Văn hóa ngờ ngợ
Trong quá trình hình thành văn hóa của mỗi dân tộc không thể không nhận thấy ảnh hưởng to lớn của vị trí địa lý, trong đó yếu tố khí hậu là rất đáng kể. Sự ảnh hưởng đó không chỉ liên quan đến những yếu tố vật thể mà còn đặt dấu ấn sâu đậm lên thói quen sống, làm việc, suy nghĩ trong cuộc sống thường ngày của cả cộng đồng.
Dù ảnh hưởng đó có thế này hay thế khác thì bất kì nền văn hóa nào cũng chả thiếu những viên ngọc quí, những nét duyên dáng đáng yêu, nhất là đối với người không trong diện thừa kế nền văn hóa ấy, tức là người ngoại lai. Chẳng hạn như người Đức, cái nét đáng yêu ấy đồng thời kiêm luôn đáng phục đối với chúng ta là thái độ nghiêm túc trong công việc, mà thể hiện rõ nhất là trong nghiên cứu khoa học. Với người Tây Ban Nha, đó là tinh thần sống vui, sống khỏe, rượu vang luôn chảy tràn trong tiếng ghi ta rộn ràng, bên các điệu múa cuồng say. Nhân đây cũng cần nêu lên một nhận xét chủ quan của người viết bài này rằng, hai viên ngọc quí, hai cái nét đáng yêu khác nhau của hai dân tộc cùng chung một sắc tộc da trắng là Đức và Tây Ban Nha, đã tạo nên những khác biệt to lớn về di sản của hai nền văn hóa tương ứng. Trong khi người Đức đóng góp cho nhân loại nhiều tư tưởng triết học uyên thâm, nhiều phát minh khoa học lẫy lửng thì Tây Ban Nha lại tặng cho loài người các món quà thiên về nghệ thuật như các tácphẩm hội họa kiệt xuất, các bản tình ca đắm say, các vũ điệu bốc lửa, và cả những nhà thám hiểm đại dương lừng danh. Hai nền văn hóa ấy đều thuộc vào hàng cây đa cây đề trong bức tranh đầy màu sắc của kho tàng văn hóa nhân loại, và được biết đến từ lâu. Còn nền văn hóa của những dân tộc ít người, thậm chí còn chưa mấy ai biết đến sự hiện diện của họ thì sao?
Thế cả thôi, văn hóa nào cũng chứa những viên ngọc quí, các thói quen đáng yêu như chúng ta đang nói tới. Một lần tôi được xem trên ti vi cảnh quay về một bộ tộc còn sống khá hoang dại trên một trong các hòn đảo của Inđônêxia. Với bộ tộc này, dù ta mới chỉ làm quen qua một vài buổi trên vô tuyến, ta cũng có thể cho rằng, cái nét đáng yêu ấy của họ, có thể là trang phục có một không hai trên trái đất này của những người đàn ông, khi họ không mặc gì trên người, ngoại trừ chiếc lá của một loại cây đặc biệt có hình dáng như một cái ống thuôn dài, cong cong với phần đầu nhọn hoắt như sừng trâu thay cho quần sụt. Mỗi người đàn ông, từ già đến trẻ đều đeo một chiếc ống như vậy, to nhỏ, dài ngắn khác nhau tùy người, tùy theo địa vị và uy tín trước cộng đồng. Nhưng, chúng đều có nét chung: cong như ngà voi, nâu như đánh véc ni, và không được chúc xuống, nghĩa là cái phần cong phải ngang bằng hoặc vượt cao hơn rốn. Cái tư thế khó tin ấy làm cho nó đỡ vướng vào dây dợ, cỏ cây khi chủ nhân của nó đi lại và săn bắn trong rừng, đồng thời tạo cho "bộ trang phục" một nét rất hào hùng duyên dáng, làm nên cái nét đáng yêu của một nền văn hóa chắc chắn còn rất nghèo nàn theo mọi định nghĩa. Đối với nền văn hóa nước ta "già" đến trên bốn ngàn năm tuổi thì ngọc quí có lẽ phải nhiều như sỏi đếm không thể xuể. Xin nói thêm rằng, đã là ngọc quí tức là nét đáng yêu thì nó phải thực sự độc đáo, là của riêng nền văn hóa ấy, không giống một ai, nói theo chính thống là phải đậm đà bản sắc.
Điều quan trọng là ngọc quí đó phải có trong đại đa số các thành viên của cộng đồng, như viên ngọc nằm trong mỗi con trai, nghĩa là nó phải được chia cho mỗi người một cục. Vì lý do ấy, ngọc quí của mỗi dân tộc thường là biểu hiện của một thói quen, một tập tục ăn sâu vào từng người mà gần như không có ngoại lệ. Có một thực tế dễ nhận biết người trong cuộc thường dễ lẫn lộn giữa sỏi và ngọc, tủy thuộc vào bối cảnh. Khi cần "đánh bóng" hay bị kích động họ có thể nhìn đá vôi ra ngọc, còn lúc bình thường họ nói làm gì có ngọc, cứ như là dấu đồ ăn cắp. Đó là lẽ thường tình xảy ra ở mọi nơi, tuy ở ta có nặng hơn, phần nhiều theo thiên hướng đánh bóng". Vì vậy, để khách quan ta cần hỏi người ngoại quốc đã có nhiều dịp tiếp xúc với đồng bào mình, càng ở nhiều nơi nhiều lúc càng tốt.
Một cuộc thử nghiệm nho nhỏ theo hướng đó cho thấy một tỷ lệ kha khá những người được hỏi cho rằng, viên ngọc quí nhất, hay nét đặc sắc nhất của văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam, của các bạn thân thiết và vô cùng đáng yêu Việt Nam (lời của họ), là tác phong ung dung trong khi làm việc và thần thái tĩnh lặng trong lối tư duy. Lúc đầu chúng tôi cũng không hiểu được ngay cái nét đẹp ấy là thế nào. Sau khi hỏi lại nhiều lần, yêu cầu họ giải thích cặn kẽ, kể cả việc nêu ra các ví dụ cụ thể, chúng tôi mới ngờ ngợ được cái điều mà những người ngoại quốc này, những người rất yêu mến và cảm phục con người Việt Nam, đã nói ra. Xin giải thích như sau để mọi người ngẫm nghĩ, và hy vọng đó chính là cái điều họ (các bạn nước ngoài) muốn diễn tả. Bất cứ ai có một chút hiểu biết về võ thuật mới thấy được cái thặng thừa của các bậc đại sư. Các bậc vĩ nhân đó bình thường rất chậm chạp, thậm chí trông như ngái ngủ, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc cấp độ nàng họ có thể giải phóng một năng lượng khổng lồ phi cổ điển, tức là không phải cơ năng, chẳng phải nhiệt năng, mà điện năng cũng không phải nốt. .Với cái xung năng lượng lớn như vậy họ có việc gì không giải quyết được?.
Trước đây, bạn, tôi, và tất cả chúng ta có thể đã ngờ ngợra cái của quí ấy trong mỗi người nhà mình, nhưng mới chỉ dừng ở dạng thô ráp, chưa được triết lý, triết học cho lắm. Cảm nhận thô ráp đó được diễn tả khá đầy đủ bằng cái câu làm chơi ăn thật. Cần phải nói sâu hơn một chút về triết lý của vấn đề này để chúng ta cùng củng cố sự thán phục bản thân đến sát đất. Ngày nay, một số đông những nhà khoa học hàng đầu, trong đó có nhiều người đạt giải Nghẹn ở các lĩnh vực khác nhau, đều tìm được trong triết lý của đạo Phật những vấn đề cốt lõi về nhận thực thế giới vật chất và đời sống con người. Đỉnh cao của sự nhận thức nằm ở trạng thái vô vi, khi đó con người sẽ ngộ ra mọi chân lý ở đời. Đó là trạng thái khi con người trần tục, đa phần cũng là thô tục, gạt bỏ khỏi đầu tất tần tật những gì thuộc về lòng tham, sự đố kỵ để cái tâm trong mình tinh khiết như giọt sương trên đóa sen hồng ở cái thời siêu sạch, khi mà công nghiệp, xây dựng và giao thông còn chưa manh mún. Thật đáng buồn cho con người hiện đại vì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được trạng thái siêu hình kia khi bạn còn tất bật mưu sinh trong cạnh tranh, khi bạn còn trăn trở với quá nhiều câu hỏi tại sao? Xét về bản chất thì con người là lười nhác, nếu có điều kiện sẽ chọn ngay cơ hội "ngồi mát ăn bát vàng". Vì thế, mọi công việc lao động đều là miễn cưỡng, là khổ hình, nếu có ngoại lệ thì đó chỉ có thể là công việc trang điểm cho các thí sinh khác giới của một cuộc thi sắc đẹp toàn cầu. Con người ta chỉ cảm thấy lao động là niềm vui, là hạnh phúc khi họ đạt được trạng
thái coi lao động, dù công việc có nặng nề đến mấy, như một người bạn tâm giao đồng hành tự nguyện, cùng nhau tha thẩn, tay trong tay ung dung thư thái mà không bận tâm đến thời gian trôi chậm hay nhanh. Đó chính là trạng thái làm mà như chơi, chơi mà là làm. Đó là đỉnh Chômôlungma trong nhận thức về lao động, và cũng là đỉnh cao nhất của sự hiệu quả. Chỉ có ít người lẻ tẻ của các dân tộc khác đạt được trạng thái này (và phần lớn những người này làm trong ngành công nghiệp mốt). Thế mà ở ta, gần như tát cả mọi người sống và làm việc quanh năm trong cái trạng thái ấy thì thật là phi thường đến mức phi lí. Một người nước ngoài bất kỳ, lần đầu đến Việt Nam đều có cảm nhận chúng ta làm việc không tích cực, chẳng có hiệu quả, chỉ vì họ mới nhận thức được sự việc qua những biểu hiện không cốt lõi như người mình hay đi muộn về sớm, thích tụ tập trong giờ làm việc, có khiếu vừa làm vừa kể chuyện, nhất là chuyện của người khác, uống nước hơi nhiều mà lại uống làm nhiều bận, có khiếu hài hước nên thường cười như pháo nổ, có thói quen giải lao bằng đọc báo hay vào internet nên tình hình thế giới biết nhiều như chính khách ở các quốc gia khác vậy. Nhưng, cũng chính người nước ngoài đó rồi sẽ ngạc nhiên đến thán phục, nếu anh ta lưu lại đủ lâu để thấy cuối cùng người mình ai cũng hoàn thành tốt hoặc xuất sắc công việc được giao với chất lượng không thể nào thấp hơn loại khá. Mọi người, từ nhân viên cho đến người quản lý, đều thấy hài lòng kết quả làm việc của mình và của đồng nghiệp. Tất cả đều vui, đều thấy vô cùng dễ chịu. Vậy còn đòi hỏi gì hơn thế nữa?
Ngày nay, nhiều người ở các xứ giàu có đã dần tỉnh ngộ một điều: thu nhập tính theo đầu người chưa hẳn đã là thước đo chất lượng cuộc sống. Thực tế ấy đang trở về vị trí đáng có của nó trong đầu của mỗi con người hiện đại. Chúng ta đang góp phần làm cho nó ngày càng sáng tỏ hơn bằng nét văn hóa đáng yêu trong con mắt bạn bè thế giới: sống vui vẻ, làm việc ung dung thư giãn, đến mức ta đi làm mà cứ ngờ ngợnhư là đi chơi. Một khi con người đã đạt được trạng thái "không có việc gì khó", coi lao động chân tay nhẹ như một cuộc dạo chơi, làm việc với một sắc thái ung dung thoải mái luôn giữ được vẻ đẹp cả thần lẫn sắc thì lao động trí óc (tư duy) cũng thanh thản tĩnh lặng là chuyện tất nhiên. Hai cái thói quen đó ắt phải song hành, vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nhau, lâu ngày trở thành một nét văn hóa thống nhất, đẹp lóng lánh của chúng ta. Nói về tư duy cũng nhiều cái cần phải giải thích cho rõ ngọn ngành, trước khi thấy cái hay trong cách tư duy của người Việt, một vốn di sản quí báu của cha ông để lại. Nói cho cùng thì cái mục tiêu cao nhất của nhận thức là có câu trả lời đúng đắn cho các câu hỏi vũ trụ này ra đời như thế nào, con người thoát thai từ đâu.
Câu trả lời có sẵn từ lâu ở dưới dạng các câu truyện cổ tích, trong các kinh Thánh mà bất cứ đứa bé nào biết đọc, và muốn biết thì đều được biết. Nhưng, Đấng Tối Cao - ngưòi tạo ra mọi thứ trên đời này lại là một Nghệ nhân tài ba, giàu tính hài hước. Người đã thổi vào mỗi khối vật chất phức tạp và thông minh, tức con người trần tục chúng ta một sự hoài nghi cùng với một lòng tham cố hữu. Sự hoài nghi làm nó thấy cái gì cũng đặt câu hỏi tại sao. Lòng tham khiến nó, một mặt trở thành nô lệ của các đam mê, mặt khác trở nên năng động, tích cực trong trỏ chơi thế tục đầy tội lỗi, ngụp lặn trong đó với sự tỉnh táo đã bị tước đoạt bởi chính sự tham lam của bản thân mình. Để những kẻ hèn mọn đó đôi khi có được sự tỉnh táo, Thượng Đế cao cả đã tước bỏ sự bất diệt của chúng, thay vào đó là kiếp luân hồi, và cho chúng khả năng tự duy trì một lượng "nhân vật" nhất định trong màn kịch cuộc đời ở mọi thời điểm bằng cách cho chúng một Đam mê gốc rễ, cội nguồn của mọi đam mê tội lỗi khác nhưng đồng thời cũng là đam mê cao cả đối với chúng. Đó là sự đam mê, nhờ có nó mà có được sự trường tồn của một tập hợp các cá nhân không bất diệt, tức là nhân loại. Lòng tham vừa khích bác vừa kích thích tính hoài nghi đến độ làm tan biến đi tính thụ động của con người. Đến lượt nó, cái tính năng động lại giúp con người ngày càng kiếm được nhiều sữa hơn cho kẻ hài nhi luôn đói khát - lòng tham trong nó, và là của nó. Chính cái tính tò mò hoài nghi bản năng đã góp phần chính tạo ra khoa học, còn cái lòng tham cố hữu kết duyên cùng với hậu duệ của tính hoài nghi đã sinh ra kỹ thuật và công nghệ. lòng tham càng lớn, khoa học công nghệ càng phát triển. Chúng là hai đại lượng tỷ lệ thuận.
Chính chúng nó, khoa học và công nghệ, con đẻ của lòng tham và thói tò mò, tạo nên sự sinh động của sự sống trên Trái đất và có thể sẽ dẫn dắt con người đến câu trả lời cuối cùng cho Hai Câu Hỏi Lớn nói trên, nhưng chắc chắn câu trả lời đó sẽ giống hệt câu trả lời mà đứa trẻ lên năm cũng biết từ bà ngoại của nó vào một lần trong những lần nó chui vào chăn ấm và nghe bà kể chuyện. Khoa học là vậy, là con đường dài phức tạp, gian truân mà loài người nhất định phải tạo ra để đi và có thể đến cái chân lý giản đơn, giản đơn đến mức mà nó, con người, hoài nghi không biết đó có là sự thật Vĩ đại hay không?. Tôi có cảm giác rằng, bất cứ ai có được những hiểu biết về vật lý học hiện đại cũng sẽ không ít thì nhiều băn khoăn về nguồn gốc không "thánh thần của thế giới vật chất. Cần phải nói rằng, khi con người đạt đến Câu trả lời bằng khoa học và công nghệ, nói theo cách nói chính thống, hoặc nói theo sự thực trần trụi, bằng cái động cơ là tính hoài nghi được đốt bởi nhiên liệu là lòng tham vô bờ bến, thì cũng là lúc hồi kết của vở kịch nói trên đi vào màn chót, nếu chúng ta không làm cho Người nổi giận để Người hạ màn sớm hơn kịch bản. Tôi có cảm giác rằng, nhũng "tiến bộ" trong công nghệ Sinh học đang đi theo chiều hướng chọc tức Đấng Tối Cao. Hãy cẩn thận hỡi những nhà sinh học. Bây giờ, trước khi nói về triết lý của lối tư duy đại khái, ta bàn qua một chút về những khái niệm cơ bản cần thiết để cho các đàm đạo tiếp theo. Do không phải là một bài viết tổng kết có tính nghiêm túc nên các vấn đề liên quan đến phương pháp luận nghiên cứu khoa học được đề cập ở đây không hẳn đầy đủ, và cũng không thật sự chính xác xét từ góc độ ngôn ngữ khoa học. Quan trọng là chúng ta nắm được bản chất của vấn đề tư duy khoa học và vận dụng vào việc xem xét đánh giá phương pháp tư duy của số đông người nước Nam ta. Nói đến nghiên cứu khoa học là chúng ta muốn nói đến một hoạt động sáng tạo nhằm tìm tòi khám phá những qui luật chi phối sự vận động của thế giới khách quan, qua đó làm phong phú hơn hiểu biết của con người thông qua các tri thức mới, chính xác hóa các ri thức đã có về thế giới xung quanh với mục đích nhận thức và xửlý các hiện tượng hay quá trình xảy ra trong thực tế nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân loại, hay nói theo ngôn ngữ ở phần trên là thỏa mãn lòng tham cố hữu trong mỗi con người. Một nghiên cứu khoa học bao giờ cũng có mục đích cụ thể đặt ra.
Các mục đích đó khác nhau về cấp độ. Có thể nêu lên bốn cấp độ chính. Một là tìm kiếm. Với cấp độ này ta chỉ đi tìm một vấn đề gì đó xem nó có tồn tại hay không trong thực tế. Cao hơn một bậc là mục tiêu mô tả, sau khi ta đã biết hiện tượng nào đó đúng là tồn tại. Ta cần xác định các đặc trưng, các tính chất của nó. Nếu hiện tượng ta quan tâm luôn xảy ra cùng với một số yếu tố nào đó thì dựa vào sự biến động của các yếu tố ấy ta có thể dự đoán chiều hướng phát triển của hiện tượng. Cao hơn cả, nếu ta thiết lập được mối quan hệ nhân quả ở mức định lượng giữa các yếu tố ảnh hưởng với hiện tượng hay quá trình mô ta quan tâm thì ta có thể chủ động điều khiển hiện tượng hay quá trình xảy ra theo chiều hướng có lợi. Đó là mục tiêu kiểm soát trong nghiên cứu khoa học. Nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành dưới dạng kiểm tracác giả thuyết khoa học. Giả thuyết khoa học là một dự đoán cụ thể nào đó về một hiện tượng, một quá trình, một mối liên hệ giữa các yếu tố,...
Để làm rõ một giả thuyết khoa học đúng hay sai người ta sử dụng các đồ phân loại có thể chia thành các phương pháp lý thuyết thực nghiệm, phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp thống kê... Tiếp theo, chúng ta nêu lên một số giả thuyết vui theo kiểu ngờ ngợ để làm minh họa cho các suy luận mà ta muốn đưa ra ở phần cuối khi bàn về lối tư duy đại khái. Từ các quan sát thực tế và từ các số liệu thống kê, bất cứ một người nào hơi có máu tò mò cũng có thể nêu ra một số giả thuyết khoa học như sau. Giả thuyết thứ nhất: Tý lệ đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại, chưa thèm tính đến trọng số, là hàm đơn điệu tăngtheo chiều cao vĩ tuyến. nghĩa là càng lên vĩ độ cao, con người càng có nhiều đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại. Giả thuyết thứ hai: Nhiệt độ và độ ẩm (sau đây để ngắn gọn ta gọi là độ oi) trung bình trong năm là hàm đơn điệu giảmcũng theo chiều cao vĩ tuyến. Giả thuyết thứ ba: cũng như độ ẩm, số lượng ruồi và muỗi trên đầu người giám nhanh theo chiều từ vĩ tuyến 0 đến hai cực. nghĩa là, ruồi và muỗi bu đặc trong vùng lân cận của đường Xích đạo, rồi giảm đi nhanh chóngkhi ta hướng về phía hai cực của Trái đất. Từ các giả thuyết trên ta ngờ ngợ một điều có tính tổng quát như sau: Độ oi trung bình càng thấp (nhưng không đến mức tùy ý), và số ruồi muỗi chia cho một người phải gánh chịu càng ít thì công việc nghiên cứu khoa học càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Kết luận này nếu đem trộn lẫn với kết luận về tính tỷ lệ thuận giữa lòng tham và mức độ phát triển khoa học công nghệ ở trên, thì có thể vẫn đến một khẳng định không chắc chắnlắm rằng, khí hậu càng oi bức, ruồi muỗi càng nhiều thì lòng tham càng giảm. Lại liên hệ với điều khẳng định rằng, khoa học công nghệ đi càng chậm thì màn kịch về sự sống của loài người trên trái đất càng lâu mới bị hạ màn ta có thể suy ra rằng, ruồi muỗi đã đóng góp một phần rất lớn vào sự kéo dài tuổi thọ của loài người nói chung, tuy đối với từng cá nhân thì nó lại có vai trò ngược lại bằng cách gây ra các nạn dịch tiêu chảy và sốt rét. Bây giờ ta có thể hiểu được tại sao chúng ta, người Việt, dưới ảnh hưởng của khí hậu và sự quấy nhiễu của các loại côn trùng, từ bao đời nay đã tạo được cho mình một phong cách tư duy khoa học hết sức độc đáo Như đã biết, nước ta ở trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều (sách địa lý phổ thông). Vì vậy, thời tiết thường oi bức. Ruồi và muỗi là những động vật ghê tởm rất ưa nóng và ẩm, có tốc độ sinh sản cao (sách sinh vật phổ thông). Mặt khác, do thói quen dùng nước mắm, nhất là măm tôm của người Việt nên ruồi lại càng tập trung nhiều ở nước ta. Vì những lí do đó, mật độ ruồi, muỗi trên một mét vuông ở ta cao vào loại hàng đầu thế giới. Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp của độ nóng ẩm cao, ruồi muỗi lắm mà người dân nước ta vốn dĩ có lòng tham vào hàng thấp nhất thế giới, lại sớm ngộ được triết lí sống ung dung thanh thản mà ngươi Nga là dân tộc đầu tiên phát hiện ra sự hiện hữu của triết lý đó chỉ cótrong con người Việt nam nên đã dành tặng riêng cho chúng ta câu ngạn ngữ thể hiện chính xác 100% triết lý cao siêu đó: "Trí se é đét, đan se bú đẹt ", nghĩa là càng đủng đỉnh thì đi được càng xa. Đúng là như vậy, chúng ta rất ung dung trong khi làm việc (như đã phân tích ở phần trên), chúng ta cũng rất thanh thản trong tư duy. Hình ảnh tiêu biểu của một người Việt tư duy có thể vẽ gần đúng như sau. Anh ta hay chị ta áo quần thoáng mát, không câu nệ, ngồi bất cứ ở đâu trên bất cứ cái gì, miễn bên cạnh có ấm nướcchè móc câu đặc sánh, một tay phe phẩy chiếc quạt nan, mắt hơi lim dim như đang đắm mình trong hoài niệm, trên môi thỉnh thoảng nở một nụ cười, nhưng vẫn không quên dõi theo tiếng vù vù của một con ruồi hoặc tiếng vo ve của một con muỗi.
Nhiều khi người tư duy ấy lại ưa nằm trên giường, buông màn để tránh ruồi hay muỗi, ngõ hầu để trí tuệ tập trung hơn. Không biết có phải do ý thức tranh thủ thời gian để tránh nóng, tránh ruồi thường trực trong đầu hay không mà người Việt chúng ta có năng khiếu nắm bắt vấn đề rất nhanh, và vì thế chúng ta cũng vô địch trong việc đưa ra vừa nhanh, vừa nhiều giả thuyết. Nhưng do nóng ẩm, ruồi muỗi nên chúng ta bị cản trở trong việc đi sâu tìm hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề. Vì vậy, chúng ta thường tự giới hạn mình ở các cấp độ tìm kiếm, hoặc cùng lắm là mô tảvấn đề, bỏ qua các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo thường không thích hợp với phong thái thanh thản đến mức tĩnh lặng của người Việt. Nghĩa là chúng ta rất giỏi trong việc ngờ ngợ ra vấn đề, còn việc nghiên cứu sâu đòi hỏi tinh thần đam mê đào bới, tỉ mẩn và kiên trì, thì như chúng ta bây giờ đã biết, không phù hợp với thời tiết nóng ẩm và lắm muỗi nhiều ruồi. Lối tư duy này có thế mạnh là đưa ra được nhiều ý tưởng, và nếu có người nước nào tiến xa hơn trong các ý tưởng đó thì chúng ta vẫn là người khởi xướng. Mà trong khoa học, như mọi người biết đấy, đưa ra ý tưởng mới là quan trọng. Chẳng có bất cứ thứ gì trên đời này mà lại sinh ra không từ cái phôi ý tưởng. Tuy nhiên, một nhược điểm cố hữu và cũng là duy nhất, nhưng rất may không thuộc diện cơ bản của lối tư duy này là giả thuyết đưa ra dễ bị lãng quên, rồi sau một thời gian một người nào đó trong số chúng ta lại đề xuất nó như một giả thuyết mới, do thiếu vắng kết luận cuối cùng về tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đó. Vì vậy, tri thức trong trường hợp này khó bốc lên cao theo kiểu xoáy trôn ốc, mà thường nằm bẹt xuống ở dạng một đường tròn. Tuy vậy, lối tư duy này xem ra là tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nước ta.
Tóm lại, nét đáng yêu của chúng ta chính là cái ngờ ngợ trong cách nghĩ và cách làm. Hay nói cách khác, chúng ta có một nền văn hóa ngờ ngợrất đặc sắc. Để kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn ra một ví dụ vui. Cách đây không lâu, tôi ngờ ngợlà vào năm 2003 hoặc 2004, trên báo Hà Nội mới có đề cập đến một giả thuyết rằng, Rùa Lớn hồ Gươm chỉ là một cá thể đơn lẻ. Tôi cũng không rõ, đây có phải là lần đầu tiên giả thuyết khoa học nói trên được nêu ra hay do vấn đề quá hóc búa nên giả thuyết đó đã không được kiểm chứng rồi bị lãng quên và nó lại được phát hiện thêm lần này nữa. Nhũng người ủng hộ giả thiết "một Cụ Rùa" đã dẫn ra những chứng cứ không thật thuyết phục cho lắm, nên vẫn có không ít người nói ngược lại rằng nhất định phải có đến mấy Cụ. Tuy không thống nhất được về số lượng nhưng cả hai trường phái đều nhất trí gọi Rùa Lớn hồ Gươm là Cụ, vì thứ nhất, xuất phát từ sự tôn trọng Rùa Lớn đã có nhiều trăm năm tuổi, mà điều này không phải bàn cãi vì kích thước khổng lồ của Cụ là một minh chứng hùng hồn cho việc bất cứ phương pháp đo đạc vật lý, hoặc sinh học nào cũng trở nên không cần thiết. Thứ hai, Cụ Rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần của vua Lê Lợi năm xưa nên mới có thêm cái tên là hồ Hoàn Kiếm. Phái "nhiều hơn một"cho rằng, rùa ở Hồ Gươm đã trải qua nhiều thế hệ nên bây giờ chỉ còn một đại diện là rất khó tin. Trong khi đó phái "duy nhất" nói rằng, sở dĩ chỉ có một Cụ Rùa là vì các tấm ảnh chụp những lần Cụ nổi lên cho thấy trên đầu của Cụ luôn có một đốm trắng.
Vấn đề tưởng như đơn giản, hóa ra rất nan giải, mặc dù với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến ngày nay, người ta có thể xác định được từng con rùa biển trong lòng đại dương. Thế mà Hồ Gươm của chúng ta không rộng, nước cũng chẳng sâu. Trong khi các thiết bị dò tìm hiện đại không có tác dụng thì biện pháp thủ công mà ông cha ta thường dùng để bắt cá là bé bờ từng khúc, tát nước từng phần vừa để kiểm tra giả thuyết, vừa tiện thể nạo vét bót bùn cho hồ trong sạch cũng có những rủi ro khiến ta phải thận trọng, chẳng hạn, có thể làm Cụ Rùa bị tổn thương trình be tát. Vì vậy, vấn đề về rùa ở hồ Hoàn Kiếm, lại một lần nữa đành phải bỏ ngỏ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng