Từ một cuốn sách nói về một loại sách
Phủ nhận cuộc sống, khinh miệt con người, phản thùng chính bản thân mình trước đây, những cuốn sách, những bài báo kiểu như thế đã làm ô nhiễm không khí xã hội, ly tán tình người, khiến trong không nhìn mặt nhau, ngoài nhìn vào khinh lây người tử tế...
Gần đây có một cuốn sách thuộc loại best seller (bán chạy) do một người Việt viết về một người Việt, tự truyện của một nghệ sĩ. Sách vừa in ra đã bán hết, sau đó nhanh chóng được nối bản đâu như cả thảy trên vạn bản, nhưng vẫn không thỏa mãn được thị trường. Cùng với sách là những bài báo, có lẽ đến vài chục bài báo được tung ra với những người viết phần nhiều thuộc loại “người của công chúng”, vì thế không chỉ sách bán chạy mà cả báo cũng bán chạy. Sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng có thể do chất lượng nghệ thuật của tác phẩm rất cao cũng có thể do những yếu tố ngoài nghệ thuật như: nội dung liên quan đến đời tư của những nhân vật nổi tiếng; do thỏa mãn được một thị hiếu nhất thời; do nghệ thuật quảng cáo; do được báo chí “lăng xê”… Nhưng sở dĩ có cái để bàn vì trong số khá nhiều những bài báo chủ yếu là nói chuyện riêng của mình, đưa ra ý kiến riêng của mình, ít liên quan đến cái chung (giống như nội dung cuốn sách vậy!) hoặc đơn giản chỉ nhằm kích thích thêm trí tò mò của người đọc để bán báo, có một bài báo của một nhà văn động chạm đến chuyện nghề, chuyện về loại sách tự truyện. Và những điều sau đây là nhân sự xôn xao xung quanh một cuốn sách mà bàn về một loại văn xuôi chứ không định bàn về cuốn sách đó. Ai cũng biết là có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới được tác giả sử dụng chính những chất liệu thật của đời mình để viết. Những tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn này nhiều không sao kể hết, nhưng cứ lấy ra tiểu thuyết bộ ba của M. Goócki, tiểu thuyết bộ ba của J. Valex, tiểu thuyết “Thép đã tôi như thế đấy” của Ôxtơrốpxki và ngay ở Việt Nam, “Sống mòn” của Nam Cao, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng làm thí dụ. Những tác phẩm văn học này ngoài sức hấp dẫn giống như mọi tác phẩm văn học khác còn chinh phục bạn đọc mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn vì người đọc được tin rằng những nhân vật trong sách có thật ngoài đời, không phải hoàn toàn do hư cấu (bịa ra) mà có. Tương tự như vậy là hồi ký, ghi chép, nhật ký nhưng so với tự truyện hoặc tiểu thuyết mang tính tự truyện, các loại vừa kể ít các thủ pháp văn học hơn nhưng bù lại, nó lại gần với sự thật hơn. Như vậy, đúng như nhà văn nọ nói, tự truyện và mở rộng ra là hồi ký, ghi chép, nhật ký là một loại văn rất đáng có nhưng lâu nay lại ít người viết và có người viết thì cũng ít được dư luận chú ý. Ở một đất nước như nước ta, ở một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng như chúng ta vừa sống và đang sống, số phận của mỗi con người, mỗi gia đình đều hàm chứa chất nguyên mẫu cho những cuốn tiểu thuyết bề thế. Hơn nữa, xu hướng đọc hiện đại ngày càng muốn nhà văn thay vì hư cấu theo chủ quan là nên hướng sự sáng tạo của mình vào việc quan sát, lựa chọn và miêu tả thật chân thực những gì vốn có trong nhà văn, trong cuộc sống. Nhưng tôi cũng khó đồng tình với nhà văn nọ khi ông (không biết vì lý do gì) cho rằng khi đọc một cuốn tự truyện, chỉ nên coi nhân vật trong đó là nhân vật văn học, như mọi nhân vật văn học, đừng nhầm lẫn nhân vật văn học với nhân vật báo chí và vì thế đừng đối chiếu nó với nguyên mẫu ngoài đời. Thực ra, sức hấp dẫn của tự truyện, hồi ký là ở chỗ người ta tin những cảnh huống, những nhân vật trong đó tuy có sửa sang, xén tỉa chút ít nhưng là có thật ngoài đời. Biến một nhân vật “gần như nguyên mẫu” thành một nhân vật hoàn toàn hư cấu, nhân vật có thật mà bắt người đọc không được xem là có thật là tước đi gần hết cái duyên của loại văn tự truyện. Bởi thế, dù tự viết hay kể cho người khác viết, người công bố tự truyện, hồi ký cũng nên nghĩ rằng chỉ nên đưa ra những cái của riêng mình nhưng có ích không chỉ cho riêng mình. Tuy nhiên, có một hiện tượng không mấy vui và ngày càng khiến người đọc nghi ngờ những cuốn sách loại này, đó là trong những cuốn sách đó có khá nhiều những chi tiết không xác thực mang mục đích vụ lợi. Tệ hơn, một số người còn kể những chuyện, những suy nghĩ của mình trong một bối cảnh nào đó (cũng không ai có thể kiểm chứng được) để phủ nhận cuộc sống, khinh miệt con người, phản thùng chính bản thân mình trước đây. Những cuốn sách và nhiều khi là cả những bài báo “nói lên trời” như thế đã làm ô nhiễm không khí xã hội, ly tán tình người, khiến trong không nhìn mặt nhau, ngoài nhìn vào khinh lây người tử tế. Có điều cần nói thì nói lúc người ta còn sống đừng chờ khi người ta chết mới nói. Có điều muốn nói nhưng nên nghĩ xem nói ra được mình, liệu có mang nỗi đau không đáng có đến cho người khác. Bởi vì văn chương đích thực chỉ phanh phui cái xấu vì cái tốt, chỉ miêu tả mặt trái của cuộc đời, phía tối của con người khi điều đó khiến người ta tin vào sức mạnh của cái thiện, tin vào khát vọng vươn ra ánh sáng của con người hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường