Vì sao sợ về hưu?
Ở các nước tiên tiến, người lao động về hưu có thể sống an nhàn với các phúc lợi do chế độ hưu trí mang lại: lương hưu đủ, thậm chí dư, để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, bao gồm vui chơi, giải trí, du lịch; bảo hiểm y tế cho phép được chăm sóc sức khoẻ trong những điều kiện chấp nhận được. Cuộc sống của người lao động về hưu điển hình ở Việt Nam không được như thế, nếu không muốn nói là rất khó khăn, thiếu thốn.
Nhiều người nói phúc lợi hưu trí cao một phần lớn là nhờ mức thu nhập bình quân cao; xã hội sung túc và đủ khả năng bảo bọc người về hưu bằng các nguồn lực dự trữ của cải vật chất dồi dào của quốc gia. Việt Nam còn nghèo, người công chức, công nhân trung bình lúc đi làm còn chưa đủ ăn, nói gì đến chuyện bảo đảm cuộc sống vật chất bình thường bằng lương hưu.
Nhưng, các nước tiên tiến cũng đã trải qua thời kỳ nghèo khó. Trong thời kỳ đó, người lao động trong trường hợp điển hình sống chật vật cả lúc còn đi làm và lúc về hưu. Điều đáng nói, đồng thời cũng là sự thể hiện dấu ấn tích cực của một chế độ an sinh xã hội được tổ chức tốt, là hầu như không có sự chênh lệch về mức sống, điều kiện sống của người lao động đang làm việc và người lao động hưu trí. Nói khác đi, sự kiện về hưu không gây ra những biến động bất lợi về cơ cấu thu nhập, không làm xáo trộn theo nghĩa tiêu cực đối với sự vận hành của nguồn thu nhập cơ bản của người lao động và không dẫn đến những thay đổi theo chiều hướng xấu đối với hoàn cảnh sống của họ.
Nguồn quỹ để bảo đảm điều này không phải từ trên trời rơi xuống: trong trường hợp người làm công ăn lương, đó trước hết là kết quả đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Việc trích một phần thu nhập của người lao động góp vào quỹ bảo hiểm là phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội, một hình thức tích luỹ hoặc tiết kiệm tập thể trực tiếp từ thu nhập của người lao động. Nghĩa vụ đóng góp của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm, về phần mình, được lý giải bằng nhiều cách: thay một lời cảm ơn dành cho người lao động về lòng trung thành, tận tuỵ; thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với việc gìn giữ những giá trị mà doanh nghiệp đã khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp trong quá trình sử dụng lao động, như phẩm chất nghề nghiệp của người lao động, gia đình hạnh phúc – chiếc nôi nuôi dưỡng và tăng cường sức lao động;... Mức đóng góp của người sử dụng lao động phải thiết thực, nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên cho người lao động khi về già. Theo lộ trình hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội, mức đóng góp này càng lúc càng cao.
Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam không tích tụ được nhiều, dù mô hình đóng góp này cũng được áp dụng. Lý do chính là lương cơ bản thấp, mức trích từ tiền lương để góp vào quỹ bảo hiểm quá khiêm tốn; phần đóng góp của người sử dụng lao động cũng không được bao nhiêu, vì luật không đòi hỏi cao. Chưa nói đến chuyện không ít người sử dụng lao động cố tình găm giữ sồ tiền đáng lý ra phải nộp vào quỹ: họ sẵn sàng trả một khoản tiền phạt chậm nộp, được luật ấn định một cách rất tượng trưng, để có thể sử dụng phần tiền quỹ này như một nguồn vốn kinh doanh bổ sung đến được lúc nào hay lúc ấy.
Vả lại, ai cũng biết phần lớn người làm việc toàn thời gian trong khu vực công không có thói quen (đúng ra là không thể) sống chỉ dựa vào lương. Di sản của thời bao cấp, cơ chế thu nhập phức tạp với vô vàn các thứ bổng lộc có tên và không tên, bổ trợ vào thu nhập chính thức gọi là lương. Chính những thứ đó, chứ không phải số tiền lương còm cõi, là phương tiện sinh sống chủ yếu của người làm việc trong khu vực công, bao gồm cả công nhân, viên chức của các doanh nghiệp quốc doanh, từ rất nhiều năm. Không ít người vẫn sống khoẻ trong điều kiện lương thấp, thậm chí còn sắm được nhà cao cửa rộng, xe hơi,…
Gắn chặt với cương vị đảm nhận, các bổng lộc ngoài lương tự động chấm dứt khi người thụ hưởng rời khỏi vị trí công tác. Không được khai báo và không phải là một phần của tiền lương, những bổng lộc này không được dùng làm căn cứ để ấn định mức trợ cấp cho người về hưu. Bởi vậy, có thể ví việc về hưu của người công chức, trong chừng mực nào đó, như việc trở về với thực tại sau khi tỉnh dậy từ giấc mộng đẹp: mọi thứ phù hoa hào nhoáng đều biến mất, chỉ còn lại một ít đồ đạc khiêm tốn làm hành trang cho phần còn lại của cuộc đời. Không khó để hiểu tại sao sợ về hưu đã trở thành căn bệnh nghề nghiệp của không ít cán bộ, công chức,… cùng với biến chứng của nó là bệnh tham quyền cố vị.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh