Tuy Lý Vương - Thi Sĩ Tàu

10:39 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Hai, 2016

Văn như Siêu, Quát, vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy, thất Thịnh Đường.

Người ta nhắc đến hai câu thơ này đã bao nhiêu lần, một cách hả hê lắm. Sở dĩ người ta có thế hả hê được, là vì người ta không chịu nghĩ một chút nào, cũng như người ta nói đến hai hàng bia Văn Miếu mà không thấy đó là hai hàng bia mỉa mai.

Trong những tập văn sử hay trên các báo chương, người ta vẫn thường nói đến ông Hoàng Tuy Lý. Bảo rằng đó là một ông hoàng, thì tôi không cãi được; bảo rằng đó là một bậc đức hạnh đáng khen, tôi cũng xin vâng. Nhưng nói đến văn nghiệp của Tuy Lý vương, thì hãy cho phép tôi do dự.

Tuy Lý vương, nhà thi hào làm mất cả thời Thịnh Đường? Có lẽ, có lẽ lắm. Nhưng dường như thời Thịnh Đường ở bên Tàu thì phải. Vậy thì ông Tuy Lý vương ấy có can hệ gì đến tôi, người Việt Nam? Với tôi, với văn học Việt Nam, Tuy Lý vương chỉ là “thi sĩ củ khoai” mà thôi! Chỉ là một bác thợ thơ tài cũng bé như cái củ khoai, không hơn không kém. Nghĩa là người ta có thể vứt đi như vứt một cái củ khoai, chẳng thiệt thòi gì cho văn chương Việt Nam.

*
* *

Thực thế ư, Tuy Lý vương là một bậc thi hào? Xin người ta đừng nhắc điều ấy mãi mà tôi thêm tiếc. Nếu quả thực Đức Ông là một thì tài lỗi lạc, thì Đức Ông đã gánh vàng đổ xuống sông Ngô. Sao ông không thương đến con cháu là chúng tôi bây giờ, nỡ lòng đem tài hoa của mình phụng sự văn chương ngoại quốc?

Ông giỏi giang đến thế, ông giầu có đến thế, mà ông đành tâm vứt cái tài của ông vào trong những bài thơ chữ Hán, những bài thơ mà người Việt - và cả người Tàu nữa - chẳng biết dùng để làm gì.

Nếu ông làm thơ Việt Nam, thời chúng tôi bây giờ đã có một Tuy Lý vương, đã được ngâm ngợi những lời thơ tao nhã, đã được thường thức một cái văn tài. Nếu ông bỏ cái học mượn của ông đi, chăm chú đến cái học thưc là tiếng Việt Nam mà ông nói với con, với vợ, với cả vua Tự Đức nữa, thì bây giờ chúng tôi đã khỏi ân hận. Nếu ông đừng chê tiếng của mẹ ông, thì văn chương Việt Nam có thể hay hơn văn chương Tàu, vì trong thơ Việt Nam, làm bằng tiếng Việt Nam, cái thi tử lại dồi dào tao nhã hơn thơ Thịnh Đường nhiều lắm. Nếu... nếu... nếu quái gì nữa! Tuy Lý vương ngài đã trót làm thơ Tàu mất rồi!

*
* *

Bây giờ những lời châu ngọc của Tuy Lý vương xếp xó vào chỗ nào? Sang bên Tàu, chúng ta sẽ tìm thấy những bài thơ thất Thịnh Đường của Tuy Lý vương chăng? Hay là thơ của ngài chỉ để cho mọt nó ăn, và cả đến con cháu ngài, e cũng chả hiểu ngài định nói gì trong cái thơ chữ Hán đó. Công trình của ngài đã là công cốc, ngài đã phí thời giờ bóp đầu nặn trán để sinh ra những bài thơ giả, tiêu bên nước Nam chẳng được, mà đem sang nước Tàu, người Tàu cũng cóc cần. Ôi! Chúng ta đã mất Tuy Lý vương! Tuy Lý vương là một đứa con hoang vô thừa nhận. Thơ của ngài không gốc rễ, cái thi tài của ngài, nếu thực lộng lẫy, thì cũng lộng lẫy trong hư vô. Nước Việt Nam đã báo thủ những kẻ khinh tiếng Việt Nam. Vả dù cho ai có đào lịch sử lên để viết ký sự, hay còn sót một ông đồ nào nhắc thơ túy lúy, thì người Việt Nam cũng chẳng dư trí nhớ để nhớ một thi sĩ Tàu mà chính người Tàu cũng chẳng thèm nhìn.

Ai mượn các ông Đặng Đức Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương làm mất nhà Tiền Tấn và đời Thịnh Đường?

Các ông làm mất nước Tàu đâu chẳng thấy, chỉ thấy các ông làm mất tiếng Việt Nam. Các ông có vàng mà chẳng tô cho cái nhà quốc ngữ đơn sơ, lại đem dâng công cho một cung điện đã quá giầu, quá sang là tiếng nước Tàu. Sao chúng ta không biết học tiếng ngoại quốc vì tiếng Việt Nam? Được thế thì đâu đến nỗi văn chương Việt Nam còn ít ỏi, nghèo nàn như thế này. Chúng ta đã giấu không biết bao nhiêu là bậc kỳ tài và bao nhiêu ông trạng nguyên xưa đã được ghi tên vào văn học sử.

Trong đôi bài văn thơ chữ nôm, thần Siêu, thánh Quát đã tỏ cho ta thấy những đặc điểm rất hay. Nếu cả tác phẩm của hai người đều viết bằng tiếng Việt Nam cả! Nếu hai nhà vương kia, hai nhà thì bá kia cũng đều chịu nôm na mách quẻ! Nêu vua Tự Đức cũng hiểu cái quan hệ của tiếng nước nhà!

*
* *

Ôi! Có lẽ chúng ta đều là người mất gốc cả. Mấy nghìn năm, chúng ta đã tưởng chữ Tàu là tiếng của ta, và bây giờ, chúng ta cũng đang tưởng những điều tương tự như thế. Thôi, hai câu ngự thi kia, để làm gì nữa? Phải thay đi như sau này, họa chăng mới đúng:

Văn như Siêu, Quát, vô Nam Việt!
Thi đáo Tùng, Tuy, thất Việt Nam!

Văn mà cứ viết chữ Hán, thơ mà cứ làm chữ Tàu như kiểu Siêu, Quát, Tùng, Tuy, thì chỉ tổ mất tiếng Việt Nam mà thôi! Và, thưa các bậc kỳ tài làm văn, làm thơ tây, từ này đến giờ tôi chưa nói mất lòng các ngài, nhưng chắc các ngài cũng khá thông minh để hiểu rằng sở dĩ tôi cãi kịch liệt về Tuy Lý vương, là cố để cho các ngài tự ngắm các ngài một chút.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tình là cái tình chát

    24/02/2016Tạp văn Nguyễn Trương QuýYêu qua mạng thì có gì mà phải rộn? Mười năm qua, tiến bộ về Internet và các dịch vụ trên mạng đã phát triển không ngừng. Hãng Yahoo lừng danh với phần mềm chất của mình đã làm lễ kỷ niệm 10 năm với nỗi lo bị các hãng khác cạnh tranh. Chát chít với hẹn hò nhau trên cõi ảo đã thành miếng đất hấp dẫn các nhà lập trình. Còn với dân văn phòng, đường yêu đương đã được mở rộng với những kênh thông tin hơn hẳn các cách thức cổ truyền...
  • Cái học quẩn quanh

    09/02/2016Xuân DiệuCái học mới ta chưa lĩnh hội được bao nhiêu, ta chưa tạo ra được máy móc gì, mà đúng một cái, chúng ta đã trở về với “trời bến Phong Kiều” hay “thu sông Xích Bích”. Phong Kiều hay Xích Bích đi nữa, thì chúng nó cũng chẳng phải là Hoành Sơn hay Nhị Hà! Mới trở lại học chữ Hán được vài năm, mà ta chui ngay vào cái vòng nô lệ cũ...
  • Hàng bia Văn Miếu

    02/02/2016Xuân DiệuƠ kìa, bạn ở Hà Nội mà không biết trong Văn Miếu có hai hàng bia, khắc tên các vị khoa giáp ngày trước?
  • Mặc cảm - Tha hóa - Phân thân trong tâm lý người cầm bút

    13/01/2016Vương Trí NhànỞ nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo. Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần. Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Chékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa...
  • Một số tờ báo tiêu biểu từ khởi thuỷ đến năm 1945

    09/01/2016Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí Việt Nam cũng đã có những bước phát triển kỳ diệu. Đến nay, cả nước đã có 524 cơ quan báo chí với 650 ấn phẩm báo chí, 50 đơn vị báo điện tử và hơn 10.000 người được cấp thẻ nhà báo đang hoạt động. Xin giới thiệu một số tờ báo tiêu biểu từ khi báo Việt Nam mới bắt đầu hình thành đến năm 1945.
  • Công danh với sự nghiệp

    17/12/2015Xuân DiệuNước Việt Nam ta lụn bại vì công danh. Người Việt Nam hàng nghìn năm cho đến nay, hiểu lầm hai chữ công danh. Đang lúc các bạn thiếu niên nhiều người có ý ngóng ngóng chờ chờ đi học trở lại, đang lúc sắp mở một kỷ nguyên mới cho nước ta và cho nền giáo dục Nam Việt, tôi tưởng không gì cần thiết bằng bản rõ cùng các bạn đi học, về cái công danh...
  • xem toàn bộ