Vốn con người
Chiều 10-6-2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, tổng thu ngân sách năm 2013 là 1.084.064 tỉ đồng; tổng chi là 1.277.710 tỉ đồng. Bội chi ngân sách lên đến 236.769 tỉ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), vượt mức Quốc hội đã thông qua là 5,5%. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách: vay trong nước 180.347 tỉ đồng, và phải vay ngoài nước 56.422 tỉ đồng. Trong bối cảnh thu ngân sách căng thẳng như vậy, dễ hiểu là cái tin tỉnh Vĩnh Phúc bỏ ra gần 300 tỉ đồng để xây Văn Miếu thờ Khổng Tử khiến dư luận xôn xao, dù có xây bằng ngân sách của tỉnh.
Việc xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc thực ra đã bắt đầu từ năm 2012 nhưng đến nay công luận mới được biết. Hiện Văn Miếu đã xây xong hầu hết các hạng mục với cách sắp xếp, bài trí mà theo nhiều người là na ná như Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội.
Giải thích về quy mô hoành tráng của Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh, nói: “Nếu không được ủng hộ thì làm sao bây giờ có Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) hoành tráng như thế. Xa xưa hơn nữa, Tần Thủy Hoàng không áp đặt chính sách làm Vạn Lý Trường Thành thì bây giờ con cháu làm sao có được công trình như thế. Hay vào Huế, Lăng Khải Định, Tự Đức còn bắt nô dịch, các thứ cống nạp để làm như thế (sic). Ở đây chúng tôi làm rất văn minh”. Ông Hồng không giải thích “làm rất văn minh” là làm như thế nào. Trong khi đó thì thông tin từ chính sở này cũng cho biết hiện Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích, trong đó có 65 di tích quốc gia, đang rất thiếu nguồn tiền ngân sách để tu bổ, giữ gìn.
Ông Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (mới vừa nghỉ hưu), trong trao đổi với báo VietNamNet, thành thực hơn khi cho biết: Hiện dự án này có rất nhiều dư luận gây tranh cãi về việc có cần thiết phải đầu tư hay không; và thờ những ai trong Văn Miếu? Cũng theo ông Hùng, có quá nhiều công trình đang rất “khát” vốn trong thời gian tỉnh quyết định đầu tư dự án này. “Thời điểm hiện tại, hệ thống bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh viện đa khoa và bệnh viện nhi.
Người bệnh Vĩnh Phúc 15 năm nay vừa chữa bệnh, vừa phải nghe khoan cắt bê tông. Bệnh viện chắp vá và quá tải. Đã có dự án xây dựng bệnh viện rồi, nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn vốn” - ông Hùng nói.
Bỏ qua một bên chuyện Văn Miếu xây gần xong mà ý kiến bất nhất về việc trong Văn Miếu có thờ hay không thờ Khổng Tử, người ta dễ dàng nhận ra đàng sau phát biểu của ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc bóng dáng của một cuộc đua đầu tư cho những công trình gọi là văn hóa, tâm linh giữa các địa phương, kể cả bằng ngân sách nhà nước (dù là của trung ương hay địa phương). Người ta cũng dễ dàng nhận ra bóng dáng một cuộc đua về sự hoành tráng của công trình, bất kể tính hiệu quả ra sao - như ông bà ta thường nói “con gà tức nhau tiếng gáy”, anh có tôi cũng phải có, anh lớn tôi phải lớn hơn.
Người ta cũng thấy rõ, qua phát biểu của ông cựu chủ tịch tỉnh, rằng trong khi chạy đua theo những công trình hoành tráng thì những nhu cầu thiết thân của người dân về chữa bệnh, về học tập, và nhiều nhu cầu khác đã bị bỏ lơ như thế nào. Giữa một văn miếu hoành tráng và một bệnh viện khang trang để người dân thoát khỏi cảnh một giường bệnh nhét ba bốn người do bệnh viện quá tải, người dân cần cái nào hơn? Nếu muốn khuyến học, 300 tỉ đồng xây Văn Miếu (mà không chắc có bao nhiêu khách đến tham quan) có thể dùng để xây được bao nhiêu trường học, bao nhiêu thư viện, trao được bao nhiêu học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học hay có nguy cơ phải bỏ học?
Chúng ta thường nghe lặp đi lặp lại “con người là vốn quý nhất”, và phải đầu tư cho “vốn con người”. Nhưng khi quyết định những dự án, công trình, con người lại thường bị bỏ quên nhất. Phải chăng vì những dự án, công trình hoành tráng dễ quy ra thành tích hơn, và vì những thiết chế đại diện cho tiếng nói của dân quá yếu ớt?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh