận xã hội lại dậy sóng với công văn 2662/Bộ VHTTDL - MTNATL của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm cảnh báo sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai độc hại mà nổi cộm là chuyện sư tử Tàu tràn vào Việt Nam “đông như quân Nguyên”.
Từ các gia đình sính ngoại, mê Tàu cho đến các khu vui chơi, các đền chùa và cả vô số di tích văn hóa, nhìn qua, cứ ngỡ đang ở bên Tàu. Điều kinh ngạc là lời cảnh báo này không phải của Cục Di sản, đơn vị chịu trách nhiệm chính mà từ một đơn vị chỉ có nhiệm vụ phối hợp. Lời cảnh báo quá đúng, dù muộn màng nhưng còn hơn cứ ngậm miệng ăn tiền, dĩ hòa vi quí kiểu “im lặng là vàng”.
Một lần nữa, phải cám ơn giàn khoan Hải Dương-981 đã thức tỉnh lòng tự trọng và tinh thần yêu nước của người Việt. Giàn khoan xâm lược đã nói hộ bản chất thật của người bạn láng giềng. Nhờ giàn khoan, bạn xem đài không chết ngộp vì “mở tivi là thấy phim Tàu”. Nhờ giàn khoan, người Việt giật mình nhận ra “sự xâm lấn toàn diện và liên tục nhiều năm qua” của người láng giềng khổng lồ. Họ kiên trì, tinh vi, khôn khéo và cả trắng trợn, bất chấp thủ đoạn. Từ lũng đoạn kinh tế, thao túng thị trường, phá hoại sức khỏe, xâm lăng văn hóa và xâm lược biển đảo. Lúc âm thầm dỗ dành, khi công khai đe nẹt. Nhất nhất mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Việt đều có “dấu ấn Tàu”.
Mẫu sư tử ngoại lai xuất hiện ở các trụ sở doanh nghiệp, cơ quan... - Ảnh: Ngọc Thắng
Việc dẹp bỏ những con sư tử Tàu, nói thì dễ nhưng làm không đơn giản bởi sự ngộ nhận vô tình của số đông và cố ý của những người “xác Việt hồn Tàu”, thường là dạng có tiền và có quyền? Dĩ nhiên, trên đời này, chẳng có gì là không thể nếu tìm được tiếng nói đồng thuận của người dân và thái độ kiên quyết của lãnh đạo. Càng để lâu, càng khó bứng, đụng tới là chúng ăn vạ. Phải thừa nhận là do địa lý và cả lịch sử, nhiều nét văn hóa Việt tiếp nhận có chọn học văn hóa Trung Quốc là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng là biết “gợn đục, khơi trong”, biết học cái hay của người khác. Bản thân tôi rất khó chịu, thậm chí cực kỳ khó chịu bởi sự lệ thuộc vô lối, đó là việc “Tàu hóa” trong cách sử dụng tiếng Việt. Cụ thể là cách gọi tên các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa; kể cả những anh hùng dân tộc. Tiếng Việt không nghèo nàn tới mức phải vay mượn, chắp vá như vậy. Và việc sửa đổi sự tùy tiện này không quá khó.
Tai sao không gọi là Trưng Trắc - Trưng Nhị mà lại gọi là Hai Bà Trưng. Sao không nói bà Triệu Thị Trinh mà cứ nói cụt lủn bà Triệu. Phải viết là Trần Quốc Tuấn hoặc là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải là Trần Hưng Đạo. Tương tự, phải ghi là Tiểu La Nguyễn Thành thay vì Nguyễn Tiểu La; Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại thay cho Thoại Ngọc Hầu; công chúa Huyền Trân chứ không phải Huyền Trân công chúa… Người Việt, từ bao đời nay chỉ gọi theo tên. Người Hoa mới gọi theo họ. Cứ như những nhân vật này là người Trung Quốc. Có người còn thắc mắc “Sao trong vô số nhân vật lịch sử, chỉ có một số ít có cách gọi của người Hoa? Hay là những người đó có dây mơ rễ má với Tàu?”. Đây là sự lập lờ giả bộ vô tình nhưng rất nguy hiểm. Không hiểu ai là cha đẻ của cách gọi tùy tiện, thể hiện sự lệ thuộc văn hóa kiểu này? Đành rằng, ở Việt Nam, nhất là vùng Nam bộ; có rất nhiều người Hoa từng chạy nạn, chọn vùng đất an lành này để sinh cơ lập nghiệp. Họ hòa mình vào cộng đồng dân Việt làm ăn, sinh sống và cả chiến đấu cho mảnh đất đã cưu mang mình. Dù họ là dân tộc Hoa nhưng trong cộng đồng người Việt Nam, họ có quyền giữ bản sắc riêng nhưng không đối lập với văn hóa Việt.
Nhân dịp này, phải dấy lên những hành động thiết thực, thể hiện ý chí độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc; bắt đầu từ ngôn ngữ mà trước hết là thống nhất cách gọi tên các nhân vật lịch sử. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là góp phần bảo vệ chủ quyền văn hóa. Tiếng Việt chỉ vay mượn khi không có từ thay thế và phải cân nhắc, chọn lọc kỹ. Đừng xem thường những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, vô hại vì lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền.
(Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả, một doanh nhân đang sống và làm việc tại TP.HCM)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn