Tư tưởng của Simone de Beauvoir về vấn đề nữ quyền trong tác phẩm "Giới tính thứ hai"
“Tất cả những gì được những người đàn ông viết về phụ nữ đều phải được xem xét với sự nghi ngờ, bởi vì họ vừa là quan tòa vừa là bè phái” (Tout ce qui a été écrit par les hommes sur les femmes doit être suspect, car ils sont à la fois juge et partie).
Đây là câu nói củaFrançois Poulain de la Barre (1647-1723), một nhà tư tưởng nữ quyền Pháp được Simone de Beauvoir trích lại trong tác phẩm “Le deuxième sexe” của mình.
Nguồn gốc của sự bất bình đẳng và con đường giải phóng phụ nữ đã được nhiều nhà triết học trong lịch sử nghiên cứu ít nhiều từ những góc độ khác nhau. Simone de Beauvoir là một trong những người nghiên cứu vấn đề này một cách khá sâu sắc. Beauvoir chỉ ra những thiếu sót trong các kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trước đó, tuy nhiên vì đứng trên lập trường hiện sinh chủ nghĩa nên bà lại quá nhấn mạnh yếu tố tâm lý chủ quan. Vì vậy, những giải pháp của bà cho vấn đề này tuy có nhiều đóng góp đáng kể, nhưng không tránh khỏi những sai lệch. Bài báo trình bày khái lược và rút ra những giá trị cùng hạn chế để giới thiệu cho độc giả thấy được sự phân tích của Simone de Beauvoir đối với vấn đề nữ quyền trong tác phẩm “Giới tính thứ hai”, một tác phẩm triết học chủ yếu của nhà văn và nhà triết học hiện sinh này.
1. Khái lược về tác giả và tác phẩm
1.1. Về cuộc đời và sự nghiệp của Simone de Beauvoir
Simone de Beauvoir (1908-1986)(đọc là: Xi-môn đơ Bô-voa) là nhà văn, nhà triết học hiện sinh, nhà lý thuyết về nữ quyền và người tích cực tham gia đấu tranh trong các phong trào chính trị - xã hội, nhất là phong trào nữ quyền.
Simone sinh ngày 9 tháng 1 năm 1908 ở Paris trong một gia đình Công giáo. Cha mẹ của Simone là ông Georges Bertrand de Beauvoir, một thư ký pháp lý và bà Françoise Brasseur, con gái của một chủ ngân hàng giàu có. Tuy nhiên sau Thế chiến I, gia đình ông Georges bị phá sản, do vậy Simone và người em gái là Hélène không còn có của hồi môn nên không thể lấy chồng cùng đẳng cấp. Lúc nhỏ, Simone de Beauvoir (từ đây xin gọi tắt là Beauvoir) đã có ý thức tự do và tự lập, không chiu ở chung với gia đình. Năm 14 tuổi, Beauvoir khủng hoảng về tín ngưỡng nên từ đó trở thành một người vô thần cho đến khi qua đời.
Beauvoir vào học triết học ở trường Đại học Sorbonne, Paris. Sau tốt nghiệp, Beauvoir được nhận làm giáo viên ở một trường phổ thông. Năm 1929, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi cao học ở trường École Normale Supérieure, Beauvoir gặp Jean Paul Sartre. Beauvoir đã thi đỗ thứ hai sau Sartre. Từ đó, hai người trở thành một đôi tình nhân, nhưng trước mặt người cha của mình, Beauvoir thẳng thừng từ chối lời cầu hôn của Sartre. Mặc dù hai người có một mối quan hệ gắn bó lâu bền, và chính Sartre cũng thừa nhận hai người “chỉ là một”, không chỉ ở sự thống nhất về quan điểm, hoạt động chính trị - xã hội, mà sau khi chết được nằm sát cạnh nhau trong một nấm mồ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, nhưng hai người chưa bao giờ cưới nhau và sống chung với nhau trong một mái nhà, không có con cái với nhau. Tuy nhiên, hai người thỏa thuận cho phép nhau, ngoài “cuộc tình cơ bản” (essential love) giữa hai người, còn có thể tự do quan hệ và có “những mối tình ngẫu nhiên” (contingent loves) với bất kỳ người nào mà mình thích. Có lẽ quan niệm về tự do tuyệt đối của cá nhân không dung hợp được với quan hệ hôn nhân là điều mấu chốt của những nhà triết học hiện sinh từ những ông tổ của nó như Kierkegaard, Nietzche đến những nhà hiện sinh tiêu biểu như Camus, Sartre, Beauvoir, v.v..
Beauvoir tham gia cùng với J.P. Sartre và một số người khác sáng lập tờ báo “Thời mới” (Les Temps modernes) để truyền bá chủ nghĩa hiện sinh ra ngoài phong trào văn học. Tuy nhiên Beauvoir cũng viết nhiều tác phẩm văn học riêng và tạo được nguồn kinh phí riêng cho mình để cống hiến cho sự nghiệp văn chương. Bà du lịch nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Cuba và làm quen với nhiều nhân vật cộng sản như Fidel Castro, Che Guevara, Mao Trạch Đông, Richard Wright. Bà có quan hệ tình yêu và trao đổi 300 thư từ với Nelson Algren, nhà văn xã hội chủ nghĩa người Mỹ.
Năm 1949, Beauvoir bắt đầu nổi tiếng với sự công bố tác phẩm triết học Le Deuxième Sexe (Giới tính thứ hai). Chuyên luận lần đầu tiên được công bố trong Les Temps Modernes, sau đó được xuất bản thành sách và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1954, với tác phẩm Les Mandarins, Beauvoir nhận được giải thưởng văn học “Le prix Goncourt”.
Simone de Beauvoir không chỉ tham gia phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phátxit, đấu tranh đòi bình đẳng giới, mà bà còn cùng với Jean Paul Sartre tham gia Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Bertrand Russell sáng lập. Tòa án được tổ chức vào tháng 11 năm 1966 và họp được hai phiên tòa vào năm 1967 ở Stockholm (Thụy Điển) và Roskilde (Đan Mạch).
1.2.Về tác phẩm “Giới tính thứ hai”
Theo nhận xét của các dịch giả tiếng Anh, “Giới tính thứ hai là một chuyên luận triết học và là một trong những tác phẩm quan trọng của thế kỷ XX làm cơ sở lý luận cho phong trào nữ quyền”. Trong tác phẩm này, Beauvoir đã bàn đến vấn đề nữ quyền với tư cách là một nhà triết học. Bà trích dẫn, nhận xét, bình luận quan điểm của nhiều nhà triết học trong lịch sử về vấn đề phụ nữ, từ Platon, Arixtôt đến Kant, Hêghen, Mác, Ăngghen, Heidegger, Husserl, v.v.. Bà trích dẫn tư tưởng của các nhà thơ, nhà văn, Bà cũng nghiên cứu quan điểm của các tôn giáo, các nhà thần học về vấn đề này. Bà liên hệ với thực tiễn phong trào nữ quyền trong lịch sử, chính sách đối với phụ nữ ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Liên Xô. Có thể nói đây là một tác phẩm được chuẩn bị một cách rất công phu với một nguồn tài liệu phong phú. Tác phẩm được hoan nghênh cũng nhiều, coi như một đột phá trong việc nghiên cứu về phụ nữ, vừa gây ra vụ tai tiếng lớn và bị chỉ trích từ nhiều phía, trong đó có Giáo hội La Mã. Trong lần xuất bản đầu tiên ở Pháp, tác phẩm được bán ra 220.000 bản. Trong lần xuất bản ở Mỹ, nó bán được 1 triệu bản.
Tác phẩm phẩm được xuất bản thành 2 quyển. Quyển I. Les faits et les mythes (Sự kiện và hyền thoại) gồm 11 chương, chia thành 3 phần. Phần I có ba chương trong đó Beauvoir trình bày và phê phán các quan điểm sinh học, phân tâm học và chủ nghĩa duy vật lịch sử về phụ nữ. Phần II có 5 chương trình bày quá trình phát triển của vai trò người phụ nữ trong lịch sử. Phần III gồm 3 chương nói về các huyền thoại (mythes) về vai trò của phụ nữ. Quyển II. L' expérience vécue (Kinh nghiệm sống) gồm 4 phần (14 chương), trong ba phần đầu tác giả trình bày sự phát triển của người phụ trong cuộc sống từ trẻ nhỏ đến tuổi trưởng thành, tuổi già, vấn đề kết hôn, làm mẹ, quan hệ tình yêu, tình dục, mại dâm, tuổi già…Đặc biệt phần IV tác giả nói về giải phóng phụ nữ (Libération) và phần Kết luận tóm tắt quan điểm của chính tác giả về toàn bộ vấn đề.
2. Một số nội dung cơ bản của tư tưởng Beauvoir vềnữ giới vànữ quyền
2.1. Beauvoir nói về bản chất của“nữ tính”
Khái niệm “féminité” (tiếng Anh: femininity”, tạm dịch là “nữ tính”) được Beauvoir dùng với nghĩa là tập hợp những đặc trưng về xã hội của nữ giới (không phải là những đặc trưng sinh tâm lý).Theo Bà những đặc trưng xã hội này không phải là cái vốn có của phụ nữ, mà chỉ là tư tưởng của nam giới gán cho phụ nữ nhằm mục đích chứng minh rằng phụ nữ không có khả năng bình đẳng với nam giới. “Là phụ nữ thì phải tỏ ra mình là người yếu đuối, vô tích sự, thụ động, ngoan ngoãn”[1], theo Beauvoir, không phải do yếu tố sinh học, tâm lý hay kinh tế, mà do toàn bộ nền văn minh tạo ra. Nếu chúng ta so sánh với phương Đông thì “tam tòng, tứ đức” cũng là những đặc trưng nói lên sự phụ thuộc và yếu kém của phụ nữ như quan niệm phương Tây. Beauvoir nói: “Như vậy, tính thụ động vốn được cho là đặc trưng cơ bản của người ‘nữ’ là một nét đã phát triển từ những năm đầu cuộc đời. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu cho rằng nó có một nguồn gốc sinh học; thật ra nó chỉ là số phận được áp đặt bởi thầy giáo và bởi xã hội”[2]. Cũng theo tác giả, giáo dục của cha mẹ, anh chị cũng góp phần tạo nên nữ tính của người phụ nữ. Dưới con mắt của nam giới, phụ nữ bị coi là “Kẻ khác” ( Pháp: l'Autre; Anh: the Other; từ này được Bà viết hoa để nhấn mạnh).
Beauvoir nghiên cứu rất kỹ tư tưởng của các nhà triết học trong lịch sử và bà thấy rằng các nhà triết học trước Mác đều đứng về phía nam giới. Bà viết: “Platon đội ơn Thượng đế, trước hết, đã sinh ra ông là người tự do và không phải là nô lệ, và hai là, một người đàn ông và không phải là đàn bà”[3]. Arixtôt nói: “Chúng ta phải nhìn nhận bản tính của phụ nữ như là sự khiếm khuyết về mặt tự nhiên”[4]. Hegel cho rằng phải có sự khác nhau giữa hai giới tính: nam thì chủ động, nữ thì thụ động, như vậy “tính thụ động là số phận của phụ nữ”[5]. Các nhà triết học cận đại như Denis Didero, John Stuart Mill tuy có tư tưởng tiến bộ; họ bảo về quyền bình đẳng của phụ nữ. “Tuy nhiên, tính không thiên vị của họ chỉ là trường hợp ngoại lệ”[6].
Khi xem xét quan điểm tôn giáo về phụ nữ, Beauvoir nói: “Kitô giáo đã đóng vai trò không nhỏ trong sự áp bức phụ nữ”, vì Kinh Thánh đã chỉ rõ: Không phải người nam được sáng tạo ra cho người nữ, mà trái lại, người nữ được sáng tạo ra cho người nam. Không những thế, phụ nữ còn bị coi là nguyên nhân gây ra tội lỗi mà loài người phải gánh chịu. Tertulian viết: “Đàn bà! Ngươi là cánh cửa của quỷ sứ … Chính vì lỗi lầm của nhà ngươi mà Người Con trai của Thượng đế phải chết”. Thánh Ambrose nói: “Adam bị Eva đưa đến phạm tội” và không phải ngược lại. Thánh John Chrysostom: “Trong tất cả các loài động vật, không có con vật nào nguy hại bằng đàn bà”[7] (Nếu ở Việt Nam, chắc Beauvoir sẽ không quên trích dẫn Tú Xương!). Thánh Tômát (Tômat Đacanh) cũng trung thành với truyền thống này, khi tuyên bố rằng “người đàn bà chỉ là một tồn tại phụ, không hoàn thiện… Người đàn ông là người chủ của vợ mình, cũng giống như Kitô là người chủ của nhà thờ”[8]. Năm 1744, tác giả của cuốn “Controverse sur l’âme de la femme” (Cuộc tranh luận về linh hồn của người phụ nữ”tuyên bố rằng sự tồn tại của người phụ nữ sẽ chấm dứt vào ngày tận thế và linh hồn của họ thì không bất tử như linh hồn nam giới, như vậy họ sẽ không được lên Thiên đường cùng với nam giới, vì tác giả viết: “Người nữ được sáng tạo chỉ duy nhất cho người đàn ông cho nên sẽ ngừng tồn tại ở ngày tận thế bởi vì họ không còn cần thiết cho người đàn ông nữa, từ đó tất yếu dẫn đến kết luận là linh hồn của người đàn bà là không bất tử”[9].
Beauvoir cũng chỉ ra tình trạng phụ nữ bị áp bức trong thế giới Hồi giáo. Kinh Koran khẳng định: Người đàn ông là vượt trội hơn người đàn bà nhờ những phẩm chất mà Thượng đế đã ban cho người này cao hơn người kia, và do ở chất liệu mà họ được làm ra[10].
2.2. Beauvoir nói vềnguyên nhân sự thực trạng bình đẳng của nữ giới so với nam giới.
Beauvoir thừa nhận một thực trạng là phụ nữ yếu kém hơn nam giới về nhiều mặt. Vấn đề là phải tìm hiểu nguyên nhân thực sự của tình trạng yếu kém này mới có thể khắc phục được nó. Beauvoir bác bỏ tất cả những huyền thoại tôn giáo, triết học về nguyên nhân này. Beauvoir cũng khẳng định sự yếu kém này không có nguyên nhân chủ yếu từ cấu tạo sinh học của cơ thể, từ sự khác nhau về vai trò của hai giới trong sinh sản, từ sự khác nhau về tính dục, hay từ nguyên nhân kinh tế. Những yếu tố này cũng có vai trò quan trọng cần phải được xem xét nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản.
Trong ba chương đầu phần I tác phẩm, Simone de Beauvoir phân tích ba cách tiếp cận hiện đại về phụ nữ: sinh học, phân tâm học Freud và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác – Ăngghen.
Về mặt sinh học theo Bà, sự khác nhau về giới tính chẳng qua là sự khác nhau về vai trò của hai giới trong sự sinh sản, nhưng hoàn toàn không phải là cơ sở để chứng minh sự yếu kém của phụ nữ so với nam giới. Chẳng hạn cứ liệu sinh học về sự so sánh trọng lượng bộ não của nam và nữ cho thấy bộ não nữ cân nặng trung bình 1.220 gam (dao động từ 1000g đến 1500g) và bộ não của nam trung bình là 1360 gam (dao động từ 1150 g đến 1700 g), nhưng như Bà khẳng định “khối lượng tuyệt đối không quan trọng, mà vai trò quyết định cần phải được xem xét là khối lượng tương đối. Đó là 1/48.4 ở nam và 1/48.2 ở nữ. Như thế, lợi thế có lẽ thuộc về nữ giới”[11].
Từ sự nghiên cứu về mặt sinh học, Simone de Beauvoir kết luận rằng cơ thể là rất quan trọng đối với người phụ nữ, nhưng không quyết định “nữ tính”, nó là do “thực tại cuộc sống được ý thức thông qua những hoạt động và trong một xã hội nhất định” và “chỉ với yếu tố sinh học không đủ trả lời câu hỏi tại sao phụ nữ bị coi là Kẻ khác”[12].
Simone de Beauvoir cũng nghiên cứu kỹ quan niệm của các nhà phân tâm học từ Freud đến Adler, nhưng bà nói: “Tuy không hoàn toàn bác bỏ những đóng góp của phân tâm học, một số những đóng góp đó là có hiệu quả, nhưng chúng tôi cũng không chấp nhận phương pháp của nó”[13]. Phương pháp mà Bà nói đến là phân tâm học quy mọi cái về bản năng tính dục, về những xung lực tính dục (libido). Theo Bà, thật ra Freud không nghiên cứu về tính dục phụ nữ mà ông lấy libido của nam giới làm cơ sở để hiểu về nữ giới. Phân tâm học là một thứ quyết định luận dựa trên vai trò quyết định của tính dục đối với tính cách của con người mà không thấy vai trò của “sự lựa chọn” (choice). Nữ tính của phụ nữ là do toàn bộ những điều kiện kinh tế - xã hội, ý thức xã hội, hệ tư tưởng quy định trong tiến trình phát triển lịch sử mà trong đó người phụ nữ sống, do người phụ nữ bị bắt buộc hoặc do thiếu hiểu biết mà chấp nhận, không phải là chỉ do vấn đề tính dục.
Simone de Beauvoir cũng không hoàn toàn tán thành quan niệm duy vật lịch sử khi xem xét nguồn gốc tình trạng bất bình đẳng của nữ giới ở nguyên nhân kinh tế (lực lượng sản xuất), cụ thể là cách giải thích của Ph. Ăngghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và nhà nước”[14]. Theo bà, “Nó (phái nữ) không chỉ do đồ đồng tạo ra” và “máy móc không đủ để xóa bỏ nó”. “Để hiểu biết tình trạng này cần phải đi xa hơn chủ nghĩa duy vật lịch sử, vì chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ xem nam giới và nữ giới như những thực thể kinh tế”[15].
Tóm lại, những thuộc tính mà từ trước đến nay người ta thường quan niệm về người phụ nữ không phải là cái vốn có thuộc bản chất của người phụ nữ, mà do người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua văn hóa, giáo dục, và ngay cả người phụ nữ cũng tin một cách sai lầm rằng mình vốn yếu kém so với đàn ông. Câu nói nổi tiếng của Beauvoir đã được cả thế giới biết đến: “On ne naît pas femme, on le devient”[16] (tiếng Anh: “One is not born, but rather becomes, woman”: (Người ta không phải sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ) đã nói lên một cách cô đọng nhất lập trường hiện sinh chủ nghĩa về vấn đề này.
Ta có thể lấy nhiều dẫn chứng, như trong xã hội phương Đông trước đây, người phụ nữ không được đi học, không được làm quan vì người ta quan niệm rằng phụ nữ không có khả năng đó. Ngay cả ở nhiều nước phương Tây cũng vậy, như trường hợp bà Marie Curie vốn người Ba Lan, mặc dù đất nước bà vẫn chưa cho phép phụ nữ được vào đại học, nhưng bà đã chọn việc sang Pháp để vào đại học ở Sorbonne và trở thành một sinh viên xuất sắc, một nhà khoa học nổi tiếng, người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Nobel về vật lý và người đầu tiên trên thế giới hai lần được giải thưởng Nobel. Curie là người rất được Beauvoir ngưỡng mộ.
Là một nhà hiện sinh chủ nghĩa, Beauvoir coi yếu tố tâm lý chủ quan là nguyên nhân quyết định; nguyên nhân khách quan không phải là chính. Nếu là nguyên nhân khách quan thì tại sao ngày xưa người phụ nữ không làm được những điều mà ngày nay họ làm được, thậm chí còn làm tốt hơn đàn ông nữa. Trung thành với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh: “Hiện sinh có trước bản chất” (L'essence précède l'essence), điều mà Jean Paul Sartre đã làm rõ trong nhiều tác phẩm của mình, Beauvoir cho rằng người nữ khi sinh ra không có những yếu tố sinh học nào quy định họ lớn lên sẽ là yếu kém so với nam giới.
Để hiểu sâu hơn quan điểm của Beauvoir về nữ quyền, chúng ta trở về với những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh, nhất là chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Sartre. Trong tác phẩm“Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản” (L'existentialisme est un humanisme), Sartre cho rằng con người bắt đầu từ hư vô, không là cái gì cả, chỉ sau “bước nhảy hiện sinh” con người mới trở thành cái do chính mình mong muốn và tạo ra cho mình. Sartre khẳng định, “không có bản tính của con người”. Con người không có gì ngoài cái mà anh ta làm ra cho mình. Và Sartre kết luận “Đó là nguyên lý đầu tiên của chủ nghĩa hiện sinh”[17]. Trong “Existentialism and Human Emotions” (Chủ nghĩa hiện sinh và cảm xúc của con người), Sartre cho rằng con người tạo ra những giá trị thông qua sự lựa chọn chủ quan của mình: “Nói rằng chúng ta sáng tạo ra những giá trị có nghĩa là: cuộc sống không có một ý nghĩa tiên nghiệm nào cả. Trước khi bạn đi vào cuộc sống, cuộc sống là hư vô; chính nhờ bạn đem lại cho nó một ý nghĩa, và giá trị không phải là cái gì khác cái mà bạn đã chọn”[18].
Trung thành với luận điểm cơ bản đó, Beauvoir cho rằng “nữ tính” không phải là bản tính, tức là cái vốn có của người đàn bà. Tuy là do người đàn ông áp đặt, nhưng nếu người nữ không tự nguyện chấp nhận thì nó cũng không thể gắn bó với nữ giới qua hàng nghìn năm lịch sử như vậy. Ở Việt Nam, những tấm gương của hai bà Trưng và bà Triệu chứng minh điều khẳng định này của Beauvoir. Chúng ta thử nghe lại lời tuyên bố bất hủ của bà Triệu Ẩu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”. Như vậy, sự yếu kém, phụ thuộcđâu phải là bản tính vốn có của nữ giới. Nó bị áp đặt, nhưng có người chấp nhận, có người không chịu chấp nhận.
Beauvoir nói nhiều về sự “vượt lên” – “transcendence” (tiếng Pháp có nghĩa là sự vương lên, sự siêu việt) của người nữ bằng những hành động nhất định. Theo Bà, “chỉ từ khi người phụ nữ bắt đầu cảm thấy tự chủ trên trái đất này thì mới xuất hiện được một Rosa Luxemburg hay một Marie Curie. Họ đã chứng minh một rực rỡ rõ rằng không phải sự yếu kém của phụ nữ quyết định nên tính vô nghĩa lịch sử của họ, mà chính tinh vô nghĩa lịch sử của họ đã tạo nên sự thấp kém của họ”[19]. Điều này có nghĩa là người phụ nữ từ trước đến nay bị coi là yếu kém hơn người đàn ông, bởi vì thực tế là họ đã chẳng làm nên điều gì có ý nghĩa lịch sử cả. Nếu họ làm được như Rosa Luxemburg hay một Marie Curie thì tình hình sẽ đã khác. Trên thực tế họ có khả năng làm được, nhưng do tâm lý, tư tưởng tự ty mà họ không chịu khó phấn đấu mà thôi. Chính do sự lựa chọn chủ quanmà Marie Curie đã làm nên giá trị của mình, đã trở thành nhân cách của mình.
Quan điểm của Simone de Beauvoir có tác dụng chỉ ra cho phụ nữ hiểu được chính mình và đấu tranh để xóa bỏ quan niệm sai lầm của xã hội lấy yếu tố sinh học hay những yếu tố khác để chứng minh tính yếu kém của phụ nữ, đồng thời cổ vũ phụ nữ phấn đấu vượt lên chính mình để làm nên lịch sử.
2.3. Beauvoir nói về sự giải phóng phụ nữ và địa vị bình đẳng của nữ giới
Beauvoir coi việc giải phóng phụ nữ và đấu tranh cho sự bình đẳng của nữ giới là mục đích của cả cuộc đời mình. Bà không bác bỏ những quan điểm và giải pháp hợp lý đã được đưa ra từ các trường phái triết học, nhưng bà coi chúng là chưa đủ và bà nghiên cứu nêu thêm một số quan điểm riêng của chính mình.
Trước hết Beauvoir xem xét vai trò của cách mạng xã hội. Beauvoir công nhận chính cách mạng tư sản Pháp lần đầu tiên trong lịch sử đã công nhận quyền bình đẳng giới và xóa bỏ mọi đặc quyền của nam giới. Cách mạng tháng Mười Nga với Hiến Pháp của Liên bang Xôviết và Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản đã ghi nhận quyền bình đẳng của phụ nữ về chính trị, kinh tế, xã hội. Nhà nước Xôviết đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống của phụ nữ và trẻ em, thừa nhận chức năng làm mẹ là một chức năng xã hội[20]. Tuy nhiên theo Beauvoir, biện pháp chính trị chưa đủ để thực hiện bình đẳng giới. Bà nói: người phụ nữ không được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào người nam “chỉ bằng một lá phiếu trong tay”[i].
Điều quan trọng nhất để giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới là lao động, vì sự phụ thuộc của người nữ vào người nam không chỉ do người phụ nữ không lao động mà còn do sự yếu kém của phụ nữ so với nam giới trong lao động và thu nhập. Bà nói:
“Chỉ có trong lao động mà người nữ mới có thể, trên một qui mô rộng lớn, xóa bỏ cái khoảng cách giữa mình với người nam; chỉ có lao động mới có thể đảm bảo sự tự do cụ thể của người nữ. Cái hệ thống dựa trên sự phụ thuộc của người nữ sẽ sụp đổ ngay sau khi người nữ không còn là kẻ ăn bám nữa; sẽ không còn có cái nhu cầu lấy người nam làm vật trung gian giữa người nữ và vũ trụ. Khi người nữ tham gia lao động sản xuất và hoạt động thì sẽ tìm lại được sự vượt lên của chính mình; sẽ cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với những mục đích mà mình theo đuổi, với đồng tiền và quyền lợi mà mình có được”[21].
Tuy nhiên, trong xã hội tư bản mà bà đang sống, phụ nữ cũng đã được tham gia lao động, nhưng họ vẫn chưa thực sự bình đẳng với nam giới.
Bế tắc trong xã hội tư bản, Beauvoir và cả Sartre đã tìm đến chủ nghĩa xã hội và như Beauvoir tuyên bố, chỉ có trong chủ nghĩa xã hội, sự bình đẳng giới mới được đảm bảo. Tuy nhiên, đó chỉ là về lý thuyết, còn trong thực tế thì lương công nhân, kể cả công nhân nữ ở các nước xã hội chủ nghĩa lại rất thấp; quyền tự do của người phụ nữ vẫn chưa được thực hiện như trong các lời tuyên bố. Cho nên, các nhà hiện sinh tuy có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, nhưng không ai đứng hẳn về phía chủ nghĩa xã hội và đảng cộng sản. Thái độ này cũng giống như của Albert Einstein; ông chứng minh tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản, nhưng không đứng về phía chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Beauvoir cũng bàn vấn đế bình đẳng giới trong tình dục. Tuy nhiên, như bà nói “Trong lĩnh vực tình dục, xuất hiện những vấn đề khó khăn nhất”, vì “Để trở thành một cá nhân hoàn toàn và bình đẳng với nam giới thì người nữ phải được tiếp cận với thế giới nam giống như người nam tiếp cận với thế giới nữ”[25]. Bà muốn nói là người nữ cũng được tự do tìm bạn tình và thực hiện tình dục giống như người nam. Tuy nhiên theo bà, đòi hỏi đối với hai giới trong trường hợp này “không đồng dạng với nhau”. Đối với nữ giới, sự hấp dẫn về giới tính khác với ở nam giới. Ở đây cần phân biệt giới tính nữ với “nữ tính”; Beauvoir chỉ phủ nhận “nữ tính” là những đặc trưng xã hội được áp đặt từ bên ngoài cho người nữ, chứ không phủ nhận giới tính nữ là những đặc trưng sinh học và tâm lý của nữ giới do sự khác nhau về chức năng sinh sản tạo ra.
Theo bà, phụ nữ thì cần chăm sóc cho ngoại hình của mình, do đó nếu họ tham gia lao động như nam giới thì việc chăm sóc này sẽ bị hạn chế rất nhiều. Khi nhận xét về lời khuyên của một người nam: “Nếu các bạn muốn bình đẳng với chúng tôi thì hãy chấm dứt việc đeo đồ trang sức và đánh móng tay móng chân”, Bà nói: “Đây là một lời khuyên ngu ngốc”[26]. Khó khăn thứ hai theo bà là, tâm lý người nam là không thích người nữ chủ động trong vấn đề tình yêu, tình dục; ở đây nếu người nữ giành quyền chủ động thì tính hấp dẫn của nó sẽ không còn nữa. Ngoài ra, cũng có khó khăn trong việc lập ra những dịch vụ tình dục dành cho người nữ giống như việc lập ra các nhà thổ cho người nam. Tóm lại, vấn đề tự do tình dục đối với người nữ được Beauvoir coi là một trong những điều kiện đảm bảo bình đẳng giới bị vướng vào nhiều nghịch lý không thể giải quyết được.
3. Nhận xét và kết luận
Sự phân tích của Simone de Beauvoir về vấn đề “nữ tính”và nguyên nhân bất bình đẳng giới có nhiều điểm hợp lý: Beauvoir thừa nhận nhiều nguyên nhân: sinh học, tính dục, kinh tế, văn hóa, nhưng bà đặc biệt đi sâu phân tích và chỉ ra vai trò của yếu tố tâm lý chủ quan. Trong điều kiện hiện nay, yếu tố chủ quan vẫn còn là trở ngại lớn cần phải được khắc phục. Giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới mà Beauvoir đưa ra có tính toàn diện, trong đó nhấn mạnhviệc thực hiện bình đẳng trong lao động và thu nhập là yếu tố cơ bản nhất. Như vậy, đối với Beavoir, tự do và bình đẳng của phụ nữ không phải chỉ là sự lựa chọn thuần túy trong tư tưởng mà gắn liền với hành động thực tiễn, tức lao động và đấu tranh.
Tuy nhiên, là một nhà hiện sinh chủ nghĩa, Simone de Beauvoir không tránh khỏi những sai lầm khi quá nhấn mạnh yếu tố chủ quan, phủ nhận vai trò của yếu tố khách quan. Tất nhiên, ở đây cái quyết định không phải là yếu tố sinh học hay tính dục, mà chính là yếu tố kinh tế. Do vậy, dù người nữ có cố gắng đến đâu đi nữa, nhưng trong điều kiện một nền kinh tế dựa trên lao động thủ công đòi hỏi nhiều về sức mạnh cơ bắp thì người nữ không thể bình đẳng hoàn toàn với nam giới được. Chỉ có trong một nền kinh tế tri thức khi sự hơn nhau không phải ở sức mạnh cơ bắp mà là ở trí tuệ thì ưu thế của người nam mới không còn nữa. Do có nguyên nhân kinh tế khách quan là chính mà vấn đề bình đẳng giới làmột vấn đề lịch sử, không đơn thuần là vấn đề tâm lý chủ quan.
Vấn đề tự do tình dục do Beauvoir cũng như tất cả các nhà hiện sinh chủ nghĩa và các nhà tự do chủ nghĩa nêu ra bị vướng vào một nghịch lý không thể giải quyết được. Vì trong việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân và xã hội thì hạnh phúc gia đình là cơ sở; nhưng để đảm bảo một gia đình bền vững và thực sự hạnh phúc thì chế độ một vợ một chồng, sự chung thủy vợ chồng, sự giới hạn trong tự do cá nhâncủa mỗi bên là điều rất cần thiết. Do vậy các nhà hiện sinh chủ nghĩa đành phải hy sinh vấn đề hôn nhân và gia đình. Đây là một cách tiếp cận và giải pháp không thể áp dụng cho toàn thể xã hội được.
Tài liệu tham khảo
1. Simone de Beauvoir (1949), Le Deuxième Sexe (2 tomes), Les Éditions Gallimard, Paris.
2. Simone de Beauvoir (2010), The second Sex, translated by Constance Borde and Sheila Malovany-Chevallier, Vintage Books –A division of Random House, Inc., New York.
3. J.P. Sartre (1987), Existentialism and Human Emotions, Citadel Press, Kensington Pubishing Corp. New York.
4. Jean-Paul Sartre (2007), Existence is a Humanism, translated by Carol Macomber, Yale University Press.
5. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 21.
[1]. Simone de Beauvoir (2010), The second Sex, translated by Constance Borde and Sheila Malovany-Chevallier, Vintage Books, New York, p. 402.
[2]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 341.
[3]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.31.
[4]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.25.
[5]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.46.
[6]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.32
[7]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.133.
[8]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.134.
[9]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.155.
[10]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.119.
[11]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.67. Những nghiên cứu về bộ não của Albert Einstein đã chứng minh cho sự đúng đắn của quan điểm Simone de Beauvoir rằng không thể lấy khối lượng tuyệt đối của bộ não để chứng minh cho trí thông minh. Có lẽ vai trò quyết định là cấu trúc của bộ não, không phải là khối lượng.
[12]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.71.
[13]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 83
[14]. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.21. Trong tác phẩm này, Ph. Ăngghen phân tích sự thay đổi vai trò của phụ nữ cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ kinh tế. Trong thời nguyên thủy với những công cụ lao động là đồ đá, vai trò của người đàn ông trong sản xuất không quan trọng. Do người đàn ông phải đi sắn bắt, người phụ nữ đảm nhận mọi công việc của đời sống tập thể. Ngoài ra, trong chế độ quần hôn, người con chỉ biết có mẹ mà không biết người cha của mình là ai. Với những lý do đó, chế độ mẫu quyền là tất yếu. Nhưng khi đồ đồng, đồ sắt ra đời và kết quả tất yếu của nó là chế độ tư hữu và hôn nhân một vợ một chồng, địa vị người phụ nữ bị rơi xuống hàng thứ yếu trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ chỉ có vai trò nội trợ và bị khuôn hẹp trong bốn bức tường của gia đình cá thể. Theo Ph. Ăngghen, điều kiện để giải phóng phụ nữ là sự tham gia của phụ nữ vào lao động xã hội trên quy mô rộng lớn. Điều kiện này do đại công nghiệp đem lại. Đại công nghiệp có nhu cầu thu nhận lao động nữ trên quy mô lớn, đồng thời cũng tạo ra nhiều dịch vụ để giảm bớt gánh nặng nội trợ của người phụ nữ.
[15]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 93. Tất nhiên, Simone de Beauvoir cũng có lý khi cho rằng máy móc không đủ để xóa bỏ được sự bất bình đẳng nam nữ, vì máy móc chỉ là bước đầu, hiện nay nền kinh tế tri thức với việc áp dụng công nghệ tin học và tự động hóa, sự bình đẳng của phụ nữ với nam giới lại càng có được nhiều điều kiện và cơ hội tốt hơn.
[16]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.330.
[17]. Jean-Paul Sartre, Existence is a Humanism, translated by Carol Macomber, Yale University Press, 2007, p. 22.
[18]. J.P. Sartre,, Existentialism and Human Emotions, Citadel Press, Kensington Pubishing Corp. New York, 1987, p.41.
[19]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.184.
[20]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 179, 180.
[21]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 813.
[22]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p. 33.
[23]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.167.
[24]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.814
[25]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.818.
[26]. Simone de Beauvoir, The second Sex, Ibid, p.816.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)