Virginia Woolf: Chiến binh bất hạnh của phong trào nữ quyền

02:51 CH @ Thứ Hai - 09 Tháng Ba, 2020

Bằng ngôn từ nhạy bén và sắc sảo, nữ nhà văn Anh đã dành hơn nửa cuộc đời đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Với bà, năng lực của người phụ nữ phải được ghi nhận đúng đắn...

Phụ nữ không thua kém đàn ông về tài năng và trí tuệ, tại sao năng lực của họ luôn bị xem nhẹ? Đã đến lúc chấm dứt những thiên kiến về giới tính khi nhìn nhận một con người? Phụ nữ cần đấu tranh để bước ra khỏi cái bóng của đàn ông!

Những quan điểm đầy tự tôn và kiêu hãnh ấy đã thôi thúc Virginia Woolf dùng ngòi bút để đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới.

Trong các tác phẩm nổi tiếng của mình như: Bà Dalloway (1925), Orlando (1928), Căn phòng của riêng ta (1929), Ba đồng ghi nê (1938)… con người Virginia Woolf chứa đầy những mâu thuẫn. Tuy mạnh mẽ, sắc sảo khi cầm bút nhưng trong cuộc sống riêng bà lại không đủ can đảm để vượt qua những nỗi đau, để cuộc đời kết thúc trong bi kịch.

Virginia Woolf tên thật là Adeline Virginia Stephen, bà sinh ngày 25/1/1882 trong một gia đình trí thức ở London. Cha của bà là ông Leslie Stephen, một học giả có tiếng trong lĩnh vực văn chương và lịch sử, đồng thời ông cũng có nhiều đóng góp cho ngành xuất bản của Anh cuối thế kỷ 19.

Mẹ của nữ văn sĩ là bà Julia Jackson Duckworth. Julia là một người đẹp nổi tiếng của thủ đô London, ngay cả khi đã làm mẹ, bà vẫn khiến những thiếu nữ chưa chồng phải ghen tỵ với vẻ ngoài kiêu sa và phong thái đài các.

Sinh thời Julia Prinsep Duckworth là người mẫu chính của danh họa Edward Burne-Jones. Ông luôn ca ngợi rằng nàng thơ kiêu sa của mình mang vẻ đẹp của những nữ thần Hy Lạp. Trong ba chị em gái Virginia là người giống mẹ nhất.

Nữ văn sĩ có một gia đình khá phức tạp. Cha mẹ bà đều đã có gia đình và con riêng của những cuộc hôn nhân trước. Và khác với những gia đình trí thức giàu có thời đó, ông Leslie không gửi các con gái tới trường nội trú. Chính vì thế, suốt thời thơ ấu, Virginia luôn bị chọc phá bởi những người anh cùng cha khác mẹ không ưa mình.


Nhà văn Virginia Woolf.

Leslie Stephen tự dạy học cho các con gái tại nhà. Tuổi thơ của Virginia trôi qua buồn bã trong ngôi nhà rộng lớn với những cuốn sách của cha. Khi nữ văn sĩ mới 13 tuổi, mẹ của bà qua đời vì bệnh cúm.

Chỉ vài tháng sau khi mẹ mất, bà bị chính người anh trai cùng cha khác mẹ là Geral Duckworth cưỡng bức và lạm dụng tình dục. Trong suốt 9 năm sau đó, thần chết lại khiến Virginia phải rời xa cha và người anh trai Thoby.

Năm 1907, sau khi chị gái Vanessa kết hôn, Virginia chuyển tới sống cùng chị gái tại một căn nhà thuê ở quảng trường Gordon và tham gia vào nhóm Bloomsbury. Đây là môt nhóm trí thức tập trung các nhà văn, nghệ sĩ, nhà hoạt động chính trị có tư tưởng cấp tiến. Họ thường tổ chức các buổi tọa đàm, diễn thuyết ở các quảng trường và đăng tải những bài tham luận trên báo chí.

Nhóm Bloomsbury chủ trương tự do ngôn luận, đòi quyền bình đẳng cho nữ giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có văn chương và chính trị. Họ còn kêu gọi hòa bình, tham gia các phong trào phản chiến và luôn tỏ ra lo lắng về sự bành trướng của chủ nghĩa phát-xít ở châu Âu.

Việc bị chính anh trai cưỡng bức đã để lại một vết thương khủng khiếp về mặt tinh thần cho Virginia. Nữ văn sĩ đã có một tuổi trẻ phóng đãng và có quan hệ tình cảm với cả hai giới. Mối tình đồng tính của bà và nhà thơ, nhà văn Vita Sackville-West khiến rất nhiều người dị nghị.

Hai người nảy sinh tình cảm từ lúc còn độc thân và vẫn duy trì mối quan mật thiết cho tới khi cả hai đã kết hôn. Chồng của họ biết việc này nhưng cố tình làm ngơ. Mối tình oan trái này là nguồn cảm hứng để Virginia viết nên tiểu thuyết Orlando. Tác phẩm được mệnh danh là “bức thư tình dài và quyến rũ nhất lịch sử văn học”.

May mắn lớn nhất cuộc đời Virginia là được gặp gỡ và kết hôn với Leonard Sidney Woolf, một nhà văn, nhà chính trị đồng thời cũng là thành viên trong nhóm Bloomsbury. Leonard bị vẻ ngoài thánh thiện cả nữ văn sĩ mê hoặc. Mặc dù khi ấy có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, theo đuổi Virginia, nhưng chàng trai Do Thái si tình vẫn không bỏ cuộc.


Căn phòng của riêng ta, tập tiểu luận về nữ quyền của Virginia Woolf.

Được sự giúp đỡ của bạn bè, Leonard quyết tâm chinh phục trái tim người đẹp. Ông phải cầu hôn tới ba lần mới nhận được sự đồng ý của Virginia. Họ kết hôn vào năm 1912, sau 6 tháng quen biết. Sau hôn lễ giản dị tại tòa thị chính, đôi uyên ương đã có một chuyến du lịch ngọt ngào khắp châu Âu.

Từ khi còn trẻ, Virginia Woolf đã bị trầm cảm và có những biểu hiện của chứng rối loạn lưỡng cực. Bà đã nhiều lần có ý định tự tử. Sau này, Virginia còn mắc chứng biếng ăn, mất ngủ và nhiều lần phải vào viện vì suy nhược cơ thể. Nhưng Leonard vẫn kiên trì ở bên cạnh để chăm sóc, bầu bạn với bà như một người chồng, người bạn tri kỷ.

Ngày 28/3/1941, sau những nỗ lực cuối cùng để chống chọi với bệnh tâm thần Virginia Woolf đã nhét đầy sỏi vào túi áo và trẫm mình xuống sông Ouse gần nhà để tự vẫn. Trước khi chết, nữ văn sĩ để lại thư tuyệt mệnh cho người chồng yêu dấu, bà cho rằng đây là cách tốt nhất để cả hai bớt đau khổ.

Năm 1969, Leonard Woolf qua đời vì đột quỵ. Ông được chôn cất cạnh Viriginia dưới một tán cây yên tĩnh, trong khuôn viên ngôi nhà của họ ở phía đông Sussex.

Sau cái chết của vợ, Leonard không kết hôn mặc dù ông có quan hệ tình cảm với họa sĩ Trekkie Parsons. Trước khi chết, Leonard Woolf vẫn trăn trối rằng khi nhìn thấy Virginia mặc váy trắng, đứng tránh nắng dưới tán cây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời ông.

Nguồn:Zing News
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư tưởng của Simone de Beauvoir về vấn đề nữ quyền trong tác phẩm "Giới tính thứ hai"

    08/03/2020PGS.TS. Nguyễn Tấn HùngNguồn gốc của sự bất bình đẳng và con đường giải phóng phụ nữ đã được nhiều nhà triết học trong lịch sử nghiên cứu ít nhiều từ những góc độ khác nhau. Simone de Beauvoir là một trong những người nghiên cứu vấn đề này một cách khá sâu sắc. Beauvoir chỉ ra những thiếu sót trong các kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trước đó, tuy nhiên vì đứng trên lập trường hiện sinh chủ nghĩa nên bà lại quá nhấn mạnh yếu tố tâm lý chủ quan...
  • ‘Girls Just Wanna Have Fun' - ca khúc biểu tượng nữ quyền

    08/03/2020Anh TrâmTừ phiên bản gốc là bài hát tán dương sự đào hoa của đàn ông, Cyndi Lauper đã thay đổi phần lời và tạo nên một nhạc phẩm kinh điển về tiếng lòng của mọi cô gái vào thập niên 1980...
  • Tản mạn về Dục tính và Nữ quyền

    10/02/2012Nguyễn Vy KhanhNgười xưa như tác giả Truyện Kiều, viết về chuyện tình dục là với điển tích (Ra tuồng trên Bộc trong dâu; Vòng ngoài bảy chữ vành trong tám nghề), hay dùng nghĩa bóng (Tiếc thay! Một đóa trà mi / Con ong đã mở đường đi lối về). Dục tính không thật có với văn chương cổ điển vì những tính cách ước lệ, trí thức và hình thức. Không có sáng tạo, cá tính, do đó không cần cả tác giả, phải chăng đó là một lý do của hiện tượng vô danh của tác phẩm thời xưa?
  • Đối mặt với nữ quyền

    06/03/2009Chung Nhi thực hiệnMột người phụ nữ đẹp nói về quyền phụ nữ để đàn ông nghe. Có vẻ như là một sự quá đỗi bình thường. Bình thường đến độ, có thể, đàn ông sẽ tặc lưỡi, lại là chuyện đàn bà đòi quyền lợi. Hoặc giả là, gớm chết những bà, những cô, suốt ngày nhảy tưng tưng lên đòi đấu tranh, đòi bình đẳng giới. Chả ra cái thể thống gì, đàn bà cứ học đòi giống đàn ông... Nhưng hình như người đàn bà này có khác.
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…