Đạo văn trong nghiên cứu

02:28 CH @ Thứ Ba - 10 Tháng Bảy, 2007

Ở nước ta trong mấy năm gần đây, nạn đạo văn được giới báo chí nhắc đến khá nhiều lần, nhưng phần lớn các trường hợp này thường xảy ra trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Còn trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, nếu từ lâu nạn đạo văn có liên quan đến những giảng viên và giáo sư cũng được nhiều nghiên cứu sinh đồn đại qua lại nhiều, nhưng chưa có bằng chứng hiển nhiên, thì gần đây một trường hợp đạo văn cực kì trắng trợn và... thô làm chấn động giới nghiên cứu khoa học Việt Nam, nhất là trong cộng đồng “cư dân” mạng.

Năm 2000, hai tác giả nguyên là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật và một tác giả người Nhật công bố bài báo có tựa đề là “Ship’s optimal autopilot with a multivariate auto-regressive eXogenous model” trong hội nghị về ứng dụng tối ưu hóa tại Nga. Đến năm 2004 bài báo đó được xuất hiện trong một hội nghị cũng về ứng dụng tối ưu hóa tại Nhật nhưng với một tựa đề na ná “An optimal ship autopilot using a multivariate auto-regressive exogenous model” với 10 tác giả từ Việt Nam! Điều khó tin là 99% câu chữ, 100% các số liệu, thậm chí hình con tàu Shioji Maru trong bài báo năm 2004 lấy nguyên vẹn từ bài báo năm 2000.

Thật ra, trường hợp này đã vượt ra ngoài định nghĩa của đạo văn một mức. Có thể nói đây là một “scientific hijack” - tức là chiếm đoạt công trình khoa học. Khi tác giả bài báo gốc liên lạc với các tác giả bài báo năm 2004 để tìm hiểu thêm nguyên do và lời giải thích, thì sự việc rơi vào im lặng. Đạo văn được xem là một hành vi gian lận nghiêm trọng, một hành động không thể chấp nhận được trong hoạt động khoa học, vì nó làm giảm uy tín của khoa học và làm tổn hại đến sự liêm chính và khách quan của nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như công trình nghiên cứu về thương vong trong cuộc chiến Iraq được công bố trên Tập san New England Journal of Medicine (tập san y học số một trên thế giới) vào ngày 24/10/2002 bị rút lại vì tác giả đã giả tạo số liệu và đạo văn. Trong y học, hệ quả của đạo văn đôi khi rất nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân. Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, cộng đồng khoa học còn lập riêng một tập san có tên là Plagiary, chuyên nghiên cứu về đạo văn các trường hợp đạo văn (www.plagiary.org).

Chưa ai biết qui mô của nạn đạo văn trong khoa học như thế nào, nhưng một vài nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng này khá phổ biến. Theo tập san Nature, trong một số ngành khoa học, nạn đạo văn (kể cả tự đạo văn) có thể lên đến 20% trong các bài báo đã công bố. Hai tác giả Schein và Paladugu truy tìm 660 bài báo đã công bố trên 3 tập san hàng đầu trong ngành phẫu thuật và phát hiện khoảng 12% bài báo có cấu trúc giống nhau, 3% sử dụng từ ngữ hoàn toàn giống nhau, và khoảng 8% sử dụng từ ngữ rất giống nhau. Hai tác giả còn phát hiện khoảng 14% các công trình nghiên cứu này thuộc vào loại “tự đạo văn” hay “tự đạo số liệu”. Rất nhiều trường hợp đạo văn được kết cục một cách bi thảm, và trong nhiều trường hợp sự nghiệp của thủ phạm đều tiêu tan. Cách đây trên 20 năm, một vụ đạo văn làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí của Úc, vì thủ phạm là một giáo sư cấp cao thuộc Đại học LaTrobe (Úc). Giáo sư Ron Wild là một nhà xã hội học, tác giả của nhiều cuốn sách và công trình khoa học, một nhân vật thuộc vào hàng “cây đa cây đề” trong chuyên ngành. Năm 1985 ông xuất bản một cuốn sách thuộc nhập môn xã hội học (“An Introduction to Sociological Perspectives”, Nhà xuất bản Allen & Unwin). Chỉ vài tuần sau khi xuất bản, nhiều nghiên cứu sinh của chính ông và các giáo sư khác phát hiện rằng có rất nhiều đoạn văn trong sách được lấy từ các bài báo khoa học của các tác giả khác nhưng ông không hề ghi nguồn hay ghi chú rõ ràng. Nhà xuất bản Allen & Unwin quyết định thu hồi cuốn sách, Đại học La Trobe mở cuộc điều tra và bắt buộc ông phải từ chức.
Ở Mĩ có cơ quan Office of Research Integrity (ORI, tạm dịch: Nha liêm chính trong nghiên cứu) chuyên điều tra và giải quyết các vấn đề đạo văn và vi phạm khoa học.
Năm 2004, một trường hợp đạo văn gây sự chú ý trong giới khoa bảng vì thủ phạm là một giáo sư thuộc một Trường Đại học danh giá nhất thế giới: Đại học Harvard. Sultan là một giáo sư miễn dịch học tại trường Y thuộc Đại học Harvard đạo văn từ 4 bài báo của các nhà khoa học khác, và bị phát hiện khi bài báo của ông được bình duyệt. Sau khi điều tra, ông bị cấm không được làm phản biện và bình duyệt các báo cáo khoa học trong vòng 3 năm. Tất nhiên, sự việc cũng gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Một trường hợp gần đây nhất cũng làm xôn xao dư luận báo chí vì thủ phạm là một sinh viên trẻ thuộc Trường Đại học danh giá nhất thế giới và cũng xảy ra tại Đại học Harvard. Kaavya Viswanathan là một sinh viên gốc Ấn Độ, 19 tuổi, có tài viết văn, và được xem là một ngôi sao đang lên với đầy triển vọng qua cuốn tiểu thuyết “How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, and Got a Life”. Nhưng ngay sau khi xuất bản, người ta phát hiện cuốn tiểu thuyết có nhiều đoạn “trùng hợp” hay lấy từ hai cuốn tiểu thuyết “Sloppy Firsts” (in năm 2001) cuốn “Second Helpings” (in năm 2003) của Nhà văn Megan F. McCafferty. Hệ quả là cô nhà văn trẻ tuổi này mất một hợp đồng 500.000 USD với một nhà xuất bản khác, và không cần phải nói thêm, sự nghiệp viết văn của cô coi như chấm dứt.

Ở nước ta hình như Nhà nước vẫn chưa có một chính sách để giải quyết các trường hợp đạo văn hay vi phạm đạo đức khoa học. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nước ngoài cung cấp cho chúng ta một số bài học về cách thức giải quyết vấn đề cho các Trường Đại học ở nước ta. Bộ khoa học và Công nghệ cần phải có một đơn vị để đối phó và xử lí với các trường hợp gian lận trong khoa học. Trong mỗi Trường Đại học hay viện nghiên cứu cần phải có một ủy ban đạo đức khoa học (mà tiếng Anh hay gọi là Ethics Committee) để giải quyết bất cứ tố cáo nào liên quan đến các hành vi liên quan đến những sai lầm, ngụy tạo, gian trá và đạo văn trong khoa học. Theo kinh nghiệm từ nước ngoài, ủy ban này bao gồm các nhà khoa học từ nhiều ngành chuyên môn khác nhau và một số nhà khoa học từ các Trường Đại học bạn. Điều quan trọng là ủy ban đạo đức khoa học phải độc lập với ban lãnh đạo Trường Đại học.
Khi một trường hợp gian lận khoa học xảy ra, ủy ban đạo đức khoa học cần phải hành động ngay, tức là mở cuộc điều tra, lắng nghe ý kiến của tất cả các thành phần liên quan đến vấn đề, và giải quyết nhanh chóng. Không nên chờ hay kéo dài thời gian mà hậu quả là cả người tố cáo lẫn người bị tố cáo đều bị tổn hại uy tín, và trường cũng bị mang tai tiếng. Do đó, cần phải dứt khoát giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt để tất cả mọi bên có thể tiếp tục công việc của mình. Cần phải dạy cho học sinh, sinh viên phân biệt được đâu là đạo văn, và đâu là trích dẫn. Có nhiều trường hợp đạo văn xảy ra ở sinh viên châu Á, khi được hỏi thì họ thường nói là vì họ kính trọng tác giả nên mới trích dẫn! Đó là một cách biện minh không thể chấp nhận được. Do đó, chúng ta cần phải thêm vào phần đạo đức khoa học trong chương trình đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh. Thật ra, ngay cả học sinh tiểu học và trung học cũng phải được dạy rằng mượn ý tưởng và từ ngữ của người khác thì phải ghi rõ hay xin ghi ơn (acknowledgement), không có chuyện “xỏ nhầm giày” được.

Một yếu tố căn bản, bao quát để giải quyết tận gốc nạn đạo văn, hay rõ hơn là “đạo” tri thức ở nước ta, là cần cải tổ từ hệ thống giáo dục: từ cấp trên, đến tư liệu giảng dạy, đến hình thức giảng dạy ngay từ bậc tiểu học. Ví dụ: đại đa số, nếu không nói là tất cả sách giáo khoa giảng dạy ở Việt Nam không hề có một tài liệu tham khảo nào, nhưng có nhóm tác giả. Không thể nói tri thức trong mỗi cuốn sách giáo khoa đó là tài sản trí tuệ của nhóm tác giả soạn sách được, và nếu không có trích dẫn tài liệu tham khảo, đó chính là đạo văn. Cách thức giảng dạy ở Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa có thay đổi theo cách “thầy đọc, trò chép”, đây là một hình thức hướng dẫn đạo văn vô tình. Khi trò trả bài hoặc làm bài thi mà không viết đúng ý thầy hoặc nguyên văn lời thầy giảng, thì bài thi không đạt; ngược lại để đạt tức là đạo văn! Đạo văn cần phải được coi là một chuyên đề giảng dạy chính thức trong các trường học, mức độ nâng dần theo bậc học; nó được coi như là một bài học đạo đức chống lại hành vi ăn cắp, mà ở đây là ăn cắp ý tưởng, ăn cắp tri thức, và cũng phải được xử lí không khác gì ăn cắp vật chất.

Hơn 20 năm về trước, AlGore, lúc đó còn là một thượng nghị sĩ (và sau này là Phó tổng thống Mĩ) chủ trì một cuộc điều trần về gian lận trong khoa học, nhận xét: “Nền tảng của nghiên cứu khoa học dựa vào sự tín nhiệm của quần chúng và liêm chính trong hoạt động khoa học”. Câu phát biểu này có tính phổ quát, và có thể thích hợp cho bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học tại bất cứ nước nào, kể cả ở nước ta.

Đạo văn cần phải được coi là một chuyên đề giảng dạy chính thức trong các trường học, mức độ nâng dần theo bậc học; nó được coi như là một bài học đạo đức chống lại hành vi ăn cắp, mà ở đây là ăn cắp ý tưởng, ăn cắp tri thức, và cũng phải được xử lí không khác gì ăn cắp vật chất.

Thế nào là đạo văn?

Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc. Gần đây, một hình thức đạo văn khác xuất hiện được giới khoa học đặt tên là tự đạo văn (self plariagism). Tác giả công bố một bài báo khoa học như là một công trình nghiên cứu mới, nhưng thực chất là “xào nấu” dữ liệu của nghiên cứu cũ của mình đã từng công bố trước đây.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: